Hành giả giữ gìn giới được trong sạch và đầy đủ, làm nền tảng đem lại nhiều sự lợi ích cho mọi thiện pháp, cho pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ, cho đến lợi ích cao thượng là chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới.


Quả báu của sự giữ gìn giới.

Trong Tạng Luật bộ Parivāra, Đức Phật thuyết dạy quả báu của sự giữ gìn giới trong sạch đem lại sự lợi ích theo nhân quả tuần tự như sau:

1) Giữ gìn giới trong sạch đem lại sự lợi ích là có thu thúc lục căn thanh tịnh.
2) Có thu thúc, đem lại sự lợi ích là tâm không nóng nảy, tâm mát mẻ.
3) Tâm không nóng nảy, đem lại sự lợi ích là có tâm thỏa thích an vui.
4) Tâm thỏa thích an vui, đem lại sự lợi ích là có tâm hoan hỷ.
5) Tâm hoan hỷ, đem lại sự lợi ích là tâm vắng lặng thanh tịnh.
6) Tâm vắng lặng thanh tịnh, đem lại sự lợi ích là tâm an lạc.
7) Tâm an lạc, đem lại sự lợi ích cho thiền định.
8) Tâm thiền định, đem lại sự lợi ích có tri kiến thấy đúng theo thực tánh của các pháp.
9) Tri kiến thấy đúng theo thực tánh của các pháp, đem lại sự lợi ích cho tri kiến thiền tuệ, nhàm chán ngũ uẩn.
10) Tri kiến thiền tuệ nhàm chán ngũ uẩn, đem lại sự lợi ích diệt đoạn tuyệt được tham ái bằng Thánh Đạo Tuệ.
11) Diệt đoạn tuyệt được tham ái, đem lại sự lợi ích, giải thoát khổ bằng Thánh Quả Tuệ.
12) Giải thoát khổ bằng Thánh Quả Tuệ rồi, đem lại sự lợi ích cho trí tuệ quán xét biết rõ rằng giải thoát khổ rồi.
13) Trí tuệ quán xét biết rõ giải thoát khổ rồi, đem lại sự lợi ích chứng ngộ Niết Bàn, giải thoát khổ không còn chấp thủ.

Hành giả giữ gìn giới được trong sạch và đầy đủ, làm nền tảng đem lại nhiều sự lợi ích cho mọi thiện pháp, cho pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ, cho đến lợi ích cao thượng là chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới.

Quả báu của việc học Tạng Luật

Trong Tạng Luật bộ Pavivāra, Ngài Đại đức Upāli bạch hỏi Đức Thế Tôn về quả báu của việc học Tạng Luật.
Đức Phật dạy rằng:

Này Upāli, Tỳ khưu học Tạng Luật có được 5 quả báu là:
1) Chính mình biết giữ gìn giới luật được trong sạch.
2) Mình là nơi nương nhờ của những người khác, họ đến học hỏi để hiểu rõ giới luật.
3) Là người có thiện tâm dũng cảm trong các hội chúng.
4) Là người thắng kẻ thù bên trong là phiền não và kẻ thù bên ngoài bằng Chánh Pháp.
5) Là người hành theo Chánh Pháp, để duy trì Chánh Pháp được trường tồn.
Đó là 5 quả báu của việc học rành rẽ Tạng Luật.

Quả báu của việc học Tạng Kinh (Suttantapiṭaka)

Tạng Kinh là tạng gồm có nhiều bài kinh, bài kệ do Đức Phật thuyết giảng, cũng có một số bài kinh, bài kệ do chư Thánh Arahán, chư thiên, chư phạm thiên, Đức vua, Samôn, Bàlamôn. Những bài kinh, bài kệ ấy được Đức Phật nhắc lại hoặc xác nhận thì xem như lời thiện ngôn.

