PHƯƠNG PHÁP NGỒI THIỀN
(Thích Minh Minh)


CHƯƠNG 1: THIỀN ĐỊNH HỌC
Thiền, tiếng Phạn là “Thiền na” (dhyàna), gọi đơn giản là “Thiền”; được dịch ra Hán ngữ là “tịch tịnh thẩm lự” (nghĩa là: suy tư thâm sâu trong trạng thái yên tĩnh tuyệt đối), cũng là phương pháp làm cho tam linh an trụ vào trạng thái định tuệ quân bình. Từ Phật giáo nguyên thuỷ cho đến nay, Thiền định học1 lấy tứ thiền2 làm căn bản.
.................................................. ..........
1: Môn học Thiền định từ Phật giáo nguyên thuỷ đến nay luôn luôn được tín đồ Phật giáo xem trọng và học tập, nhưng Trung Quốc từ đời Tống, Minh về sau lại từ từ tách rời khỏi truyền thống này, càng ngày càng suy vi, thực là đáng tiếc. Chư Phật và các Bồ Tát đều có đủ vô lượng tam - muội, há không nương theo Thiền định mà thành tựu đó sao? Thiền là mẫu thai của Phật giáo, Phật giáo nương theo thiền định mới có thể triển hiện dòng sinh mệnh nội tại của mình.
2: Gọi đầy đủ là “Tứ thiền định”; chỉ 4 cấp thiền trong sắc giới (ba giới); đó là: 1. Định sơ thiền: tâm tập trung vào một cảnh, tâm tầm, tứ, hoàn toàn li dục và không còn các Bất thiện, Pháp. Người đạt sơ thiền đạt trạng thái Hỉ, Lạc và Xả; 2. Định nhị thiền: tâm không còn tầm, tứ. Nội tĩnh, nhất tâm. Trạng thái này gọi là Hỷ, Lạc, Xả; 3. Định tam thiền: lìa trạng thái Hỉ, chỉ còn trạng thái Hỉ, Lạc; 4. Định tứ thiền: lìa trạng thái Lạc, chỉ còn riêng cảm giác Xả và chính niệm.
.................................................. .........
Dùng tứ thiền làm y chỉ để đạt được ngũ thông, tứ vô sắc định, cửu thứ đệ định3, tứ quả, Bích chi Phật, cho đến thành Phật, cũng sớm trở thành thuyết thông dụng của Phật giáo Thanh văn, kinh A Hàm; đặc biệt xem trọng tứ thiền. Trong lục ba- la- mật của Đại thừa, lấy Thiền ba-la-mật mà xưng danh thông dụng của Bồ Tát cũng là lấy tứ thiền làm căn bản, để tiến tới đạt được tứ vô lượng tâm từ bi, hỉ xả, tứ vô sắc định, là dẫn đến trí tuệ thâm sâu vô lậu ngũ thông, cho đến cảnh giới đại thiền của Bồ Tát. Hoặc có thể nói tứ thiền là cơ sở chung của Thiền định Phật giáo.

.................................................. ...........
3: Thiền định của Phật giáo có tứ thiền (sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền) và tứ vô sắc định (tứ không định: không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, gọi chung là Tứ thiền bất định); cộng thêm có khả năng thành tựu diệt thụ tưởng định của sự giải thoát, hợp chung lại gọi là “Cửu thứ đệ định”.
.................................................. ..............

Đại thừa Phật giáo tuy tiếp nối thuyết của Phật giáo Thanh văn, nhưng lại giàu nội dung Thiền b-la-mật. Từ kinh điển đại thừa mà xét, Đại thừa định học đặc biệt thiên về “tam muội”. Tam muội còn gọi là “chánh định”, có nghĩa là “đẳng trì’, là giữ vững trạng thái tâm thức bình thản an trụ vào cảnh giới bất động. Danh xưng “tam muội” cũng tuỳ theo nội dung quán tưởng mà có chỗ khác biệt, như ba loại tam -muội: không tam muội, Vô tướng tam muội, Vô nguyện tam muội. Tuy tam - muội là đặc sắc của Đại thiền tuy là danh xưng thông dụng của Định học, nhưng các loại định pháp của Phật giáo đều có danh xưng riêng và có ý nghĩa đặc thù của nó, xin được trình bày như sau:

1. Thế nào gọi là Thiền?
Còn phiên âm là Thiền na, Đà diễn na, Đặc a na; hoặc dịch nghĩa là Tịnh lự, Tư duy tu, Khí ác, cho đến Công đức tùng lâm. “Du già Sư Địa luận”, quyển thứ 3 viết:
“Gọi là tịnh lự, là chỉ tất cả niệm duyên đều tịch tịnh, tư lự thâm sâu chính xác, nên gọi là tịnh lự”.

