Chúng ta đang nợ các bậc tiền nhân nhiều lắm!

05:10 PM - 22/12/2015 Thanh Niên Online Hành Thiện




Mỗi bia mộ của các liệt sĩ ở nghĩa trang Hàng Dương như một cột móc biên cương - Ảnh: Chí Nhân

Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo) đêm đêm sáng rực nến và đỏ hương. Dòng người vẫn đổ về nơi xa xôi này để tưởng nhớ...


Mới đây, tôi có dịp được tới Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hòn đảo nằm hơi xa đất liền, vốn là nơi " đi dễ khó về" với người yêu nước năm xưa. Nơi đây lưu giữ xác thân của hơn hai vạn người yêu nước cùng các chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất. Nơi khắc dấu những tội ác kinh hoàng của đế quốc Pháp và Mỹ đối với những người yêu nước bị chúng tù đày, kìm kẹp trong suốt 113 năm chiếm đóng.

Tôi thắp hương cho các vị tử tù đã hy sinh oanh liệt bởi chế độ lao tù khắc nghiệt và tàn bạo như thời trung cổ mà lòng nghẹn ngào khó tả.

Có lẽ, trên dải đất Việt Nam này với hàng vạn nghĩa trang liệt sỹ lớn, nhỏ sẽ không thể có một nghĩa trang nào đêm đêm lại sáng rực nến và đỏ hương như ở Kỳ đài Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo và ngôi mộ liệt sỹ Anh hùng Lực lượng vũ trang Võ Thị Sáu (mọi người thường gọi là Cô Sáu.

"Núi Côn Lôn được pha bằng máu/ Đất Côn Lôn năm sáu lớp xương người/ Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời/ Mỗi tảng đá là một trời đau khổ"..."

"Nghĩ địa Hàng Dương vùi chôn bao số phận/ Hết lớp này, lớp khác dập lên trên/ Mặt phẳng lì, không mô đất nhô lên/ Không bia mộ, không tên và không tuổi..."

Nghĩa trang Hàng Dương năm xưa là như thế!

Còn hôm nay, nơi đây lại có nét khác so với nhiều nghĩa trang mà ta thường thấy. Rất sâu lắng, xưa cũ và thâm nghiêm với những viên đá thô ốp trên mộ mà không hề có khuôn mẫu nào. Song, xem ra lại rất hợp với cảnh quan tôn nghiêm chốn này.


Nghĩa trang được lắp hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời và đủ dùng quanh năm nên nghĩa trang về đêm càng trở nên ấm áp và không cô quạnh chứ chưa cần tới hiện tượng độc đáo về đêm nơi đây mà tôi vừa nêu.

Tôi được nghe bè bạn đi thăm Côn Đảo trước đó và người dân nơi đây kể lại: Cũng đã vài ba năm nay, cứ khoảng 23 giờ khuya trở đi đến 1 - 2 giờ sáng, dòng người đến khu mộ đông đến kỳ lạ. Người ra trước nói lại với người ra sau, dần dần người đến viếng về đêm trở nên đông đúc.
Đêm nào cũng có vài ba trăm người tới thắp hương. Thật không thể tin nổi nếu chúng ta chưa đến đó một lần.

Để lý giải cho điều này sẽ có người cho rằng đó cũng là chuyện tâm linh. Người ta không quên truyền lại nhau câu chuyện về sự linh thiêng của người liệt nữ chết trẻ Võ Thị Sáu. Nếu chúng ta đến với tấm lòng thành kính, tưởng nhớ Cô Sáu cùng những người đã khuất một cách chân thành, tôi nghĩ đó là điều đáng trân trọng, thể hiện sự biết ơn với người đã khuất.

Song nếu như chỉ vì cho rằng Cô chết trẻ nên rất linh, có thể cầu Cô ban cho điều mình muốn, nào là làm ăn phát đạt để nhanh giàu có, chóng lên chức để có nhiều bổng lộc này nọ thì hình như đã có gì mê tín dị đoan? Chúng ta vô tình đã và đang làm Cô phật lòng rồi.

Nhiều người mang đến mộ Cô những mâm cỗ mặn rất hoành tráng để mong Cô phù hộ cho điều nọ, điều kia thì xem ra họ đang làm một điều thật không nên. Đành rằng, đó là quyền của mỗi người chúng ta. Song không lẽ trong nghĩa trang kia chỉ có mình Cô?

Lẽ ra, đây là nghĩa cử thể hiện tinh thần yêu nước, biết ơn những người vì đất nước đã phải nằm xuống nơi xa xôi này. Chúng ta đang làm cho những vong linh người đã khuất còn lại nơi đây buồn thêm.
Cách đây không lâu, nguyên Bộ trưởng Công nghiệp Đặng Vũ Chư có nói về câu chuyện này bằng một tâm trạng không vui khi ông đến Côn Đảo. Ông bảo: Mộ liệt sĩ Võ Thị Sáu nằm ở khu B2.

Ngay cạnh đó không xa là khu A, có cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong, có nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh... nằm đó. Cụ Nguyễn An Ninh là một trong 5 nhân vật thuộc "nhóm Ngũ Long" uy tín trong xã hội Việt Nam của chúng ta ở Pháp đầu thế kỷ 20.

Cụ đã góp phần cưu mang, nâng đỡ nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc khi mới đặt chân đến nước Pháp xa lạ tìm đường cứu nước. Nếu không có những vị đó, chắc Nguyễn Ái Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động cách mạng...

Và, còn biết bao những chí sĩ yêu nước, những chiến sĩ cách mạng khác nữa đã yên nghỉ nơi đây. Các cụ sẽ mủi lòng khi ngày ngày "chứng kiến" dòng người đổ về đây chỉ để cầu khấn một người đã khuất phù hộ mình, gia đình mình... thì thật không tế nhị.

Sau 40 năm thống nhất đất nước, thành tựu xây dựng đất nước tuy cũng rất đáng ghi nhận, song vẫn còn quá nhiều việc cũng chưa thể khiến chúng ta hài lòng. Đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn... Ngay cả gia đình những người có công với nước (có người thân đã hy sinh), dù đã được nhà nước quan tâm, nhưng cũng còn thiếu thốn bởi chưa có điều kiện chăm sóc thật đầy đủ và xứng đáng với những hy sinh của người thân họ. Bên cạnh đó, sự tha hoá, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang là dấu hiệu đáng lo và đáng buồn trong con mắt người dân. Và tôi nghĩ, chắc ở nơi chín suối, những bậc tiền nhân của chúng ta hẳn chưa thể nào vui được .

Càng nghĩ, tôi càng ngộ ra một điều: Chúng ta đang còn nợ các bậc tiền nhân nhiều lắm!

Hành Thiện
Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống tại Hà Nội.

Theo Thanh Niên