Ý NGHĨA CỦA TU HỌC THIỀN ĐỊNH
3.1 Những nhận thức cụ thể cần phải có khi tu tập Thiền định:
3.1.1. Nhận thức căn bản của Thiền định học:
a, Thiền định là một phương pháp tuần tự nâng cao thân tâm:


Thiền định chân chính mang lại sức khoẻ tốt, điều đó không có gì kỳ lạ. Nói một cách đơn giản, Thiền định là một phương pháp nâng cao tính mệnh thân, tâm của chúng ta. Người ta tu tập Thiền định có nhiều mục đích khác nhau; một số người vì muốn thân thể khoẻ mạnh, một số người muốn đạt được sự thanh tịnh của tâm linh, một số người vì tín ngưỡng tôn giáo. Nói một cách tổng quát, tất cả những mong muốn này trong quá trình học tập đều được thoả mãn. Nhưng chúng ta cần phải nhớ rằng Thiền định là một môn học thực tiễn, hiểu được ít nhiều lý luận và phương pháp không thể đưa bạn vào con đường ảo diệu của Thiền định; chỉ có nỗ lực tập Thiền mới có thể viên mãn được nguyện vọng của chính mình.

Trong quá trình tu tập Thiền định, lý luận và phương pháp đều là điều cần phải có. Lý luận giống như bản đồ lên núi, chỉ dẫn bạn đi đến mục tiêu, không dẫn đến việc vì bạn không rành đường mà đi lạc. Nhưng nếu bạn không chịu thực hành thì dù bạn có biết tất cả lý luận và phương pháp, chúng cũg thực sự không giúp được gì cho bạn trong cuộc sống. Cho nên điều cần phải nhớ cho kỹ là phải thực tập không gián đoạn, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm công phu tích lũy theo từng ngày, từng tháng mới có thể làm cho bạn tiến bộ không ngừng, nâng cao không ngừng tính mệnh thân tâm của bạn để đạt được mục đích cuối cùng. Thiền định cũng không phải là đảm bảo bạn tham gia vào một cuộc huấn luyện nào đó, học tập trong bao lâu, nhất định sẽ đạt được cảnh giới như thế đó. Thiền định là phải hoà nhập vào cuộc sống bình thường hằng ngày là lâu dài, cải thiện toàn bộ cuộc sống một người, chứ không phải đột ngột đập tan toàn bộ cuộc sống rồi mới bắt đầu làm mới lại, Thiền định không phải là một phương pháp nhớm mạ cho lúa mau lớn.

Một người tu thiền ưu tú là một người bình thường vui tươi, càng lúc càng được mọi người yêu thích, sống trong sự vui vẻ tự nhiên, sự cải thiện cuộc sống của họ có tính toàn diện.

Thiền định là một đạo lý bình thường, thực tế, rất tôn trọng sự phát triển hài hoà thân tâm, phương pháp của nó cực kỳ khoa học. Tuỳ theo hành vi khởi điểm của người tu tập và các điều kiện thân tâm khác nhau, quá trình học tập và kết quả của mỗi người sẽ hoàn toàn khác nhau.

Một người có điều kiện thân tâm tốt, học tập nghiêm túc, mục đích quang minh, hoài bão lớn, chỉ cần gặp được thầy và phương pháp thích hợp thì sự tiến bộ của họ có thể rất nhanh; nhưng nếu không có đầy đủ những điều kiện như thế, thì dù cùng học một thầy, sự tiến bộ vẫn chậm hơn nhiều.

Thiền định là phải nói tới điều kiện duyên khởi, điều kiện đầy đủ thì tiến bộ nhanh, ngược lại tiến bộ sẽ chậm hơn, đây là điều rất bình thường và thực tế. Cho nên không một ai có thể lấy thời gian để phán đoán mức độ tiến bộ học tập của bạn. Nhưng có một điều có thể xác định được mỗi cá nhân chỉ cần có mục đích, phương pháp và được chỉ dẫn chính xác thì nhất định sẽ có tiến bộ với những bước dài.