Tức là dứt bặt các vọng tưởng, làm cho tâm niệm chuyên chú vào một cảnh giới, để nhập vào trạng thái vắng lặng tuyệt đối. Đây là dung sự suy tư thâm sâu chính xác để giải thích thiền- tức tịnh lự. “Tịnh tịch” trong ý nghĩa vắng lặng tuyệt đối này, cũng tức là chỉ hoặc định; “lự” là thẩm lự (suy tư sâu sắc, tường tận), tư lự, cũng tức là quán hoặc tuệ. Dùng định mà sinh ra tuệ, nên gọi là “tịnh lự’. Định tuệ có thể thông tất cả, nhưng tứ không định là định nhiều tuệ ít, dục giới định là tuệ nhiều mà định ít, duy chỉ có tứ thiền là “chỉ quán quân bình”, “định tuệ bằng nhau”, cho nên gọi là “tịnh lự”.

“Đại thừa Nghĩa Chương”, quyển 13 viết:
“Thiền là đọc theo tiếng Trung Quốc, dịch nghĩa là tư duy tu tập, cũng gọi là công đức tùng lâm. Tu duy tu, là đứng ở góc độ nhân mà gọi, ý tưởng suy xét sâu sắc trong cảnh giới định nên gọi là tư duy, tư tâm từ từ tiến triển nên nói là tu tập, từ cảnh giới định mà gọi là tư duy tu tịch cũng được. Tiếng này lấy thể để làm tên, tâm chính Thiền định thu các duyên, nên gọi là tư duy, tư tâm tăng tiến nên nói là tu tập. Từ công đức tùng lâm là theo quả mà gọi tên, thần thông trí tuệ và tứ vô lượng là công đức của nó, các công đức tích tụ gọi là tùng lâm. Định có thể sinh ra chúng, vì theo quả mà gọi nên gọi là công đức tùng lâm”.

“Lục độ Tập kinh”, quyển 7 viết:
“Thiền độ vô cực là sao? Đó chính là cái tâm, nhất các ý, gom hết các điều thiện mà chứa ở trong tâm, ý nghĩ đến các điều ác thì dùng cái thiện mà tiêu diệt chúng. Phàm có tứ thiền mà thành tựu, hành vi chúng sinh tạo tác không có đất thì không đứng được…. Đã có trí tuệ mà lại có nhất tâm, tức là gần độ thế, đây là Bồ Tát Thiền độ vô cực, nhất tâm là vậy”.

“Thiền độ vô cực” (Thiền ba-la-mật) đề cập ở đây chính là Tứ Thiền, là truyền thống xưa nay của kinh A – Hàm.

2. Thế nào gọi là Định?
Định có ý an định bất động, tức là trạng thái tâm tập trung vào một cảnh mà không loạn động. Kinh “Trung A Hàm’ chương thứ 58 “Pháp lạc tì khưu ni”, viết “Nếu thiện tâm chuyên nhất thì gọi là định”.

Định cũng tuỳ theo chỗ dung khác nhau mà có hàm nghĩa khác nhau.

“Đại tri Độ Luận’, quyển 28 viết:
“Lại nữa, tất cả các loại Thiền định cũng gọi là định, là tam-muội. Tứ thiền cũng gọi là thiền, cũng gọi là định, cũng gọi là tam-muội. mà trừ tứ thiền ra, các loại định cũng khác cũng gọi là định, cũng gọi là tam-muội, mà không gọi là thiền ”.