Tạng Kinh gồm có 5 bộ lớn

Trường Bộ Kinh: Gồm có những bài kinh dài.
Trung Bộ Kinh: Gồm có những bài kinh trung bình.
Đồng Loại Bộ Kinh: Gồm những bài kinh có điểm đồng nhau ghép thành nhóm.
Chi Bộ Kinh: Gồm những bài kinh có chi pháp rõ ràng.
Tiểu Bộ Kinh: Gồm những bài kinh, bài kệ không có trong 4 bộ trên, được gom vào Tiểu Bộ Kinh này.

Tạng Kinh có 3 đặc tính đặc biệt

- Đức Phật thuyết pháp dùng ngôn ngữ thích hợp (vohāradesanā).
- Đức Phật giáo huấn tùy theo căn duyên chúng sinh (yathālomasāsana).
- Đức Phật thuyết dạy chúng sinh diệt được tà kiến (diṭṭhiviniveṭhanakathā).

* Đức Phật thuyết pháp dùng ngôn ngữ thích hợp như thế nào?

Đức Phật thuyết pháp bằng cách dùng ngôn ngữ thích hợp đối với mỗi chúng sinh. Cho nên, Đức Phật thuyết pháp tế độ chúng sinh gồm có nhiều hạng khác nhau như Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ, Vua chúa, Bàlamôn, dân chúng, cho đến chư thiên, chư phạm thiên v.v... Mỗi khi chúng sinh lắng nghe Đức Phật thuyết pháp, họ đều hiểu rõ ràng các chánh pháp bởi do ngôn ngữ thích hợp theo trình độ riêng của mỗi chúng sinh. Do đó, có số chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, có số chứng đắc thành bậc Thánh Nhất Lai, có số chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai, có số chứng đắc thành bậc Thánh Arahán tùy theo khả năng pháp hạnh ba-la-mật của mỗi chúng sinh đã tạo. Cũng có số tạo duyên lành, bồi bổ pháp hạnh ba-la-mật để chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả trong thời vị lai kiếp này, hoặc kiếp sau.

* Đức Phật giáo huấn tùy theo căn duyên chúng sinh như thế nào?

Đức Phật có hai trí tuệ đặc biệt là:

- Indriyaparopariyattañāṇa: Trí tuệ biết rõ 5 pháp chủ già dặn hoặc non nớt của mỗi chúng sinh.

- Āsayānusayañāṇa: Trí tuệ biết rõ phiền não ngấm ngầm của mỗi chúng sinh.

Do đó, Đức Phật biết rõ được chúng sinh có duyên lành chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, hoặc không chứng đắc. Cho nên, Đức Phật thuyết pháp tế độ phù hợp với căn cơ, duyên lành của chúng sinh ấy. Khi chúng sinh ấy lắng nghe chánh pháp của Đức Phật dễ dàng chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được phiền não, tham ái. Ví như một vị thầy thuốc có tài đức, chẩn bệnh chính xác, biết rõ căn bệnh của bệnh nhân, liền cho thuốc tốt, nên bệnh nhân mau lành bệnh.

* Đức Phật thuyết dạy chúng sinh diệt tà kiến như thế nào?

Đức Phật biết rõ mỗi chúng sinh có tà kiến khác nhau (có 62 loại tà kiến), Đức Phật thuyết dạy chúng sinh ấy phát sinh chánh kiến, nên diệt được tà kiến theo chấp ngã, các loại tà kiến khác cũng bị diệt cùng một lúc, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn một cách dễ dàng.

Đó là 3 đặc tính đặc biệt của Tạng Kinh.

Quả báu của việc học Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma)

Tạng Vi Diệu Pháp gồm những Chân nghĩa pháp (Paramatthadhamma) cao siêu vi diệu, là những pháp có thực tánh như: Pháp thiện, pháp bất thiện, pháp không phải thiện, không phải bất thiện... Những pháp ấy là ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới... không phải ta, không phải người, không phải đàn ông, đàn bà, chúng sinh....
Tạng Vi Diệu Pháp được Đức Phật thuyết tại cung trời Tam Thập Tam Thiên vào mùa hạ thứ 7 của Đức Phật, để tế độ Phật mẫu, nay kiếp hiện tại là thiên nam Santussita ở cõi trời Đẩu Suất Đà Thiên. Vị thiên nam Santussitahiện xuống cõi trời Tam Thập Tam Thiên lắng nghe Đức Phật thuyết Tạng Vi Diệu Pháp này suốt 3 tháng hạ [9] . Vị thiên nam Santussita chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu cùng với 80 tỷ chư thiên, chư phạm thiên cũng chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả cao thấp tùy theo năng lực ba-la-mật của mỗi vị.

