Ngay từ nghìn xưa, người ta đã quan tâm đến việc phòng bệnh và trị bệnh, cách sống sao cho phù hợp với thiên nhiên, và qui luật phát triển của trời đất. Trong Hoàng Đế Nội Kinh, cuốn sách vẫn được coi là một loại kinh điển của Đông y, những thiên viết về Nhiếp Sinh, Âm Dương, Tạng Tượng, Kinh Mạch đều có đưa ra những phương pháp dưỡng sinh. Theo cổ nhân, khí được coi như sức mạnh tiềm tàng của trời, còn huyết là tinh hoa của đất và để khí huyết được sung thịnh, con người phải biết cách hấp thu khí dương (của trời) và bồi dưỡng khí âm (của đất) [1]. Ngoài ra, theo những điều kiện chủ quan và hoàn cảnh của mỗi người, cổ nhân cũng khuyên nên ăn uống chừng mực, làm việc, nghỉ ngơi điều độ, tránh gió độc, tùy theo thời tiết mà giữ gìn, trị bệnh từ khi bệnh chưa phát (tiết ẩm thực, thích lao dật, hư tà tặc phong tị chi hữu thời, bất trị dĩ bệnh, trị vị bệnh – Tứ Thời Điều Thần Luận). Như thế, tựu trung con người cần phải chú trong đến cả hai mặt, thích ứng với ngoại cảnh để có thể sinh tồn, và tự mình làm cho cơ thể khỏe mạnh để đề kháng với bệnh tật. Đó là những vấn đề cần chú trọng trong đời sống hàng ngày. Về phương diện chẩn đoán bệnh, người xưa lưu tâm đến sự liên quan giữa các cơ quan và hệ thống trong cơ thể, sự ảnh hưởng hỗ tương giữa tinh thần và vật chất, giữa ngoại vật và nội tâm ngõ hầu có cái nhìn thống nhất giữa con người với vũ trụ. Con người còn phải tuân theo những qui tắc của âm dương, hợp với những nguyên lý của trời đất, đồng thời quan tâm đến bảy điều nên tránh, và tám điều nên theo (thất tổn, bát ích) để thuận theo bốn mùa mà điều nhiếp cơ thể. Khi đã hòa hợp được với tự nhiên, chúng ta mới đạt được tình trạng âm dương quân bình và đầy đủ. Phép vận hành chân khí chính là để đạt tới những mục đích đó. Trước đây, khi đề cập đến tĩnh tọa dưỡng sinh, phần lớn các tác giả chỉ đề cập đến phép thở lấy bốn tiêu chuẩn sâu, nhẹ, đều và dài (thâm, tế, quân, trường) để điều tức nhưng lại không phân biệt nội khí và ngoại khí. Có người lại cho rằng phép vận hành chân khí cũng tương tự như phép vận khí trong võ thuật. Thực tế, hai bên có hai mục tiêu khác nhau và phép vận hành chân khí của đạo gia thuần túy chú trọng đến dưỡng sinh, nghĩa là làm sao cho cơ thể khỏe mạnh và hợp thiên nhiên chứ không nhằm mục tiêu tăng gia thể lực, vốn được dùng để chiến đấu. Theo Đông phương, chân khí là năng lượng cần thiết để cơ thể có thể hoạt động, là động lực chủ yếu để đề kháng bệnh tật, bảo tồn sức khỏe và giúp con người sinh tồn. Nói giản dị, chân khí sung túc thì thân thể khỏe mạnh, trái lại nếu không đầy đủ sẽ suy nhược, và khi khô kiệt thì chết. Theo sinh lý học hiện đại, tiềm lực uẩn tàng trong cơ thể chúng ta rất nhiều, nếu chúng ta biết cách điều động và vận dụng, thân thể sẽ kiện khang và có thể sống tới 150 hay 200 tuổi. Nội Kinh, thiên Nhiếp sinh có viết:
Theo đúng phép âm dương, điều hòa theo thuật số, ăn uống chừng mực, sinh sống đúng cách, không làm việc quá độ, cho nên hình và thần đều đầy đủ, sống đến già ngoài trăm tuổi mới chết.[2] Não bộ chúng ta có từ 100 đến 150 tỉ tế bào thần kinh (neuron), nhưng chỉ có độ 10 tỉ hoạt động, còn 80-90% ở trong trạng thái đứng yên. Trên mỗi phân vuông vủa biểu bì chúng ta, cũng có chừng 2000 vi ti huyết quản và trong tình trạng bình thường, chỉ có khoảng 5 huyết quản có máu lưu thông mà thôi. Khi hoạt động thì cũng chỉ có chừng 200 huyết quản có máu chảy đến, 90% còn lại không hề sử dụng đến. Về phổi thì mặt tiếp xúc với không khí của các phế nang cả thảy chừng 130 m2 nhưng chúng ta chỉ sử dụng một phần nhỏ. Theo thời gian, những tế bào đó teo lại và vì thế khi chỉ vận động một chút chúng ta đã thở hổn hển vì cơ thể không đủ dưỡng khí. Nếu có biết phép vận hành chân khí, người ta chỉ cần thở hút vài lần là năng lượng trở lại sung vượng vì đã sử dụng một số lớn tế bào để làm việc. Một trong những nguyên nhân chính của sự lão suy là chúng ta đã bỏ phế một số lớn tiềm năng không sử dụng. Ngay từ năm 25 tuổi trở đi, cơ thể đã bắt đầu lão hóa và mỗi năm lại suy giảm một ít nhất là hệ thống huyết quản và thần kinh. Để làm chậm lại sự tiêu hao và suy thoái, chúng ta phải tìm được phương thức phát huy các năng lực tiềm ẩn trong cơ thể. Cơ thể chúng ta là một tập hợp khoảng 75 triệu triệu (75 trillion) tế bào, kết cấu thành những cơ quan khác nhau. Việc sinh trưởng, phát dục, suy lão, tử vong chẳng qua là hiện tượng cộng hợp của những tế bào mà thành. Muốn thân thể khỏe mạnh thì ngay từ căn bản những tế bào trong cơ thể chúng ta phải khỏe mạnh. Theo quan niệm của Đông phương, năng lực làm cho các đơn vị nhỏ bé đó sinh tồn và hoạt động chính là chân khí. Linh Khu Thích Tiết Chân Tà Luận có viết: Chân khí là do thụ bẩm từ trời, cùng với cốc khí (khí do ăn uống mà sinh ra) mà làm cho cơ thể được sung mãn [3] Ý nói sức khỏe chúng ta bao gồm khí trời và đồ ăn được tiêu hóa để thành chất bổ nuôi cơ thể. Theo lý thuyết Đông Y, chân khí lưu hành trong theo một lộ trình rõ rệt, đi khắp thân thể để đến tận mọi tế bào trên một mạng lưới bao gồm 12 kinh, 15 lạc và kỳ kinh bát mạch. Thai nhi còn trong bụng mẹ không trực tiếp hấp thụ được dưỡng khí thì chân khí do người mẹ truyền theo đường rốn, và khí tiên thiên của bào thai sẽ vận động, thúc đẩy để sinh hóa hình thành các bộ phận trong cơ thể. Tiên thiên chân khí vận chuyển chính yếu trong hai mạch Nhâm và Đốc, được coi như hai lộ tuyến chính của con người, vận chuyển theo một vòng tròn đi từ sau lưng đi lên, vòng qua đầu, mặt trở xuống bụng rồi quay lại ra sau lưng (hậu thăng tiền giáng). Trong lộ trình ấy có ba điểm quan trọng mà cổ nhân gọi là Đan Điền (Thượng, Trung và Hạ Đan Điền). Sau khi ra đời, ngoại hô hấp thay thế khí tiên thiên để đưa chân khí đến mọi nơi trong cơ thể. Chân khí tiên thiên không còn được nuôi dưỡng sẽ mất dần mòn nhưng khí hậu thiên ngày càng mạnh do ăn uống, sinh hoạt tinh thần và vật chất. Do đó phép vận hành chân khí là phương pháp làm gia tăng khí hậu thiên, bồi bổ khí tiên thiên và nhất là sử dụng các nguồn chân khí của con người đạt mức tối đa để thân thể khỏe mạnh và làm chậm lại sự lão hóa.

CHÂN KHÍ LÀ GÌ?