Trong các đoạn này, dùng chữ Thiền để chuyên gọi tứ Thiền. Còn tất cả các loại thiền định có tên cá biệt khác có thể gọi là tam-muội, hoặc “định”, nhưng không gọi là Thiền. Nhưng thiền (hoặc thiền bà-la-mật) vẫn có thể gọi chung là Thiền định học. Do cách nhìn trên đây mà nói, cách dùng chữ định và tam-muội là tương đồng. Nhưng trong “Thiền trụ Tì Bà Sa luận”, quyển 11 viết:
“Thiền tức là tứ thiền, định tức là tứ vô sắc định, tứ vô lượng tâm, thảy đều gọi là định. Giải thoát tức là bát giải thoát 4, tam muội, tức là ngoại trừ Thiền giải thoát, còn các loại định khác gọi là Tam-muội. Có người nói: Tam giải thoát môn cho đến hữu giác hữu quán định, vô giác hữu quán định, vô giác vô quán định, đều gọi là tam-muội. Có người khác nói: “Định thì nhỏ mà tam-muội thì lớn, cho nên tất cả các loại định mà chư Phật và Bồ Tát sở đắc đều gọi là tam-muội ”.

Từ đó có thể hiểu, định có thể dung để chuyên gọi Tứ không định, cũng có thể là từ đồng nghĩa của tam-muội hoặc tam-ma-địa, hoặc gọi chung là Thiền định.
.................................................. ...........
4: 8 giải thoát: Phép thiền định giúp hành giả vượt 8 cấp thiền và giải thoát các vướng mắc về sắc và vô sắc. Cụ thể là: 1. Ở trong sắc giới, quán nội sắc và ngoại sắc, nhằm bỏ tâm ham sắc thể; 2. Không quán nội sắc, quán ngoại sắc, nhận ngoại sắc làm ô nhiễm; 3. Quán tưởng về thanh tịnh nhưng không bám giữ; 4. Vượt qua sắc thể, nghĩ “hư không là vô biên”- không vô biên xứ; 6. Đạt tâm “không có vật gì”- vô sở hữu xứ; 7. Đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ; 8. Đạt cấp Diệt thụ tưởng xứ- diệt tận định.
.................................................. .........
3. Thế nào là Tam muội?
Dịch âm việt là tam-ma-địa, tam-ma-đề; dịch ý là định, tam định; hoặc gọi là trực định, là bình đẳng trì tâm, làm cho nội tâm duy trì trạng thái bất động quân bình. “Đại Tì Bà Sa luận”, quyển 141 viết:
“Bình đẳng trì tâm làm cho tâm chuyên chú vào một cảnh, đợưc chỗ thành tựu gọi là đẳng trì”.

“Câu Xá luận’, quyển 4 viết:
“Tam-ma-địa là nói tâm chuyên nhất vào một cảnh”.

Thảy đều là biểu đạt trạng thái tâm linh này. Danh từ liên quan đến Thiền định, trong Phật pháp, tuy mỗi từ có một hàm nghĩa đặc thù, nhưng kinh điển thường dùng chung; từ tam-muội cũng vậy.

“Đại Trí Độ luận’, quyển 23 viết:
“Tất cả các loại thiền định nhiếp tâm, đều gọi là tam-ma-đề, là nói chính tâm hành xứ. Làd cái tâm từ thế giới vô thuỷ đến nay, thường cong khúc chứ không ngay thẳng, nếu được chánh tâm hành xứ thì tâm sẽ ngay thẳng, thí dụ như rắn thường còn khúc khi trườn đi, chui vào trong ống tre thì thân nó phải ngay thẳng’.

Cũng kinh này, quyển 28 viết:
“Tam muội có 2 loại: tam muội trong pháp Thanh văn, tam-muội trong pháp Ma ha diễn. Tam-muội trong pháp Thanh văn được gọi là tam tam-muội; lại nữa, tam tam-muội, vô tác vô tác tam-muội: không không tam muội, vô tướng vô tướng tam-muội, vô tác vô tác tam-muội. Lại còn có tam tam-muội: hữu giác hữu quán, vô giác hữu quán, vô giác vô quán. Lại có ngũ chi tam-muội, ngũ trí tam-muộii, đều là tên gọi các loại tam-muội”.

Thiền định tuy có phân biệt Đại thừa và Tiểu thừa, nhưng về căn bản không gì khác biệt; Đại thừa định học rõ ràng thiên về tam-muội. Kinh điển Đại thừa dịch sang Hán ngữ có không ít lấy tam-muội làm tên. Trong sự khai triển của Phật pháp Đại thừa, định pháp của Bồ tát dần dần biến tam-muội thành trọng tâm.

