Trung Quốc thuê đất, đưa dân hiện diện sâu rộng tại Lào-Campuchia

(Tin tức 24h) - Bên cạnh việc đầu tư hàng tỷ USD vào Campuchia, Lào, Trung Quốc cũng mở rộng thuê đất tại 2 nước này như biện pháp để tăng cường hiện diện.

Rót hàng tỷ USD, khuyến khích kết hôn


Tờ Nikkei Asian Review ngày 21/11 cho biết, trong 10 năm qua, sự hiện diện của Trung Quốc tại Bắc Lào, nhất là trong lĩnh vực kinh tế tại tỉnh Luang Prabang, ngày càng tăng, cả về độ sâu và sự phức tạp.
Theo báo này, từ khu casino hào nhoáng cho đến những rừng chuối, rừng trồng cao su rộng lớn ở khắp các tỉnh miền Bắc như Luang Prabang, Oudomxay, Luang Nam Tha và Bokeo đều có bóng dáng người Trung Quốc.


Thậm chí, Lào còn cho công ty King's Romans của Trung Quốc thuê đặc khu kinh tế Golden Triangle, một khu vực rộng 101 km vuông trong 99 năm. Họ cũng mở một sòng bạc, xây dựng một phố Tàu tại đây.




Nông dân Trung Quốc sang Bắc Lào thuê đất trồng chuối. Ảnh: Nikkei Asian Review

Trung Quốc đang xây dựng không ít hơn 30 đập thủy điện trong khu vực, bao gồm 7 đập trên sông Nam Ou, một nhánh của dòng Mê Kông.
Ngay bên ngoài thành phố Luang Prabang, công ty Vân Nam Luang Prabang đang xây dựng một khu nghỉ mát 5 sao, khu phức hợp khách sạn lớn nhất ở gần thủ đô cũ của Lào.


Đi kèm với sự đầu tư đó là hàng ngàn nông dân nhỏ và các doanh nghiệp miền Nam Trung Quốc, chủ yếu là Quảng Tây và Vân Nam tìm sang Bắc Lào để mở công ty, thuê đất làm ăn.
Những người Trung Quốc sang Lào là do thiếu đất sản xuất ở quê hương nhưng cũng có yếu tố khác. Họ sang Lào dễ làm ăn hơn vì ở Trung Quốc muốn thành lập một doanh nghiệp, họ phải chấp nhận tình trạng tham nhũng.


Một số người Lào tin rằng, người Trung Quốc di cư sang Lào sẽ nhận được hỗ trợ bằng tiền từ chính quyền địa phương quê họ. Nếu kết hôn được với người Lào, số tiền viện trợ của nhà nước Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi, nhưng với điều kiện họ phải ở lại Lào trong một khoảng thời gian cố định.
Tương tự, Trung Quốc cũng đầu tư hàng tỷ USD vào Campuchia, thậm chí còn là nước viện trợ lớn nhất cho Campuchia với những khoản viện trợ không điều kiện.


Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Campuchia, ngoài ra còn có khoáng sản, dệt may, ngân hàng, tài chính, du lịch và nông nghiệp.
Tập đoàn phát triển liên hợp Thiên Tân (Union Group) đầu tư vào một khu nghỉ dưỡng và sòng bài lớn ở Botum Sakor thuộc tỉnh duyên hải Koh Kong của Campuchia hướng ra vịnh Thái Lan.



Union Group lại thuê được đến 36.000ha đất ở Botum Sakor với thời hạn đến 99 năm. Năm 2011, Union Group được thuê thêm 9.100ha đất để xây dựng đập thủy điện.
Union Group có tham vọng biến 36.000ha này thành một “Angkor Wat trên biển”, bao gồm hệ thống đường sá, sân bay quốc tế, cảng biển cho các du thuyền lớn, khu căn hộ chung cư, sân golf, sòng bài.
Union Group sẽ đổ 3,8 tỷ USD vào dự án này ở Botum Sakor, vốn bao phủ một khu vực có diện tích gần bằng một nửa đất nước Singapore.


Một con đường cao tốc bốn làn xe xuyên qua rừng già cũng được xây dựng với chi phí 1,1 triệu USD/dặm.


Cảnh báo


Giới phân tích chỉ ra rằng, Lào và Campuchia phải thận trọng trước nước láng giềng Trung Quốc.
Đối với Lào, ảnh hưởng lan rộng của Trung Quốc đang gây ra những lo ngại về việc phá hoại sự đa dạng sinh thái, chiếm dụng đất đai và thất nghiệp đối với nông dân Lào.
Có ý kiến cho rằng Trung Quốc coi Lào như một bước chủ chốt trong việc mở rộng ảnh hưởng trong vùng. Nhưng Lào có nhiều rủi ro nhất nếu bị đặt dưới sự ảnh hưởng của Trung Quốc bởi Lào là một nước nhỏ, một nền kinh tế nhỏ, và Trung Quốc không ngại biến không gian nằm trong đất liền ở Đông Nam Á này thành sân sau của mình.


Với Campuchia, giới phân tích cho rằng Phnom Penh có vai trò lớn trong chiến lược trỗi dậy của Trung Quốc. Việc Trung Quốc không ngừng hỗ trợ Campuchia vì muốn tận dụng vai trò của nước này trong các tổ chức quốc tế, đặc biệt là ASEAN.
Chheang Vannarith, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Leeds, Anh, cho rằng Trung Quốc cần Campuchia là một đối tác trong Đông Nam Á, khu vực ngày càng có nhiều sự cạnh tranh:



"Khu vực này đang đầy cạnh tranh phức tạp giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Trung Quốc với Mỹ. Trung Quốc tranh thủ sự ủng hộ của Campuchia ở Đông Dương và khu vực sông Mekong để củng cố tầm ảnh hưởng của họ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Paul Chambers, giáo sư tại Đại học Chiang Mai, Thái Lan, gọi Trung Quốc là "một cường quốc đang lên", sử dụng Campuchia để gây ảnh hưởng trong khối ASEAN, trong bối cảnh có "một cuộc chiến tranh lạnh đang phát triển" giữa Bắc Kinh và Washington.


Cây bút Veasna Var của The Diplomat cho rằng Campuchia đang chơi một trò chơi mạo hiểm hơn so với Trung Quốc. "Một khi chúng ta dựa vào Trung Quốc quá nhiều, thì chúng ta sẽ mất đi thứ gọi là sự tự quyết trong chính sách đối ngoại", ông nói.


An Nhiên (Tổng hợp)