kết quả từ 1 tới 5 trên 5

Ðề tài: IS thật sự muốn gì?

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định IS thật sự muốn gì?

    IS thật sự muốn gì?

    Đức Huy | 16/11/2015 19:30



    Ảnh: Tạp chí The Atlantic
    Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) xuất phát từ đâu, và mục đích của tổ chức này là gì? Đây là những câu hỏi tưởng chừng đơn giản, nhưng lại không dễ để có được câu trả lời hoàn chỉnh.

    LTS: Tuần qua, thế giới lại một lần nữa phải chìm trong đau thương mất mát, khi hàng trăm người dân thường vô tội tại Pháp và Lebanon trở thành nạn nhân cho những hành động khủng bố phi nhân tính của Nhà nước Hồi giáo (IS).
    Có không ít người tự hỏi: IS làm vậy vì mục đích gì? Khủng bố từ đâu mà ra? Tại sao thế giới không tiêu diệt hết khủng bố để chúng hoành hành như vậy?


    Chúng tôi không dám chắc sẽ trả lời được một cách hoàn chỉnh những thắc mắc này, nhưng bằng loạt bài tới đây với phân tích của những chuyên gia quốc tế về Trung Đông cũng như nhận định của một tín đồ Hồi giáo ngay tại Việt Nam, hi vọng chúng tôi sẽ giúpquý độc giả có được cái nhìn toàn diện hơn về IS nói riêng và đa chiều hơn đối với Hồi giáo nói chung.
    Để mở đầu, chúng tôi xin gửi tới quý độc giả bài viết của nhà báo Graeme Wood đăng trên tạp chí The Atlantic với nhan đề: "IS thật sự muốn gì?". Đây là một bài phóng sự chi tiết được tác giả đúc kết từ nhiều năm kinh nghiệm làm phóng viên chiến trường tại Trung Đông cũng như qua các cuộc trao đổi với nhiều chuyên gia khác trong cùng lĩnh vực.

    NHÀ BÁO-CHUYÊN GIA NGHIÊN CỨU
    GRAEME WOOD

    Graeme Wood hiện đang làm công tác nghiên cứu tại Hội đồng Đối ngoại Mỹ (CFR), cũng như giảng dạy tại trường đại học Yale. Ông từng có nhiều năm làm phóng viên chiến trường tại Trung Đông. Bài viết "Thực sự IS muốn gì?" của ông đã tạo một làn sóng trong truyền thông Mỹ, và ông đã được mời phát biểu trên CNN, NBC, và ABC về bài viết này.



    Tháng 12/2014, khi vấn nạn mang tên IS đã hoành hành khắp Trung Đông được gần nửa năm, tạp chí New York Times đã đăng tải một bài viết mà trong đó, một quan chức cấp cao của quân đội Mỹ đã phải thừa nhận nước này vẫn "chưa tìm hiểu rõ về IS".



    Đó là Thiếu tướng Michael Nagata, tư lệnh Đặc nhiệm Mỹ tại Trung Đông. Trong một cuộc hội đàm với các chuyên gia, ông Nagata đã phải nói rằng: "Chúng tôi [Mỹ] chưa thể dập tắt IS. Chúng tôi còn chưa hiểu nổi ý tưởng đằng sau nó là gì".
    Không chỉ cấp dưới là tư lệnh tại Trung Đông mà đến cấp cao nhất là Tổng tư lệnh toàn lực lượng quân đội Mỹ, tức Tổng thống Barack Obama, dường như cũng không thật sự nắm rõ về IS. Ông đã gọi IS là "đàn em của al-Qaeda", cũng như lên án những hành động "phi Hồi giáo" của tổ chức này


    Những câu nói có phần tổng quát một cách thái quá của Tổng thống Mỹ đã góp phần khiến IS trở nên khó hiểu hơn trong mắt người ngoài cuộc, hay thậm chí, theo đánh giá của ông Wood, chúng đã và đang khiến Mỹ và phương Tây phạm phải những sai lầm chiến lược nghiêm trọng.
    Vậy thực sự IS là ai, và mục đích thực sự của tổ chức này là gì?
    2 hiểu nhầm cơ bản về IS



    Theo nhà báo Wood, khách quan mà nói, việc đa phần thế giới vẫn không nắm bắt được IS cũng tương đối dễ hiểu.
    Rất hiếm người đặt chân tới lãnh địa của IS mà tìm được đường trở về. Trừ những hình ảnh hay video mà tổ chức này đăng tải trên mạng xã hội, lượng thông tin có sẵn về IS để một người bình thường có thể tham khảo là không đáng kể, đó là chưa nói đến độ xác thực.


    Với lượng thông tin ít ỏi ấy, tất cả những gì chúng ta có thể chắc chắn về IS được gói gọn trong hai chữ "khủng bố". Đây là một tổ chức sử dụng bạo lực một cách man rợ để đạt được những lý tưởng tôn giáo cực đoan mà chúng theo đuổi.

    Bạo lực là cách IS sử dụng để thể hiện sự mộ đạo của mình. Ảnh: BBC

    Theo ông Wood, bản chất của Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã bị hiểu sai ở ít nhất hai điểm.


    Thứ nhất,

    chúng ta thường hiểu thánh chiến (jihad) như một chủ nghĩa rập khuôn, và áp dụng cách hiểu của chúng ta về al-Qaeda, cũng là một tổ chức khủng bố tôn sùng jihad, cho IS. Như vậy là thiển cận.



    Nhà báo Wood viết rằng ông đã có dịp nói chuyện với nhiều người ủng hộ IS, và những người này vẫn gọi trùm khủng bố Osama bin Laden là "Sheikh Osama", một danh hiệu thể hiện sự tôn trọng dành cho người ở địa vị cao. Nhưng còn bản chất jihad ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với thời al-Qaeda, và rất nhiều phần tử jihad hiện nay rất không hài lòng với đường lối cũ của al-Qaeda.


