Vụ tự tử có thể nói là kinh thiên động địa, ở một ngôi làng vùng ven quận Hà Đông (Hà Nội) diễn ra đã tròn 8 năm, mà đến nay vẫn còn nóng hổi. Dưới những tán tre, bờ ao, sân đình, góc chợ, thi thoảng người dân ở ngôi làng T. này vẫn nhắc đến vụ tự tử quá đau lòng ấy. Người đàn bà và đứa con nhỏ đã được chôn chặt một cách tàn nhẫn trong một khối bê tông vĩnh cửu, dù đã được nhà chồng xây tường bao kín, song người dân đi qua con đường ấy vẫn cứ rờn rợn. Mới đây, tin đồn linh hồn chị nhập vào một người đàn bà xa lạ, rồi về làng kêu khóc, đòi được cải táng, bởi nằm trong khối bê tông nóng quá, lại khiến vụ tự tử đau lòng khi xưa ầm ĩ khắp làng trên xóm dưới. Người chết thì cũng đã chết, người sống đau đớn suốt 8 năm nay, nên chúng tôi xin được giấu tên những nhân vật liên quan trong sự kiện đau lòng này. Chỉ mong rằng, câu chuyện sẽ là bài học cảnh tỉnh cho mọi người về mối quan hệ vợ chồng, gia đình, lối sống.

Lá thư tuyệt mệnh dang dở và cái chết tức tưởi của hai mẹ con

8 năm trước, con đường vào làng P. rợp bóng tre xanh, với những thửa ruộng rau muống xanh rờn tít hút. Những mái nhà gianh, nhà ngói, với cổng làng cổ kính rêu phong, mang đặc trưng của những ngôi làng ở Hà Tây. Giờ đây, xã đã lên phường, làng P. đã thành một tổ. Nhà cửa san sát. Ruộng lúa, ao đầm thả muống cũng đã được cắt mảnh chia lô, mọc lên nhà cao tầng. Chợ làng P. xưa nằm ven cánh đồng, có vài ba gian hàng, với mớ rau, con cá. Giờ chợ sầm uất hơn, người đi chợ tấp nập. Cây đa vẫn còn, nhưng nhà cửa quây kín. Giếng làng lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng. Tôi tạt vào quán trà đá cạnh giếng làng ngồi hóng chuyện. Bà bán nước kể chuyện nửa to nửa nhỏ với mấy bà hàng xóm ngồi vỉa hè: “Bà biết chuyện cái H. hiện hồn về báo oán chưa? Sợ thật đấy! Phen này chắc nó tìm về trả thù gia đình nhà chồng đây. Không rõ rồi chuyện này sẽ còn tiếp tục như thế nào”. Một bà khác chen vào: “Tôi thì không tin chuyện ma quỷ lắm. Hai cái nhà ấy cũng một chín một mười, kẻ chín lạng người một cân, lắm thủ đoạn lắm. Có khi rồi lại mượn chuyện linh hồn cái H. ra hành nhau đây. Thôi thì cứ nghe ngóng xem tuồng chèo tiếp diễn ra sao. Đến là tội cho con H., chết rồi mà vẫn không được yên. Đúng là người sống còn đáng sợ hơn người chết”.

Tôi lang thang ra đầu chợ, đem chuyện bà chủ quán trà đá kể chuyện có hồn ma thiếu nữ hiện hồn về báo oán, tức thì mấy bà, mấy chị buôn thúng bán mẹt xúm vào kể thêm. Người thì bảo hồn chị H. hiện về kêu nóng quá, không chịu được ngôi mộ bê tông, người thì bảo chị H. không chỉ nhập hồn vào người khác, mà còn liên tục ngồi trên nóc mộ khóc cười dọa nhà chồng chết khiếp. Thôi thì đủ các chuyện, toàn đồn đại nhảm nhí. Chuyện linh hồn chị H. qua miệng người nọ, người kia, được thêm mắm dặm muối, nên cứ méo mó, hoang đường, liêu trai dần lên.

Theo sự chỉ dẫn của mấy chị bán thịt, tôi tìm vào con đường, xưa kia là trục chính từ quốc lộ dẫn vào làng. Giờ nhà cửa san sát, nhiều đường lớn được mở ngang dọc, các đô thị mọc lên, nên con đường làng này trở nên nhỏ hẹp, như một cái ngõ. Thấy tôi dừng xe trước một bức tường cao đến 3m, lôi máy ảnh ra chụp, rất nhiều người kéo ra ngó nhìn. Một bà gọi lại bảo: “Nhà báo phải không? Định tìm hiểu chuyện cái H. tự tử hở? Ngôi mộ mẹ con nó ở trong bức tường này cơ. Ngày trước chưa xây tường, còn có cả bàn thờ sát đường làng. Cứ ngày mùng một, ngày rằm dân làng chúng tôi lại mua hoa quả, thắp nén hương cho mẹ con nó đỡ tủi. Nhưng giờ nhà ông N. xây tường bao kín rồi, nên muốn chia sẻ nén hương với mẹ con nó cũng không được nữa. Nghĩ lại chuyện xưa mà đau lòng quá chú ạ!”.

