'Mỹ bắt đầu đổ tiền vào cựu thù - Quân đội Việt Nam'

14.06.2015 | 14:28 PM

"Khi đánh nhau với bộ đội Việt Nam, tướng tá, chỉ huy quân đội TQ thường xuyên phải xin tăng viện kể cả quân sỹ lẫn đạn dược. Trong khi đó, lực lượng của Việt Nam toàn đánh "trên tầm với"."

Trang Medium - một dự án sáng tạo báo chí hiện đại ngày 11/6/2015 đã đăng tải một bài viết phân tích mối quan hệ quốc phòng mới giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong giai đoạn hiện nay của tác giả Kevin Knodell với tiêu đề "Mỹ bắt đầu đổ tiền vào cựu thù - Quân đội Việt Nam".
Bài viết có thể được xem là một trong những tài liệu có giá trị tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu, nắm bắt thông tin, đăc biệt là những đánh giá của các học giả, nhà báo nước ngoài về mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới đang có những diễn biến phức tạp, khó lường. Dưới đây là một số nội dung chi tiết.




Quan chức quân sự Việt Nam, Mỹ tại một cuộc liên hoan nhân sự kiện kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ tại tư gia của Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius ở Hà Nội nhân chuyến thăm của Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter đến Việt Nam đầu tháng 6/2015 (ảnh: Đại sứ Mỹ Ted Osius).

Chuyến thăm ý nghĩa đến Hà Nội


Mở đầu bài viết, tác giả Kevin Knodell đã điểm qua một số thông tin cũng đã được báo chí quốc tế nhắc đến nhiều lần nhân chuyến thăm của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter đến Hà Nội cách đây không lâu.
Theo đó, Lầu Năm Góc có kế hoạch viện trợ Việt Nam 5 triệu USD để mua các tàu tuần tra do nhà sản xuất của Mỹ nghiên cứu, chế tạo. Đây có thể được xem là một "dấu mốc to lớn" đánh dấu sự hồi sinh mối quan hệ quân sự Việt Nam - Hoa Kỳ kỷ niệm 40 năm năm kết thúc cuộc chiến tranh đẫm máu, chia cắt mà người Mỹ đã gây ra ở Việt Nam.


Trong chuyến thăm Hà Nội, ngày 31/5/2015, Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter đã cam kết viện trợ Việt Nam số tiền 18 triệu USD để giúp đỡ Việt Nam - quốc gia cựu thù của Mỹ mở rộng năng lực tuần tra biển.
Quan chức đứng đầu Lầu Năm Góc Mỹ cũng tuyên bố công khai rằng chuyến thăm đến Việt Nam là một phần của chuyến đi quan trọng nhằm nâng cao quan hệ hợp tác an ninh giữa Washington và Hà Nội trong bối cảnh và tình hình mới.


Theo nhà báo, tác giả Kevin Knodell, một số tàu tuần tra mới chỉ là một phần trong danh mục các loại vũ khí phương Tây mà Hà Nội đang mong muốn sở hữu, trong đó có cả tàu chiến, máy bay quân sự và máy bay không người lái.
Theo thông tin mà Kevin Knodell có được, trong tháng 4 năm 2015 vừa qua, Việt Nam đã tổ chức một cuộc thảo luận dưới sự trợ giúp của Sứ quán Mỹ ở Hà Nội trong đó đã tiến hành bàn bạc, thảo luận tham vấn một số đại diện của các công ty sản xuất quốc phòng lớn của Mỹ như Boeing, Lockheed Martin, Honeywell International cùng một số đối tác lớn khác.


Ông Jay Krishnan - người phát ngôn của tập đoàn Boeing, Mỹ nói với tờ Bloomberg rằng: "Bất cứ thỏa thuận mua bán vũ khí phòng thủ nào cho Việt Nam cũng có liên quan chặt chẽ đến tiến trình phát triển của chính sách chính quyền Mỹ đối với quan hệ với Việt Nam"
"Chúng tôi tin rằng Boeing có năng lực cung cấp các hệ thống cơ động, tình báo, giám sát và trinh sát đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa cần thiết của Việt Nam".