    Bin Laden coi khủng bố như một tiền đề để đến với danh vị caliphate (quốc vương của một nhà nước Hồi giáo, và là người kế tục nhà tiên tri Muhammad - PV), điều mà chính hắn cũng không trông mong sẽ có được trong quãng đời mình. Tổ chức al-Qaeda do hắn cầm đầu vận hành tương đối linh hoạt, với một hệ thống các nhóm vũ trang tự quản lý hoạt động trên toàn cầu.
    Trong khi đó, IS hiện nay lại chú trọng vào việc kiểm soát lãnh thổ, đồng thời áp dụng một hệ thống điều hành như một nhà nước thực thụ (phân rõ lực lượng dân quân và quân đội "chính phủ", và chia lãnh thổ ra các tỉnh thành để quản lý, v.v.).


    Hiểu nhầm thứ hai,

    theo ông Wood, là việc chúng ta từ chối công nhận bản chất tôn giáo mang phong cách trung cổ của IS, và lại một lần nữa suy nghĩ này xuất phát từ cách hiểu về một al-Qaeda đã "lỗi thời".



    Bin Laden được coi là một sản phẩm của thế giới hiện đại, "đoàn thể hóa" và vươn vòi khủng bố trên khắp thế giới. Những đòi hỏi của hắn thường mang tính chính trị, đơn cử là khi al-Qaeda đòi Mỹ phải rút quân ra khỏi Saudi Arabia. Binh sĩ al-Qaeda vẫn trà trộn trong cuộc sống hàng ngày và sống một cuộc sống hai mặt. Trước khi thực hiện vụ đâm máy bay tự sát ngày 11/9, Mohamed Atta vẫn ăn pizza trên đất Mỹ như thường.
    Nhưng IS thì khác.


    Ông Wood cho rằng, có một cách nhìn mà khá nhiều người hiện nay, từ dân đọc tin tức thông thường cho đến các chính trị gia, hay gắn cho các phần tử IS: đó là những kẻ theo chủ nghĩa vô thần, với những toan tính chính trị hiện đại, sử dụng lớp vỏ tôn giáo để đạt mục đích của mình, giống như những gì họ đã hiểu về al-Qaeda.


    Nghe qua thì có vẻ "xuôi", nhưng theo nhà báo này, cách hiểu này đã bỏ qua hoàn toàn sự trung thành tuyệt đối nhưng có suy tính kĩ lưỡng của các phần tử khủng bố IS trong sứ mệnh đưa nền văn minh nhân loại trở về mô hình của thế kỉ thứ 7, khi tôn giáo và vũ lực nằm trên luật pháp, với mục đích cuối cùng là mang đến ngày tận thế.
    Chính các thành phần lãnh đạo IS cũng như các phần tử ủng hộ tổ chức này đã nhiều lần thể hiện quan điểm này qua phát biểu của mình.


    Chúng khẳng định sẽ không đời nào chấp nhận việc rời bỏ quy tắc cai trị gốc rễ của Hồi giáo, được nhà tiên tri Muhammad và những tín đồ đầu tiên gây dựng, để phục tùng chính phủ nhà nước. Chúng thường sử dụng những cách diễn đạt khá khó hiểu đối với những người không theo đạo, nhưng thực chất mỗi câu nói đểu ẩn chứa những tục lệ hay lời răn dạy của đạo.
    Năm ngoái, phát ngôn viên chính của IS, Abu Muhammad al-Adnani, đã kêu gọi các tín đồ Hồi giáo sinh sống ở các nước phương Tây như Pháp hay Canada hãy tìm một kẻ phản giáo rồi "lấy đá đập vào đầu hắn, đầu độc hắn, lấy xe tông vào hắn, hoặc phá hủy mùa màng của gia đình hắn".

    Abu Muhammad al-Adnani. Ảnh: BBC

    Đối với người thường, những hình phạt cổ hủ như ném đá hay phá hủy mùa màng đối lập một cách khó hiểu với lời kêu gọi tông xe của thời hiện đại. Nhưng Adnani không hề nói bừa.
    Những câu nói của hắn mang đậm sắc thái Hồi giáo, trong đó việc kêu gọi phá hoại mùa màng xuất phát từ thánh lệnh của Muhammad rằng các chiến binh Hồi giáo không được phép động vào nước sạch và ruộng vườn, trừ phi bị đặt vào thế bị động. Lúc đó, người Hồi giáo tại những nơi đầy rẫy những kẻ vô thần hay phản giáo được phép "không khoan nhượng và tự do phá hoại".


    Sự thật là Nhà nước Hồi giáo tự xưng mang rất nhiều sắc thái Hồi giáo chứ không chỉ dùng Hồi giáo làm vỏ bọc như al-Qaeda. Đúng là tổ chức này đã thu hút không ít những kẻ tâm thần bất ổn đầu quân, nhưng tầng lớp lãnh đạo và những kẻ theo IS trung thành nhất đều là những kẻ sùng đạo với hiểu biết rộng về Hồi giáo.


    Theo ông Wood, gần như tất cả những quyết định quan trọng nhất cũng như những luật pháp do IS định ra đều xoay quanh những lời răn dạy trong kinh Qur'an, những điều mà tổ chức này gói gọn trong cụm từ "Đường lối của Nhà tiên tri". Những biện pháp tuyên truyền, kêu gọi, những thông điệp trên mạng xã hội, cũng theo rất sát "đường lối" này đến từng chi tiết.
    Gần như tất cả những tín đồ Hồi giáo chân chính đều từ chối công nhận IS. Nhưng việc các nhà hoạch định chính sách của phương Tây từ chối công nhận IS như một tổ chức nặng tính tôn giáo, với những triết lý mà phương Tây buộc phải hiểu mới có thể chống lại được, đã dẫn đến những quyết sách sai lầm và những chiến lược đối phó thiển cận.


    Kính mong quý độc giả đón đọc phần 2: Tín ngưỡng và Khái niệm Ngày Tận thế của IS
    theo Trí Thức Trẻ



    Last edited by Bin571; 17-11-2015 at 10:17 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    IS thật sự muốn gì? (Phần 2): Ngày Tận thế...

    Đức Huy | 17/11/2015 19:15





    Ảnh: PBS
    Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) xuất phát từ đâu, và mục đích của tổ chức này là gì? Đây là những câu hỏi tưởng chừng đơn giản, nhưng lại không dễ để có được câu trả lời hoàn chỉnh.


    NHÀ BÁO-CHUYÊN GIA NGHIÊN CỨU
    GRAEME WOOD

    Graeme Wood hiện đang làm công tác nghiên cứu tại Hội đồng Đối ngoại Mỹ (CFR), cũng như giảng dạy tại trường đại học Yale. Ông từng có nhiều năm làm phóng viên chiến trường tại Trung Đông. Bài viết "IS thật sự muốn gì?" của ông đã tạo một làn sóng trong truyền thông Mỹ, và ông đã được mời phát biểu trên CNN, NBC, và ABC về bài viết này.



    Dưới đây là phần 2 của loạt bài viết "IS thật sự muốn gì":


    Tháng 11 năm ngoái, IS đã đăng tải một đoạn video “quảng bá hình ảnh”, trong đó truy nguồn gốc của tổ chức về thời Bin Laden. Đoạn video này cũng nhắc đến Abu Musa’b al Zarqawi, lãnh đạo man rợ của al-Qaeda tại Iraq từ 2003 đến 2006, như một “tổ tiên” của tổ chức, trước khi giới thiệu đến lãnh đạo tối cao hiện nay của IS là al-Baghdadi.


    Điều đáng nói là video này không hề nhắc đến lãnh đạo hiện tại của al-Qaeda, Ayman al-Zawahiri. Zawahiri chưa từng tuyên bố liên minh với IS, và theo nhà báo Wood, hắn đang ngày càng bị chính các phần tử jihad ghét bỏ. Sự tách rời giữa al-Qaeda và IS thực chất đã có từ lâu, và chính điều này, theo ông Wood, có thể giải thích phần nào sự tàn bạo của Nhà nước Hồi giáo tự xưng.


    Đồng hành cùng Zawahiri trong cuộc sống ẩn dật hiện tại là Abu Muhammad al-Maqdisi, một linh mục 55 tuổi người Jordan, được biết đến là “bộ não” của al-Qaeda và một trong những phần tử jihad bí ẩn nhất. Trên nhiều phương diện liên quan đến lý thuyết giáo, Maqdisi có chung quan điểm với IS. Cả hai đều theo đuổi một nhánh jihad của dòng Sunni có tên gọi Salafism.



    Abu Muhammad al-Maqdisi, kẻ được mệnh danh là "bộ não" của al-Qaeda. Ảnh: The Guardian

    Chữ Salafism xuất phát từ cụm từ Arab al salaf al salih, nghĩa là “những vị tổ tiên sùng đạo”. Những “vị tổ tiên” này chính là Nhà tiên tri Muhammad và những người theo ông ở giai đoạn đầu hình thành Hồi giáo. Họ được những người theo dòng Salafism ngưỡng mộ và coi như tấm gương trong mọi lĩnh vực trong cuộc sống.


    Maqdisi cũng chính là tiền bối của Zarqawi, người đã đem al-Qaeda tới hoành hành tại Iraq theo lời khuyên của Maqdisi. Nhưng dần dần, “trò” Zarqawi trở nên cuồng tín hơn cả “thầy” Maqdisi, và rốt cục hai thầy trò bất đồng quan điểm. Zarqawi quá ưa bạo lực, và lòng thù ghét của hắn với những tín đồ Hồi giáo khác thậm chí đã vượt quá sức chịu đựng của một kẻ cũng theo chủ nghĩa jihad là Maqdisi.


    Trong Hồi giáo, việc khai trừ (takfir) một ai khỏi đạo ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Trong Qur'an viết, "Nếu ai đó nói với một người khác rằng: 'Ngươi là kẻ phản giáo', thì một trong hai người sẽ đúng". Nếu người cáo buộc nói sai, chính anh ta sẽ phải chịu án tử hình vì tội phản giáo.


    Nhưng Zarqawi vẫn không ngừng mở rộng phạm vi những hành động có thể được quy vào tội phản giáo đối với người Hồi giáo. Chính Maqdisi đã phải viết thư cho học trò cũ của mình và khuyên Zarqawi cần cẩn trọng, “không nên áp dụng takfir bừa bãi” hay “cáo buộc một ai phản giáo chỉ vì người đó mắc lỗi (sin).


    Theo ông Wood, sự khác biệt giữa việc phản giáo và việc mắc lỗi tuy khá mập mờ, nhưng đó cũng chính là điểm mấu chốt trong việc phân biệt giữa al-Qaeda và IS.


    Với cả 2 tổ chức, không công nhận kinh Koran hay những lời răn dạy của Nhà tiên tri Muhammad đương nhiên sẽ bị liệt vào tội phản giáo. Nhưng Zarqawi khi xưa và IS sau này đều chung quan điểm rằng rất nhiều hành động khác, ví dụ như rao bán rượu, thuốc phiện, mặc quần áo phương Tây, cạo râu, hay bầu cử, cũng có thể khiến một tín đồ đạo Hồi bị quy vào tội phản giáo.
    Quan trọng hơn, tất cả những người theo dòng Shiite đều bị IS coi là phản giáo, vì trong mắt IS, Shiite là một hình thức cách tân, và cách tân đồng nghĩa với việc không công nhận sự hoàn mỹ trong phiên bản gốc của kinh Qur'an.


    Điều này cũng có nghĩa gần 200 triệu người Shiite trên thế giới hiện nay đang nằm trong tầm ngắm của IS. Các nhà lãnh đạo tại các nước Hồi giáo cũng vậy, vì họ “dám” đặt mình trên sharia và áp đặt những luật pháp không phải do Chúa trời đề ra.