Tạng Vi Diệu Pháp gồm có 7 bộ:

1- Bộ Dhammassaṅganīpāḷi: Bộ Pháp Tụ Hội gồm tất cả các chân nghĩa pháp thành nhóm Mātikā pháp đầu đề, có tất cả 132 mātikā chia làm hai loại:
Tika mātikā: Pháp đầu đề có ba chi pháp gồm có 32 mātikā.
Duka mātikā: Pháp đầu đề có hai chi pháp gồm có 100 mātikā...
2- Bộ Vibhaṅgapāḷi: Bộ Pháp Phân Tích gồm các pháp phân tích thành 18 loại, uẩn (khandha), xứ(āyatana), giới (dhātu) v.v...
3- Bộ Dhātukathāpāḷi: Bộ Phân Loai gồm các pháp phân loại thành ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới, Tứ Đế(sacca).
4- Bộ Pugalapaññattipāḷi: Bộ Nhân Chế Định phân biệt các hạng người khác nhau.
5- Bộ Kathāvatthupāḷi: Bộ Luận Đề đặt vấn đề phá tan mọi tà thuyết, trở lại Chánh Pháp.
6- Bộ Yamakapāḷi: Bộ Song Đối gồm các câu hỏi, câu trả lời đi đôi với nhau từng cặp.
7- Bộ Paṭṭhānapāḷi: Bộ Duyên Hệ giải về 24 duyên có quan hệ với nhau. Bộ Duyên Hệ này là bộ lớn và rộng nhất, sâu sắc và vi diệu nhất trong Phật giáo.

Tạng Vi Diệu Pháp có 3 đặc tính đặc biệt:

- Đức Phật thuyết giảng về Chân nghĩa pháp (Paramatthadesanā).
- Đức Phật thuyết pháp giáo huấn chúng sinh tùy theo căn duyên để phá chấp ngã(yathādhammasāsana).
- Đức Phật thuyết giảng phân tích danh pháp, sắc pháp (nāmarāpaparicchedakathā).

* Đức Phật thuyết giảng về chân nghĩa pháp như thế nào?

Đức Phật tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, độc nhất vô nhị thông suốt tất cả các chân nghĩa pháp(paramatthadhamma) đó là tâm (citta), tâm sở (cetasika), sắc pháp (rūpa) và Niết Bàn (Nibbāna). Đức Phật Chánh Đẳng Giác đặc biệt có đầy đủ 5 pháp Ñeyyadhamma, nên Ngài có khả năng chế định ra ngôn ngữ chân nghĩa pháp, để thuyết dạy Tạng Vi Diệu Pháp này. Ngoài ra, không có một vị nào có khả năng thuyết giảng chân nghĩa pháp này, bởi vì họ không phải là Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

* Đức Phật thuyết pháp giáo huấn chúng sinh tùy theo căn duyên để phá chấp ngã như thế nào?

Đức Phật biết rõ tà kiến theo chấp ngã của chúng sinh khác nhau.

- Số chúng sinh có tà kiến theo chấp danh pháp cho là ta (ngã) nặng hơn là chấp sắc pháp cho là ta (ngã). Để tế độ nhóm chúng sinh ấy, Đức Phật thuyết pháp ngũ uẩn (khandha) là vô ngã. Bởi vì, trong ngũ uẩn có 4 danh uẩn: thọ, tưởng, hành, thức thuộc về danh pháp là vô ngã, còn một sắc uẩn thuộc về sắc pháp cũng là vô ngã.

