Phát hiện báu vật trị giá 1,7 tỷ đồng trong ruột lợn

2015-12-23T0737+07:00

Một người dân ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc mới đây đã phát hiện một vật thể lạ trong quá trình mổ lợn. Vật thể này được trả giá lên tới 500 nghìn tệ (tương đương 1,7 tỷ đồng).

Gia đình anh Lý Kim Diễm, sống tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc nuôi lợn đã nhiều năm nay. Mới đây, trong một lần mổ lợn để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán, anh Lý đã phát hiện một vật thể lạ có cấu tạo mỡ trong ruột của con lợn.
Vật thể lạ nặng khoảng 100 gr, có hình dạng gần giống một quả trứng lớn nhưng nhìn bề ngoài lại như một miếng thịt mỡ. Do không biết là vật gì nên anh Lý đã cất nó vào tủ lạnh.


Vật thể lạ mà anh Lý tìm thấy trong ruột lợn.

Vì quá tò mò, người đàn ông Trung Quốc đã đem vật lạ ra ngắm nghía và dùng dao bổ đôi. Bên trong "quái trứng" này không phải là thịt hay mỡ như anh Lý tưởng tượng, mà lại có nhân màu vàng xanh giống như lòng đỏ trứng vịt muối. Vật thể này rất nặng mùi, giống như đã được ngâm thuốc bắc lâu ngày.

Sau khi anh Lý chụp ảnh vật thể lạ gửi đi khắp nơi, các cư dân mạng đều cho rằng vật thể lạ này chính là Trư Sa. Nhiều người thậm chí còn khen anh may mắn vì đã tìm được một vật giá trị.

Có 6 người đã liên hệ với anh Lý để hỏi mua "quái trứng", trong đó có 1 người trả giá tới 500 nghìn tệ (tương đương 1,7 tỷ đồng). Tuy nhiên, anh Lý hiện vẫn chưa chuyển nhượng vật thể lạ cho bất kỳ người nào.


Bên trong vật thể lạ có nhân màu xanh.

Một giáo sư công tác tại Viện y học động vật thuộc Đại học Nông nghiệp Tứ Xuyên tình cờ xem bức ảnh về “quái trứng” của anh và nhận định đúng là Trư Sa.

Trư Sa trong dân gian còn được gọi là Trư Bảo, được kết tụ trong cơ thể con lợn và trong cơ thể một số gia súc khác cũng có hiện tượng này như trâu, ngựa. Thời gian sinh trưởng càng dài thì hình dạng vật thể được kết tụ càng lớn, giáo sư này cho biết.

Theo dân gian Trung Quốc, Trư Sa có công dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu đàm, an thần, trị mất ngủ, hôn mê, động kinh và nhiều lợi ích khác.

Trong các tài liệu y học cổ có ghi chép rất nhiều về Trư Sa. Tuy vậy, y học Trung Quốc hiện đại vẫn chưa có nhận định chính thức nào về công dụng của loại vật thể này.
Đăng Nguyễn