Theo Đông y, tinh, tân, huyết, dịch (bốn thể lỏng trong con người bao gồm tinh khí, nước dãi, máu, và dịch trấp) cùng với thần và chân khí (thể vô hình) là cơ sở của sinh mệnh. Ba dạng đó được mệnh danh là tinh, khí và thần vẫn được cổ nhân coi là “nhân thân tam bảo”. Linh Khu Bản Tạng Thiên có viết: Khí, huyết, tinh, thần chạy quanh cơ thể để nuôi sống con người [1] Chính vì thế trong thuật dưỡng sinh, người xưa rất coi trọng việc làm thế nào để chủ động trong việc điều hòa ba loại là căn bản của sinh mệnh. Tố Vấn Thượng Cổ Thiên Chân Luận viết là con người phải biết hút khí trong lành và giữ cho thần được vững mạnh (hô hấp tinh khí, độc lập thủ thần) hay súc tích tinh khí, giữ thần cho đầy đủ (tích tinh toàn thần) để được khỏe mạnh và sống lâu. Tinh khí thần ba loại có tính năng khác nhau nhưng lại không thể tách rời. Tinh là nơi cư trú của thần, có tinh là có thần, nên súc tích tinh sẽ làm cho thần thêm toàn vẹn, nếu tinh kiệt thì thần không có chỗ nương tựa. Phần lớn chúng ta nghĩ đến tinh là tinh dịch nhưng thực tế tinh dịch chỉ là một dạng vật chất của sinh lý con người, có cơ năng nhất định. Súc tinh không có nghĩa là giữ không để xuất tinh, mặc dầu phòng sự quá độ sẽ làm cho con người bị suy nhược. Tuy nhiên vì tinh khí có trực tiếp liên hệ đến sức khỏe của người đàn ông nên thường thì cổ nhân khuyên không nên dâm dục, trác táng, việc chăn gối nên điều độ. Tinh là mẹ của khí, tinh hư thì không có khí và con người không sống nổi. Tinh thoát, khí hư, thất thần đều là một dạng của suy kiệt toàn diện để đưa đến cái chết. Vậy tinh là gì? Tinh bắt đầu có từ khi sinh mệnh có, nghĩa là gắn liền với khí tiên thiên, như một cái mầm trong một hạt từ đó tiến hóa để thành một thân cây. Ý niệm đó khá mơ hồ nên tuy nhiều người đã cố gắng giải thích nhưng không mấy ai đưa ra được một câu trả lời thích đáng. Linh Khu Bản Thần Thiên viết: Từ khi sinh ra là có tinh, vạn vật muốn sống được đều do tinh làm đầu [2] Thần tức thần thái, tri giác chủ động và điều khiển mọi vận động của con người. Thần làm chủ các sinh hoạt, công năng và phản ứng nội tạng hình thành từ tiên thiên khí, được hậu thiên khí bổ sung qua ăn uống, xuống chứa vào đan điền và liên tục được bổ xung. Thành ra chân khí bao gồm cả tinh, khí và thần là nguyên động lực khiến cho ngũ tạng, lục phủ hoạt động. Chân khí cũng tái tục các chu trình sinh lý, nếu không tinh không tái sinh, thần sẽ suy kiệt đưa đến cái chết. Để hậu thiên chân khí được dễ dàng biến hóa, thân thể kiện khang, việc bồi dưỡng chân khí là quan trọng hơn hết. Do đó, ngày xưa người ta đưa ra quan niệm “luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần, luyện thần hoàn hư” chính là nhằm mục đích kiện khang thân thể. Tuy về sau, một số đạo gia coi việc luyện tinh khí thần là một phương tiện để đạt những cảnh giới siêu nhiên, hay trường sinh bất tử nhưng mục tiêu đó không phải là mục tiêu đích thực của phép vận hành chân khí.
Căn nguyên của chân khí

Chân khí có hai loại: tiên thiên và hậu thiên. Tiên thiên chân khí do sinh mệnh mà có, do nguyên tinh (tinh nguyên thủy từ đầu) mà thành nên còn gọi là nguyên khí. Trong đời sống con người, nguyên tinh không ngừng tiêu hao, nên luôn luôn cần bổ sung. Hậu thiên chân khí do mũi thở hút khí trời (dương tinh), và do miệng ăn uống thực phẩm (âm tinh) theo máu huyết lưu thông đến mọi tế bào, do phản ứng của các hóa chất biến dưỡng liệu thành nhiệt năng, nuôi sống cơ thể. Linh Khu Thích Tiết Chân Tà Luận có viết: Chân khí là do thụ bẩm từ trời, cùng với cốc khí mà làm cho cơ thể được sung mãn [3] Hậu thiên chân khí bao gồm thiên khí do mũi hút khí trời (dưỡng khí) vào phổi rồi chu lưu trong cơ thể, và địa khí (hay cốc khí) do miệng đem đồ ăn vào dạ dày, tiêu hóa đưa chất bổ vào trong máu.
