Trung Quốc trả giá đắt vì tham vọng Biển Đông

14:29, Thứ Tư, 02/12/2015 (GMT+7)


(VnMedia) - Khi một toà án quốc tế hồi cuối tháng 10 tuyên bố họ có đầy đủ thẩm quyền để tiến hành xét xử vụ kiện của Philippines đối với đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh đã bác bỏ quyết định trên, nói rằng điều đó “chẳng đi đến đâu”. Tuy nhiên, giới chuyên gia tin rằng, Trung Quốc có thể sẽ phải “trả cái giá quốc tế” trong vụ kiện tụng của Manila.



Ảnh minh hoạ

Giới chức Philippines cũng như một số nhà ngoại giao và chuyên gia nước ngoài phản bác lại nhận định của Bắc Kinh về việc vụ kiện “sẽ chẳng đi đến đâu”, nói rằng Trung Quốc có thể sẽ phải gánh chịu sức ép về ngoại giao và pháp lý rất lớn nếu Toà án ở the Hague ra một phán quyết có lợi cho Manila.

Dựa trên những lập luận chi tiết nhằm bác bỏ lý lẽ của Trung Quốc về thẩm quyền của toà án quốc tế ở the Hague, giới chuyên gia pháp lý nhận định, Manila đang nắm cơ hội thành công khá lớn. Một phán quyết cuối cùng dự kiến sẽ được đưa ra vào giữa năm sau.

Một phán quyết như vậy có thể sẽ là một trách nhiệm nặng nề đè lên vai Trung Quốc, đặc biệt tại các cuộc họp khu vực bởi nó đánh dấu lần đầu tiên một toà án quốc tế can thiệp vào cuộc tranh chấp, khiến Bắc Kinh khó mà phớt lờ được, các nhà ngoại giao cũng như chuyên gia phân tích.

Một số quốc gia Châu Á và phương Tây hầu như không chú ý gì khi Manila chính thức phát đơn kiện Trung Quốc hồi năm 2013 và bước đi này của Philippines khi đó cũng được xem như là một hoạt động phụ trong bối cảnh căng thẳng bùng phát ở Biển Đông. Tuy nhiên, các nước này giờ đây bắt đầu thể hiện sự ủng hộ ngày một lớn hơn đối với tiến trình pháp lý mà Manila khởi động.

Một chuyên gia nhận định, nếu phán quyết đưa ra chống lại những điểm chính trong đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông thì ông này tin rằng sẽ có một sự thống nhất về lập trường của các nước phương Tây và các nước này sẽ gây áp lực đối với Bắc Kinh ở những cuộc họp song phương và các diễn đàn quốc tế.

"Các nước khác sẽ sử dụng phán quyết như một cây gậy để đánh Bắc Kinh. Đó là lý do tại sao Trung Quốc lại nhạy cảm với toàn bộ vấn đề này như vậy”, ông Ian Storey – một chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho biết.

Chia sẻ quan điểm với ông Storey, ông Bonnie Glaser – một chuyên gia an ninh thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở thủ đô Washington nói thêm: "Có một bí mật nhỏ bẩn thỉu ở đây... Phía Trung Quốc giả vờ rằng sẽ dễ dàng để họ phớt lờ và bác bỏ phán quyết. Tôi cho rằng, trên thực tế, họ sẽ phải trả một cái giá quốc tế cho điều đó”.

Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan.Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều hành động quyết liệt và hung hăng nhằm thực hiện giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông. Hành động của Trung Quốc khiến không chỉ các nước trong khu vực “phát sốt” mà còn gây quan ngại sâu sắc với cộng đồng thế giới.

Manila bắt đầu ra đòn pháp lý với Trung Quốc ở Biển Đông sau khi hai nước xảy ra một cuộc tranh chấp nóng bỏng ở bãi cạn Scarborough. Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km. Bãi cạn này là nơi chứng kiến cuộc đối đầu vô cùng căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc được châm ngòi từ một vụ va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với hai tàu hải giám Trung Quốc hồi tháng 4 năm 2012.

Sau vụ va chạm trên, Trung Quốc trên thực tế đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough vốn là ngư trường đánh cá truyền thống của Philippines.Trước diễn biến trên, vào tháng 1 năm 2013, Manila đã quyết định đưa vụ tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông ra tòa án quốc tế với lý do họ đã “dùng mọi biện pháp hòa bình” có thể để giải quyết tranh chấp với Bắc Kinh nhưng không có tác dụng.

Bắc Kinh luôn chủ trương giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông trong khuôn khổ song phương, với từng nước một để dễ bề gây sức ép với các nước nhỏ hơn. Hành động quốc tế hóa cuộc tranh chấp ở Biển Đông của phía Manila đương nhiên không được Trung Quốc chấp nhận. Bắc Kinh đã tìm mọi cách để ngăn chặn vụ kiện của Philippines nhưng không thành công.
Trung Quốc tuyên bố sẽ phớt lờ mọi phán quyết của toà án trọng tài quốc tế ở the Hague. Tuy nhiên, giới chuyên gia tin rằng bất kỳ phán quyết nào chống lại Trung Quốc cũng sẽ có tính ràng buộc về mặt pháp lý dù việc thực thi phán quyết chỉ có thể dựa vào áp lực chính trị do không có chế tài bắt buộc thực thi phán quyết của trọng tài quốc tế.

Kiệt Linh (tổng hợp)