Người phụ nữ này trình bày một hồi, rồi chột dạ không nói nữa. Dường như bà sợ những lời nói của mình sẽ lại gây tổn hại tình làng nghĩa xóm. Bà chỉ tôi vào nhà ông T., bà L., là bố mẹ đẻ của H., thiếu phụ xấu số, hiện đang nằm trong ngôi mộ bê tông, được bao kín bởi một bức tường cao gần bằng mái nhà.

Làng P.

Nhà ông T. cách ngôi mộ của mẹ con chị H. chỉ chừng 100m, ngay đầu làng. Tôi gọi cửa một hồi, thì người đàn ông lò dò ra mở cổng. Thấy người lạ, ông không tỏ ra ngạc nhiên. Dường như bao năm qua, ông vẫn phải đón tiếp khách lạ viếng thăm như tôi. Tôi giới thiệu là nhà báo, ông lôi tuột vào trong nhà. Đã bao năm trôi qua, ông T. vẫn còn giữ nguyên những bức xúc như ngày đầu. Nhắc đến cô con gái xấu số, đứa cháu ngoại chết uổng, ông không kìm được xúc động. Ông chỉ tay lên tấm giấy chứng nhận là chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị treo trang trọng trên tường bảo: “Đồng đội tôi chết sạch sẽ, hóa ra lại may mắn. Tôi sống trở về tưởng may mắn hơn đồng đội, nhưng nào ngờ, lại phải chịu một nỗi đau còn hơn cả mất mạng. Người ta không cầm dao giết con tôi, cháu tôi, nhưng người ta đã ép con tôi, cháu tôi phải chết. Thử hỏi, hoàn cảnh đó rơi vào anh, thì anh có chịu được không? Tôi đã mất một năm làm ông từ trông đền, mong được tĩnh tâm, trút bỏ thù hận, nhưng mối thù này quá lớn, không gỡ bỏ được”. Rồi ông T. lọ mọ mở tủ, lôi ra bọc nilon với những giấy tờ phủ bụi. Ông vẫn còn giữ rất nhiều đơn kiện, giấy tờ liên quan đến cái chết của con gái và cháu ngoại. Đọc lại những dòng thư tuyệt mệnh của con, đôi mắt ông lại rưng rưng.

Trước khi chết, chị H. viết hai bức thư. Một bức gửi cho mẹ, một bức không đề gửi cho ai, mà có lẽ để tố cao người chồng, cũng như gia đình chồng, để mọi người hiểu vì sao H. phải chết tức tưởi, chết đau đớn cùng con mình. Ông T. bảo: “Dù cái chết của con tôi đã 8 năm rồi, nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chẳng xử lý gì cả. Con tôi chết oan uổng, còn những người liên quan thì vẫn ngoài vòng pháp luật. Tôi nhờ chú đăng lên báo để mọi người cùng hiểu tại sao con tôi, cháu tôi phải chết oan, và vì sao đến nay tôi vẫn không xóa được hận thù”. Lá thư này chị H. viết với tâm trạng bình tĩnh, kể tỉ mỉ, đầu cuối vì sao phải chọn con đường chết:

“Tôi và anh X. lấy nhau từ năm 1999. Từ ngày tôi sinh cháu thứ hai, vợ chồng chúng tôi luôn nghì ngoặc với nhau. Anh X. đi làm ở Phú Xuyên, có bồ bịch. Mỗi lần anh về đối xử với tôi như là con ở, như là người thừa. Tôi cũng chấp nhận, thôi thì cho thời gian nó trôi qua để sống vì con. Mùng 2 tháng 9 năm 2003, anh X. đưa bồ về nhà, chúng tôi lại nghì ngoặc với nhau. Từ hôm đó, anh X. giãy ra đòi bỏ tôi và bắt tôi ký đơn ly hôn. Tôi không chấp nhận.

Tôi cố níu kéo anh X. nhưng càng ngày mâu thuẫn càng diễn ra kịch liệt. Anh X. cho chị Ng. là chị chồng tôi hành hạ tôi và cho chị muốn đánh tôi thì đánh, muốn làm gì thì làm... Ngày 12 tháng Giêng năm 2004, chị Ng. đánh tôi. Bố mẹ chồng ra can và nói chồng tôi ra can. Chồng tôi bảo: “Chúng nó đánh nhau kệ chúng nó, không liên quan gì đến tôi!”. Bố mẹ chồng tôi nói anh X. không được. Đến tháng 7-2004, ông bà quay ra đuổi đi hết: “Bao giờ chúng mày sống được bên nhau thì tao cho về!”. Tôi uất ức, tôi nghĩ lung tung, tôi nói với ông bà và anh X: “Mùng 10-8-2004 con sẽ đi”.