    Bashar al-Assad, trên cương vị Tổng thống, đương nhiên là một đối tượng trong tầm ngắm của IS. Ảnh: al-Jazeera

    Áp dụng quy tắc takfir, IS quyết “làm trong sạch thế giới” bằng cách giết người hàng loạt. Việc thiếu đi những nguồn tin đáng tin cậy từ bên trong khiến chúng ta không thể nắm rõ sự tàn bạo của IS, nhưng với những gì tổ chức này đăng tải trên mạng xã hội, thì những cuộc hành hình cá nhân diễn ra gần như liên tục, còn hành hình tập thể thì vài tuần một lần.


    Đã nhiều thế kỉ trôi qua kể từ khi những cuộc chiến tôn giáo chấm dứt tại châu Âu. Điều này, theo ông Wood, cũng một phần lý giải tại sao dường như thế giới nói chung và nhất là người phương Tây nói riêng đã và đang tỏ ra ngờ vực về sự sùng đạo của các phần tử Nhà nước Hồi giáo tự xưng.


    Rất nhiều người không tin rằng những gì IS đang làm thực sự xuất phát từ tín ngưỡng, suy nghĩ cổ hủ, cũng như sự sùng đạo cực đoan không gì lay chuyển nổi của tổ chức này. Điều này cũng thể hiện một suy nghĩ khá “ích kỷ” của phương Tây: đó là nếu tư tưởng tôn giáo không còn có nhiều ý nghĩa ở Washington hay Berlin, thì họ cũng mặc định luôn là Raqqa hay Mosul cũng tương tự.


    Nhưng theo nhà báo Wood, nếu tiếp tục cố chấp không thừa nhận những bản chất này của IS, thế giới sẽ không tài nào giải thích được sự nổi lên của tổ chức này.
    Rất nhiều tổ chức Hồi giáo chân chính trên thế giới còn nói rằng, Nhà nước Hồi giáo tự xưng thực chất không hề có chút “Hồi giáo” nào. Đương nhiên, thật đáng mừng khi biết rằng đại đa số người Hồi giáo không hề muốn hình thức giải trí buổi tối của mình chuyển từ những bộ phim Hollywood sang những màn hành quyết công khai man rợ.


    Nhưng mặt khác, việc người Hồi giáo từ chối không công nhận tính Hồi giáo của IS, theo giáo sư-nhà nghiên cứu Bernard Haykel thuộc trường đại học Princeton, cho thấy sự “hổ thẹn, tâm lý tránh gây tranh cãi, và một cách nhìn ngây thơ về tôn giáo của chính họ”.


    Họ đang tự bỏ qua lịch sử và những yêu cầu trong chính tôn giáo của họ. Điều này xuất phát từ những giao thoa với Cơ đốc giáo trong lối sống phương Tây" - ông nói.
    Thực chất, theo ông Haykel, trong hàng ngũ IS, kể cả những gã lính quèn cũng sùng đạo một cách đáng sợ. Khắp căn cứ IS đâu đâu cũng thấy các trích đoạn trong kinh Qur'an.



    CHUYÊN GIA NGHIÊN CỨU HỒI GIÁO
    BERNARD HAYKEL

    Những ai nói rằng IS xuyên tạc Qur'an thì hoặc là không hiểu chuyện, hoặc cố tình làm vậy để "giải oan" cho Hồi giáo, để bảo vệ khẩu hiệu "Hồi giáo là một tôn giáo hòa bình" của họ. Thực chất, kinh thánh được tất cả hơn 1 tỉ người Hồi giáo Sunni sử dụng chứ đâu phải chỉ riêng IS.



    Tất cả các tín đồ Hồi giáo đều thừa nhận rằng những chiến dịch đầu tiên của Nhà tiên tri Muhammad không thật sự "trong sạch", và rằng những luật lệ liên quan đến chiến tranh ghi lại trong kinh Qur'an đã được hiệu chỉnh để phù hợp với "thời loạn" khi xưa.
    Theo ông Haykel, những phần tử IS đã và đang "copy" lại những gì đã diễn ra trong thời sơ khai của Hồi giáo, trong đó bao gồm những tập tục mà các tín đồ Hồi giáo thời nay thường tránh không công nhận chúng là một phần của kinh thánh.


    "Những phần tử jihad này không phải chỉ chọn lọc ra các tập tục nô lệ, đóng đinh trên thánh giá, hay chặt đầu từ thời trung cổ để áp dụng vào thời nay. Mà thực chất chúng muốn đem tất cả những gì từ thời bấy giờ tới thế giới hiện đại" - ông Haykel nhận định.


    Trong kinh Qur'an, đóng đinh trên thánh giá là một trong những hình phạt chỉ được phép áp dụng đối với những kẻ thù của Hồi giáo. Cụ thể, trong chương 9 của kinh thánh, tức Surah al-Tawba, người Hồi giáo được dạy phải chống lại người Do Thái và người Cơ đốc "cho đến khi chúng phải ngoan ngoãn tự nguyện trả thuế (jizya) để giữ mạng sống".
    Bản thân Nhà tiên tri Muhammad, tấm gương sáng của tất cả các tín đồ Hồi giáo, đã áp dụng những luật lệ này, cũng như tuyển dụng nô lệ phục vụ dưới trướng.


    Lãnh đạo của IS coi việc học theo Muhammad như một tôn chỉ, và qua đó "hồi sinh" những tập tục tưởng như đã bị lãng quên trong hàng trăm năm.


    "Điều đáng nói về những phần tử cực đoan này không phải chỉ gói gọn trong câu chữ Qur'an, mà còn cả sự nghiêm túc trong cái cách mà chúng đọc kinh hàng ngày. Đó là một sự nghiêm túc nhập tâm đến mức ám ảnh mà những người Hồi giáo bình thường không có" - ông Haykel phân tích.


