"Trình độ của người nhận thức càng thấp chừng nào thì lại càng nghĩ ra những chuyện cao siêu chừng nấy. Còn những người trình độ càng cao thì lại trở về với những điều bình thường nhất".

Do đó, để dạy cho những người có căn cơ đức tin như vậy thì phải càng nói cho cao siêu thì họ mới chịu chấp nhận.

Ban đầu vì không thể trực tiếp thể nhận tánh biết sáng suốt của mình, nên đành xây dựng các hình tượng biểu trưng phương tiện dẫn dắt họ trở về, nhưng về sau này các hình tượng biểu trưng ấy lại trở thành một vị Bồ Tát hay Phật để mà cầu nguyện và cứu độ. Những lời chỉ dạy uyên nguyên, đơn giản, phổ biến và trực tiếp của Đức Thích Ca Mâu Ni mà khi được thực hành có thể đưa đến nhất hướng yếm ly, ly tham, tịch diệt, an tịnh, thắng trí, Niết-bàn lại trở thành những thứ xa vời. Thậm chí còn không được biết đến.

Cuối cùng, chỉ còn một lối mòn duy nhất cho những con người khốn khổ, đó chính là niềm tin. Cứ tin trước cái đã. Và rồi những người chưa tin, sẽ bị cho là Vô Minh, là không có căn lành... Con đường cứ thế mà tiếp diễn, "đọc kinh không cần hiểu nghĩa", thắc mắc là còn nghi ngờ. Họ không biết phải làm thế nào với phiền não, khổ đau, bất hạnh, tuyệt vọng của chính mình. Thế là một hệ quả tất yếu ra đời, đó chính là cầu mong sự giúp sức, sự cứu độ từ một thế lực nào đó vì nghĩ rằng mình không đủ sức, mình phước mỏng tội nặng.

Từ đây, cánh cửa mở ra con đường Giác Ngộ mà Thế Tôn đã diễn bày đành khép lại. Không ai dám mạnh dạn bước đi trên con đường mà đã bị gán mác "tiểu thừa", không ai dám thực hành những điều đơn giản khi mà người ta quá mải mê với những thứ cao siêu huyền diệu chỉ vì nó đáp ứng được với lòng tham của con người.

Đó là một thực trạng rất đáng buồn!

Tứ Diệu Đế hay Tứ Thánh Đế (ariya sacca) tức là bốn sự thât rốt ráo về khổ, về nguyên nhân khổ, về diệt khổ, về con đường diệt khổ.

Phạn ngữ sacca có nghĩa là đế, sự thật, chân lý; tức là cái gì thực sự có, là sự thật không thay đổi. Ariya là cao thượng, cao cả, vi diệu. Do vậy, ariyasacca là chân lý cao cả, là sự thật thù thắng, như chân như thật không bị không thời gian chi phối, biến đổi.

Tứ Diệu Đế này là nền tảng của giáo lý, là cốt tuỷ của giáo pháp, được đức Phật chứng ngộ trong đêm Thành Đạo và tuyên thuyết ở trong kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattanasutta) ở Vườn Nai để độ cho 5 ngài Koṇḍañña, Vappa, Bhaddiya, Mahānāma và Assaji.

Đức Phật đã tuyên bố như sau:
Này các thầy Tỳ-khưu! Ngày nào mà tuệ thấy rõ, biết rõ (1) về Tứ Đế tuần tự qua 3 giai đoạn thành 12 loại trí tuệ (2) mà Như Lai chưa được hoàn toàn sáng tỏ, thì chừng ấy Như Lai chưa xác nhận rằng là Như Lai đã chứng ngộ Chánh Đẳng Giác. Nay thì tuệ như thực về Tứ Đế, Như Lai đã hoàn toàn sáng tỏ, Như Lai tuyên bố rằng, Như Lai đã chứng đắc Chánh Đẳng Giác trước thế giới nhân loại, vua chúa, sa môn, bà-la-môn luôn cả chư thiên, ma vương và phạm thiên cả thảy”.

Như vậy, thấy rõ Tứ Đế, chứng ngộ Tứ Đế là điều kiện tất hữu để thành Phật, thành A-la-hán hay thành Phật Độc giác vậy.

Ngoài ra, rải rác trong kinh điển, đức Phật thường có những lập ngôn như sau:

- Ai thấy rõ Tứ Đế là người ấy có chánh kiến, đã vĩnh viễn ly thoát tà kiến.
- Ai thấy rõ Tứ Đế, người ấy có đức tin bất động với giáo pháp.
- Ai thấy rõ Tứ Đế, người ấy không còn bị vô minh, si mê chi phối.
- Người thấy rõ Tứ Đế mới có khả năng giải thoát dòng bộc lưu sinh tử.

Tứ Đế quan trọng cho tất thảy những người tu Phật không kể là chư Tăng Ni, nam nữ cư sĩ của bất kỳ tông hệ Phật giáo nào. Không có Tứ Đế không có Phật giáo. Giảng thuyết giáo pháp mà không có Tứ Đế thì không phải Phật giáo.

Xem nhẹ, xem thường Tứ Đế sau các tư tưởng giáo lý khác là bỏ gốc lấy ngọn, rong chơi trên cây cành, hoa lá. Phỉ báng Tứ Đế là phỉ báng giáo pháp tinh yếu. Xem người tu Tứ Đế là căn cơ hạ liệt của Nhị Thừa là phỉ báng Phật, hủy báng Pháp, đấy chính là tà thuyết đồng với ngoại đạo.

Vậy, để thấy rõ, biết rõ bản chất của sự khổ và thoát ly những khổ đau ấy, chúng ta phải thấy, biết, hiện quán và thực chứng về Bốn Sự Thật ngay nơi chính sự sống của chúng ta đang diễn ra, đang xảy ra chính nơi thực tại hiện sinh này.

1. Khổ đế (dukkha sacca): Sự thật về khổ.
2. Tập đế (dukkha samudaya sacca): Sự thât về nguyên nhân khổ.
3. Diệt đế (dukkha nirodha sacca): Sự thật về diệt khổ.
4. Đạo đế (dukkha nirodhamagga sacca): Sự thật về con đường diệt khổ.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT