'Cạnh tranh Nga - Trung Quốc - Mỹ khiến Việt Nam vào thế khó xử'

Với Việt Nam, chúng ta cần giữ thái độ ôn hòa với Campuchia cũng như Nga, Mỹ... Mọi biểu thị không hợp lý ở thời điểm này đều có thể làm căng thẳng leo thang.

Nhằm cung cấp đến bạn đọc những thông tin nhìn nhận đa chiều về tình hình Biển Đông hiện nay vấn đề quan hệ giữa các nước lớn, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh – cựu thành viên phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa tham gia cuộc đàm phán Hiệp định Paris năm 1973, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mozambique (Lebanese Republic).


Nhà cựu ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh nay đã nghỉ hưu nhưng luôn luôn quan tâm đến tình hình đất nước. (Ảnh Cao Tuân)


- Ngày 30/5/2015, phát biểu tại Đối thoại Shangri-la 2015,Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov đã lên tiếng cho rằng việc Hoa Kỳ đã có các động thái công khai gây áp lực buộc các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có VN. Nga coi việc làm của Mỹ là làm xấu đi tình hình ở khu vực này và gây ra một cuộc chạy đua vũ trang. Sự kiện này được ông Anatoly Antonov đề cập đến sau khi vào tháng 2/2015 vừa qua Mỹ đã đề nghị Việt Nam ngừng cho phép Nga sử dụng căn cứ trước đây của Mỹ ở Vịnh Cam Ranh để tiếp nhiên liệu cho máy bay có khả năng ném bom hạt nhân của Nga đang phô trương sức mạnh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.


Rõ ràng sự kiện này cho thấy cả Nga và Hoa Kỳ đều đang có những động thái gia tăng sức ép lên quan hệ với Việt Nam. Điều này có thể sẽ khiến cho Việt Nam ở vào tình thế khó xử bởi với Nga, Việt Nam có quan hệ truyền thống tốt đẹp, bền vững còn với Mỹ là đối tác mới quan trọng trong hợp tác kinh tế cũng như là nước có tiếng nói hỗ trợ Việt Nam tốt nhất trong công cuộc đấu tranh, gìn giữ chủ quyền biển đảo. Ông có nhận định gì về điều này?

Ông Nguyễn Khắc Huỳnh: Trước tiên phải đề cập tới quan hệ quốc tế hiện nay, nó là một quan hệ tổng thể giữa các nước lớn, trong đó có vấn đề Biển Đông. Biển Đông còn liên quan đến Ukraine, Trung Đông chứ không phải riêng Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc.

Cũng phải nói thêm, Nga hiện nay rất lúng túng trước mối quan hệ với Urkaine. Ukraine với Nga trước đây là một nước đều thuộc Liên Xô. Liên Xô gồm Liên bang Xô Viết, trong đó Ukraine là một bộ phận của Liên Xô. Việc Nga sáp nhận Crimea của Ukraine đã gây những phản ứng trái chiều. Những người thiện chí với Nga thì đồng ý với Nga, họ cho rằng Nga lấy lại Crimea là hợp pháp. Nhưng Mỹ và phương Tây lại coi rằng Nga chiếm đoạt một tỉnh của Ukraine.

Mâu thuẫn giữa Ukraine với Nga hình thành hai năm nay rồi. Có thể thấy, mâu thuẫn giữa Ukraine với Nga cũng chính là mâu thuẫn giữa Mỹ và phương Tây với Nga. Đây là mâu thuẫn cổ truyền từ chiến tranh giữa Liên Xô và Mỹ để lại.

Bây giờ Nga ở thế yếu khi đang bị Mỹ trừng phạt. Cả về kinh tế cũng yếu, cả về chính trị của Nga đều gặp khó khăn. Do vậy Nga đã tranh thủ, dựa vào Trung Quốc để bớt khó khăn từ đó hình thành quan hệ Nga – Trung Quốc để đối phó với Mỹ. Việc Nga dựa vào Trung Quốc đã gây ra những bất lợi cho Việt Nam, vì chính Trung Quốc đang đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.


Lãnh đạo Mỹ - Trung - Nga (ảnh minh hoạ)

- Trong khi Mỹ đang thực hiện chiến dịch xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương Nga cũng đã tiến hành chiến dịch hướng Đông khi bị phương Tây cấm vận, cô lập và trừng phạt sau sự kiện khủng hoảng miền Đông Ucraine. Tại châu Á, Trung Quốc ráo riết hiện thực hoá yêu sách chủ quyền vô lý mang tên “đường lưỡi bò” và tiến hành các hành động nhằm bảo vệ cái mà Bắc Kinh coi là “lợi ích cốt lõi” của mình trên Biển Đông.

Điều này cho thấy chiến lược của các nước lớn này tại Á châu đang xung khắc nhau dữ dội, đặc biệt là giữa Nga và Mỹ, Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, với các nước nhỏ hơn như Việt Nam, chúng ta cần ứng xử như thế nào trong quan hệ với các nước lớn để vừa có thể duy trì ổn định chính trị, vừa có thể bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như quan hệ hợp tác lành mạnh với từng nước này, thưa ông?

Ông Nguyễn Khắc Huỳnh: Nga hiện đang lập lờ, không công khai ủng hộ Trung Quốc nhưng cũng không tỏ thái độ bảo vệ Việt Nam. Nga là người bạn chí cốt của Việt Nam, thường thì Nga sẽ có thái độ thuận lợi cho Việt Nam. Nhưng vì vướng Trung Quốc, phải dựa vào Trung Quốc để đối phó với Mỹ nên Nga có thể phải có lựa chọn khác.

Trong tình hình đó lại liên quan đến Mỹ. Mỹ hiện nay đang tìm cách cản trở động thái lấn lướt cũng như mở rộng trận địa của Trung Quốc. Thái độ quyết liệt của Mỹ đang có lợi cho Việt Nam. Hiện nay Mỹ đang có thái độ “găng”, thậm chí là quyết liệt với Trung Quốc. Và điều này có lợi cho Việt Nam.

Trong Hội nghị Quốc tế vừa qua bàn về an ninh châu Á nói riêng và Biển Đông nói chung, Mỹ và nhiều nước như Nhật, Đức, Úc cũng đã lên án gay gắt những hành động thái quá, gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông.

Về vấn đề tình hình Biển Đông, dưới góc độ ngoại giao, theo tôi cần giải quyết bằng hai tình thế: Biểu thị bảo vệ chủ quyền và tránh gây ra xung đột vũ lực. Nếu để xảy ra xung đột vũ lực sẽ mắc mưu của Trung Quốc.

Nhiều nước lớn đã lên tiếng ủng hộ ta, trong đó mạnh hơn cả là Philippines, Nhật Bản, Mỹ... Chúng ta có tranh thủ được quốc tế ủng hộ nhưng chưa tạo thành một sức ép mãnh liệt đối với Trung Quốc, chưa đủ mạnh để buộc họ phải rút lui. Do đó, chúng ta cần cố gắng tạo thành một mặt trận nhân dân thế giới hùng hậu ủng hộ chính nghĩa của ta.

Vậy ông nhận định ra sao về việc Mỹ đã đề nghị Việt Nam ngừng cho phép Nga sử dụng căn cứ trước đây của Mỹ ở Vịnh Cam Ranh?




Ông Nguyễn Khắc Huỳnh từng là thành viên đoàn đàm phán Paris từ khi bắt đầu cho đến khi Hiệp định được ký kết. Sau đó làm đại sứ Việt Nam tại Mozambique. Từ khi nghỉ hưu ông chuyên nghiên cứu về lịch sử ngoại giao nước nhà. (Ảnh Cao Tuân)

Ông Nguyễn Khắc Huỳnh: Bây giờ Vịnh Cam Ranh thì Trung Quốc, Mỹ, Nga đều “thèm muốn” để nhằm mở rộng hoạt động ra Đông Nam Á. Bản thân Nga cũng muốn dùng Vịnh Cam Ranh để mở rộng ra Đông Nam Á. Chính vì vậy, Việt Nam vẫn phải giữ quan điểm rõ ràng: Cam Ranh là của Việt Nam. Các nước muốn sử dụng Cam Ranh phục vụ hoạt động gì thì phải được sự đồng ý của Việt Nam và hoạt động theo luật lệ của Việt Nam.

- Liên quan đến vấn đề thông tin Biển Đông, tờ tin tức Cambodia Daily ngày 4/6 đưa tin, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ash Carter có chuyến công du châu Á tuần này trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên Biển Đông (vì Trung Quốc leo thang bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa bất hợp pháp đảo nhân tạo ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam - PV), Campuchia lại một lần nữa lên tiếng bảo vệ lập trường của Bắc Kinh và cáo buộc phát biểu của ông Ash Carter là “khiêu khích, đe dọa hòa bình”.

Cụ thể, ông Phay Siphan, Người phát ngôn Chính phủ Campuchia nói rằng, căng thẳng leo thang hiện nay trên Biển Đông phần lớn là kết quả mối đe dọa của ông Ash Carter tuyên bố điều tàu chiến, máy bay tiến vào 12 hải lý xung quanh các bãi đá, rặng san hô giờ đã trở thành các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) mà Trung Quốc bồi lấp.

Người phát ngôn Chính phủ Campuchia cho rằng tuyên bố của Mỹ về việc đưa tàu chiến, máy bay đến Biển Đông để tuần tra là hành động khiêu khích, đe doạ hoà bình ở khu vực. Ông có ý kiến gì về phát ngôn của quan chức Campuchia?

Ông Nguyễn Khắc Huỳnh: Đây không phải lần đầu tiên, phát ngôn của Chính phủ Campuchia không thuận trong cái chung. Có năm hội nghị Asean năm 2012 tại Campuchia, Campuchia không ra được tuyên bố về vấn đề bảo vệ lãnh thổ. Vì điều này không theo quan điểm chung của các nước Asean. Về bản chất, lúc đó, Campuchia bênh vực Trung Quốc nên không được các nước ủng hộ.

Campuchia ủng hộ Trung Quốc lâu rồi, không phải bắt đầu từ thời điểm đó. Vì lâu nay Trung Quốc đều viện trợ cho Campuchia. Campuchia nhận viện trợ của Trung Quốc thì lẽ dĩ nhiên ai lên án Trung Quốc thì họ sẽ bày tỏ thái độ phê phán. Đây là chuyện dễ hiểu.

Với Việt Nam, chúng ta cần giữ thái độ ôn hòa với Campuchia cũng như Nga, Mỹ... Mọi biểu thị không hợp lý ở thời điểm này đều có thể làm căng thẳng leo thang.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Cao Tuân