Thiền định lại có tính cá nhân; mỗi người nên tự so sánh với chính mình mà không cần thiết so sánh với ai khác. Hãy thử nhìn lại chính mình: thân thể hôm nay có khoẻ mạnh hơn hôm qua không? Trí tuệ có tốt hơn trước hay không…. Như thế là có thể biết được ta đã có lợi ích gì trong sự tu tậph Thiền định. Ngoài ra, sự tiến bộ của Thiền định là chắc chắn có, nhưng vì mỗi một cá nhân đều có một điều kiện khác nhau nên phải có sự khác biệt. Cho nên một người tu Thiền tuyệt đối không nên tưởng lầm hiện tượng Thiền định của mọi người đều giống nhau, vì thế người nào đó có hiện tượng nào đó, mình không cần phải có, để tránh đi lạc qua ngõ rẽ khác.

Nói một cách tổng quát, bất cứ hiện tượng Thiền định nào, chỉ cần không ảnh hưởng đến thân tâm quá lớn, không cần phải quan tâm thắc mắc. Nếu có thể căn cứ theo lời nói trong kinh Kim Cang: “Kiến nhất thiết chư tướng phi tướng” (Thấy tất cả các hình tướng đều không phải là hình tướng); thế thì con đường tiến tới của Thiền định nhất định sẽ vô cùng bình thản.

b, Thiền định là phương pháp mà ai cũng có thể học tập:
Một người chỉ cần có thân tâm kiện toàn là có thể học tập Thiền định. Học tập Thiền định không cần có một điều kiện đặc thù nào, chỉ có lòng tin, có nghị lực, cộng thêm với sự học tập và chỉ dẫn chính xác, mọi người đều có thể nhận được sự hữu ích từ trong đó. Nhưng cũng từng có một số người than thể tàn tật hoặc mắc bệnh tật, muốn học tập Thiền định như thế có được không? Người viết cho rằng chỉ cần không có cơ năng nào bị chướng ngại nghiêm trọng, phối hợp với phương pháp huấn luyện đặc biệt một chút những điều này đều có thể khắc phục được, cũng có thể làm cho họ đạt được những lợi ích từ việc học tập Thiền định.

Lúc học tập Thiền định, nếu tình trạng thân tâm của bản thân người học không được lý tưởng mấy, cần nói trước cho thầy hướng dẫn, căn cứ theo tình hình thực tế mà phán đoán xem có thể tiếp tục theo lớp học hay không, hoặc nghỉ ngơi, hoặc tham gia một lóp đặc biệt khác, để tránh ảnh hưởng đến người khác, đây là điều người học tập cần chú ý.

Thiền định vốn là nguyên tắc nâng cao thân tâm, cần phải có lòng thẳng thắn, ứng xử đạo đức, nếu không thì tập thiền nhiều mà chẳng ích lợi bao nhiêu.

c, Hiện tượng kỳ lạ là ngõ rẽ của Thiền định:

Con người rất hiếu kỳ, cho nên luôn có những người dung những chuyện thần bí kỳ lạ để hô hào người khác vào cái gọi là tôn giáo, và họ cũng tụ họp được một số người. Đứng ở góc độ lịch sử mà xét đó là những việc thường có, nhưng hiện tượng này chỉ như hoa đốm giữa trời, chẳng mấy chốc đã tan biến, nó không chỉ con đường lớn cho con người. Xét từ phương diện khác, tâm lý sùng thượng hiện tượng thần bí kỳ lạ là đã chứng minh rõ sự thiếu thốn, trống rỗng trong tinh thần của con người ngày nay.

Đối với Phật giáo mà nói thần thông không phải là không có, chỉ có điều, thần thông không chiếm vị trí quan trọng, bởi vì thần thông không thể thay đổi được nghiệp lực, nó chỉ là sản vật của nguyên tắc duyên khởi mà thôi. Những hiện tượng thần bí kỳ lạ đang thịnh hành hiện nay, về căn bản có những khác biệt rất lớn với thần thông.

Nói chung thần thông phải trải qua sự tu trì mới có được, còn hiện nay một số lớn hiện tượng thần bí kỳ lạ đều không thông qua sự tu trì, mà đột nhiên có được. Cho nên người có sức mạnh chưa hẳn biết được lý do của nó, đột ngột họ được những hiện tượng kỳ lạ này, bởi vì không trải qua tu trì mà đến, cho nên chúng cũng đột ngột tiêu mất đi.

Thiền định là một phương pháp nâng cao sinh mệnh một cách tuần tự, có công năng điều chỉnh trạng thái của thân tâm; cho nên trong quá trình tu tập Thiền định người tu học sẽ phát triển thân tâm trong sự biến đổi từ từ. Mỗi sự biến đổi của người tu học sẽ tuỳ thuộc theo sự khác nhau của điều kiện thân tâm và phương pháp tu tập, từ đó có những sự khác nhau. Thực ra thân tâm của chúng ta vốn dĩ luôn nằm trong sự biến đổi, nhưng vì sự biến đổi quá chậm chạp, chúng ta lại thiếu sự chú ý nên quá nửa đều không được phát giác.

Bởi vậy trong lúc tu tập Thiền định tâm khá tạp trung chú ý cho nên dễ dàng cảm giác được sự biến đổi. Tình trạng thường có là người tu học thường dễ đem những biến đổi này mà liên tưởng đến những điều cao diệu của tôn giáo, thậm chí những hiện tượng vốn rất bình thường ngược lại vẫn xem là những điều đặc dị, không bình thường; rồi tiến đến tăng mạnh sự tập trung chú ý vào đó, hoặc dẫn dắt các hiện tượng này, dẫn phát năng lực tạo ra các hiện tượng và tình huống kỳ dị, đây chính là ngõ rẽ (sai lệch) lúc tu tập Thiền định.

Thân thể chúng ta do 5 yếu tố đất, nước, lửa, gió, không cấu tạo thành được gọi là “ngũ đại’. Những yếu tố này mỗi thứ đều có đặc tính và tác dụng riêng của chúng, mà ý thức là năng lực chủ thể của các yếu tố này. Chúng ta bình thường có đủ cảm giác, cũng hiểu rõ tình hình tồn tại trong thân thể của chính mình; có một số người cảm thấy thân thể nhẹ nhàng, linh hoạt, ngay chính cùng một con người, có lúc cảm thấy nóng nhiệt, có lúc cảm thấy lạnh rét, thân thể có lúc cảm thấy khó chịu. Từ các hiện tượng này có thể thấy rõ rằng, bình thường chúng ta cũng cảm thấy tác dụng của 5 yếu tố này, đối với tình hình biến đổi của nó cũng có thể hiểu được.

Cho nên khi chúng ta tu tập Thiền định thân tâm từ từ phát sinh biến đổi, đây là tác dụng bình thường mà ai cũng có, nhưng có một số người hiểu lầm những hiện tượng này mà đi lạc vào ngõ rẽ. Nói thí dụ, người tu tập Thiền định ngẫu nhiên thân thể có sự chấn động (thường gọi là “khí động’), đây là hiện tượng hết sức tự nhiên, là vì thân thể thuộc “phong địa’ (hô hấp, hơi thở…) tăng thêm sự biến đổi mà thôi. Nhưng một số người tu học không hiểu rõ hiện tượng này dẫn đến những biến hoá kỳ dị như: có người kết hợp với ý thức nội tại mà sinh ra tình trạng thân thể rung động không ngừng; hoặc bị tình trạng gọi là “nhập xác”, cuối cùng không thể sốngnhư một người bình thường, giả thần giả quỷ, mất đi cuộc sống hạnh phúc.

Trong quá trình học tập Thiền định tuy có một số hiện tượng phát sinh nhưng đó là điều cực kỳ bình thường, tuyệt đối đừng vì bị chỉ dẫn sai lầm mà đi lạc vào ngõ rẽ. Đối với tất cả hiện tượng lạ chỉ cần không quan tâm đến nó, cứ thuận theo tự nhiên, giống như phong cảnh ở bên đường đi, xem qua là được rồi, đừng lưu luyến chúng mà quên mất đường đi, để rồi đi lạc đường cuối cùng không đến được mục tiêu.