Tôi không làm gì nên tội. Tôi không nói láo, không hư. Anh cứ bắt ép tôi ký đơn ly dị. Ngày 6-8-2004, anh X. về hành hạ 2 đứa nhỏ. Hai đứa sợ quá, khóc. Tôi đứng gần cháu, anh X. đạp tôi một cái ra vỉa hè, chửi bới tôi và đùng đùng gấp quần áo ra đi... Vài hôm sau, anh lại về xúi bẩy gia đình ép tôi phải đi, nhưng tôi không đi vì chúng tôi chưa giải quyết xong. Ngay tối 13-8-2004, 3 mẹ con tôi đưa nhau đi chơi khoảng 9h về. Gia đình anh X. đã đóng cổng và khóa trái cửa hàng. Không mở được, tôi gọi từ 9h đến 12h đêm mà không ai ra mở. 3 mẹ con dắt nhau về bà ngoại. Tôi gửi cháu lớn ở nhà bà ngoại rồi lại ra gọi cửa cho đến 1h sáng. Hàng xóm nghe tiếng, ra xem thấy 2 mẹ con tôi ở ngoài đường, liền quay về lấy cho tôi mượn màn và chiếu. Thế là đêm hôm ấy 2 mẹ con tôi ngủ ngoài đường bê tông.

Đêm hôm đó, con tôi bị sốt. Tối hôm sau, ông bà lại không mở cửa cho tôi vào nhà. Hai mẹ con tôi lại ngủ ngoài hè. Nửa đêm, cháu sốt cao. Tôi cho cháu uống thuốc, cháu khóc. Ông ra mở cửa, nhìn thấy mẹ con tôi cho nhau uống thuốc, ông lại đóng cửa vào đi ngủ. Hôm thứ ba, con thứ hai của tôi sốt quá, tôi vào hỏi: “Bố mẹ cho con xin chìa khóa để con mở cửa lấy gạo thổi cơm cho cháu”, nhưng bố mẹ chồng tôi bảo: “Không biết!”. Tôi đứng mãi... Tôi không còn cách nào bèn sang hàng xóm mượn kéo về cắt khóa để vào nhà. Thấy vậy, bố chồng tôi bảo: “Mày bảo mùng 10 mày dọn đi, nếu hôm nay mày không mang đồ ra khỏi nhà thì tao thuê người chuyển đồ của mày ra đường!”. Tôi im lặng không nói gì.

Hôm sau, ngày 15-8-2004, anh D., là anh chồng tôi, bảo: “Tối nay mày không chuyển đồ thì tao thuê người chuyển đồ của mày ra, trả tao nhà!”. Tôi nói: “Thôi thì bố mẹ và anh chị hãy để từ từ để em nói chuyện”... Anh X. thì tránh mặt tôi, không có nhà...”.

Ngôi mộ bê tông ở phía trong bức tường này

Lá thư chỉ dừng lại ở đó, chưa có hồi kết. Có lẽ, viết đến đây, cảm xúc tuyệt vọng lên cao, chị chuyển sang viết thư cho mẹ. Lá thư người con gái hiền dịu, nết na của ông T. gửi cho mẹ, tức cho vợ ông, như xoáy vào tim ông đau đớn. Lúc viết thư gửi cho mẹ, có lẽ không còn giữ được bình tĩnh, nên chị H. viết nguệch ngoạc, chỉ được vài câu: “Mẹ ơi, con không thể sống được nữa, vì con không thể chịu đựng được. Cả nhà chồng ức hiếp con. Nếu con mà sống thì con điên mất. Mẹ ơi, con xin lỗi bố, mẹ, anh, chị, họ hàng, cô bác… Kiếp sau con sẽ là đứa con ngoan. Hai cháu cũng sẽ là cháu ngoại ngoan của ông bà”.