Tác giả Kevin Knodell điểm lại rằng, trước đó khoảng 3 tuần, Hải quân Mỹ - Việt đã tiến hành một cuộc diễn tập huấn luyện trung nhân kỷ niệm mốc 20 năm bình thường hóa quan hệ song phương. Đây cũng là cuộc diễn tập phi tác chiến thường niên lần thứ 6 được tổ chức giữa hai lực lượng hải quân.
Trước đó, Lực lượng Vệ binh quốc gia bang Oregon của Hoa Kỳ cũng đã đón tiếp một phái đoàn quân sự Việt Nam tới thăm và giao lưu thông qua chương trình mở rộng hợp tác giữa hai cựu thù mang tên Chương trình đối tác quốc gia của lực lượng Vệ binh Mỹ.



Quân đội Mỹ trên sông Mê Kông trong Chiến tranh Việt Nam (ảnh minh họa)

Bài báo trên trang Medium cho rằng việc Hà Nội và Bắc Kinh đang ngày càng mất niềm tin với nhau liên quan những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông đã thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt gắn kết gần hơn. Việt Nam hiện nay cần có một kho vũ khí hơn để đề phòng và đối với một Trung Quốc đang ngày càng có xu hướng bành trướng và quả quyết.
Bài báo của tác giả Kevin Knodell nhắc lại sự kiện chấn động vào tháng 5 năm 2014 khi lực lượng bảo vệ bờ biển của Việt Nam phải đối đầu với việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan dầu Hải Dương Thạch Du 981 xâm phạm thềm lục địa Việt Nam với một đoàn tàu, máy bay quân sự, bán quân sự hộ tống hùng hậu.


Trong cuộc đối đầu cam go này, lực lượng bảo vệ bờ biển của Việt Nam đã kiên trì yêu cầu Trung Quốc đưa giàn khoan ra khỏi thềm lục địa của Việt Nam ngay lập tức. Bất chấp sự trêu ngươi và vi phạm trắng trợn của tàu thuyền Trung Quốc, phía Việt Nam đã kiên quyết đấu tranh bằng liệu pháp hòa bình đồng thời tổ chức các cuộc họp báo nhằm công bố các hành vi nguy hiểm của Bắc Kinh cho thế giới chứng kiến.
Cuộc đối đầu này cũng đã khiến cho ngay cả giới quân sự cũng khó có thể đoán được rằng liệu bên nào sẽ "tung nắm đấm" trước cũng như ai là kẻ đang mong muốn chứng kiến có một cuộc đụng độ đẫm máu xảy ra (đương nhiên là không phải mong muốn của dân tộc yêu hòa bình như dân tộc Việt Nam - PV).


Vụ giàn khoan xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng châm ngòi cho một làn sóng phản đối Trung Quốc mạnh mẽ ở Việt Nam.
Mặc dù đến giữa tháng 7 năm 2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng căng thẳng từ đó bắt đầu không có dấu hiệu dừng lại, đặc biệt là trên các khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Từ đó cho đến nay, Việt Nam bắt đầu tăng tốc nhằm củng bố năng lực phòng thủ quân sự của mình.


Tháng 1 năm 2015, Bộ trưởng ngoại giao, Phó thủ tướng Việt Nam tiến hành chuyến thăm Philippines - một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Đông Nam Á.
Chuyến đi này được đánh giá là nhằm nâng cao quan hệ hợp tác giữa hai nước có cùng mâu thuẫn với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo. Philippines cũng là một trong những nước nhỏ bị Trung Quốc bắt nạt, dọa dẫm nhiều nhất trong khu vực.


Hà Nội và Manila đã triển khai các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao khả năng hợp tác chiến lược, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải. Philippines cũng là một trong những nước đầu tiên lên án, cáo buộc Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam trong sự kiện đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào thềm lục địa của Việt Nam để làm chuyện bậy bạ.


Danh tiếng đánh tự hào của Quân đội Việt Nam


Tuy nhiên, bài báo của tác giả Kevin Knodell đặc biệt nhấn mạnh rằng, quân đội Việt Nam không chỉ trông chờ vào đối tác và các đồng minh mới. Việt Nam là nước có nhiều kinh nghiệm chiến đấu xương máu, quý giá. Chiến tranh đối với người Việt Nam chưa kết thúc ngay cả khi chế độ VNCH ở Sài Gòn sụp đổ.


Năm 1979, quân đội Việt Nam tiến vào lãnh thổ Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế, lật đổ chế độ Khơ Me Đỏ của tên độc tài Pol Pot điên cuồng, tàn bạo, từng gây đau thương cho người dân Campuchia và cả thường dân Việt Nam ở khu vực biên giới.