Công dụng của chân khí

Nội Kinh cho rằng chân khí (hay nguyên khí) là do tiên thiên nguyên tinh mà thành, phát nguyên từ thận, tàng trữ tại đan điền, theo đường tam tiêu đi khắp cơ thể, thúc đẩy các hoạt động của ngũ tạng, lục phủ và các cơ quan khác trong cơ thể. Chân khí tùy nơi mà có tên khác nhau, vì tại mỗi bộ phận có cơ năng khác nhau. Trương Cảnh Nhạc viết:
Khí ở mạch dương gọi là dương khí, khí ở mạch âm gọi là âm khí, ở dạ dày gọi là vị khí, tại tì là tì khí, ở ngoài da gọi là vệ khí - khí bảo vệ cơ thể, bên trong nội tạng gọi là doanh khí - khí nuôi dưỡng cơ thể, tại thượng tiêu gọi là tông khí, tại trung tiêu gọi là trung khí, tại hạ tiêu gọi là nguyên âm nguyên động khí [4] Khi khí ở tại các kinh mạch thì gọi là kinh khí. Ly Hợp Chân Tà Luận trong Tố Vấn có viết:
Chân khí chính là khí chảy trong các kinh mạch [5]
Như vậy chân khí có thể ở nhiều dạng khác nhau, nhiều tên khác nhau. Doanh khí chạy theo các mạch máu, nuôi lục phủ ngũ tạng, nếu chảy ra được ngoài da ắt sẽ làm cho da dẻ tươi tốt, hồng hào. Linh Khu Tà Khách Thiên viết: Doanh khí đi theo tân dịch đi vào các mạch để làm thành máu huyết, làm tươi nhuận tứ chi rồi lại quay về nằm trong tạng phủ [6] Vệ khí là dương khí, chưng đốt nơi hoang mạc (phần nằm giữa tim phổi và hoành cách mạc) rồi tản vào trong các bộ phận của cơ thể làm cho thân thể ấm áp. Khi chạy ra ngoài, vệ khí theo các bắp thịt làm cho nhiệt độ cơ thể điều hòa. Linh Khu Bản Tạng Thiên viết: Vệ khí làm cho cơ thể ấm áp, làm cho da dẻ sung mãn, đóng mở -- theo thời tiết. Vệ khí hòa thì da dẻ tươi tốt, mềm mại, các lỗ chân lông dày [7] Do đó chúng ta thấy rằng vệ khí không những có nhiệm vụ điều hòa nhiệt độ cơ thể mà còn có nhiệm vụ bảo vệ, chống lại những xâm nhập từ bên ngoài. Theo y khoa hiện đại, vệ khí chính là chân khí chủ động các hạch nội tiết, giữ nhiệm vụ duy trì sự quân bằng trong cơ thể. Tông khí tích tụ trong ngực, là một tổng hợp của doanh khí và vệ khí, bao gồm kết quả của cả biến dưỡng đồ ăn lẫn hô hấp dưỡng khí mà thành. Tông khí chỉ huy hô hấp, làm nền tảng cho thanh âm, hút thở. Vì thế người nào tông khí sung túc, tiếng nói mạnh mẽ, vang vọng. Còn nếu tông khí yếu, tiếng nói thều thào, hơi thở dồn dập, đứt quãng. Nhiệm vụ thứ hai của tông khí là chỉ huy tâm tạng để dẫn máu nuôi cơ thể, khí huyết vận hành đến đâu, cơ thể cảm thấy nóng hay lạnh đều có liên quan đến tông khí. Trong suốt cuộc đời, từ khi còn là một thai nhi đến khi già chết, con người đều phải nhờ vào chân khí để sinh sống và hoạt động. Nếu chúng ta luôn luôn giữ cho chân khí sung túc, thân thể sẽ kiện khang, tinh thần thoải mái. Nếu chân khí tiêu hao mà không được bổ sung, con người sẽ dần dần suy kiệt và nếu hoàn toàn tiêu kiệt, sẽ chết. Chân khí vốn vô hình, nên một cơ thể khỏe mạnh không phải do việc gầy béo bên ngoài mà chính do nội khí bên trong. Nhiều người to béo nhưng lại dễ bị bệnh tật, hay yếu đau, kém chịu đựng trong khi nhiều người thân thể gầy nhỏ nhưng lại dẻo dai, mạnh mẽ, bị bệnh cũng mau khỏi. Chính vì thế, việc quan sát thần khí để định sức khỏe là một điều quan trọng. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ đề cập sơ qua đến phép biện khí sắc, luận tinh thần để giúp độc giả hiểu thêm về phương pháp chẩn đoán mà thôi.