Sau những dòng thư xúc động tột độ, chị H. đã dùng xơ-ranh bơm những lọ thuốc diệt chuột vào hộp sữa tươi, đánh thức 2 cậu con trai thức dậy, ép hai con uống. Số sữa pha thuốc diệt chuột còn lại, chị dốc nốt vào miệng mình…

Đào nền nhà, đổ bê tông chôn chặt mẹ con

Chị Nguyễn Thị H. sinh năm 1977, trong một gia đình nghèo. Ông T. bà L. là nông dân chân chất, chỉ có mấy sào ruộng, nhưng sinh tới 6 người con. Nhà nghèo, đông con, miếng ăn còn chẳng đủ, anh chị em H. sinh ra và lớn lên như cây như cỏ, chẳng được học hành gì. H. cũng chỉ được học đến lớp 2, nhận biết mặt chữ, thì nghỉ, ở nhà phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng. Dù ít học, nhưng càng lớn, H. càng phổng phao, xinh đẹp. Bà Phạm Thị B., trước kia là Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn, kể rằng: “Cái H. trắng trẻo, xinh đẹp nhất làng. Nó cũng là đứa năng nổ hoạt động xã hội nên tôi tiến cử nó phụ trách khối đoàn ở thôn. Tôi vẫn trêu nó là hoa hậu của thôn. Nó là đứa ngoan, nhưng không ngờ…”.

Cùng làng P. cách nhà H. chỉ hơn 100m, là nhà Nguyễn Đình X., một chàng trai khôi ngô. X. hơn H. 1 tuổi. Hoàn cảnh hai người trái ngược nhau hoàn toàn. H. sinh ra trong gia đình nghèo, lại ít học, còn X. là con trai của một gia đình khá giả, bề thế. Nhà X. có nhiều người làm quan. X. được ăn học tới nơi tới chốn.

Năm 1997, tròn 20 tuổi, có rất nhiều chàng trai trong làng, ngoài xã theo đuổi, nhưng trái tim H. đã thuộc về X. Khi đó X. đang là sinh viên của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Có người bảo, đó là mối duyên tình trai tài gái sắc, người chọc ngoáy thì nói ra nói vào với gia đình nhà H. là “chuột sa chĩnh gạo”, “đũa mốc chòi mâm son”… Khi biết hai đứa yêu nhau, gia đình X. đã ra sức cấm cản. Một số người trong gia đình X., nói ra nói vào rằng chuyện của hai đứa chả khác gì đôi đũa lệch. Nhận thức chênh nhau, gia đình lại chẳng môn đăng hộ đối. Dù chưa nghe được những lời phản ứng trực tiếp, nhưng sự việc gia đình X. cấm cản hai đứa, rồi lời ra lời vào, đã khiến gia đình ông T., bà L., sôi máu tức giận. Hôm X. đến nhà xin phép gia đình cho hai đứa yêu nhau, tìm hiểu, ông T. đã thẳng thừng từ chối.

Tuy nhiên, sức mạnh tình yêu đã chiến thắng tất cả. Hai người thề nguyện sống cùng sống, chết cùng chết, rồi bỏ nhà, bỏ làng, ra Hà Nội thuê nhà trọ sống cùng nhau. Gia đình X. tức giận, đã cắt viện trợ. Để chồng được tiếp tục ăn học, hai đứa có miếng ăn, trả tiền thuê nhà, H. phải làm thuê làm mướn. Rồi H. mang bầu. Năm 1999 sinh cậu con trai, đặt tên là Nguyễn Đình K.. Sự việc này được hai người giấu nhẹm, không cho gia đình biết. Một ngày, người quen của H. vô tình gặp H. bế đứa con nhỏ, khóc ngằn ngặt trên tay ở bệnh viện, đã về báo với gia đình. Ông T. bà L. xót con quá, nên ra Hà Nội tìm. Dù còn nghèo, nhưng ông bà gửi gạo đều đặn cho con để con cháu có miếng ăn, bớt đói rách.

Dù giận con, nhưng gia đình ông N. cũng không phải dạng tuyệt tình tuyệt nghĩa. Con cái như khúc ruột, nên vợ chồng ông ra Hà Nội đón con, cháu về. Muối mặt vì con cháu, chẳng dám làm lễ cưới rình rang, nhưng gia đình ông N. cũng có cơi trầu, làm một số mâm cơm báo với gia đình, họ hàng, để có cớ đưa mẹ con H. về sống cùng. Đến đây, ai cũng nghĩ cuộc tình của H. và X. có hậu, cuộc đời H. sẽ bước sang trang mới. H. tiếp tục sinh thêm cậu con trai kháu khỉnh nữa.

Ông N. tạo điều kiện cho hai con bằng cách xây cho một ngôi nhà cấp 4 ở ngay mặt đường làng. H. đã mở quán bán cà phê, nước giải khát. Tuy nhiên, mâu thuẫn bắt đầu xảy ra từ quán nước này. Người chị gái của X., tức chị chồng N. đã đòi quyền sử dụng quán nước này. H. không đồng ý, nên nảy sinh xung đột. Đây cũng là lý do khiến gia đình X. hắt hủi H.