    Có thể thấy được phần nào điều đó qua lời đe dọa của phát ngôn viên IS, Adnani, gửi tới phương Tây:
    "Bọn ta sẽ chiếm thành Rome (ý chỉ lãnh địa người Cơ đốc - PV) của các người, bẻ gãy cây thánh giá của các người, và biến những người đàn bà của các người thành nô lệ. Nếu bọn ta chưa làm được điều đó, thì con cháu bọn ta sẽ làm được, chúng sẽ bán con cháu của các người giữa chợ nô lệ..."


    Ngày Tận thế trong mắt IS


    Theo nhà báo Wood, tất cả các tín đồ Hồi giáo đều thừa nhận chỉ có Chúa trời mới nhìn trước được tương lai, và họ cũng có chung quan điểm rằng Chúa đã "hé lộ" cho con người một phần tương lai trong kinh Qur'an và lời kể của Nhà tiên tri Muhammad.
    Nhưng khác với mọi phong trào jihad khác, IS tin rằng tương lai do Chúa định sẵn là điểm mấu chốt của kinh Qur'an. Đó cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất về mặt đường lối giữa IS với các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác.


    Như đã nói trong phần 1 của bài viết, al-Qaeda hoạt động như một phong trào chính trị ngầm, với mục đích mang tầm thế giới: đó là quét sạch tất cả những ai không theo đạo Hồi ra khỏi bán đảo Arab, tiêu diệt Israel, và chấm dứt các chế độ độc tài trên các mảnh đất Hồi giáo. Nhưng với IS, Ngày Tận thế là nét chủ đạo trong đường lối hoạt động của tổ chức này.


    Khi còn đứng đầu al-Qaeda, Bin Laden rất hiếm khi nhắc đến tận thế. Kể cả khi có nhắc đến, thì dường như tên trùm khủng bố này cũng tự hiểu rằng ngày đó chưa đến thì hắn đã chết từ lâu rồi.


    "Bin Laden và Zawahiri đều xuất thân từ các gia đình quý tộc theo dòng Sunni, những người ở tầng lớp này luôn coi thường những tiên đoán theo kiểu ngày tận thế, và cho rằng những suy nghĩ kiểu này chỉ đáng để có ở những người thường" - chuyên gia Will McCants thuộc Học viện Brookings, người đang soạn thảo một cuốn sách về Ngày Tận thế trong mắt người Hồi giáo, phân tích.


    Theo nhà báo Wood, IS tin rằng chỉ có 12 caliph thực thụ, và lãnh đạo của chúng hiện nay, Baghdadi, là caliph thứ 8. Tổ chức này cũng tin rằng quân đội Rome (tức các nước phương Tây - PV) sẽ giao chiến với quân đội Hồi giáo tại phía bắc Syria; và rằng trận chiến sinh tử cuối cùng với một thế lực chống lại Chúa trời Hồi giáo sẽ diễn ra tại Jerusalem.
    Ngoài ra, IS còn dành rất nhiều ưu tiên cho thành phố Dabiq, gần Aleppo. Tổ chức này đã ăn mừng đến "phát điên" sau khi chiếm được khu vực đồng bằng vốn chẳng mang nhiều ý nghĩa chiến lược tại Dabiq, và sau đó thậm chí còn dùng tên thành phố này đặt cho ấn phẩm tuyên truyền của chúng.



    IS hành hình một tù nhân tại thành phố Dabiq, Syria.

    Đó là vì khu đồng bằng này chính là nơi Nhà tiên tri Muhammad phán rằng quân đội Rome sẽ đóng quân. Quân đội Hồi giáo, tức IS, sẽ đón đầu quân đội Rome tại đây, và Dabiq sẽ trở thành "Waterloo của phương Tây". Và thất bại của đạo quân thập tự sẽ là khởi đầu cho Ngày Tận thế, ngày Chúa trời đưa ra phán quyết cuối cùng.


    Nhà báo Wood viết, những kẻ làm tuyên truyền cho IS như thể đang "nuốt nước bọt" trong háo hức đón chờ cuộc chiến này, và chúng luôn "gài" những thông điệp về cuộc chiến trong các video đăng tải trên mạng xã hội hay trên ấn phẩm tuyên truyền.
    "Ngọn lửa đã được thắp tại Iraq, và sức nóng sẽ ngày một gia tăng... cho đến khi nó đốt cháy quân đội thập tự tại Dabiq" là một trích đoạn trong một cuốn tạp chí tuyên truyền được IS xuất bản hồi đầu năm.


    Vậy nhưng theo ông Wood, truyền thông thế giới lại không nhận ra được những thông điệp về Dabiq trong các video mà IS đăng tải, thay vào đó lại tập trung vào những cảnh hành quyết dã man.
    Trong một đoạn clip từ tháng 11 năm ngoái, gã đao phủ John jihad khét tiếng sau khi hành quyết Peter Kassig, một nhân viên cứu trợ làm việc tại Syria, đã để lại một thông điệp rợn gáy: "Lúc này, bọn ta đang chôn xác chiến binh thập tự người Mỹ đầu tiên tại Dabiq, và bọn ta nóng lòng chờ đợi phần còn lại của quân đội các ngươi tới đây".


    Theo kịch bản, sau chiến thắng tại Dabiq, Nhà nước Hồi giáo sẽ mở rộng và đánh chiếm Istanbul. Một số phần tử còn tin rằng khi đó quân đội Hồi giáo sẽ bao trọn cả Trái đất.
    Một thế lực chống lại Chúa trời, được nhắc đến trong các tài liệu liên quan đến Ngày Tận thế của Hồi giáo bằng cái tên Dajjal, sẽ xuất hiện từ khu vực Khorasan, phía đông Iran, và gây nhiều tổn thất cho quân đội Hồi giáo, tới khi chỉ còn 5.000 binh sĩ bị dồn vào chân tường tại Jerusalem.