Sự phân bố và tuần hành của chân khí
Chân khí trong cơ thể cũng không khác gì những nguyên tử trong bầu khí quyển, ở khắp mọi nơi, luôn luôn di động. Tuy nhiên, vì chân khí là động lực vô hình nên việc đo lường rất khó khăn. Tuy nhiên, vì đó là căn bản của đời sống nên nếu cơ quan nào không được nuôi dưỡng đầy đủ, cơ quan đó sẽ dần dần suy yếu và đưa đến phế thải. Chân khí chu lưu theo một lộ tuyến nhất định theo nhịp hô hấp, thành một vòng tròn mà người ta mệnh danh là tiểu tuần hoàn và đại tuần hoàn (hay tiểu chu thiên và đại chu thiên). Chỉ có nắm vũng đường đi và nhịp điệu của vòng chân khí chúng ta mới khỏi rơi vào những sai lầm mà nhiều sách vở mắc phải khi cho rằng chân khí cũng đồng nghĩa với không khí nên mệnh danh dồn khí xuống đan điền đồng nghĩa với nín hơi, dồn xuống bụng cho phình ra. Thực ra nếu suy nghĩ một cách thấu đáo, không khí không thể nào đưa xuống bụng được mà chỉ nằm trong phổi. Nếu cố gắng hút hơi, hoành cách mạc dồn xuống, không khí sẽ đi tới được những phế nang ở phần dưới của lá phổi và đó là ưu điểm duy nhất của phép thở bụng. Thành ra phép thở mà người ta thường mệnh danh là thâm hô hấp hay phúc tức chỉ thuần túy gia tăng cường lực của việc hút thở không khí mà thôi, không liên quan gì đến vận hành chân khí, nếu không nói rằng đi nghịch lại với lý thuyết về chu lưu của tiểu chu thiên. Khi thở ra, chân khí theo Nhâm Mạch chạy xuống đan điền, và khi hút vào, chân khí theo xung mạch chạy lên để thành thế tâm thận tương giao, thủy hỏa ký tế. (lửa và nước giúp đỡ lẫn nhau, tâm và thận giao thông với nhau) là câu mà chúng ta thường đọc thấy trong truyện kiếm hiệp. Một thời gian sau khi tập phép vận hành chân khí, hai mạch Nhâm và Đốc nối liền với nhau (đả thông Nhâm Đốc nhị mạch), khi hút vào khí sẽ theo đốc mạch chạy từ hậu môn dẫn lên lưng, cổ và đầu. Theo Đông phương, mạch đằng trước cơ thể chúng ta là mạch Nhâm là mạch chủ yếu cho các kinh âm, chạy từ môi trên xuống ngực, bụng cho tới hậu môn. Mạch sau lưng là mạch Đốc, đi từ hậu môn chạy theo xương sống qua cổ, lên trên đầu, đi vòng xuống trán, mũi và ngừng lại ở môi trên. Mạch Đốc là mạch chủ các kinh dương. Theo đạo gia, hai kinh Nhâm Đốc là hai nửa vòng tròn có hai điểm tiếp giáp tại hai đầu. Thành ra khi luyện khí, người ta phải nối lại cho hai chỗ đứt đó có thể giao tiếp với nhau. Trên đầu người ta ngậm miệng, dùng lưỡi đưa lên hàm ếch gọi là Thượng Thước Kiều (cầu chim quạ, theo tích Ngưu Lang-Chức Nữ) và ở dưới huyệt hội âm nơi hậu môn, người ta nhíu lại khi hút vào để nối Hạ Thước Kiều. Đó là nguyên do tại sao khi tập khí công người ta thường đòi hỏi phải nâng lưỡi lên hàm ếch và nhíu hậu môn. Sau khi đã quen với vòng tiểu chu thiên, thường thì người ta tiến thêm một bước để vận chân khí chạy theo vòng đại chu thiên. Khi thở ra, chân khí từ đầu chạy xuống đan điền đồng thời từ ngực cũng chảy vào ba mạch âm ở tay (thủ tam âm kinh). Khi thở ra, chân khí cũng từ mạch Nhâm chảy xuống ba mạch dương ở chân (túc tam dương kinh). Khi hút vào, chân khí chạy từ bụng lên đầu theo mạch Đốc, đồng thời từ ba kinh dương ở tay (thủ tam dương kinh) chân khí chảy vào đầu. Trong khi đó, chân khí theo ba kinh âm ở chân (túc tam âm kinh) từ chân chảy lên bụng. Vòng lớn này người ta gọi là đại chu thiên.