Ông T. đau khổ kể về cái chết của con, cháu

Nhưng sự việc không dừng lại ở chuyện mâu thuẫn gia đình. Trong lá thư tuyệt mệnh viết trước khi tự tử, H. đã khẳng định anh X. có bồ, nên ra sức hắt hủi vợ. Nhà chồng hắt hủi, nhà bố mẹ đẻ ở ngay cạnh, nhưng chị H. muối mặt chẳng dám về. Chị H. vốn là người hiền lành, nhẫn nhục, ít nói, nên chị chỉ câm lặng chịu đau. Hơn nữa, H. đã từng mang tiếng bỏ nhà theo trai, nên không còn mặt mũi nào mà về nữa. Không dám tâm sự với bố, vì hễ nói ra, ông T. lại mắng con xơi xơi, nên thi thoảng H. thổ lộ với mẹ. Bà L. kể trong nước mắt: “Thỉnh thoảng nó lại tìm về, ngồi bên mẹ khóc lóc một lúc, kể chuyện bị chồng đánh mắng, gia đình chồng hắt hủi. Tôi chỉ biết xoa dầu gió cho con, động viên con cố nhịn nhục, rồi chồng nó sẽ hồi tâm chuyển ý. Nó chỉ tâm sự một lúc, rồi lại về nhà chồng. Nó bảo, phận con có chồng rồi, thì phải ở nhà chồng. Khổ thân nó quá!”.

Trong lá thư tuyệt mệnh của chị H., có thể thấy rằng, mâu thuẫn đỉnh điểm là anh X. đưa bồ về nhà, rồi ép chị H. ký đơn ly hôn. Chị H. đã cố gắng níu kéo chồng, nhưng mâu thuẫn ngày càng diễn ra kịch liệt. Chị chồng của X. đã đánh H. khiến ông N. tức giận đuổi cả vợ chồng khỏi nhà. Không có chỗ ở, không dám về nhà, mẹ con H. không biết đi đâu, về đâu, cứ đứng gọi cửa. 1h sáng, mệt quá, hai mẹ con nằm ngủ vỉa hè. Hàng xóm thương xót lấy chiếu và màn để hai mẹ con nằm ngủ. Chuyện mẹ con H. mắc màn nằm ngủ ở đường làng suốt 3 đêm liền có sự chứng kiến của tất cả mọi người trong làng P. Đến nay, hình ảnh đau xót, bạc bẽo tình người ấy vẫn còn ám ảnh dân làng.

Chừng nửa tháng sau, vào ngày 1-10-2004, nhà chồng có giỗ. Đông đủ họ hàng đến ăn uống. Ngay trong bữa cơm, một số người trong gia đình chồng đã mắng, chửi, thậm chí đánh H., yêu cầu phải phải dọn nhà đi chỗ khác. Chị H. không còn cách nào khác, chắp tay xin mọi người và hứa sáng hôm sau sẽ tự chuyển đi.

Theo lời ông T., bố đẻ chị H., ngay đêm hôm đó, trong cơn phẫn uất tột độ, con gái ông đã viết thư tuyệt mệnh, rồi đi vào cõi vĩnh hằng.

Bà Phạm Thị B., Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn P. vẫn còn giữ nguyên ký ức cái ngày kinh hoàng đó: “Mấy hôm trước, H. còn gặp tôi tâm sự chuyện gia đình mâu thuẫn. Nó bảo, nó không kể với ai ngoài tôi. Tôi cũng khuyên nhủ nó vài câu, mong nó nhịn nhục thêm thời gian nữa. Tôi cũng không ngờ nó lại dám làm một chuyện động trời như vậy, giết cả con lẫn mình”.

Đêm đó, nghe tiếng khóc thét của đứa trẻ, bà Nguyễn Thị Đ., một người hàng xóm, đã chạy sang căn nhà vợ chồng H. ở để xem tình hình thế nào. Đẩy cửa vào, bà Đ. thất kinh khi thấy chị H. và bé T. mới 3 tuổi nằm bất động trên sàn nhà, máu rỉ ra từ miệng. Cậu bé Nguyễn Đình L., khi đó mới 5 tuổi khóc lóc thảm thiết. Nhìn hộp sữa tươi, xơ-ranh và những tuýp thuốc diệt chuột, mọi người hiểu ngay vấn đề. Chị H. đã bơm thuốc diệt chuột vào hộp sữa, cho hai con uống, rồi chị cũng tự kết liễu cuộc đời. Chị H. và bé T. uống hết thuốc, nên đau đớn quằn quại một lúc rồi chết, còn bé L. ngậm sữa thấy đắng liền nhổ ra, nên sống sót.

Câu chuyện của H. và X. đã gây mâu thuẫn âm ỉ giữa hai gia đình từ nhiều năm nay. Cái chết của mẹ con H. là giọt nước làm tràn ly. Không chỉ đại gia đình ông T., mà cả làng P. khi đó phẫn uất tột độ. Trong cơn phẫn chí, họ đã làm một việc mà bao năm sau vẫn phải xót xa, đau đớn.

