'Phải cấm sư giả, lợi dụng tôn giáo làm việc bất chính'

- Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự TƯ Giáo hội Phật giáo VN cho rằng cần có quy định cấm những trường hợp giả sư đi hành khất, những người lợi dụng tôn giáo làm việc bất chính, hoạt động trái pháp luật.
Chiều nay, Đoàn chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ VN tiếp xúc với đại diện lãnh đạo các tổ chức tôn giáo trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Chủ tịch MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân mong muốn được nghe ý kiến đóng góp của các vị chức sắc, tôn giáo


Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân cho biết Hiến pháp 2013 khẳng định mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, không ai được xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Chính phủ đã có nhiều văn bản hướng dẫn việc này.

Thời gian qua, số lượng người theo đạo và số tổ chức tôn giáo không ngừng tăng lên. Nhà nước đã công nhận 41 tổ chức thuộc 14 tôn giáo với tổng số tín đồ trong cả nước hơn 22,1 triệu.
Chủ tịch MTTQ bày tỏ mong muốn lắng nghe ý kiến của các vị chức sắc, tôn giáo góp ý xây dựng dự án luật Tín ngưỡng, tôn giáo chuẩn bị trình QH.

Mục sư Vũ Hùng Cường, Quản nhiệm Hội thánh Hải Dương, Hội thánh Tin lành VN ủng hộ luật quy định cho phạm nhân được đọc Kinh Thánh trong tù

Mục sư Vũ Hùng Cường, Quản nhiệm Hội thánh Hải Dương, Hội thánh Tin lành VN cho rằng phải làm sao luật dễ nhớ, dễ hiểu nhưng hướng dẫn phải thật chi tiết. Ông ủng hộ luật quy định cho phạm nhân được đọc Kinh Thánh trong tù.
“Đây là một quy định tiến bộ. Có những phạm nhân làm chuyện tàn ác nhưng khi được đọc Kinh Thánh, họ chảy nước mắt và sau đó có người đã trở thành mục sư”, ông nói.

Nguyên thư ký Hội thánh Tin lành Hà Nội Công Văn Tụ cũng bày tỏ: “Cảm ơn Công an Hà Nội vừa qua đã tạo điều kiện để chúng tôi vào trại giam để trao Kinh Thánh cho nhiều tội phạm cộm cán. Sau khi nghe chúng tôi giảng đạo và được đọc Kinh Thánh, nhiều anh em đã giác ngộ”.


Hòa thượng Thích Giác Quang
Góp ý những hành vi bị cấm quy định trong dự luật, Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự TƯ Giáo hội Phật giáo VN cho rằng cần có quy định cấm những trường hợp giả sư đi hành khất, những người lợi dụng tôn giáo làm việc bất chính, hoạt động trái pháp luật.




TS Phạm Huy Thông, Phó chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo VN góp ý, dự thảo luật ghi “không được xúc phạm niềm tin tôn giáo hợp pháp” là không phù hợp, vì không có tôn giáo bất hợp pháp, chỉ có tôn giáo chưa được công nhận.


Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Quảng Ninh cùng nhiều vị chức sắc tôn giáo đều cho rằng, luật cần quy định rõ và mở hơn về quyền của các tổ chức, cá nhân tôn giáo khi tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội... Đồng thời đề nghị Mặt trận hàng năm cần chủ trì tổ chức để lãnh đạo các tôn giáo chúc mừng tôn giáo bạn trong các ngày lễ trọng, qua đó tăng cường sự gắn bó, nâng cao tinh thần đại đoàn kết.


Chủ tịch MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Các tôn giáo đều sống hòa hợp trong cộng đồng các dân tộc VN. Nhà nước luôn tạo điều kiện để người VN được tự do sinh hoạt và hoạt động tôn giáo theo pháp luật, khuyến khích các tôn giáo tham gia đóng góp vào các hoạt động chung của xã hội, đoàn kết xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo”.


Trên tinh thần đó, Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ VN sẽ tổng hợp ý kiến đóng góp của các chức sắc tôn giáo, gửi ban soạn thảo luật Tín ngưỡng, tôn giáo.


Tại VN, ước tính 95% người dân có tín ngưỡng, tôn giáo. Các "hiện tượng tôn giáo mới" cũng có xu hướng gia tăng. Có khoảng 80.000 chức sắc, nhà tu hành; 113.803 chức việc; 25.922 cơ sở thờ tự, cơ sở sinh hoạt tôn giáo đang sử dụng; 102 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành và 761 cơ sở hoạt động từ thiện nhân đạo.


Tổng cộng cả nước có hơn 22,1 triệu tín đồ các tôn giáo, gồm:

Phật giáo có hơn 10.000.000 tín đồ, Công giáo trên 6.000.000 tín đồ, Cao Đài 2.300.000 tín đồ, Phật giáo Hòa Hảo hơn 1.300.000 tín đồ, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam khoảng 1.500.000 tín đồ, Tin Lành có hơn 1.000.000 tín đồ...

Ngoài ra còn 8 tôn giáo khác: Hồi giáo, đạo Tứ ân Hiếu nghĩa, đạo Baha’i, đạo Bửu sơn Kỳ hương, Minh Sư đạo, Minh Lý đạo - Tam Tông miếu, Bàlamôn, Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kitô, gọi tắt là đạo Mặc Môn.