4. Thế nào là Tam-ma-sá-đa?
Dịch là đẳng dẫn, thắng định. Là chỉ do định lực mà dẫn tới trạng thái thân tâm an hoà bình đẳng. “Du Già Sư Địa luận”, quyển 11 viết:
“Nếu nói sơ lược về Tam-ma-sá-đa, thì nên biết, đều do tổng tiêu, do an lập, do ý sai biệt, do tướng sai biệt, do lược nhiếp các tông yếu của các kinh mà thành. Sao gọi là tổng tiêu? Là nói trong cảnh giới này có bốn loại: Một là tịnh lự; Hai là giải thoát; Ba là đẳng trì; Bốn là đẳng chí… Sao gọi là an lập? Là nói chỉ có các dẫn địa này, tam trong nhất cảnh mới không rơi vào dục giới. Do các loại định này mà dẫn tới vô hối hoan hỉ an lạc, dục giới không còn…”.

Ở đây, tứ tịnh lự (tứ Thiền), bát giải thoát, tam tam-muội (đẳng trì), tam-ma-bát-để (đẳng chí) đều có thể gọi là tam-ma-sá-da. Nhưng tam-ma-sá-da chuyên giảng về cảnh giới định của sơ Thiền trở lên, chứ không nói đến cái định của dục giới.

5. Thế nào là Tam-ma-bát-để?
Còn gọi là Tam-ma-bát-đề, tam-ma-bạt-đề; dịch nghĩa là “đẳng trì- chánh thụ” hoặc “chánh định hiện tiền”. Ý là do rời bỏ được hôn trầm trạo cử, y theo bình đẳng trì tâm mà đạt được cảnh giới “định”. Tứ thiền, tứ vô sắc định, diệt tận định đều có thể gọi là tam-ma-bát-để.
“Câu xá luận’, quyển 28 viết:
“Tịnh lự, vô sắc căn bản đẳng chí, tổng cộng có tám loại, trong bảy loại đầu mỗi loại lại có ba thứ, riêng hữu đỉnh đẳng chí chỉ có 2 loại, cảnh địa này chưa phải là giải thoát”.

Tứ thiền (tịnh lự), tứ vô sắc định gọi chung là bát đẳng trì. Còn vô lậu (giải thoát) đẳng chí chỉ khởi ở bảy đẳng chí trước, còn hữu đỉnh đẳng chí (phi tưởng phi phi tưởng xứ định) vì định tâm quá vào một chỗ vi tế, đến nỗi không thể phát khởi vô lậu, không đạt đến cảnh giới giải thoát được.

6. Thế nào gọi là Chỉ quán?
Chỉ quán là gọi chung của chỉ và quán. Tư tưởng dừng lại gọi là chỉ, quán chiếu đối tượng gọi là quán; tức là ý chỉ hai pháp định và tuệ, cùng với giới gọi chung là “Tam vô lậu học”.

“Thành thực luận”, quyển thứ 15 chương “Chỉ quán phẩm” viết:
“Hỏi: Trong kinh, chỗ nào Phật cũng dạy các tì khưu, dù ở A-luyện-nhược xứ, dù ở dưới gốc cây, dù ở nhà trống, đều phải nghĩ tới hai pháp này, gọi là chỉ quán. Nếu tất cả các Thiền pháp định đều nên nghĩ tới, thì cớ gì phải nói đến chỉ quán?

Đáp: Chỉ gọi là định, quán gọi là tuệ, tất cả các pháp thiện đều do tu mà sinh ra, hai pháp này đều thu nhiếp cả, cho đến trong lúc tản tâm lắng nghe tư tưởng, tuệ cũng thu nhiếp trong này, dùng hai việc này có thể nhận rõ được đạo pháp. Tại sao thế? Vì chỉ có thể ngăn chặn, quán có thể đoạn diệt; chỉ như nắm lấy cỏ, quán như cắt cỏ; chỉ như quét nhà, quán như trừ bẩn; chỉ như lau bụi, quán như rửa nước; chỉ như ngâm nước tẩm, quán như lửa thiêu…. lại nữa, chúng sinh thế gian đều bị đoạ ở hai bên, như khổ với vui; chỉ có thể bỏ cái vui, quán có thể lìa cái khổ… Lại nữa, chỉ có thể đoạn lòng tham, quán có thể trừ vô minh. Như trong kinh đã nói: Tu chỉ tức là tu tâm, tu tâm thì đoạn được lòng tham, tu quán tức là tu tuệ, tu tuệ thì đoạn được vô minh. Lại do rời được lòng tham mà tâm được giải thoát. Do rời được vô minh mà tuệ được giải thoát. Được hai sự giải thoát này thì không còn việc gì khác nữa, cho nên phải nói hai thứ này”.

