Khám phá đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam

Gần 200 hiện vật pháp phục, kiến trúc, di sản, ngôn ngữ - những đặc trưng của văn hóa Phật giáo Việt Nam đã được trưng bày, giới thiệu tại Triển lãm “Đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam” do Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại chùa Yên Phú (Thanh Trì, Hà Nội).


Triển lãm trưng bày, giới thiệu gần 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật nhằm bước đầu cung cấp cho phật tử, công chúng những nét khái quát đặc trưng và sự tiếp thu, giao lưu văn hóa Phật giáo Việt Nam thông qua 4 chủ đề: Pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ, di sản văn hóa Việt Nam.Trong đó có những báu vật quốc gia như pho tượng Phật cổ bằng gỗ mù u đặc trưng cho nền văn hóa Óc Eo ở thế kỷ thứ IV, V, hai pho tượng Phật bằng đá tạo tác vào thế kỷ 15 thuộc khu di tích chùa Nhẫm Dương, tượng phật Thích Ca bằng đồng thế kỷ thứ VI, VII; tượng phật bằng đá thời Lý…Triển lãm giúp Tăng ni, phật tử, công chúng tìm hiểu những giá trị văn hóa Phật giáo truyền thống, góp phần nâng cao nhận thức cũng như ý thức của công chúng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung, định hướng xây dựng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam.Hòa thượng Thích Trung Hậu - Trưởng ban Văn hóa, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: Lần đầu tiên Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức triển lãm các đặc trưng văn hóa của Phật giáo. Đây là hoạt động mở đầu trong chuỗi các hoạt động triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án “Định hướng đặc trưng pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ, di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” đã được Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt.Hòa thượng Thích Trung Hậu chia sẻ: “để tránh những “lai căng” văn hóa, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, phát triển văn hóa dân tộc tiên tiến, hiện đại mà vẫn giữ được nét truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam, cần tìm những đặc trưng riêng để giới thiệu văn hóa Việt Nam, không bị lẫn lộn với nước khác.Nói đến văn hóa Phật giáo là nói đến văn hóa dân tộc, và nói đến văn hóa dân tộc, không thể bỏ qua văn hóa Phật giáo, việc bảo tồn, phát triển văn hóa Phật giáo không chỉ là trách nhiệm của Phật giáo mà là trách nhiệm của dân tộc. Mong muốn bảo tồn, phát huy văn hóa Phật giáo, truyền tải tinh thần Phật giáo trong cộng đồng, Hội đồng Trị sự đã giao cho Ban Văn hóa Trung ương triển khai Đề án “Định hướng đặc trưng pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ và di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” với mục tiêu tạo dấu ấn văn hóa Phật giáo thời đại Hồ Chí Minh”.Trong khuôn khổ chương trình triển khai Đề án, cùng lễ khai mạc Triển lãm, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng thời tổ chức: lễ ra mắt Website Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; tổ chức các cuộc tọa đàm, thảo luận bốn nội dung của Đề án; ký kết với các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện các nội dung của Đề án.Triển lãm "Đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam" diễn ra từ ngày 16/12/2015 đến 16/06/2016.Một số hình ảnh trong triển lãm "Đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam":
Những bức tượng phật cổ
Bộ tượng “Linh sơn tam thánh” thời Nguyễn, thế kỷ XIX
Khu "Kiến trúc Phật giáo"
Tam quan – gác chuông chùa Đậu (Hà Nội)
Di sản Phật giáo
Pháp phục Phật giáo
Một số trang phục Phật giáo của Ni sư
Giới thiệu "ngôn ngữ Phật giáo"
Chuông đông đúc nổi chữ Phạn –Việt và Chuông đông đúc nổi chữ Khơme – Việt.
Kinh sách Phật giáo
Triển lãm giúp công chúng tìm hiểu những giá trị văn hóa Phật giáo truyền thống.


Nguyễn Hoan