Thời gian và Vận hành
Chân khí vận chuyển không lúc nào ngừng nghỉ trong thân thể chúng ta, từ ngũ tạng lục phủ ra khắp tứ chi, xương cốt. Tuy nhiên, lưu chuyển của chân khí cũng có tiết điệu theo sự tuần hoàn của trời đất, ngày đêm, mỗi giờ (giờ Trung Hoa, bằng hai giờ của phương Tây) có một khu vực mạnh hơn những khu vực khác theo thứ tự sau đây: Dần: bắt đầu từ Thủ thái âm Phế kinh Mão: chảy vào Thủ Dương Minh Đại trường kinh Thìn: chảy vào Túc dương minh Vị kinh Tỵ: chảy vào Túc Thái âm Tì kinh Ngọ: chảy vào Thủ thiếu âm Tâm kinh Mùi: chảy vào Thủ Thái Dương Tiểu trường kinh Thân: chảy vào Túc thái dương Bàng quang kinh Dậu: chảy vào Túc thiếu âm Thận kinh Tuất: chảy vào Thủ quyết âm Bao tâm kinh Hợi: chảy vào Thủ thiếu dương Tam tiêu kinh Tí: chảy vào Túc thiếu dương Đảm kinh Sửu: chảy vào Túc quyết âm Can kinh
Trở lại giờ Dần, Phế kinh lại bắt đầu và cứ thế tuần hoàn một ngày mới. Sự vận hành của chân khí và vũ trụ có liên quan mật thiết từng giây từng phút, không sai lạc. Vì thế chỉ khi nào sống thuận theo lẽ tự nhiên, chúng ta mới có thể mạnh khỏe và hạnh phúc. Quan niệm “túc hưng, dạ mị” (ngày thức đêm ngủ) tuy giản dị như thế nhưng rất nhiều người trong chúng ta không theo được, hoặc vì công ăn việc làm khiến chúng ta phải thay đổi giờ giấc sinh hoạt, hoặc vì thói quen nên nhiều người thích thức khuya và ngủ bù vào ban ngày. Dù chưa có những hậu quả trực tiếp, trong trường kỳ sinh hoạt trái tự nhiên đó sẽ gây ra những hiệu quả nghiêm trọng. Chỉ có sống hợp với thiên nhiên, khí âm dương trong cơ thể chúng ta mới được tái phục hồi, bổ xung đúng mức. Ngày thuộc dương nên việc thức giấc, sinh hoạt là chính yếu. Đêm thuộc âm nên nghỉ ngơi, an dưỡng để bồi bổ những mất mát ban ngày. Nếu không theo được qui luật ấy, chúng ta phải biết khai thác những giờ phút ngắn ngủi để điều tức, vận chân khí ngõ hầu khôi phục được phần nào sức khỏe. Theo chu trình lưu chuyển chân khí, nhiều y gia có thể chẩn đoán bệnh. Chẳng hạn như chứng “kê minh tả”, cứ sáng sớm là phải dậy đi bài tiết, là một chứng bệnh thuộc thận khí bất túc nên mệnh môn hỏa suy, không thể chưng đốt các đồ ăn. Nhưng tại sao lại bài tiết vào buổi sớm? Vì phế là mẫu tạng của thận (phế thuộc kim, thận thuộc thủy, theo lý ngũ hành kim sinh thủy), thận thương tổn lâu năm phế bị ảnh hưởng. Theo nguyên tắc vận hành của chân khí, thời gian từ 3-5 giờ sáng là giờ dần, mão từ 5-7 giờ. Dần thuộc phổi, mão thuộc ruột già nên những giờ phú đó hai cơ quan phổi và ruột hoạt động mạnh vì phế và đại trường một biểu, một lý.
SỰ VẬN HÀNH CỦA CHÂN KHÍ VÀ CÁC KINH LẠC Học thuyết về kinh lạc là căn bản của Đông Y, là một hệ thống mà người ta cho rằng đường đi của chân khí chẳng khác gì hệ thống xa lộ trên nước Mỹ này. KINH là các đường chính, LẠC là phân chi liên hệ giữa các kinh với nhau. Dưới nữa là các đường nhỏ hơn gọi là TÔN LẠC, là một mạng lưới hết sức chặt chẽ trên toàn cơ thể, chuyển chân khí cho từng cơ quan, tùy nhiệm vụ. Vì thế kinh lạc chính là hệ thống lạc, giao thông, vừa liên vừa truyền đạt lẫn nhau của chân khí. Nghiên cứu về kinh lạc là đề tài phức tạp nhất và cũng quan trọng nhất trong Đông y, và đây cũng chính là sở đắc độc đáo mà hệ thống y khoa Trung Hoa đã hình thành được. Trong hơn một nửa thế kỷ nay, nhiều học giả, khoa học gia đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu để cốt đưa ra những trả lời thỏa đáng cho vấn đề này nhưng kết quả cũng chưa được mỹ mãn. Có người cho rằng đó chỉ là hệ thần kinh ở cấp cao, lẫn vào với huyết quản. Thế nhưng không ai đã giải đáp được các tác dụng trọng yếu của hệ thống kinh mạch mà chỉ có những hành giả (người thực tập vận hành chân khí) mới có thể ý thức được về đường đi và cơ năng mà người ngoài cảm thấy là mơ hồ hay khó hiểu. Những kết quả đó lại khó có thể đo lường bằng máy móc (hoặc chưa đo lường được) nên lại càng khó kiểm chứng.
