Kinh Rohitassa, Đức Phật dạy:

Nơi xác thân dài một trượng này cùng với tri giác và tư tưởng (3) Như Lai tuyên bố thế gian, nguồn gốc của thế gian, sự chấm dứt thế gian và con đường dẫn đến sự chấm dứt thế gian!

Danh từ thế gian, tức loka, ở đây hàm chỉ về sự khổ, khổ đế.

Dầu chư Phật có xuất hiện hay không thì sự khổ ấy vẫn cứ tồn tại, vẫn là cái gì bất di bất dịch từ ngàn xưa đến ngàn sau. Đức Phật không phải là người sáng tạo hoặc khai sinh ra chân lý này. Sự thật ấy là cái có sẵn, đức Phật chỉ là người trực nhận, khám phá, thực chứng chân lý ấy rồi đem ra giảng nói cho chúng sanh.

Chân lý đầu tiên là khổ đế (dukkha sacca).

Dukkha là một từ rất khó dịch ra bất kỳ một ngôn ngữ nào khác. Người ta thường dịch dukkha là đau khổ hay phiền não. Tuy thế, đau khổ hay phiền não cũng chỉ nói lên được một vài thuộc tính, vài tính chất của dukkha mà thôi.

Tương đối trọn vẹn, chính xác và đầy đủ về dukkha, ta có thể tạm hiểu như sau:

- Tất cả những biến đổi về sinh vật lý của cơ thể này đưa đến đau nhức, suy nhược, bệnh hoạn, già yếu, tử vong... là dukkha.
- Tất cả những biến đổi, thay đổi các trạng thái tâm lý... như thương, ghét, uất ức, sầu muộn, chán nản, tuyệt vọng, hận thù... (hỷ, nộ, ái, ố...) đều là dukkha.
- Với nghĩa trừu tượng, triết học thì cái gì khó chịu đựng, khó kham nhẫn... là dukkha (du là khó, khalà chịu đựng). Cái gì đáng khinh miệt (du) và trống rỗng (kha) là dukkha. Cái gì như hư vô, ảo ảnh, khó nắm bắt, không thực tế... đều là dukkha.

Nói tóm lại, cô đọng và chính xác nhất: Vì thế gian vô thường (anicca), vô ngã (anatta) nên thế gian này là dukkha.

Trong kinh Chuyển Pháp Luân, đức Phật đã giảng tóm tắt về khổ đế như sau:

Nầy các thầy tỳ-khưu! Sanh là sự hội họp của ngũ uẩn, là dukkha. Lão là suy nhược, già yếu, là dukkha. Bệnh hoạn, đau ốm là dukkha. Tử là sự tan rã của ngũ uẩn, là dukkha. Uất ức, bực tức là dukkha. Thương mà phải lìa xa là dukkha. Ghét mà phải cùng ở là dukkha. Muốn mà không toại lòng, là dukkha. Nói tóm lại, thủ ngũ uẩn là dukkha”.

Từ đoạn kinh văn trên, người ta đã rút ra được 8 loại dukkha sau đây:

- Sanh là dukkha
- Lão là dukkha
- Bệnh là dukkha
- Tử là dukkha
- Ái biệt ly là dukkha
- Oán tăng hội là dukkha
- Cầu bất đắc là dukkha
- Thủ ngũ uẩn là dukkha

Tám (8) dukkha này là do ngũ uẩn mà có. Tám (8) dukkha này có mặt là do thủ ngũ uẩn có mặt. Vậy, ngũ uẩn và thủ ngũ uẩn là nguồn gốc của tất cả khổ.
Ngũ uẩn ấy có thể tóm tắt như sau:

1. Sắc (rūpa)
Sắc thân này, tấm thân tứ đại một trượng này. Tuy nhiên ta phải hiểu sắc là gồm có xác thân cùng cả 7 sắc đối tượng (sẽ xem kỹ hơn ở bài ngũ uẩn).

2. Thọ (vedanā)
Tức là cảm thọ, cảm giác.
Khi căn, trần giao tiếp với nhau thì phát sanh những cảm thọ. Thân có 3 cảm thọ (khổ, lạc, xả) và ý có 3 cảm thọ (hỷ, ưu, xả).

3. Tưởng (saññā)
Được hiểu là tri giác, tức là nhận biết, phán đoán, xác định đối tượng là sắc, thanh, hương, vị, xúc hay pháp.

4. Hành (saṅkhāra)
Gồm chung 50 tâm sở thiện, bất thiện và bất động. Ở đây xẩy ra các trạng thái tâm lý, các diễn tiến tâm lý.

5. Thức (viññāṇa)
Là tên gọi khác của tâm, là tất cả 89 tâm (theo Abhidhamma). Thức này nhận thức đối tượng, kinh nghiệm đối tượng và lưu giữ đối tượng. Đây chính là thức đầu tiên của kiếp sống, cũng là thức cuối cùng đi tìm cảnh giới tái sanh (kiết sanh thức).

Người tu thiền quán phải thấy, biết, hiện quán và thực chứng ngũ uẩn này hoặc danh, sắc này. Không thấy rõ ngũ uẩn hoặc danh sắc thì không thể giải thoát.

Muốn rõ tường tận hơn về tất cả dukkha, ta chỉ cần thấy rõ, biết rõ 3 loại dukkha căn bản sau đây: khổ khổ, hoại khổ, hành khổ.

I. Khổ khổ (dukkha dukkha)

Tức là khổ chồng chất lên cái khổ. Đây là cái khổ phát sanh trong đời sống thường nhật. Tuy nhiên, muốn thấy rõ toàn bộ khổ khổ, ta phải quan sát, chiêm nghiệm có 2 loại khổ:
- Một loại khổ bình thường, tự nhiên được gọi là khổ thọ thuần túy. Khổ thọ thuần túy này phát sanh khi thân-tâm-sinh-vật-lý của chúng ta bị sự tác động tự nhiên của 4 định luật vũ trụ. Bậc thánh nhân hay kẻ phàm phu đều chịu chung khổ thọ thuần túy này.
- Một loại khổ thứ hai - khổ khổ, tức là loại khổ do ta chế biến, đẻ ra, đã có đầu tư của tư tâm sở. Đây là cái khổ chủ quan, sẽ phát sanh nghiệp báo (định luật thứ 5) (4).

1. Khổ thọ thuần túy

Được phát sanh khi lục căn giao tiếp với lục trần.
- Khi mắt thấy sắc chói chang, khó chịu, đau mắt, nhức mắt thì lúc ấy nhãn thức thọ xả, thân thức (thần kinh) thọ khổ.
- Khi tai nghe âm thanh chát chúa, khó chịu, lùng bùng, đau nhức thì lúc ấy nhĩ thức thọ xả mà thân thức thọ khổ
- Khi mũi ngửi mùi khó chịu do thối, hôi, khẳm, nồng nặc, ... thì tỷ thức thọ xả mà thân thức thọkhổ.
- Khi lưỡi nếm vị cay, đắng, chát... khó chịu thì thiệt thức thọ xả mà thân thức thọ khổ.
- Khi thân xúc chạm buốt, đau, nhức khó chịu thì thân thức thọ khổ.
- Khi ý nghĩ đến pháp (ngũ trần đọng lại trong tâm) mà phát sanh âu sầu, phiền muộn thì ý thức thọ ưu.
Nói tóm lại là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt thức luôn luôn thọ xả, chỉ có thân là thọ khổ; còn ý thức là thọ ưu (ưu là tên gọi khác của khổ, khổ tâm). Người tu tuệ quán chỉ cần ghi nhận (chánh niệm) các loại khổ này chỉ là khổ bình thường, thuần túy; lấy định tuệ chiếu soi “khổ thọ ấy như thế nào thì thấy rõ khổ thọ ấy như thế’; đấy được gọi là khổ thọ như thực tướng (paramattha).

2. Khổ khổ

Đây là loại khổ chủ quan đã qua sự chế biến của tư tâm sở; nói cách khác, do mình đã dùng ý niệm, khái niệm chủ quan mà trùm lên, chồng lên cái khổ thọ thuần túy, khách quan ở trên. Ta hãy quan sát tiến trình dấy khởi ấy:

- Khi một cảm thọ khổ bởi tác động của ngoại giới qua thân, qua tâm; ta thường thiếu bình tĩnh (định), thiếu sáng suốt (trí tuệ) nên ta bị pháp trần lôi cuốn. Thế rồi, một tâm lý bực bội, bất mãn, do sân, khởi lên. Tâm sân ấy, ngay lập tức, muốn chấm dứt, muốn triệt tiêu, muốn tiêu diệt cái khổ ấy.

- Và chính tâm lý bực tức, bất mãn và ý muốn chấm dứt khổ một cách chủ quan (do sân - phi hữu ái) làm gia tăng cảm giác khổ thuần túy. Như vậy, vô tình, chúng ta chồng thêm cái khổ chủ quan lên trên cảm giác khổ bình thường. Vì khổ chồng thêm khổ nên gọi là khổ khổ.

Do tâm sân (phi hữu ái) muốn chấm dứt khổ thọ (thuần túy) mà sinh ra khổ khổ (chủ quan). Như thế, khổ khổ là do ảo giác của ta đẻ ra chứ nó vốn không thực có.

II. Hoại khổ (viparināma dukkha)

Loại khổ này có từ lạc thọ. Cũng do sự chế biến chủ quan của tư tâm sở mà lạc thọ biến thành hoại khổ. Ta sẽ quan sát tiến trình của nó.

1. Lạc thọ thuần túy

- Khi mắt thấy sắc dễ chịu, khoan khoái, mến thích thì lúc ấy nhãn thức thọ xả mà thân thức thì thọ lạc.
- Khi tai nghe âm thanh dễ chịu, khoan khoái, mến thích thì nhĩ thức thọ xả mà thân thức thọ lạc (5).
- Khi mũi ngửi mùi dễ chịu, khoan khoái, mến thích thì tỷ thức thọ xả mà thân thức thọ lạc.
- Khi lưỡi nếm vị dễ chịu, khoan khoái, mến thích thì thiệt thức thọ xả mà thân thức thọ lạc.
- Khi thân xúc chạm dễ chịu, êm ái, khoan khoái, mến thích thì thân thức thọ lạc.
- Khi ý nghĩ tưởng đến pháp phát sanh khoan khoái, mến thích thì ý thức thọ hỷ.

Tương tự như trên là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt thức thọ xả, riêng thân là thọ lạc; còn ý thức thì thọ hỷ (hỷ là tên gọi khác của lạc).

Người tu tuệ quán chỉ cần chánh niệm, ghi nhận đây là lạc thọ thuần tuý; lấy định tuệ chiếu soi “lạc thọ ấy như thế nào thì thấy rõ lạc thọ ấy như thế”.Đấy được gọi là lạc thọ như thực tướng (paramattha).

2. Hoại khổ

Ở đây, khi các đối tượng ngũ trần dễ mến, dễ ưa, khả ái, khả hỷ phát sanh; thường chúng ta không giữ được cảm giác thuần túy ban đầu ấy (lạc thọ). Chính do tham đắm, mê chấp khởi sanh tâm lý muốn gìn giữ, ôm ấp, muốn lưu giữ mãi cảm giác lạc thọ ấy. Và chính vì sự tham muốn sai lầm (tham - hữu ái), sai với qui luật tự nhiên làm cho cảm giác lạc thọ thuần túy biến thành khổ đau.

Ta hãy xem sự diễn biến ấy của khổ đau trải qua các giai đoạn:

2.1- Lạc thọ đang có mặt: Khi ta có một niềm vui, một vật gì ưa thích, một đối tượng đáng yêu (tức là những lạc thọ), thì ta hưởng thụ một cách ham hố, đam mê, say đắm đi kèm theo với tâm phóng dật, mê mờ, mê si, lại còn sợ bị trôi vuột, sẽ không còn là “của ta” nữa, sợ nó sẽ biến mất, sợ nó sẽ không còn tồn tại. Bất an và dao động là trạng thái thường xuyên khi lạc thọ đang có mặt. Vì thiếu định, tuệ chiếu soi “xem lạc thọ chỉ là lạc thọ, lạc thọ như thực tướng”; ta đã biến lạc thọ thuần túy ấy thành khổ đau qua tâm trạng lo lắng, bất an của mình.

2.2- Lạc thọ biến đổi, biến mất: Khi có một cái gì, một vật gì khả ái, khả hỷ... không còn ở với ta nữa, nó biến đổi, nó mất rồi thì ta sẽ mang cảm giác hụt hẫng, nuối tiếc, sầu muộn. Điều ấy thì trên cuộc đời này ai cũng có thể kinh qua và chiêm nghiệm được cả. "Cuộc rượu nào không vơi? Niềm vui nào không tàn?"; thế nhưng, chúng ta thường không thấy rõ để sống đúng với qui luật ấy. Chính do mê đắm, chấp thủ lạc thọ; không nhìn rõ lạc thọ như thực tướng nên ta đã biến nó thành khổ đau.

2.3- Lạc thọ tồn tại quá lâu: Cái đẹp, niềm vui, mùa xuân... giả sử mà nó ở với ta mãi thì quả là ta sẽ không chịu đựng nổi. Lâu ngày gặp lại người bạn thân thì vui, thì quí, nhưng nếu người bạn thân ấy cứ ở mãi bên ta, không chịu đi thì còn vui, còn quí nữa không? Một đoá hoa rất đẹp, nó cứ nở mãi không chịu tàn thì sao nhỉ? Do vậy, khi lạc thọ tồn tại quá lâu thì ta sẽ chán nản, chán chường.
Nói tóm lại, vì tâm lý chủ quan sai lầm, do mê chấp, tham đắm, không thấy rõ thực tướng của lạc thọ với bản chất là biến hoại, đổi khác, ta đã biến lạc thọ thuần túy thành hoại khổ. Cái khổ này cũng chính do ta đẻ ra, nó vốn không thực hữu.

Tham (hữu ái) biến đổi lạc thọ thuần túy thành hoại khổ - nghĩa là tâm tham lam muốn kéo dài lạc thọ thì phát sanh hoại khổ.

III. Hành khổ (saṅkhāra dukkha)

Có những lúc chúng ta đang ở trong cảm giác bình thường không lạc, không khổ, gọi là xả. Tuy nhiên, chúng ta thường không ghi nhận (chánh niệm) đúng như thực tướng là xả thọ. Ở trong xả thọ, chúng ta không thấy, không biết; chỉ một lúc là chúng ta sẽ thấy buồn chán, trống không, vô vị. Thế rồi, do tâm lý không bằng lòng với cảm giác xả; chúng ta thường tìm cách chạy trốn nó, khỏa lấp nó, giết thì giờ trong những cuộc vui, cuộc tiêu khiển khác. Từ đây, ta đã biến xả thọ bình thường thành một khổ đau mới, ấy là hành khổ.
Chúng ta sẽ quan sát sự diễn biến ấy.

1. Xả thọ

Tâm của chúng sanh thường có hai năng lực chính là lực âm và lực dương. Lực âm là hút và lực dương là đẩy.
- Khi các đối tượng ngũ trần là khả ái, khả hỷ, khả lạc làm ta ưa thích thì ta muốn ôm níu, chiếm giữ, thủ trước. Nghĩa là muốn hút vào. Hút vào là lực âm, là tham (hữu ái).
- Khi các đối tượng ngũ trần là không khả ái, không khả lạc, không khả hỷ... làm cho ta không thích, chỉ muốn từ chối nó, phủ nhận nó; nghĩa là muốn đẩy nó ra. Đẩy ra là lực dương, là sân (phi hữu ái).
Tuy nhiên có những đối tượng ngũ trần, hoặc lúc ấy chẳng có những đối tượng nào của ngũ trần có thể làm cho ta thích (lạc) hay không thích (khổ), tạo cho tâm ta khởi sanh năng lực hút (tham) hay đẩy (sân); thì khi ấy được gọi là xả - xả thọ.

Nếu không hiện quán xả thọ ấy như thực tướng thì ta sẽ biến xả thọ ấy thành nỗi khổ đau, thành hành khổ.

2. Hành khổ

Xả thọ là lúc không vui, không buồn; tâm ta lúc ấy dường như là rỗng không, không chú tâm, không dính mắc một đối tượng nào. Thường tình, khi ở trong trạng thái ấy, ta không chịu đựng được lâu. Thế rồi, ta tìm cách khỏa lấp sự trống không ấy:

- Đi dạo phố chơi.
- Tìm một người bạn để đi uống cà phê, nghe nhạc.
- Tìm thú vui chén rượu, canh bạc.
- Đi mua sắm.
- Tìm một công việc gì đấy để làm, như làm vườn, dọn dẹp nhà cửa, quét sân...
- Đọc sách, tham thiền, đánh cờ, tìm bạn để đàm đạo, đến chùa, dạo cảnh, ngắm hoa, viết truyện, làm thơ, vẽ tranh...

Sự giải trí ấy thiên hình vạn trạng, nhưng nói chung: Người cao nhã thì tìm thú vui, thanh cao, người thấp thỏi thì tìm thú vui hạ liệt. Tùy theo tâm mà tìm cảnh. Dường như ai cũng không chịu đựng nổi trạng thái trống không nên muốn lăng xăng tìm kiếm thú vui tinh thần hoặc vật chất. Nhưng tựu trung cũng không ra ngoài sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Chính tâm lý lăng xăng tìm kiếm này làm cho ta dao động, bất an; cứ khao khát muốn tìm sự thỏa mãn mới nên đã tạo nên nỗi khổ gọi là hành khổ (saṅkhāra dukkha). Hành, tức là tâm tạo tác do điều kiện căn và trần. Do không thấy rõ, biết rõ (si) để hiện quán cảm giác xả này chính là cảm giác thực - xả thọ như thực tướng nên si mê kéo ta đi, lăng xăng tạo tác rồi bị ảo giác này chi phối, thao túng, dẫn dắt, điều động.
Vậy, do si chi phối nên biến xả thọ thành hành khổ.

Nói tóm lại, ba loại khổ: khổ khổ, hoại khổ và hành khổ, đối với người trí tuệ thì chúng không phải là cảm giác thực mà chỉ là 3 ảo giác phát sanh từ 3 ảo tưởng tham (hữu ái), sân (phi hữu ái) và si (dục ái).

Nếu không thấy, biết, hiện quán và thực chứng lạc, khổ, xả là 3 cảm giác thực (6) phát sanh theo duyên căn và trần, chúng vốn bị chi phối bởi những định luật tự nhiên của tâm sinh vật lý; thì 3 ảo tưởng (tham, sân, si) sẽ đẻ ra 3 ảo giác hoại khổ, khổ khổ, hành khổ (khổ đế) rồi nhận chìm chúng ta trong dòng chảy siết của bộc lưu sinh tử, khổ đau và phiền não.