Cho nên kinh Kim Cang nói: “Thấy tất cả hình tướng đều không phải là hình tướng thực”, là nguyên tắc của người tu tập Thiền định. Còn trong quá trình học Thiền đối với sự phán đoán và chọn lựa cảnh giới (trong này phải không chứa đựng thành phần chấp trước) thì nương theo kinh điển, theo lý trí của chính mình và sự trợ giúp của vị thầy hướng dẫn.

3.1.2.Những tâm lý bất lợi cho việc tu tập Thiền định:
a, Vì danh lợi mà tu Thiền:


Tâm của người bình thường không thể tự chủ, vì bị ngoại cảnh kích thích các cơ quan cảm giác và bị sự khống chế cực mạnh của tiềm thức xung động, mà Thiền định chính là muốn đạt thành sự tự chủ, sự tự do cho thân, tâm của chúng ta. Tuy rằng Phật giáo không hề không tán thành ai đó có sự thành tựu về mặt xã hội, thậm chí nói theo lập trường của Phật giáo Đại thừa- càng hy vọng mọi người tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội ngày càng tốt đẹp hơn; nhưng nếu một người học tập Thiền định vì muốn được nổi danh, được lợi lộc, được mọi người ngưỡng mộ; thế thì do sự phát tâm của người học tập có động cơ không đúng, hiệu quả của việc học tập tất nhiên sẽ bị giảm trừ rất lớn.

Người tu Thiền vì muốn nổi danh, lợi lộc, trong lòng chứa đầy ý niệm tham lam, không những không thể kết hợp với sự thanh tịnh của Thiền mà thậm chí còn đi ngược lại. Học Thiền như thế nhất định không có lợi ích gì cả. Trong quá trình học tập những ý niệm tham lam này sẽ thường xuyên quấy nhiễu thân, tâm của họ.

b, Tâm cạnh tranh:

Cảnh giới của Thiền tuy có tiêu chuẩn nhận định khách quan của nó, nhưng trên phương diện thể nghiệm lại hoàn toàn có tính cá nhân, giống như lời nói của cổ nhân: “Uống nước, ấm lạnh tự nhiên biết”, bởi vì điều kiện thân tâm, sự phát tâm và phương pháp tu học của mỗi người đều khác nhau. Do đó những người tu Thiền có thể cùng nhau nghiên cứu, nhưng không cần phải so sánh với nhau. Nếu người tu Thiền mỗi khi nghe người khác có một số hiện tượng nào đó, cảm thụ nào đó, rồi cũng muốn mình có như họ; đây là điều không những không có ý nghĩa mà còn có thể làm rối loạn trình tự tu học của chính mình, nghiêm trọng hơn là có khả năng lạc vào ngõ rẽ khác.

Ngoài ra có một số người cho rằng mình đã thể nghiệm được một số cảm giác đặc thù nào đó, tưởng rằng đây là những hiện tượng cực cao minh, mắt nhìn thấy tất cả đều không, điều này thực đáng buồn cười. Bởi vì những kinh nghiệm này của bản thân không nhất định người nào cũng phải trải qua, mà cứu cánh của sự tu trì Thiền định là lấy “không”, “vô tướng” làm cảnh giới rốt ráo. Những hiện tượng này đều chỉ là một số điều tự nhiên xảy ra trong quá trình tu chứng mà thôi.