Đây lấy chỉ quán làm pháp chung quan trọng để tu hành.

7. Thế nào là Hiện pháp lạc trụ?
Lại có tên là Hiện pháp lạc trụ, Hiện pháp an lạc trụ, Hiện pháp hỉ lạc trụ, nghĩa là trụ vào pháp an lạc ngay bây giờ. Đây là lấy quả mà đặt tên, nhưng chỉ giới hạn trong định căn bản của Tứ Thiền, tức là tu học Thiền định được quả của Tứ Thiền mà trụ vào pháp an lạc ngay bây giờ.

Pháp định tức đức Thế Tôn truyền lại danh xưng không thống nhất, trên đây chỉ giới thiệu bảy loại đơn giản, nhưng về căn bản thì định học của Phật pháp vẫn là nhất quán. Tâm là căn bản của Thiền định học. Pháp tâm vốn tịnh của kinh “A-hàm’, cũng thường dùng khái niệm “tịnh” trong Phật pháp để giải thích phép Thiền định của đức Phật Thích Ca.

Bồ Tát Thiền của Đại thừa tuy càng truyền ra càng nhiều, càng nói càng rộng, nhưng điều đó cũng là nương theo phương tiện từ bi vì thế gian mà lập ra đủ các loại để ứng đối. Về phương diện định tướng, tuy có điều chỉnh, nhưng về phương diện định thể thì vẫn y theo nguyên tắc cũ, không thay đổi. Dù sao, thế gian luôn có đủ loại hiện tượng chuyển hoán, Bồ Tát hạnh cũng phải có đủ các cách để đối đãi tâm của chúng sinh. Vì thế, đối với Bồ Tát an trụ trong tam-muội mà nói, cũng phải hiện khởi đủ các loại tam-muội. Bất kể là “tam-muội”, “tam-ma-đa” hay là “tam-ma-bát-để’ thì pháp định của Bồ Tát cũng đều ẩn chứa ý nghĩa của từ “đẳng’. Vẫn xuyên suốt lấy tính vốn bình đẳng để khế nhập pháp tính, vẫn xuyên suốt y theo pháp tính thanh tịnh để nói Thiền định, đây chính là muốn đưa Thiền định học đạt đến cứu cánh, trở thành Bồ Tát Thiền tương ứng với “bát nhã”.

CHƯƠNG 2:
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA LÝ LUẬN THIỀN ĐỊNH

1. Khởi nguyên của Thiền:

1.1. Dân tộc Ariya của Ấn Độ có khuynh hướng thần bí, trầm tư mặc tưởng, đặc biệt là rất mẫn cảm đối với tôn giáo. Tuy rằng tôn giáo của Ấn Độ cực kỳ phức tạp, nhưng trầm tư mặc tưởng vốn là tập quán đặc biệt của Ấn Độ. Nguồn gốc của Thiền định có thể truy ngược về trước Công nguyên từ 1.400 năm đến 2.000 năm, thời kỳ này được gọi là thời đại “Phệ đà” (Veda) có nghĩa là “minh trí” hoặc “minh giải”; kinh luận Phệ-đà gồm có bốn loại, là nguồn gốc của triết học và tôn giáo Ấn Độ.

Bốn loại Phệ-đà là:
Lợi-câu Phệ-đà: Tán tụng Minh luận
Dạ-nhu Phệ-đà: Tế tự Minh luận
Tam-ma Phệ - đà: Ca Vịnh Minh luận
A-thát-bà Phệ-đà: Nhưỡng Tai Minh luận

1.2. Sau thời đại này là thời đại “Phạm thư” được gọi là “Phạm thư” phải phụ thuộc vào điển tịch thần học của kinh điển Phệ-đà. Thời kỳ này, tôn giáo Ấn Độ là đạo Bà La Môn được thành lập, xây dựng chủ nghĩa “Phệ-đà Thiên khải”, “Tế tự vạn năng” và “Bà La Môn chí thượng”.