    Nhưng ngay khi Dajjal chuẩn bị "kết liễu" đạo quân Hồi giáo thì, Jesus, Nhà tiên tri được tôn trọng thứ hai của Hồi giáo, sẽ trở về Trái đất, đâm ngọn giáo xuyên qua Dajjal, và đưa Hồi giáo đến chiến thắng cuối cùng.
    Nhưng "chỉ có Chúa mới biết" liệu IS có phải là đạo quân Hồi giáo được nhắc tới trong Qur'an hay không...
    ---
    Kính mong quý độc giả đón xem phần 3: Làm sao để "tẩy não" IS?
    heo Trí Thức Trẻ



    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  3. #3

    Mặc định

    IS thật sự muốn gì? (Phần cuối): Biện pháp nào cũng là hạ sách

    Đức Huy | 19/11/2015 19:45
    0








    IS thật sự muốn gì? (Phần cuối): Biện pháp nào cũng là hạ sách
    Ảnh: DunyaNews

    Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) xuất phát từ đâu, và mục đích của tổ chức này là gì? Đây là những câu hỏi tưởng chừng đơn giản, nhưng lại không dễ để có được câu trả lời hoàn chỉnh.



    nhà báo-chuyên gia nghiên cứu
    Graeme Wood



    Graeme Wood hiện đang làm công tác nghiên cứu tại Hội đồng Đối ngoại Mỹ (CFR), cũng như giảng dạy tại trường đại học Yale. Ông từng có nhiều năm làm phóng viên chiến trường tại Trung Đông. Bài viết "Thực sự IS muốn gì?" của ông đã tạo một làn sóng trong truyền thông Mỹ, và ông đã được mời phát biểu trên CNN, NBC, và ABC về bài viết này.



    Nếu muốn tìm một "điểm sáng" trong tư tưởng sùng đạo của IS, thì theo nhà báo Wood, đó là việc phương Tây có thể dựa vào đó mà phán đoán được phần nào đường đi nước bước của tổ chức này.


    Khi còn cầm đầu al-Qaeda, Bin Laden gần như không bao giờ để "lộ bài". Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên của mình trên truyền hình (trước vụ 11/9), phóng viên đã hỏi Bin Laden về kế hoạch tương lai của hắn. Trùm khủng bố đáp lại: "Sau này anh xem truyền hình hay đọc báo sẽ biết..."




    Bin Laden trong cuộc phỏng vấn với CNN năm 1997.



    Ngược lại, IS không hề giấu giếm ý đồ của mình. Tất nhiên không phải kế hoạch nào tổ chức này cũng công khai, nhưng đủ để tình báo phương Tây nắm bắt được cách thức hoạt động của IS, đương nhiên là nếu họ hiểu được những thông điệp ẩn trong đó, như đã nói ở phần 2 của loạt bài.


    Với IS, việc tuyên chiến để mở rộng nhà nước Hồi giáo là nhiệm vụ cơ bản của caliph, tức Baghdadi. Luật lệ Hồi giáo chỉ cho phép hiệp ước hòa bình kéo dài không quá 1 thập kỉ. Tương tự, chấp nhận chia đường biên giới bị coi là điều cấm kị.
    Một caliph sẽ bị quy tội nếu chấp nhận hòa bình lâu dài hoặc đường biên giới cố định. Hiệp ước hòa bình có thể được tái lập sau khi hết hạn 1 thập kỉ, nhưng không được phép áp dụng với mọi kẻ địch cùng một lúc. Caliph phải khởi xướng phong trào thánh chiến ít nhất 1 lần mỗi năm.


    "Caliph không được phép lơi là, nếu không ông ta sẽ phạm tội (sin)" - nhà báo Wood viết.
    Một số tổ chức cực đoan khác như Anh em Hồi giáo (Ai Cập) hay Hamas (Palestine) đã phải thay đổi hướng đi để phù hợp với xu thế chính trị thế giới, với mục tiêu hướng tới một ghế tại Liên Hiệp Quốc. Ngay cả Taliban cũng đã tìm đến những biện pháp ngoại giao như trao đổi đại sứ quán với Saudi Arabia, Pakistan, hay UAE.
    Nhưng trong mắt IS, tất cả những điều trên không phải là lựa chọn, mà là những hành vi phản giáo.


    Những sai lầm của Mỹ


    Theo ông Wood, Mỹ và đồng minh đã phản ứng quá chậm trước cơn khủng hoảng mang tên IS. Tổ chức này đã nhen nhóm ý định và công khai đường lối dự kiến của mình trên mạng xã hội từ năm 2011. Khi đó, phát ngôn viên IS Adnani đã nói với những tín đồ đầu tiên của phong trào rằng: "Mục tiêu của IS là tái sinh vương quốc Hồi giáo; Tận thế đã đến rất gần".
    Tháng 4/2013, Adnani tuyên bố phong trào đã "sẵn sàng kéo thế giới trở lại đường lối của Nhà tiên tri". 4 tháng sau, hắn nói: "mục tiêu của chúng ta là thiết lập một nhà nước Hồi giáo không công nhận biên giới các nước, mà chỉ công nhận đường lối của Nhà tiên tri".


    Bấy giờ, IS đã chiếm được Raqqa, một thành phố với khoảng 500.000 người, và đã "tẩy não" được rất nhiều phần tử cực đoan từ nước ngoài về đầu quân. Nhưng Mỹ và phương Tây gần như vẫn chưa có phản ứng gì.
    Theo ông Wood, nếu Mỹ xác định được ý đồ của IS sớm hơn, và nhận ra rằng khoảng trống quyền lực tại Syria và Iraq sẽ là nơi "nuôi dưỡng" mầm mống khủng bố, thì có lẽ Washington đã có thể thúc đẩy Iraq thắt chặt biên giới với Syria hoặc thỏa thuận trước với người Sunni ở nước này.