Cơ cấu

Kinh lạc theo Nội Kinh là một tập hợp các đường lớn nhỏ đóng một trong những vai trò chủ yếu của cơ thể. Trong con người chúng ta có nhiều hệ thống khác nhau, mỗi hệ thống có những tổ chức riêng rẽ nhưng tất cả đều liên quan mật thiết lẫn nhau chẳng hạn như hệ thống bắp thịt, hệ áthong gân cốt, huyết quản … Các cơ quan sở dĩ vận hành một cách nhịp nhàng chính là do sự vận chuyển không ngừng của các đường chân khí, vừa bồi dưỡng, vừa chỉ huy, vừa liên hệ với nhau. Trên mỗi đường chân khí có những điểm hội tụ, nhưng những điểm đó lại không giống nhau về cường độ, về nhiệm vụ gọi là huyệt đạo. Vì thế tùy từng huyệt, người ta phải dùng nhiều cách để hỗ trợ hay khai thông, có khi phải dùng kim, có khi dùng ngải cứu, hay xoa bóp để khôi phục hoạt động của những đường kinh này. Mỗi cơ quan, mỗi bộ phận khi được châm hay kích thích lại có những phản ứng, và cơ thể cũng phát sinh những hiện tượng khác nhau như sưng, ngứa, đau … tùy trường hợp. Thường thường, khi nào châm sai chỗ, châm nhằm gân thì bắp thịt sưng lên, nếu nhằm hệ thần kinh thì hay bị ngứa, còn nếu thấy đau thì là trúng nhằm những hệ giao cảm. Danh xưng
Kinh là tên gọi của 12 đường trực hành, lên hệ trực tiếp đến tạng phủ. Thủ thái âm PHẾ kinh, thủ quyết âm TÂM BAO kinh và thủ thiếu âm TÂM kinh là ba đường kinh ÂM nằm ở bên trong cánh tay, gọi là THỦ TAM ÂM thuộc lý (bên trong) dẫn chân khí từ ngực chạy vào tay. Thủ dương minh ĐẠI TRƯỜNG kinh, thủ thiếu dương TAM TIÊU kinh, và thủ thái dương TIỂU TRƯỜNG kinh nằm ở mặt ngoài cánh tay gọi là THỦ TAM DƯƠNG, thuộc biểu (bên ngoài) từ tay chạy lên đầu. Túc dương minh VỊ kinh, túc thiếu dương ĐẢM kinh, túc thái dương BÀNG QUANG kinh ở bên ngoài và đằng sau đùi, gọi là TÚC TAM DƯƠNG, thuộc biểu chạy từ đầu xuống chân. Túc thái âm TÌ kinh, túc quyết âm CAN kinh, túc thiếu âm THẬN kinh nằm ở mặt trong đùi, gọi là TÚC TAM ÂM, thuộc lý từ chân chạy lên bụng. Đó là mười hai đường kinh lớn nên gọi là chính kinh. Ngoài ra còn tám đường kỳ kinh gọi là bát mạch, là nơi mười hai đường chính kinh đổ chân khí vào. Tám đường mạch này là ĐỐC, NHÂM, XUNG, ĐỚI, ÂM DUY, DƯƠNG DUY, ÂM KIỀU, DƯƠNG KIỀU. Nếu 12 chính kinh ví như sông ngòi, thì tám mạch mày ví như đầm ao. Chân khí trong chính kinh thịnh hay suy cũng do tám mạch đó có điều hòa hay không. Sự quân bình chân khí trong cơ thể là do tám mạch này, và hai mạch nhâm đốc là quan trọng hơn cả. Nhâm mạch thuộc âm, cai quản các kinh âm, nằm ở trước ngực và bụng. Đốc mạch thuộc dương, cai quản các kinh dương nằm ở sau lưng. Khi tập luyện vận hành chân khí, khi đã đẫn được chân khí lưu thông trong hai mạch này – mà sách vở và các tiểu thuyết kiếm hiệp vẫn thường đề cập đến gọi là đả thông nhâm đốc nhị mạch – thì lần lược các kinh mạch còn lại cũng từ từ được thông suốt. Như trên đã đề cập, trên hệ thống kinh mạch còn những điểm chủ yếu gọi là huyệt. Lạc có mười lăm đường, chạy lẫn trong các kinh âm và dương, là các hệ nối lẫn 12 kinh với nhau. Những lạc nhỏ gọi là tôn lạc, phù lạc chạy khắp thân thể. Sau đây là khái lược về vị trí và đường đi của mỗi kinh: Thủ thái âm phế kinh bắt đầu ở trung tiêu, đi vòng xuống ruột già rồi chạy lên ngực, yết hầu đi ra cánh tay và chấm dứt ở đầu ngón tay cái. Thủ dương minh đại trường kinh bắt đầu từ đầu ngón tay trỏ chạy lên vai rồi chia thành hai nhánh, một nhánh xuống ruột già, một nhánh lên đầu chấm dứt ở cạnh mũi. Túc dương minh vị kinh bắt đầu từ cạnh mũi, một đằng chạy lên đầu, một đằng chạy xuống ngực, bụng, đùi chân rồi chấm