Kinh “Phệ-đà” là tập ca tán tụng, còn “Phạm thư” thì giảng giải nghi thức tế lễ. Ban đầu Phạm thư là phẩm phụ thuộc của Dạ-nhu Phệ-đà (Tế tự Minh luận), sau này các kinh điển Phệ-đà khác cũng mô phỏng theo Dạ-nhu Phệ-đà mà thành lập các Phạm thư độc lập để phụ theo sau. Lúc này gọi là thời đại “Phạm thư”.

Cuối thời đại Phạm thư, phần thông lệ ở cuối sách Phạm thư có phụ kèm “Sâm lâm thư”, nghi thức của Phạm thư phần nhiều truyền thụ miệng, vì thế thiên về bí mật. Để giải thích tư tưởng huyền bí của Phạm thư, nên mới có sáng tác “Sâm lâm thư”. Căn cứ theo truyền thuyết, A-la-nhã là không có chỗ nào tịch tịnh không bị quấy nhiễu, các vị Bà La Môn phải vào rừng cây (sâm lâm) yên tịnh để đọc tụng, trầm tư mặc tưởng, cho nên gọi là “Sâm lâm thư’. Những khẩu quyết này được truyền thụ vô cùng thần bí u huyền, cần phải thông qua đọc tụng và trầm tư mặc tưởng mới có thể hiểu được; đây chính là khởi đầu của Thiền định Ấn Độ. Loại tư tưởng này cũng ảnh hưởng đến Phật giáo sau này; cho nên trong sự phát triển của Phật giáo, các tì khưu xuất gia cũng chia ra hai loại tì khưu chính là “A-la-nhã tì khưu” và “Tụ-lạc tì khưu”.

Phật giáo quy định chỗ a-la-nhã ơ phải cách xa chỗ tu lạc 500 cung, cũng nói là chỗ ít có dấu vết con người, điều này có thể thuyết minh sự quan hệ giữa hai loại tì khưu này.

1.3. Sau thời đại Phạm thư là tiến vào thời đại Áo Nghĩa Thư. Nguyên nghĩa của từ “Upanisad’ là người hầu đứng kề bên hoặc người hầu ngồi kề bên. Tức là thầy và trò ngồi đối diện một cách bí mật, truyền thụ giáo nghĩa bí mật không được cho người khác biết. Vì thế nghĩa của nó trở thành các dụng ngữ có ý nghĩa bí mật, ngôn ngữ bí mật và giáo lý bí mật. Những thánh điển ghi chép những mật nghĩa này gọi là “Phệ-đàn-đa” (Phạn: Vedànta). Nguyên nghĩa của từ “Vedànta” là “sự chung kết của Phệ-đà’, sau này phát triển thành “mục đích hoặc cứu cánh của Phệ-đà’. Nhưng vào thời cổ đại, “Phệ-đan-đa” chẳng qua là cái tên khác của “Áo nghĩa thư” mà thôi.

Phạm thư là độc quyền của dòng dõi Bà La Môn, khá nặng hình thức tế tự bên ngoài; cho nên vào hậu kỳ tạo thành sự đình trệ về tư tưởng. Lúc này, các tư tưởng gia dòng họ Sát-đế-lợi không thể chịu đựng được sự đình trệ này, muốn tìm ra một triết lý mới, giới Bà La Môn tiến bộ cũng nổi lên phụ hoạ theo, làm cho sự nghiên cứu này tiến bộ một bước dài.