Kinh nghiệm chiến đấu ở nước ngoài của quân đội Việt Nam có cả hơn chục năm. Để thực hiện các chiến dịch truy lùng quân Pol Pot, quân đội Việt Nam thậm chí đã phải mở các chiến dịch xuyên biên giới liên quan đến cả Thái Lan.


Lực lượng vũ trang của Việt Nam cũng đã trải qua các cuộc chiến tranh đẫm máu với quân đội Trung Quốc ở biên giới phía Bắc những năm 1979 và 1990. Dù quân đội của Trung Quốc đông, vũ khí nhiều nhưng sự sáng tạo và mưu trí của quân đội Việt Nam đã giúp họ bảo vệ được tổ quốc cũng như tạo ra cho quân đội đối phương những tổn thất và đau đầu không hề nhỏ.


Khi đánh nhau với bộ đội Việt Nam, tướng tá, chỉ huy quân đội Trung Quốc thường xuyên phải xin tăng viện kể cả quân sỹ lẫn đạn dược. Trong khi đó, lực lượng của Việt Nam toàn đánh "trên tầm với" của mình mặc dù trong một số trận Việt Nam cũng bị thương vong, tổn thất không nhỏ - tác giả Kevin Knodell viết.
Bộ đội của Việt Nam vốn nổi tiếng với khả năng sáng tạo và tiết kiệm đối với các nguồn cung có giới hạn trong nhiều cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, trong thế kỷ 21 này, Việt Nam muốn hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình để đáp ứng được các yêu cầu trong tình hình mới - bài báo trên Medium cho hay.


Cũng theo phân tích của bài báo, việc mua tàu tuần tra của Mỹ chỉ là một phần của quá trình hiện đại hóa nói trên. Ngày 6/5/2015, báo Reuters cho biết Việt Nam đang muốn mua thêm các máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của phương Tây song song với việc tiến hành đàm phán với các công ty sản xuất vũ khí của Mỹ, Thụy Điển, châu Âu...


Quá khứ và tương lai




Giao lưu hơp tác giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Việt Nam


Tác giả Kevin Knodell bình luận rằng, Boeing - một siêu tập đoàn Mỹ từng sản xuất ra các máy bay để dội hàng triệu tấn bom xuống lãnh thổ Việt Nam nay đã chuyển sang sẵn sàng giúp đỡ quốc gia này nâng cao năng lực phòng thủ.
Mặc dù vậy, ở cả hai nước, không phải ai cũng tỏ ra nhiệt tâm và ủng hộ quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam bởi quân đội của cả Mỹ và Việt Nam đều có những thiệt hại không nhỏ về sinh mạng trong cuộc chiến tranh đẫm máu trong quá khứ.


"Có những giả thuyết (mơ hồ và vô căn cứ-PV) cho rằng Việt Nam vẫn giam giữ các tù nhân người Mỹ trong các nhà tù bí mật nhưng các câu chuyện này gần như hoàn toàn không có thật bởi thực tế là Việt Nam và Hoa Kỳ đang cùng nhau thực hiện các chương trình thu thập hài cốt lĩnh Mỹ chết trận, mất tích (POW, MIA- PV) trong chiến tranh" - Tác giả Kevin Knodell nói.


Xin được nói thêm rằng, với một dân tộc yêu chuộng hòa bình như Việt Nam, chỉ chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, coi trọng nghĩa khí thì dù kẻ thù là người giết hại những người thân yêu hay đồng bào mình cũng luôn mở ra cho họ một con đường sống và hoàn lương.
Chính vì vậy, nhận xét của tác giả Kevin Knodell là hoàn toàn chính xác, Việt Nam không giam giữ bất cứ tù nhân chiến tranh nào của nước Mỹ, Việt Nam đã và đang hết sức tận tình giúp đỡ quân đội Mỹ tìm kiếm hài cốt lĩnh Mỹ chết trận để hồi hương về với gia đình mình trên đất nước Hoa Kỳ và coi đó là hành động, nghĩa cử cao đẹp tượng trưng cho tinh thần yêu hòa bình, muốn hàn gắn đau thương và làm bạn thay cho thù của dân tộc Việt Nam.


Cuối cùng, bài viết của tác giả Kevin Knodell kết luận rằng, khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, vẫn còn đó việc một số người Việt Nam ở nước ngoài phản đối chính quyền ở Hà Nội xuất phát từ góc nhìn, quan điểm chính trị nhưng thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ khi Chiến tranh hoàn toàn chấm dứt, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay.


Hòa Bình