Ngay sau khi công an làm xong hiện trường, bác sĩ phẫu thuật tử thi xong, đại gia đình ông T. đã hè nhau đào tung nền nhà mà vợ chồng H. ở thành một hố rộng. Xe chở xi măng, cát đã đổ một đống ngay mặt đường. Hàng chục người trong gia đình ông T., rồi cả thanh niên trong xóm cùng nhào xi măng trút xuống hố, tạo thành một lớp bê tông dày. Quan tài hai mẹ con H. được đưa xuống, hướng đầu về phía căn nhà đại gia đình ông N. đang ở phía trong. Lớp bê tông nữa tiếp tục được trút xuống. Người ta rào cả lưới thép B40, cùng nhiều sắt thép được tống xuống, rồi lại đổ tiếp lớp bê tông nữa. Có tới vài khối bê tông được trút xuống, với khung thép, bọc chặt quan tài của mẹ con H. Mặc dù hành động này là sai, nhưng chính quyền thôn, xã khi đó cũng bất lực. Gia đình X. cũng sợ hãi, nên phải trốn khỏi địa phương. Có đến cả trăm người tham gia đào bới, lấp mộ, cả ngàn người chứng kiến đều sôi sục, nên không sức mạnh nào cản được. Mục đích của những người bị kích động khi đó là muốn đào sâu chôn chặt, muốn gia đình ông N. không thể cải táng được mộ mẹ con H. Họ muốn mẹ con cô được mãi mãi ở căn nhà này, không ai đuổi đi được.

Thực hư “hồn ma” thiếu phụ nhập xác người lạ tìm vào làng kêu khổ nơi cõi âm

Bà Phạm Thị B., Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn P. (Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội) vẫn nhớ như in khoảnh khắc kinh hoàng diễn ra khi chị Nguyễn Thị H. ép hai con uống thuốc chuột, rồi chị cũng tự tử theo. Bà kể: “Hôm đó làng như có đại họa. Cả làng đứng về phía gia đình ông T., bố đẻ của H., trút giận lên gia đình ông N. Dù gia đình ông T. có vai vế, nhiều người làm cán bộ to, ở xã, ở trung ương, rồi lực lượng công an, chính quyền cũng có mặt, nhưng không thể làm gì được. Người ta đào tung cả nền nhà, chôn hai mẹ con xuống hố, quay đầu về nhà bố mẹ chồng, rồi đổ mấy mét khối bê tông xuống. Nói thực với anh, lúc đó cả làng phẫn uất, tôi cũng cảm thấy phẫn nộ, nhưng ngẫm lại, việc gia đình H. và làng xóm bức xúc làm như thế là chưa phải. Cái gì cũng phải xét hai mặt. Cái H. là đứa hiền lành, ngoan ngoãn, nhưng cách chọn kết cục như thế là không phải. Trên đời này thiếu gì đàn ông ngoại tình, hắt hủi vợ con, nhưng chọn lối thoát bằng cách giết con, rồi tự tử là sai lầm hoàn toàn. Hồi nó tâm sự chuyện gia đình với tôi, tôi cũng khuyên giải nó đến nơi đến chốn. Đàn bà có chồng ngoại tình ai chẳng hận, nhưng nó có 2 đứa con đẹp đẽ như thế… Không có chồng thì thôi, cứ ở vậy làm ăn nuôi hai đứa con cũng đâu có gì là bi kịch. Ối người mong có con còn chẳng được. Thế mà nó lại làm điều dại dột. Trách nhà chồng nó mười, thì cũng trách nó không ít. Rồi hành động đào nền nhà, chôn con và cháu ngoại, đổ bê tông xuống mộ cũng là hành động không nên chút nào. Giờ hậu quả nhãn tiền. Người chết thì khốn khổ, chẳng được mồ yên mả đẹp, mà người sống thì mãi day dứt, hận thù”.

Ngay khi đổ bê tông xuống mộ, đại gia đình ông T. đã phá tường căn nhà mặt đường, xây một cái ban thờ nho nhỏ. Người dân làng P. ai cũng xót xa cho thân phận của mẹ con H., nên ai đi qua cũng hương khói. Ngày rằm, ngày mùng một, người dân mua hoa quả, đặt tiền trên mộ, bàn thờ. Để tránh sự bức xúc của dân làng và gia đình chị H., gia đình ông N. đã bỏ nhà trốn đi nơi khác ở.