    Làm như vậy thì chí ít ra Mỹ đã có thể kiểm soát phần nào cỗ máy tuyên truyền của IS sau khi tổ chức này tuyên bố thành lập vương quốc Hồi giáo và thanh thế của chúng sau khi chiếm được Mosul. Vậy nhưng khi đó, Tổng thống Obama, với một giọng điệu coi thường mà có lẽ bây giờ ông đang hối hận, vẫn gọi IS là "đàn em của al-Qaeda".


    Việc cứng đầu không thừa nhận sự khác biệt giữa IS với các tổ chức cực đoan khác như al-Qaeda đã dẫn tới những quyết sách sai lầm nguy hiểm. Ví dụ như năm ngoái, chính phủ Mỹ đã lên kế hoạch cứu sống Peter Kassig*, và thất bại thảm hại.
    Theo kế hoạch, Mỹ đã mượn tay "bộ não" của al-Qaeda là Maqdisi** để tiếp cận Turki al-Binali, nhà tư tưởng số một của IS và cũng là học trò khi xưa của Maqdisi, qua đó nhờ Binali can thiệp ngăn cản vụ hành hình ông Kassig.




    Turki al-Binali, nhà tư tưởng số một của IS. Ảnh: Yahoo! News



    Khi đó, Maqdisi đang sống ở Jordan, nhưng bị chính phủ nước này kiểm soát liên lạc nghiêm ngặt. Sau khi Jordan cho phép Mỹ sử dụng Maqdisi làm trung gian, tên này đã được Mỹ cấp cho một chiếc điện thoại để trao đổi với Binali trong một vài ngày.
    Nhưng sau đó, chính phủ Jordan lại sử dụng những đoạn hội thoại giữa hai "thầy trò" này làm bằng chứng để... bỏ tù Maqdisi, còn Kassig thì bị hành hình.


    Trên thực tế, điều này cũng không có gì ngạc nhiên. Maqdisi thường xuyên bị các phần tử ủng hộ IS chế giễu trên mạng xã hội Twitter, còn al-Qaeda cũng chịu chung số phận vì không chịu thừa nhận sự tồn tại của Nhà nước Hồi giáo.


    Cole Bunzel, một học giả nghiên cứu tư tưởng Hồi giáo, thậm chí còn cho rằng việc "được" Maqdisi can thiệp xin tha có lẽ còn khiến tù nhân... chết nhanh hơn. "Nếu tôi mà bị IS bắt giữ và Maqdisi lên tiếng xin tha cho tôi, thì coi như đời tôi tàn rồi" - ông nói.
    Cái chết của Kassig quả thực là một thảm kịch, nhưng sự thật là nếu ông được cứu sống với kế hoạch của Mỹ, thì có lẽ một thảm kịch lớn hơn đã xảy ra. Vì nếu Maqdisi và Binali tìm được tiếng nói chung, điều đó cũng đồng nghĩa với việc al-Qaeda và IS, hai tổ chức khủng bố lớn nhất thế giới, đã xích lại gần nhau.


    Theo nhà báo Wood, cũng có khả năng chính phủ Mỹ muốn tận dụng cơ hội này để lấy tin tình báo từ Binali, hay thậm chí thủ tiêu tên này, còn việc giải cứu Kassig chỉ là nhiệm vụ bên lề.
    Nhưng dù thế nào đi nữa, thì quyết định của Mỹ suýt chút nữa đã mở đường cho hai tổ chức khủng bố lớn nhất hành tinh hòa giải với nhau. Điều này cho thấy sự thiển cận một cách đáng kinh ngạc của Washington.


    Vậy phải làm gì với IS?

    Ông Wood nhận định, một cách để dập tắt IS là tổng tấn công vào các địa phận ở Syria và Iraq mà tổ chức này đang chiếm đóng. Rất khó để loại bỏ hoàn toàn al-Qaeda vì tổ chức này không có lãnh địa cố định mà gieo rắc mầm mống trên toàn cầu.
    Nhưng IS thì khác, một Nhà nước không thể tồn tại nếu mất đi lãnh thổ của mình, nó không thể hoạt động ngầm như al-Qaeda. Các phong trào nhỏ lẻ vẫn có thể xuất hiện đâu đây, nhưng hình thức tuyên truyền về sự tái sinh của vương quốc Hồi giáo sẽ trở nên vô hiệu khi IS không còn sở hữu bất kì một mảnh đất nào.




    Khi lãnh thổ không còn, những lời tuyên truyền của IS sẽ trở nên vô hiệu.



    Như đã nói trong phần 2 của bài viết, IS luôn "ngày đêm ngóng chờ" trận chiến sinh tử tại Dabiq. Qua đó có thể hiểu rằng tổ chức này tập trung rất nhiều nguồn lực tại đây. Nếu các nước phương Tây có thể đánh dẹp IS tại thành phố này, Nhà nước Hồi giáo nhiều khả năng sẽ không bao giờ có thể gượng dậy được.


    Tuy vậy, những rủi ro leo thang đi kèm với một chiến dịch tổng lực là vô cùng to lớn. Đơn giản bởi vì phe ủng hộ Mỹ đổ bộ tới Iraq và Syria nhất chính là... IS. Những đoạn video man rợ rõ ràng được làm ra với mục đích gây hấn để dụ Mỹ lấn sâu vào cuộc chiến.
    Nếu Mỹ tiến đánh IS, đây sẽ là một chiến thắng về mặt tuyên truyền cho tổ chức này. Chúng sẽ gọi đây là một cuộc thập tự chinh phiên bản hiện đại, và lợi dụng điều đó để kêu gọi các phần tử Hồi giáo cực đoan trên toàn cầu về đầu quân.


    Thêm vào đó, thất bại trong những chiến dịch can thiệp quân sự quy mô lớn trước đây của Mỹ tại Trung Đông, cộng với sự thật rằng sự trỗi dậy của IS một phần chính là do Mỹ đã để lại khoảng trống quyền lực tại Iraq, cũng khiến Washington không khỏi "sởn gai ốc" khi nghĩ đến hậu quả của một thất bại nữa tại đây.