Áo Nghĩa thư vốn phụ vào cuối Sâm lâm thư, nội dung của nó rõ rang biểu lộ được sự tiến bộ về tư tưởng triết học. Nhưng chúng ta không thể xem Áo Nghĩa thư là một trước tác về triết học có tổ chức, bởi vì nội dung của nó không phải là tư tưởng của một cá nhân, mà là sáng tác của nhiều học giả, cho nên số lượng Áo Nghĩa thư rất nhiều, tối thiểu cũng trên 200 loại. Học thuyết của các Áo Nghĩa thư có những chỗ hoàn toàn mâu thuẫn nhau, cho nên muốn nghiên cứu hệ thống tư tưởng của nó cực kỳ khó khăn. Nhưng về căn bản, tuy Áo Nghĩa thư lấy phần thần học và tế tự của Phạm thư làm nội dung, nhưng lại lấy tinh thần triết học làm tông chỉ. Về phương diện tư tưởng, nó bài trừ phong thái thần học của Phạm thư, xác lập tâm lý về “ngã” (cái ta) khá đặc sắc, kiến lập nên nền tư tưởng “Phạm ngã bất nhị” (Thần và người không phải là hai) của Ấn Độ. Trong lịch sử tư tưởng, tư tưởng của Áo Nghĩa thư không những là tinh tuý của triết học Ấn Độ, mà còn chỗ y cứ cho các học phái thời đại sau bộc khởi. Quan niệm nền tảng của triết học Ấn Độ đều thành lập trong thời đại này.

Thời cuối của Áo Nghĩa thư phong khí tranh luận tự do vô cùng thịnh hành. Các tư tưởng gia lớp lớp xuất hiện, thế là các học phái bắt đầu phát triển, Phật giáo cũng phát khởi trong khoảng thời gian này. Trong đó, quan trọng nhất là sáu phái Bà La Môn chính thống được thừa nhận có quyền uy đối với “Phệ-đà” là:
Phái Mimamsa (Phái Mi-mạn-sa): Tổ khai phái là Jaimini.
Phái Vedànta (phái Phệ-đàn-đa): Tổ khai phá là Badarayana.
Phái Nyaya (phái Chính luận): Tổ khai phá là Gautama.
Phái Vaiseika (phái Thắng luận): Tổ khai phá là Kannada.
Phái Sàmhnya (phái Số luận): Tổ khai phá là Kapila.
Phái Yoga (phái Du già): Tổ khai phá là Patanjali.

Tuy sáu học phái lớn trên hưng khởi vào các niên đại khác nhau, nhưng tư tưởng của nó đều bắt nguồn từ Phệ-đà. Từ thời kỳ Phệ-đà cho đến đây tính chất triết học càng lúc càng tăng lên, phong khí trầm tư mặc tưởng dần dần thịnh hành, hơn nữa mỗi học phái đều có hệ thống lý luận riêng. Có thể nói, bắt đầu từ thời đại Áo Nghĩa thư, phương pháp Thiền pháp cũng dần dần được xem trọng. Thiền tức tịnh lự, sau này trở thành thuật ngữ chuyên môn, đến trung kỳ người ta sử dụng từ “Thiền-na’ càng có tính tổng quát hơn từ “Du già’ (Yoga).

Giới tăng lữ Bà La Môn phân chia cuộc đời của họ làm bốn giai đoạn: Lúc thơ ấu- sống dưới bóng của cha mẹ; từ thiếu niên đến trưởng thành- theo thầy học tập, nghiên cứu kinh điển- giai đoạn này gọi là “Phạm hạnh kỳ”; sau khi trưởng thành- họ trở về nhà cưới vợ, quản lý gia đình- thời kỳ này được gọi là “Gia trụ kỳ”; sau thời tráng niên, tuổi đã già, tất cả nghĩa vụ đều chấm dứt, bèn đi vào rừng núi ru đạo- thời kỳ này gọi là “Lâm tây kỳ”. Sau khi tu đạo, thân như mây nước, đi khắp bốn phương, sống cuộc đời tì khưu khất thực thanh tịnh, thời kỳ này gọi là “Độn thế kỳ” hoặc “Tỳ khưu kỳ”. Trong thời “Lâm thê kỳ”, vào núi rừng tu đạo tuy không bỏ việc tế tự, nhưng chủ yếu là tu khổ hạnh, rèn luyện thân tâm, suy tư nghĩa lý ảo diệu, tịnh tu để nhập vào cảnh giới Thiền định, ngưng thần trầm tư mặc tưởng, tu học Thiền định là việc quan trọng của thời “Lâm thê kỳ”, đây chính là khởi nguồn của môn Thiền định.

Sau đây, lấy Phật giáo làm chính xin trình bày sơ lược về sự phát triển của lý luận Thiền định (tức là Thiền định trong Phật giáo).