Trao đổi với phóng viên, ông N. nói giọng rưng rưng: “Cuộc đời tôi trải bao trận mạc, mà không chết. Cả đơn vị còn có 2 mạng. Giá chết ngoài chiến trường thì có lẽ đời tôi đỡ nhục anh ạ. Tôi không làm gì sai, nhà tôi đây, đất hương hỏa, mà không dám ở, phải sống cảnh trốn chui trốn lủi suốt mấy năm trời. Chuyện vợ chồng chúng nó thế nào tôi không biết, nhưng phận làm cha mẹ như tôi, rồi tổ tiên tôi ở đất này có lỗi gì, mà phải bỏ làng, bỏ xứ mà đi”.

Sự việc ngôi mộ hai mẹ con bị đổ một khối bê tông khổng lồ ở làng P. gây bức xúc suốt 8 năm trời, chưa một ngày yên lặng, thì mới đây, cả làng bỗng xôn xao vì tin đồn chị H. nhập hồn vào một phụ nữ lạ, tìm về làng P. gặp người thân kêu khổ nơi cõi âm. Những ngày này, khắp đầu làng, ngõ xóm, đâu đâu cũng bàn tán, mỗi người nói một kiểu. Người bảo cái H. hiện hồn tìm về báo oán nhà chồng. Những người thân quen, bảo vệ gia đình ông N. thì lại kể với giọng khác, rằng linh hồn chị H. tìm về oán trách gia đình mình, rằng đã làm một việc ác, là đổ cả núi bê tông xuống mộ, khiến linh hồn chị H. và cậu con trai 3 tuổi không thể nào siêu thoát. PV Báo GĐ&CS đã lần theo những lời đồn, những người liên quan, để làm sáng tỏ sự thật.

Ông Nguyễn Hữu T., bố đẻ chị H., vẫn vô cùng bức xúc trước cái chết của con gái. Ông bảo rằng, mối hận này không sao gỡ bỏ được. Ông vẫn nung nấu hận thù và muốn những người gây ra cái chết của con cháu ông phải trả giá. Khi hỏi về chuyện linh hồn chị H. tìm về, ông bảo, đó là sự thật. Tuy nhiên, ông không trực tiếp chứng kiến, nên nắm không rõ lắm. Ông chỉ nghe tin là linh hồn H. đã nhập vào một cô gái ở Đồng Hoàng hay Đồng Dương gì đó, là bạn của S. con gái ông, rồi tìm về nhà con trai và con dâu ông ở trong làng để trò chuyện. Tuy nhiên, cụ thể con gái ông nói gì, thì ông không rõ lắm. Ông T. đã dẫn tôi ra chợ tìm người con dâu tên V. của ông.

Vòng vèo qua mấy con ngõ, thì đến nhà chị V. Tôi và ông T. ngồi uống nước một lát, thì chị V. tìm về. Chị V. bán hàng ở chợ, nhưng hôm nay nhà ông cậu có việc, nên chị nghỉ chợ sớm. Nhắc đến chuyện linh hồn chị H. nhập vào một cô gái, tìm đến gặp chị V., chị V. tỏ ra lạnh nhạt, không muốn kể. Chị V. cứ chối đây đẩy là không biết gì, không nắm được gì. Tuy nhiên, khi ông T. thuyết phục, không chỉ kể cho phóng viên, mà kể cho ông, để ông cũng nắm rõ chuyện này, thì chị V, mới kể theo kiểu không đầu, không cuối. Chắp nối câu chuyện, thì có thể thấy như sau:

Cách đây chừng nửa tháng, khi chị V. đang ở trong nhà, thì trong ngõ bỗng trở nên ồn ã, người chạy rầm rập. Mấy bà hàng xóm nháo nhác chạy vào nhà chị V. kêu lên to tướng: “V. ơi, P. ơi (chồng V., anh trai chị H.), cái H. nó hiện hồn về đây này, sang mà xem thế nào”. Nghe thấy thế, vợ chồng chị V. tức tốc chạy sang nhà chị S. Chị thấy một cô gái khoảng 30 tuổi, tóc tai rối bù, mắt lúc lờ đờ, lúc trợn ngược, đúng dáng vẻ của người đang bị vong nhập mà nhiều người từng thấy ở các trung tâm áp vong tìm mộ. Theo mấy người hàng xóm, linh hồn chị H. bỗng dưng nhập vào một cô gái xa lạ, ở xã bên, nói với người đàn ông (không rõ là chồng, bạn, hay người yêu), rằng mình tên là H., muốn gặp em gái là S. ở làng P., thuộc phường Phú Lương. Người đàn ông này đã chở cô gái bị vong H. nhập vào đến làng P. Tuy nhiên, người dân không chỉ đến nhà S., em gái H., con gái ông T., mà lại chỉ đến nhà bà S. (trùng tên với S.). Nhà bà S. lại ở cạnh nhà chị V. Thấy vong nói là H. nên hàng xóm đã gọi chị V. đến.

Chị V. kể: “Thấy mọi người chạy sang bảo linh hồn cái H. tìm về nhà bà S., nên tôi chạy sang ngay. Lúc sang, thấy một cô gái mang dáng vẻ rũ rượi đang ngồi ở hiên. Mấy người hàng xóm vây quanh hỏi han lung tung cả. Tôi rẽ đám đông vào. Tức thì cô gái ấy bảo: Em là H. đây, là em của chị đây. Mẹ con em nằm trong bể bê tông khổ lắm, thối lắm, nóng lắm. Chị nói với bố mẹ và mọi người thay xương đổi thịt cho mẹ con em”. Nghe thế, tôi bảo: “Chuyện này em phải bảo nhà chồng, chứ tôi là chị dâu tôi không biết đâu, tôi cũng không làm được gì đâu”. Tôi chỉ nói vậy, rồi không nói gì thêm nữa. Cô gái ấy thì cứ kêu khổ lắm, nóng lắm, đòi được cải táng. Nói mấy câu, rồi cô gái ấy rùng mình một cái và tỉnh lại. Cô ấy tỏ ra ngơ ngác, cứ hỏi đang ở đâu, sao mọi người lại vây quanh thế này. Thế rồi cô gái ấy trèo lên xe máy và người đàn ông chở đi mất. Mọi người cứ đồn cô gái ấy là bạn của S., nhưng cái S. bảo không phải. Tôi cũng không biết cô gái đó là ai, sau cũng không thấy quay lại lần nào nữa. Tôi ít học, không mê tín, nên cũng không biết đấy có phải linh hồn cái H. hay không. Chuyện chỉ có vậy, tôi cũng chỉ biết vậy thôi”.

Như vậy, thực hư linh hồn chị H. hiện về tố khổ nơi cõi âm đến nay vẫn chưa rõ ràng. Chính vì thế, đã tạo ra nhiều lời đồn đoán theo nhiều hướng khác nhau. Một số người không tin chuyện ma quỷ cho rằng, gia đình ông N., bên chồng H., đã thuê người đóng kịch, với mục đích kích động nhà ông T. chuyển mộ con gái và cháu ngoại đi. Hoặc, sau này, gia đình ông N. tiến hành chuyển mộ, cũng sẽ gặp thuận lợi, đúng ý nguyện của người chết. Bởi vì, hiện ngôi mộ hai mẹ con H. nằm giữa mảnh đất mặt đường nhà ông N. Mảnh đất ấy có giá nhiều tỷ bạc, trong khi gia đình ông N. vẫn phải sống trong ngõ ngách. Tuy nhiên, một số gia đình ủng hộ ông N. thì lại phán rằng, chuyện hồn ma do gia đình ông T. dựng lên, để lấy lý do cải táng cho con gái và cháu ngoại. Họ cũng đồn rằng, vì chôn con cháu bằng khối bê tông đầy hận thù, nên gia đình ông T. cứ nghèo mãi, không khá lên được.

Đem những lời đồn này gặp gia đình ông N., ông N. lại khẳng định rằng: “Cả đời tôi ra sống vào chết, tôi chả tin có chuyện ma quỷ trên đời. Tôi cho đây là chuyện dị đoan, vớ vẩn, không tin được. Cái H. là con dâu tôi, là người trong nhà, nên dù nó sống ở đây, chết nằm đây, cũng chẳng có gì phải bận tâm cả. Người ta cứ đồn đại này nọ, nhưng tôi chẳng sợ gì cả. Anh xem, từ ngày tôi trở về đất này sinh sống, ở ngay bên mộ con dâu và cháu nội, gia đình tôi có gặp hoạn nạn gì đâu. Chẳng những thế, con cái thành đạt, các cháu học giỏi, ngoan ngoãn. Con trai của H. được gửi học ở trường tốt nhất Hà Nội. Chính quyền đều khẳng định việc chôn mộ trong nhà là sai, cần phải chuyển đi, nhưng tôi cũng không bận tâm gì cả. Cháu nó ở đây, tôi vẫn hương khói tử tế”.

Tôi rời làng P. trong buổi chiều muộn. Đâu đó dưới gốc tre, quán nước, vỉa hè, góc chợ, người dân vẫn bàn tán xôn xao chuyện hồn ma chị H. hiện về kêu khổ nơi cõi âm. Chuyện đúng – sai giữa hai gia đình đã có công lý và tòa án lương tâm giải quyết. Người chết thì đã thành cát bụi, người sống thì cũng đã tự vấn lương tâm của mình. Họ cũng đều đã phải trả giá cho những hành động sai. Chỉ hy vọng rằng, cái gì đã qua thì nên cho qua, mỗi người nên hướng về tương lai, để người già sống nốt những ngày có ý nghĩa trên trần gian, và con trẻ không phải mang hận thù do người lớn gây ra.

(Chuyện kể của nhà báo Phạm Ngọc Dương)