    Với những gì ta đã biết về IS, tiếp tục áp dụng chiến tranh ủy nhiệm và các đợt không kích xem ra là lựa chọn tối ưu trong một mớ những "hạ sách" tại Trung Đông. Người Kurd cũng như người Shiite sẽ không đời nào có thể kiểm soát cả một khu vực Sunni rộng lớn tại Syria và Iraq, và họ cũng chẳng muốn làm vậy.


    Nhưng hai phe này có thể góp phần kiểm soát sự bành trướng của IS, và dần dần khi Nhà nước Hồi giáo không thể mở rộng lãnh thổ như những gì chúng tuyên truyền, và phong trào dưới tên Nhà tiên tri Muhammad sẽ ngày một mất đi độ tin cậy.
    Đương nhiên, việc để IS tồn tại sẽ có cái giá của nó. Nhưng ngoài vụ khủng bố tại Paris mới đây, mối đe dọa IS đối với Mỹ và phương Tây nhỏ hơn rất nhiều so với những gì al-Qaeda đã làm. Bản chất tư tưởng của IS tập trung vào những kẻ địch gần mình hơn là các nước phương Tây.


    Ưu tiên của IS có thể thấy qua lời dặn dò Baghdadi gửi tới các phần tử IS trên lãnh thổ Saudi Arabia năm ngoái: "Hãy xử lý rafida (người Shiite) trước, rồi đến al-Sulul (những người Sunni trong chính phủ Saudi Arabia), sau đó mới đến những kẻ thập tự chinh và căn cứ của chúng".


    Theo nhà báo Wood, nếu không thể bành trướng, IS nhiều khả năng sẽ tự đào mồ chôn mình. Tổ chức này không có đồng minh vì tư tưởng siêu cực đoan của chúng. Những mảnh đất mà chúng sở hữu, tuy lớn về diện tích, nhưng tương đối khô cằn và ít tài nguyên.
    Nếu cứ giậm chân tại chỗ như vậy, những tuyên bố viển vông về sự hồi sinh của vương quốc Hồi giáo hay tuyền truyền về Ngày Tận thế của chúng sẽ dần mất giá trị, và ngày càng ít người tin vào những "lời hay ý đẹp" của tổ chức này hơn.


    Dẫu vậy, "cái chết" của IS khó có thể đến nhanh được, và viễn cảnh khủng khiếp khi IS bắt tay với al-Qaeda, dù khó xảy ra, nhưng vẫn còn hiện hữu. Có điều, một cuộc tấn công tổng lực trên bộ nhắm vào tổ chức này sẽ còn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

    ---
    Tóm lại, sẽ thật thiển cận khi nói chung chung rằng IS là "một vấn đề của Hồi giáo". Với một tôn giáo có bề dày lịch sử và hơn 1,5 tỉ tín đồ cùng hàng chục giáo phái khác nhau, Hồi giáo cho phép quá nhiều cách tiếp cận khác nhau, và cách tiếp cận cực đoan mà IS lựa chọn là một trong số đó.


    Mặt khác, cũng không thể nói rằng IS "phi Hồi giáo" như nhiều người vẫn nói để tránh gây tranh cãi tôn giáo cũng như để bảo vệ những tín đồ chân chính. Bản chất tư tưởng của tổ chức này thực ra cực nặng lý thuyết Hồi giáo, những hành vi man rợ phi nhân tính mà chúng áp dụng thực chất cũng xuất hiện trong kinh Qur'an, chỉ có điều là khác biệt về mặt thời thế mà thôi.


    Nói cách khác, không giống như al-Qaeda, IS không dùng Hồi giáo như một lớp vỏ bọc cho ý đồ chính trị nào cả. Các phần tử khủng bố này thực sự sùng đạo đến mức kinh ngạc, và các lãnh đạo của chúng là những tín đồ bảo thủ với hiểu biết cực kì sâu rộng về Hồi giáo.
    Với Mỹ và phương Tây, việc IS quyết tâm coi việc biến những lời tiên tri về sự tái sinh của vương quốc Hồi giáo thành sự thật như một tôn chỉ hoạt động của tổ chức chí ít cũng sẽ giúp họ nắm được phần nào đường đi nước bước của tổ chức này.


    Trong công cuộc chống lại IS, các biện pháp tư tưởng có thể sẽ thuyết phục được một vài phần tử "quay đầu là bờ"; những đợt không kích có thể sẽ giúp hạn chế sự bành trướng của chúng.
    Còn để loại bỏ hoàn toàn IS lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Nhân loại có lẽ sẽ chưa thể nhìn thấy cái kết này trong ngày một ngày hai, nhưng với một tổ chức sùng đạo vượt qua mọi ranh giới của sự cực đoan như IS, có lẽ thế lực duy nhất có thể tiêu diệt chúng tận gốc, không ai khác, chỉ có thể là bản thân IS mà thôi...
    (hết)
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  4. #4
    Thành viên tích cực SPAM Avatar của hcthinh
    Gia nhập
    Apr 2010
    Bài gởi
    38,281

    Mặc định

    Bin 571 thật sự mún giề ?????????
    Hoàng Đế Spam
    Chủ Tịch Hội Đồng KHOA HỌC HUYỀN BÍ - TÂM LINH - HUYỀN THUẬT.

  5. #5

    Mặc định

    Em chưa biết nhiều về đạo Hồi. Thế nhưng qua nhiều thứ (bao gồm cả cái này) là cũng quá đủ để biết được rằng: Đạo Hồi là một tôn giáo mang nặng tư tưởng về chiến tranh. Tôn giáo thì phải có những điều lành, hướng con người về chân thiện mỹ. Lãnh thổ rồi như không. Oai danh thì cũng hết.
    Cảm thương thay cho những nạn nhân của IS.
    NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
    An idea is bulletproof

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •