Nửa đêm, lên Nà Coong bắt… “ma cà rồng”


GiadinhNet - Trước khi dẫn chúng tôi đi, Trưởng bản Lùng Sén Lình rót mỗi người một cốc vại rượu ngô to tướng bắt phải uống cạn. Hỏi vì sao, ông không trả lời. Chỉ sau nửa tiếng đi bộ men theo đường rừng, vị trưởng bản mới tiết lộ: “Uống rượu trước khi gặp thầy bắt “ma cà rồng” không phải để ấm cái bụng mà giúp tăng cái lòng can đảm”. Khi ấy, kim đồng hồ đã chỉ sang 12h đêm. Nà Coong đẫm sương đêm, âm u, đen đặc và huyền bí…


Thầy mo Tà Phìn đang thuật lại việc “làm phép” bắt “ma cà rồng”. Ảnh: N.T


Uống cốc vại rượu ngô cho đỡ “lạnh sống lưng”!


Vượt gần 40 km đường rừng hoang vu từ trung tâm huyện Si Ma Cai (Lào Cai), cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân đến được bản Nà Coong, xã Sín Chéng. Người dân vùng cao Si Ma Cai vẫn tin một cách mãnh liệt rằng “ma cà rồng” có thật. Người ta bảo, loại “ma” này ban ngày ẩn mình trong hình hài những phụ nữ xinh đẹp nhưng ban đêm lại thích uống máu tươi(?). Loại ma này đáng sợ thật nhưng không phải là không “trị” được. Bằng chứng là vẫn có các thầy mo cao tay người Thái “bắt” được nó từ trong người các “con bệnh”. Điều bí ẩn này kích thích trí tò mò những người miền xuôi như chúng tôi nên dẫu ma mị, rờn rợn và đầy những cảnh báo, chúng tôi vẫn muốn “xem” bằng được.


Người ta bảo, Nà Coong là một trong những ít ỏi nơi còn lưu giữ những bí mật khủng khiếp về loài “ma cà rồng” chuyên ăn thịt sống, uống máu tươi để được hóa thành “tinh”. Bản nằm heo hút giữa thung lũng rừng già bạt ngàn. Nói là bản làng chứ thật ra, Nà Coong rất nhỏ, chỉ vỏn vẹn được một trăm nhân khẩu. Thấy khách lạ đến thăm, từ người già đến trẻ chăm chú nhìn chúng tôi với ánh mắt đầy hoài nghi.


Để tiện cho công việc và tránh mọi sự hiểu lầm đáng tiếc, chúng tôi hỏi đường đến nhà Trưởng bản. Sau khi nghe câu chuyện, ông Lùng Séng Lình thở dài lo lắng: “Các anh nghĩ kỹ chưa? Người ta tránh không được, các anh lại đi tìm “ma cà rồng?”. Trước sự kiên quyết của khách, vị Trưởng bản đành miễn cưỡng: “Nếu các anh muốn hiểu rõ về “ma cà rồng” thì để tôi đưa đến nhà thầy mo Tà Phìn. Ở bản này, ông ấy là người duy nhất giáp mặt “ma cà rồng” và bắt nó”.


10h đêm, sau khi cơm nước xong, vị Trưởng bản lấy đèn pin và con dao đi rừng, đưa chúng tôi đến nhà thầy mo Tà Phìn. Trước khi đi, ông rót đầy mỗi người một cốc vại rượu ngô và bảo chúng tôi uống hết. Hỏi thì ông chỉ ậm ừ rằng “cho ấm bụng” vì về khuya thời tiết ở Nà Coong lạnh hơn dưới xuôi rất nhiều. Mãi lúc đi đường, ông Lình mới buột miệng nói rằng: “Thật ra uống rượu ngô không phải để cho ấm bụng mà là giúp tăng thêm lòng can đảm”. Chính ông, một người không tin vào chuyện ma quỷ nhưng cũng phải lạnh sống lưng mỗi khi nhắc về “ma cà rồng”.


Chỉ tiếp khách lúc nửa đêm


Đồ lễ để bắt “ma cà rồng”.



Trời về khuya, do không quen với địa hình đồi núi “lồi lõm” nên chúng tôi liên tục bị ngã. Thấy vậy, Trưởng bản Lùng Séng Lình nhặt nhạnh vài que củi và bó lại để đốt thành ngọn đuốc soi đường. Một lần nữa ông phàn nàn: “Khổ sở thế này, tại sao lại cứ đòi đi cho bằng được chứ?”. Lúc ấy, chúng tôi chỉ biết cười trừ và mong ông giúp đỡ.


Vượt qua không biết bao nhiêu khúc đường cua ngoằn nghèo, cuối cùng chúng tôi cũng đứng trước ngôi nhà của người được dân bản ví như “vua bắt ma cà rồng”. Lúc ấy đồng hồ chỉ nửa đêm, vị Trưởng bản cũng nói thêm rằng: “Thầy mo này chỉ tiếp khách lúc nửa đêm vì chỉ nửa đêm “ma cà rồng” mới xuất hiện (?)”.


Khi chúng tôi bước chân vào nhà của thầy mo Tà Phìn thì có cảm giác rờn rợn. Khác với những ngôi nhà sàn trong bản, ngôi nhà của thầy mo Tà Phìn được thiết kế cao hơn bình thường. Phía trước cửa nhà treo lủng lẳng vô số những chiếc răng nanh, chiếc xương nhọn của các loài thú dữ. Cảm giác bí hiểm, âm u đầy sợ hãi vì vậy lại tăng lên đáng kể với những người đến đây.



Đồ cúng "ma cà rồng" của thầy mo



Sau khi đã yên vị, thầy mo bắt đầu hỏi chuyện chúng tôi bằng tiếng Kinh còn lơ lớ. Khi biết mục đích của cuộc viếng thăm, thầy mo tỏ ra hơi khó chịu nhưng rồi nhờ vào sự thuyết phục nhiệt tình của ông Trưởng bản, thầy cũng chịu mở lời.


Theo thầy mo Tà Phìn thì “ma cà rồng” có hai loại: Loại “ma hiền” và loại “ma ác”. Tuy nhiên, “ma ác” xuất hiện nhiều hơn, vì chỉ khi uống được nhiều máu tanh thì “ma cà rồng” mới nhanh chóng được hóa thành… tinh(?!). Lúc này hình dạng của “ma cà rồng” sẽ biến hóa khôn lường, chúng không cần mượn xác người để tồn tại nữa mà tự mình biến thành người. Đây là loại ma nguy hiểm và khó tiêu diệt nhất.


Để chúng tôi hiểu hơn về loài “ma cà rồng”, thầy mo cho gọi một “thần đệ” vào ngồi giữa nhà và nói: “Người này trước đây từng bị “ma cà rồng” nhập. Chỉ hai tháng trước nó toàn đòi uống máu tươi, may mà người nhà phát hiện kịp và gửi đến đây”. Nói rồi, thầy mo vạch cánh tay trần của “thần đệ” lên để chúng tôi thấy rõ những vết tích của “ma cà rồng” còn sót lại. Trên đó là hàng trăm vết roi vẫn còn rớm máu lằn ngang, lằn dọc. Nhìn cảnh tượng đó tôi thoáng rùng mình. Còn thầy mo thì giải thích thêm: “Lần đó ta phải dùng đến ba cái roi sắt để đuổi con ma ra khỏi người nó, nếu không mạnh tay thì chưa biết khi nào con ma mới chịu chui ra”(?).


Theo như lời kể của thầy mo Tà Phìn thì vị “thần đệ” này tên là Lùng Seo Lìn, người dân tộc Phù Lá, ở bản làng bên cạnh. Trong một lần đi rừng, bẫy thú, Seo Lìn đã bị “ma cà rồng” nhập xác. Sau khi về bản, Seo Lìn thay đổi tính nết, thường xuyên đuổi đánh người thân trong gia đình. Đã thế Lìn còn thích uống máu động vật khiến mọi người sợ hãi. Biết chuyện, người dân trong bản hoang mang, cứ đêm xuống là phải cửa đóng, then cài không dám ra khỏi nhà, trẻ con bị người lớn dọa cũng không dám khóc. Quá lo lắng, dân bản phải tìm đến thầy Tà Phìn cầu cứu. Cuối cùng sau 7 ngày đêm “hành xác”, thầy mo đã đuổi được con “ma cà rồng” ra khỏi người Seo Lìn(?).


Ngồi nghe câu chuyện của thầy mo, chúng tôi đưa mắt sang nhìn vị Trưởng bản để xác nhận sự thật. Thế nhưng từ đầu đến cuối vị Trưởng bản đều giữ im lặng không nói gì. Có lẽ, ông chọn cách tốt nhất là giữ im lặng nếu không muốn “tai bay vạ gió” vào thân mình.


Những ống nứa để treo “hồn, phách”



Đồ lễ để bắt “ma cà rồng”. Ảnh Nhật Tân



Để minh chứng cho chúng tôi chuyện bắt “ma cà rồng”, thầy mo Tà Phìn khoác vào người bộ quần áo “hành nghề” rồi ngồi xuống manh chiếu giữa nhà. Sau đấy ông lầm bầm khấn những câu thần chú rất lạ. Thấy chúng tôi vẫn đứng trơ ra như tượng, thầy mo Tà Phìn xẵng giọng: “Mau ngồi xuống xin thần che chở đi, không tí nữa ra về lại bị “ma cà rồng “mượn xác nhập vào bây giờ”. Chẳng biết có thật không nhưng nghe cái giọng rờn rợn giữa đêm khuya của thầy, chúng tôi nhanh chóng xếp bằng chân lại ngồi xuống.