- Số chúng sinh có tà kiến theo chấp sắc pháp cho là ta (ngã) nặng hơn là chấp danh pháp cho là ta (ngã). Để tế độ nhóm chúng sinh này, Đức Phật thuyết pháp 12 xứ (āyatana) là vô ngã. Bởi vì, trong 12 xứ, có 10 xứ: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và sắc, thanh, hương, vị, xúc thuộc về sắc pháp là vô ngã. Còn lại ý xứ thuộc về danh pháp và một phần pháp xứ thuộc về danh pháp và sắc pháp là vô ngã.

- Số chúng sinh có tà kiến theo chấp danh pháp và sắc pháp tương đương cho là ta (ngã). Để tế độ nhóm chúng sinh ấy, Đức Phật thuyết pháp 18 giới (dhātu) là vô ngã. Bởi vì, trong 18 giới, có 10 giới: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, và sắc, thanh, hương, vị, xúc thuộc về sắc pháp là vô ngã. Còn lại 7 giới khác: nhãn thức giới, nhĩ thức giới, tỷ thức giới, thiệt thức giới, thân thức giới, ý giới, ý thức giới thuộc về danh pháp là vô ngã, riêng pháp xứ thuộc danh pháp và sắc pháp là vô ngã v.v... Đức Phật thuyết pháp giáo huấn chúng sinh thấy rõ, biết rõ tất cả các pháp là vô ngã, không phải ta, không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải chúng sinh ..., để phá chấp ngã.

* Đức Phật thuyết giảng phân tích danh pháp, sắc pháp như thế nào?

Đức Phật thuyết giảng phân tích cho chúng sinh thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp, mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp có thực tánh pháp, có trạng thái riêng, có 3 trạng thái chung: trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, để diệt tâm tà kiến thấy sai chấp lầm từ danh pháp, từ sắc pháp cho là tự ngã của ta; diệt tâm tham ái nơi danh pháp, sắc pháp cho là của ta, diệt tâm ngã mạn xem ta hơn người, bằng người, kém thua người...
Đó là đặc tính đặc biệt của Tạng Vi Diệu Pháp.

Quả báu của sự học Tam Tạng

- Người theo học và hành nghiêm chỉnh đúng đắn theo Tạng Luật, giữ gìn giới đức trong sạch và đầy đủ, do nhờ giới trong sạch làm nền tảng, nương nhờ giới tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ, dẫn đến sự chứng đắc thành bậc Thánh Arahán cùng với Tam Minh [10] , do năng lực quả báu của sự học Tạng Luật.

- Người học thông thuộc Tạng Kinh có giới thanh tịnh làm nền tảng, để tiến hành thiền định dẫn đến chứng đắc bát thiền [11] , dùng bậc thiền làm nền tảng, nương nhờ bậc thiền làm đối tượng, tiến hành thiền tuệ, dẫn đến sự chứng đắc thành bậc Thánh Arahán cùng với Lục Thông [12] , do năng lực quả báu của sự học Tạng Kinh.

- Người học thông thuộc Tạng Vi Diệu Pháp có giới định làm nền tảng, tiến hành thiền tuệ dẫn đến sự chứng đắc thành bậc Thánh Arahán cùng với Tứ Tuệ Phân Tích [13] , do năng lực của sự học Tạng Vi Diệu Pháp.

---------------
[9] Thời gian 3 tháng hạ ở cõi người so với ở cõi trời Tam Thập Tam Thiên khoảng 3 phút 36 giây, bởi vì một ngày một đêm cõi trời Tam Thập Tam Thiên bằng 100 năm ở cõi người.

[10] Tam minh: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh.

[11] Bát thiền: 4 bậc thiền hữu sắc, và 4 bậc thiền vô sắc.

[12] Lục thông: Thần túc thông, nhãn thông, nhĩ thông, túc mạng thông, tha tâm thông, lậu tận thông.

[13] Tứ Tuệ Phân Tích: Nghĩa phân tích, Pháp phân tích, Ngôn ngữ phân tích, Tuệ ứng đối phân tích.
------
TRICH:NỀN TẢNG PHẬT GIÁO(MŪLABUDDHASĀSANA)
Tỳ khưu Hộ Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu)