a/ Tin sâu lý nhân quả.

Người muốn dụng công tu đạo, việc đầu tiên là phải tin sâu lý nhân quả. Nếu không tin nhân quả, thì làm những việc hàm hồ. Chẳng những việc tu đạo khó thành công mà ba đường ác cũng không thể thiếu mình. Phật dạy:

- Muốn biết nhân đời trước, phải nhìn đời này mình thọ quả báo gì. Muốn biết quả đời tương lai, phải xem đời này mình đang gieo nhân gì.

Phật lại bảo:

- Giả sử nghiệp tội đã tạo trong trăm ngàn kiếp chưa tan, khi nhân duyên đến, quả báo phải tự thọ.

Kinh Lăng Nghiêm thuyết: "Nhân địa bất chân chánh thì phải chiêu quả báo cong vạy".

Trồng nhân thiện thì kết quả lành. Trồng nhân ác thì kết quả xấu. Trồng dưa được dưa, hay trồng đậu thì được đậu. Đây là đạo lý tự nhiên. Đàm luận về lý nhân quả, tôi sẽ đơn cử hai câu chuyện xưa để chứng minh.

Chuyện thứ nhất là việc vua Lưu Ly diệt chủng tộc họ Thích. Trước thời Phật Thích Ca, trong thành Ca Tỳ La Vệ có một thôn xóm chuyên môn đánh cá. Trong thôn xóm có một hồ lớn. Khi ấy, thời tiết hạn hán, nước khô cạn. Tất cả cá lớn nhỏ đều bị dân làng bắt ăn hết, duy chỉ còn một con cá lớn nhất, gần bị nắng thiêu chết. Trong làng có một đồng tử xưa nay chưa từng ăn thịt cá, nhưng trong ngày ấy lại giỡn chơi, lấy cây côn đập trên đầu cá ba lần. Sau này, trong thời Phật Thích Ca ra đời, có vua Ba Tư Nặc rất tin tưởng sùng phụng Phật Pháp. Ông ta lấy bà hoàng hậu vốn thuộc dòng nô tỳ của họ Thích Ca. Bà ta hạ sanh được một thái tử, tên là Lưu Ly. Lúc nhỏ, vua Lưu Ly thường ở thành Ca Tỳ La Vệ học hành. Ngày nọ, vì giỡn chơi, thái tử Lưu Ly leo lên tòa ngồi của Phật, nên bị người thuộc dòng dõi Thích Ca mắng chửi đuổi xuống. Do đó, ông ta oán hận trong tâm.

Đến khi lên ngôi vua, ông ta liền thống lãnh đại binh đánh chiếm thành Ca Tỳ La Vệ, tàn sát hết dân chúng trong thành. Khi đó, Phật bị nhức đầu dữ dội trong ba ngày liền. Các đại đệ tử đều thỉnh Phật tìm cách giải cứu dòng họ Thích Ca, nhưng Ngài bảo rằng định nghiệp khó mà chuyển nổi. Tôn giả Mục Kiền Liên dùng thần thông, bỏ năm trăm thân tộc dòng họ Thích Ca vào bình bát rồi bay lên hư không để giải cứu họ. Sau khi đến nơi khác, định bỏ họ xuống, nhưng khi Tôn Giả nhìn lại trong bình bát thì chỉ thấy toàn là máu. Chư đại đệ tử thỉnh hỏi Phật về nhân duyên của việc này. Đức Phật liền kể lại câu chuyện dân làng trong thành Ca Tỳ La Vệ ăn thịt cá thuở xưa mà vua Lưu Ly là tiền thân của con cá lớn nhất.

Quân sĩ binh lính của ông ta vốn là những cá trong hồ thuở kiếp xưa. Dân chúng thuộc dòng họ Thích Ca bị vua Lưu Ly giết, vốn là dân làng ăn thịt cá vào lúc ấy. Tiền thân của đức Phật là đồng tử. Vì giỡn chơi, đánh trên đầu con cá lớn nhất nên bị quả báo bệnh nhức đầu ba ngày. Định nghiệp thật khó trốn chạy. Năm trăm thân tộc họ Thích Ca, tuy được tôn giả Mục Kiền Liên cứu thoát, nhưng tánh mạng vẫn tiêu tan, không thể lẩn trốn. Sau này vua Lưu Ly bị đọa địa ngục. Oan oan tương báo, chẳng hẹn ngày giờ. Nhân quả thật đáng sợ.

Chuyện thứ hai là việc tổ Bá Trượng cứu độ con hồ ly. Ngày nọ, sau khi tổ Bá Trượng giảng kinh xong, mọi người đều giải tán, nhưng chỉ còn lại một ông lão chưa chịu ra về. Tổ Bá Trượng thấy vậy liền hỏi nguyên do. Ông lão liền đáp:

- Con chẳng phải là người, mà vốn là hồ ly tinh. Đời trước đã từng tu hành ở nơi đây. Ngày nọ, có người hỏi con rằng bậc đại tu hành (liễu ngộ) còn bị lạc vào nhân quả hay không ? Khi ấy con đáp là không lạc vào nhân quả. Nhân vì câu trả lời đó mà bị đọa lạc làm thân hồ ly tinh trải qua năm trăm năm, không cách nào giải thoát được. Nay thỉnh Hòa Thượng từ bi khai thị chỉ dạy.

Tổ Bá Trượng bảo:

- Nay ông hãy hỏi lại ta câu đó đi.

- Thỉnh vấn Hòa Thượng. Người tu hành lâu năm có bị lạc vào nhân quả hay không ?

- Không lầm nhân quả.

Nghe lời này ông lão liền đại ngộ, bèn lễ bái cảm tạ:

- Nhờ lời dạy của Hòa Thượng, nay con đã thoát được thân hồ ly tinh. Con vốn ở trong hang đá sau núi. Xin thỉnh Hòa Thượng ngày mai làm lễ theo cách thức an táng một vị tăng.

Qua hôm sau, tổ Bá Trượng ra hang sau núi, thấy xác chết của một con hồ ly tinh, nên liền làm lễ an táng giống như một vị tăng.

Chúng ta nghe đến hai câu chuyện này, biết rõ nhân quả thật đáng sợ. Tuy đã thành Phật rồi nhưng không thể miễn quả báo đau đầu. Báo ứng chẳng sai chạy chút nào. Định nghiệp thật khó trốn thoát. Vì vậy, trong mọi thời chúng ta phải nên cẩn trọng, chớ tạo nhân xấu.


b/ Nghiêm trì giới luật.

Đối với công phu tu đạo, việc đầu tiên là phải trì giới. Giới là gốc của đạo Bồ Đề vô thượng. Do giới mà sanh định. Do định mà phát huệ. Nếu không trì giới mà muốn tu hành thì không thể được. Kinh Lăng Nghiêm nói đến việc đức Phật răn nhắc chúng ta về bốn hạnh thanh tịnh. Chẳng trì giới mà muốn tu chánh định thì không thể nào thoát khỏi trần lao. Lại nữa, dầu hiện tại có phát sanh trí huệ hay thiền định, nhưng vẫn bị lạc vào tà ma ngoại đạo. Vì vậy, biết rõ việc trì giới rất quan trọng. Người trì giới luôn được chư long thần ủng hộ, tà ma ngoại đạo kính phục nể sợ. Người phá giới thì quỶ gọi là kẻ cướp, nên chúng thường đi theo xóa dấu chân họ.

Xưa kia, nơi cạnh vương thành của nước Kế Tân, có một ngôi già lam. Gần đó có một con rồng độc, thường hiện ra hại người địa phương. Thế nên, năm trăm vị A La Hán trong chùa đó hợp lại nhau, dùng lực thiền định để đuổi con rồng độc này đi, nhưng không thể được. Sau này, có một vị tăng chưa từng biết đến thiền định, mà chỉ nói với con rồng độc câu:

- Nầy Hiền Thiện ! Xin hãy rời khỏi chỗ này.

Nghe thế, rồng độc liền bay đi nơi khác. Chúng tăng A La Hán hỏi vị tăng kia rằng dùng thần thông gì mà đuổi được rồng độc. Vị tăng kia đáp:

- Tôi không biết dùng thần lực thiền định, nhưng chỉ chân chánh trì giới cẩn mật. Hộ trì giới khinh cũng như giới trọng.

Chúng ta hãy suy nghĩ xem, lực thiền định của năm trăm vị A La Hán, không thể sánh bằng một vị tăng nghiêm thủ giới luật.

Có người bảo rằng Lục Tổ thường dạy:

- Tâm bình thì nhọc gì trì giới. Tâm hạnh chất trực thì cần gì tham thiền ?

Tôi xin hỏi rằng quý vị đã đạt đến tâm bình và chất trực chưa ? Nếu có một cô hằng nga thân hồng lõa thể ôm chầm lấy mình, quý vị có động tâm không ? Nếu có người vô cớ nhục mạ đánh đập, quý vị có sanh tâm sân hận không ? Quý vị có thể không sanh tâm phân biệt oán thân thương ghét, thị phi mình người không ? Thuần thục làm được như thế thì mới nên to tiếng. Bằng ngược lại, chớ nói lời trống rỗng.


c/ Tín tâm kiên cố.

Muốn dụng công tu đạo, đầu tiên phải có tín tâm kiên cố. Niềm tin là mẹ của tất cả công đức. Dẫu là việc gì, nếu không có tín tâm thì làm không thể xong. Chúng ta nếu muốn thoát khỏi sanh tử, thì phải cần có tín tâm kiên cố. Phật bảo rằng chúng sanh trên cõi đất đều có đức tướng trí huệ của Như Lai. Chỉ vì vọng tưởng chấp trước, nên không thể chứng đắc. Vì thế, Phật mới thuyết bao pháp môn sai biệt, để đối trị tâm bệnh của chúng sanh. Chúng ta phải tin tưởng rằng lời Phật dạy không bao giờ là hư ngữ rỗng tuếch. Phải tin rằng chúng sanh đều có thể thành Phật. Tại sao chúng ta chưa có thể thành Phật ? Do vì chúng ta không y theo pháp mà quyết chí hạ thủ công phu.

Ví như tuy biết rằng hạt đậu nành có thể làm ra đậu hủ, nhưng nếu chẳng làm thì hạt đậu nành không thể biến thành đậu hủ. Thế nên, phải làm phải tạo. Nếu bỏ thạch cao không đúng lượng thì không thể thành đậu hủ. Nếu đúng như pháp mà nấu chín, lọc cặn bả, rồi bỏ thạch cao đúng phân lượng, thì quyết định sẽ thành đậu hủ. Tu đạo cũng như thế. Nếu chẳng dụng công phu kiên cố hay đúng pháp thì không thể thành Phật. Nếu tu hành đúng như giáo pháp mà không thối thất và không hối hận, thì quyết định sẽ thành Phật. Vì vậy, phải nên tin tưởng thâm sâu rằng chúng ta sẽ thành Phật, rồi y theo giáo pháp của Phật dạy mà tu hành, thì quyết định sẽ thành Phật.

Thiền sư Vĩnh Gia bảo:

- Chứng thật tướng, không nhân pháp. Trong khoảng sát na, liền diệt nghiệp A Tỳ. Nếu dùng lời vọng ngữ dối chúng sanh, thì tự chiêu nghiệp cắt lưỡi hằng sa kiếp.

Thiền Sư vì lòng từ bi, muốn kẻ hậu lai có tín tâm kiên cố, nên phát thệ nguyện rộng lớn như thế.


d/ Quyết định hành trì một pháp môn.

Có tín tâm đầy đủ rồi, thì phải chọn lựa ra một pháp môn để tu trì. Không thể sáng qua nước Tần, tối lại đến nước Sở. Niệm Phật cũng được. Trì chú cũng hay. Tham thiền cũng tốt. Nói chung, điều quan trọng là phải quyết chọn một pháp môn, rồi vận dụng hết tài năng mà tu tập, mãi mãi không thối thất hay hối hận. Hôm nay chưa thành công, nhưng ngày mai sẽ được. Năm nay chưa thành công, nhưng năm sau sẽ thành. Đời nay chưa thành tựu, nhưng đời sau sẽ thành. Ngài Quy Sơn bảo:

- Đời đời nếu không thối chuyển thì quả vị Phật chắc chắn sẽ có kỳ.

Có nhiều người không chú ý điều này. Hôm nay nghe thiện tri thức này bảo niệm Phật rất hay, liền đi niệm Phật hai ngày liền. Kế đến, nghe vị thiện tri thức khác bảo tham thiền rất tốt, thì liền ngồi thiền thêm hai ngày nữa. Đùa giỡn bên đông, lại giỡn cợt bên tây. Đùa giỡn cả đời cho đến chết. Mãi giỡn chơi khinh nhờn, có uổng đời tu lắm không !

Hư Vân Lão Hòa Thượng