Làm lễ xong, thầy mo Tà Phìn quay lại giải thích: “Bản Nà Coong này nhiều ma lắm, vì thời xưa đây là nơi chôn cất người chết của nhiều bản làng quanh đây. Nhưng do không được thờ cúng tử tế, nên những hồn ma này trở thành ma đói, gặp gì ăn nấy, thậm chí bắt cả thú hoang ăn thịt. Lâu dần trở thành “ma cà rồng” chỉ thích ăn thịt sống, uống máu tươi và về bản làng gieo rắc bệnh dịch”. Thầy mo Tà Phìn bảo không phải thầy cúng, thầy mo nào cũng có thể bắt được “ma cà rồng”, vì loài “ma” này không chỉ tinh ranh, ma quái mà chúng còn có phép biến hóa khôn lường. Nếu không có bùa chú cao tay thì có khi còn bị nó quay lại nhập vào người(?).


Nói rồi, thầy mo Tà Phìn chỉ cho chúng tôi xem những ống nứa nhỏ được xếp thành dãy dài niêm phong cẩn thận. “Trong này là hồn phách của “ma cà rồng”, nhưng đã bị ta làm phép niêm ấn cả rồi, giờ chúng không đủ sức để hại người nữa”, vừa nói, thầy mo vừa dùng “nước phép” vẩy vào những ống tre khô được treo lủng lẳng trước điện thờ “thần ma”.


Con đường trở về bản, chúng tôi hỏi sự thực hư trong câu chuyện của thầy mo Tà Phìn, vị Trưởng bản thở dài nói lấp lửng: “Thật ra tôi cũng không rõ lắm, vì từ ngày lớn lên đã nghe kể về truyền thuyết “ma cà rồng” có thật ở Nà Coong. Thế nhưng, tôi lại chưa nhìn thấy “ma cà rồng” bao giờ nên không biết nói sao cho phải. Mặc dù trong bản chưa có ai bị “ma cà rồng” nhập, nhưng người dân tin lắm, thỉnh thoảng họ lại đem lễ vật như xôi gà, bánh, trái cây đến lễ thần ma”.

Hóa giải tin đồn về “ma cà rồng” hút máu


GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam.




Trao đổi với chúng tôi, GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết: “Ma cà rồng” là câu chuyện truyền thuyết đã có từ rất lâu, không phải chỉ ở Việt Nam mà ngay cả các nước Châu Âu cũng thường xuyên rộ lên tin đồn này và ít nhiều gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Bởi lẽ, tâm lý người dân, nhất là ở những địa bàn miền núi vùng sâu vùng xa do nhận thức kém nên dễ bị ảnh hưởng từ những lời đồn ma quỷ. Tôi đã từng nghe rất nhiều lời đồn về “ma ca rồng” rất kinh khủng và ghê gớm nhưng thật sự chưa bao giờ tận mắt thấy nó hình thù thế nào. Tôi cũng chưa gặp một người nào đó dám khẳng định đã tận mắt gặp con ma hút máu người ấy”.


“Ở miền núi, nhiều gia đình dù không tin có “ma cà rồng” nhưng vẫn phải mời thầy về trừ ma cho an tâm làm ăn. Nhiều người dựa vào sự kém hiểu biết của người dân đã đem “ma cà rồng” ra doạ người khác, với mục đích là trục lợi cá nhân. Do vậy, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền giải thích cho người dân hiểu “ma cà rồng” chỉ là đồn thổi và không có thật. Bên cạnh đó, báo chí cần đẩy mạnhtuyên truyền, phản bác những tin đồn sai sự thật để cuộc sống của, sinh hoạt của người dân miền núi không bị xáo trộn”, GS Ngô Đức Thịnh bày tỏ.


Thầy mo Tà Phìn bảo, “ma cà rồng” chẳng bao giờ chết. Mỗi lần chúng nhập vào thân thể một ai đó và bị đuổi đi ấy là mỗi lẫn chúng được thoát xác, trở nên tinh ranh, quỷ quyệt hơn, khiến những thầy mo phải cao tay lắm mới diệt được. “Ma cà rồng” kiếm ăn và tác quái vào ban đêm, nên người dân không thể đề phòng được chúng. Khi bị phát hiện thì nó liền nhập vào thân xác một ai đó để thoát thân.


Bảo bối đuổi “ma cà rồng”


Thạc sỹ sử học Lò Văn Nét (Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Trường đại học Tây Bắc) cho biết: “Người dân tộc Thái vẫn cho rằng “ma cà rồng” là có thật. Họ cho rằng loại ma này rất sợ lưới đánh cá, đòn gánh, biểu tượng ta leo, những loại cây có gai... Do đó, khi trong nhà có bà đẻ, người ốm, họ thường đặt các vật dụng trên trong nhà, riêng các loại cây có gai sẽ được treo bên ngoài để xua đuổi ma. Nếu đi vào các bản làng của người Thái, người ta có thể bắt gặp những ngôi nhà được treo đầy cây gai ở bên ngoài là vì thế”.



Nhật Tân/Báo Gia đình & Xã hộ