dứt ở ngón chân cái. Túc thái âm tì kinh từ ngón chân cái chạy lên bụng, chia thành hai nhánh, một nhánh chạy lên vai, qua cổ tới lưỡi. Nhánh thứ hai chạy từ dạ dày lên qua hoành cách mạc và chấm dứt ở tim. Thủ thiếu âm tâm kinh bắt đầu từ tim chia ra ba nhánh, một nhánh qua hoành cách mạc xuống ruột non, một nhánh theo thực quản lên mắt, và một nhánh đi qua phổi, sang tay tới ngón tay út. Thủ thái dương tiểu trường kinh bắt đầu từ ngoài ngón tay út chạy theo tay lên vai gặp đốc mạch ở huyệt đại truy chi thành hai nhánh, một nhánh đi xuống ruột non, một nhánh chạy lên mặt đi vào tai. Túc thái dương bàng quang kinh bắt đầu từ mi tâm chạy lên đỉnh đầu rồi vòng xuống cổ đi cạnh đường xương sống chia thành hai nhánh chạy xuống chân và kết thúc ở cạnh bàn chân. Túc thiếu âm thận kinh bắt đầu từ ngón chân út chạy theo chân qua gót chân rồi lên đùi chia thành hai nhánh một nhánh chạy lên phổi, một nhánh chạy lên lưỡi. Thủ quyết âm bao tâm kinh bắt đầu từ ngực nối liền tam tiêu rồi chạy ra cánh tay tới ngón tay giữa. Thủ thiếu dương tam tiêu kinh khởi đầu từ ngón tay đeo nhẫn chạy theo tay lên vai chia thành hai nhánh một nhánh nối liền tam tiêu, một nhánh chạy lên cổ vòng qua tai rồi ngừng lại tại mắt. Túc thiếu dương đảm kinh bắt đầu từ mang tai chạy vòng vèo trên mặt đi xuống qua bụng tới chân và ngừng lại ở ngón chân út. Túc quyết âm can kinh bắt đầu từ ngón chân cái chạy lên theo chân lên bụng đến ngực rồi quay lại bụng. Một nhánh chạy lên cổ đến mắt, vòng qua đầu để gặp đốc mạch.
Tám mạch (bát mạch) bao gồm:
Đốc mạch ở sau lưng, quản trị các kinh dương bắt đầu từ bộ phận sinh dục chạy theo xương sống lên đỉnh đầu rồi vòng xuống tới nhân trung. Nhâm mạch ở phía trước, chịu trách nhiệm các kinh âm đi từ môi xuống ngực bụng rồi tới bộ phận sinh dục. Xung mạch còn gọi là huyết hải kiểm soát khí và huyết toàn cơ thể đưa đến mười hai chính kinh, bắt đầu từ bộ phận sinh dục chia làm ba nhánh một nhánh chạy lên đầu, một nhánh chạy theo xương sống và một nhánh xuống tới bàn chân. Đới mạch chạy vòng quanh bụng như thắt lưng nối liền các kinh âm và dương. Âm kiều mạch bắt đầu từ gót chân chạy lên chân bụng ngực tới miệng. Dương kiều mạch bắt đầu từ gót chân chạy lên theo phía sau vòng qua trước mặt rồi ngừng lại ở sau ót. Âm duy mạch từ bắp chân chạy lên qua bụng ngừng lại ở cổ. Dương duy mạch từ gót chân lên theo chân qua người vòng qua đỉnh đầu ra trước mặt.
Công dụng
Phép vận hành chân khí phải theo một trình tự nhất định để đưa chân khí đến khắp các kinh mạch, tạng phủ, đem sinh lực cho mọi cơ quan trong cơ thể. Sinh lực đầy đủ tự nhiên thân thể sẽ khỏe mạnh, ít ốm đau. Linh Khu Kinh Mạch Thiên viết: Kinh mạch quyết định việc sống chết, liên quan đến mọi loại bệnh tật, làm thành các chứng thực và hư, không thể không thông [8]
Lý Đình trong Y Học Nhập Môn cũng viết: Nghề thuốc mà không biết kinh mạch thì chẳng khác gì đi đêm mà không đèn đuốc [9] Các y gia Trung Hoa từ xưa đến nay, dù trong việc chẩn đoán bệnh, bào chế dược phẩm, xoa bóp, châm cứu … đều phải dựa vào lý thuyết về kinh lạc để suy luận và lý giải. Có thể nói rằng lý thuyết về kinh lạc là cơ sở chính yếu của Trung Y và vận hành chân khí chính là hình thức thực nghiệm học thuyết này. Chân khí là điện năng còn kinh lạc là những đường dây dẫn điện đến từng nhà, hai bên liên hệ mật thiết với nhau. Nếu chúng ta không am tường kinh lạc, việc điều vận chân khí trở nên mơ hồ và do đó kết quả cũng không rõ ràng. 12 Y học bất minh kinh lạc, do nhân dạ hành vô chúc