Người tu học Thiền định cần phải có tâm bình thản, quang minh tự tại, nhưg thế mới có thể tương ứng với Thiền, đạt được lợi ích của việc tu Thiền. Nếu khởi tâm tranh cạnh, thì tâm sẽ không an định, ý niệm chỉ nghĩ đến việc muốn vượt hơn người khác, tâm ý chỉ muốn chế tạo ra những hiện tượng để tự lừa gạt mình, lừa gạt người, vì vậy cần đặc biệt chú ý. Tâm bình thản, thẳng thắn mới có thể tương ứng với Thiền, tâm tranh cạnh, không bình thản sẽ rời xa, đi ngược lại với Thiền. “Nhân” không thực thì “quả” sẽ chiêu tụ toàn là thiên lệch sau lầm, đây là điều cần phải cẩn thận.

c, Mong cầu cảnh giới:

Năng lực tâm linh của con người vốn to rộng vô biên, có thể biến hoá vô cùng, cho nên người khéo vận dụng sẽ có thể thoát khỏi luân hồi sinh tử, đạt đến an lạc, hạnh phúc chân chính; không khéo vận dụng thì sẽ chìm đắm trong cõi luân hồi sinh tử, rời xa chỗ sáng.

Người ta sống hạnh phúc hay không, có quan hệ đến việc có khéo vận dụng sức mạnh của tinh thần hay không, mà tu tập Thiền định là pháp môn tốt nhất để vận dụng sức mạnh tâm linh.

Tu học Thiền định có mục đích và cũng có quá trình. Diệu cảnh của Thiền định sẽ làm cho thân tâm chúng ta biến đổi, có đủ loại thể ngộ. Nhưng có nhiều tu Thiền lại chỉ vì muốn có những cảnh giới kỳ lạ mà tìm đến. Mục đích của tôn giáo là truy cầu sự giải thoát và mục đích của thế gian là thân tâm được khoẻ mạnh; đây vốn là nguyên nhân để tu tập Thiền định. Nhưng nếu xem những hiện tượng phát sinh trong quá trình tu Thiền là mục tiêu tối hậu thế là đã đảo ngược ngọn trở thành gốc rồi. Cảnh giới là do quá trình Thiền định, thân tâm chuyển hoá mà tạo thành. Có cảnh giới là biểu hiện sự tu tập Thiền định có hiệu quả, nhưng nếu chấp trước vào cảnh giới lúc này, hoặc mong cầu cảnh giới khác thì ngược lại sẽ tạo ra chướng ngại.

Cảnh giới Thiền định chân chính hiện tiền là mục tiêu của người tu học Thiền định, nhưng chỉ khi nào tâm cảnh bình hoà, mới có thể đạt được cảnh giới định chân chính. Nếu như có tâm mong cầu thì tâm cảnh không thể bình hoà được, tự mình lại không thể phân biệt chân giả, cứ tưởng là mình đã đắc đạo, cuối cùng hại người hại mình, đây là điều đáng sợ. Cho nên người tu học Thiền định đừng có tâm mong cầu đạt được bất cứ cảnh giới nào, để tránh tự gạt mình, gạt người.

d, Tỏ ra huyền hoặc dị kỳ:

Lúc tu Thiền định do tâm linh an tịnh và tập trung nên thân tâm thường phát sinh uy lực rất lớn, đây là những sản phẩm phụ của Thiền định, người không có kinh nghiệm Thiền định không khỏi cảm thấy kinh ngạc kỳ lạ; nhưng đối với người nỗ lực tu trì mà nói đây là những cảnh giới rất bình thường. Thường có nhiều người tập Thiền định vì không hiểu rõ đạo lý trong đó, hoặc vì lý do nào khác sau khi có một vài kinh nghiệm điềm triệu liền cho rằng mình đã đắc đạo, tỏ ra huyền hoặc dị kỳ, biểu hiện một vài năng lực mà người thường không có để cho người ta tôn kính, dần dần trở thành thầy của một phái. Những người này hoặc là trị bệnh, hoặc là ra oai trừ tà đuổi quỷ, hoặc nói mình có thể biết quá khứ vị lai nhân quả ba đời, khi này khi khác, là người đã lạc vào ngõ rẽ của Thiền định.

Người tập Thiền định tuyệt đối không vì những thay đổi của thân tâm mà tỏ ra huyền hoặc dị kỳ, mượn đó để nhận sự tôn kính của người khác. Nếu làm như thế sẽ đi ngược lại con đường Thiền định chân chính, không thể đạt được mục tiêu rốt ráo của Thiền định.