Đao thương bất phạm - Lời đồn hay tuyệt kỹ võ học bí ẩn?

28.05.2015 | 20:42 PM

Môn võ được gọi là võ gồng thực chất là một loại khí công. Khi luyện đến cảnh giới cao nhất, cơ thể của người luyện sẽ trở lên cứng như sắt thép, đao thương bất nhập!?...



Ngoài những bí ẩn trong môn phái đã giới thiệu đến quý vị độc giả ở các kỳ trước, sau khi báo đăng tải, nhiều độc giả cũng đã gửi thắc mắc và gửi tới chúng tôi băn khoăn, tò mò về những chiêu thức kỳ bí của môn võ. Bên cạnh đó là những clip mà họ đã được xem qua trên mạng về những người mình đồng da sắt, được cho là theo môn phái này. Họ chém dao phầm phập vào cơ thể nhưng kỳ lạ, không chảy máu, không tỏ vẻ đau đớn?! Sự thật về khả năng “đao thương bất nhập” trong các tiểu thuyết võ hiệp hay phim ảnh, liệu có tồn tại và đúng phần nào trên thực tế trong môn phái này?

Giải mã bí thuật “kim thân bất hoại”

Khi chúng tôi tiếp xúc với các cao thủ môn phái Thất Sơn thần quyền, nhiều vị cao thủ trong môn phái thừa nhận những tài liệu về võ học Thất Sơn thần quyền chính tông nay hầu như không còn tin tức gì. Những cao thủ luyện môn võ này thường chỉ học lại được những gì mà chính sư phụ họ truyền đạt lại và hầu như họ không bao giờ được phép thắc mắc về những gì mình đã học.

Các huyền tích còn lại về những chiêu thức đã từng “vang bóng giang hồ một thuở” chỉ còn lẩn khuất đâu đó trong nhân gian và trong chốn võ lâm, nhiều cao thủ mai danh, ẩn tích. Các tuyệt thế võ học của môn phái này từ ngày xuống núi và hòa nhập vào với đời sống nhân gian khiến nó được phủ một màn sương mù huyền thoại. Khi võ học Thất Sơn được đưa ra miền Bắc và được bí mật tập luyện qua quá trình gian khổ mà chúng tôi đã nói ở các kỳ trước cũng đã bị mai một phần nào do điều kiện xã hội đặc thù.

Thất Sơn thần quyền được phát triển cả trên bình diện quốc tế.

Trong các tuyệt học của võ học Thất Sơn, tuyệt thế chiêu thức võ gồng cũng đã lẩn khuất vào trong nhân gian và đâu đó vẫn có người gìn giữ một cách bí mật. Theo thông tin của các cao thủ mà chúng tôi đã gặp qua và có dịp giới thiệu với độc giả ở kỳ trước, các vị này đều công nhận rằng cho đến nay, võ gồng được khẳng định rằng xuất phát và lưu giữ tại vùng Bảy Núi và do đạo sỹ Ba Lưới nắm giữ. Tuy nhiên, các cao thủ này cũng đều được các vị sư phụ giới thiệu qua. Nhưng tuyệt thế võ học này xứng đáng là một trong những chiêu thức có thể tạo nên danh tiếng của võ học Thất Sơn.

Theo các vị cao thủ như vợ chồng Chinh, Tuấn, ông An, môn võ được gọi là võ gồng thực chất là một loại khí công. Khi luyện đến cảnh giới cao nhất, cơ thể của người luyện sẽ trở lên cứng như sắt thép, đao thương bất nhập?! Môn sinh lĩnh hội được võ học này ngoài có được thân hình tựa như “kim thân bất hoại” sẽ biết thêm được về thuật ẩn thân, biến hình. Hai huyền thoại của chiêu thức võ gồng này đã từng tung hoành giang hồ là Ba Đạo và Đơn Hùng. Tuy nhiên, hai con người này cũng là hai huyền thoại khác nhau, một người hành thiện còn một người thành tướng cướp.

Trong một cuộc trao đổi ngắn qua điện thoại với Chưởng môn của Thất Sơn thần quyền, ông này cho biết về huyền tích của võ gồng trong Thất Sơn: Đạt được cảnh giới của võ học này nghĩa là dao chém không đứt, đạn bắn không thể xuyên qua(?). Đây là một chiêu thức bí mật của môn phái và với uy lực vô cùng lớn nên việc luyện chiêu thức này cũng hết sức phức tạp, chỉ những người có căn duyên mới có thể học được.

Cũng theo ông, các giai thoại kể về quá trình rèn luyện võ gồng vô cùng bí hiểm. Bước đầu tiên, các đệ tử sẽ được sư phụ dùng nội lực đả thông huyệt đạo trên cơ thể. Các huyệt đạo này sẽ chỉ có vị sư phụ này nắm giữ và chỉ truyền lại cho một vị đệ tử duy nhất khi vị sư phụ này sắp tạ thế. Sau khi huyệt đạo được khai thông, người theo học sẽ được truyền các phương pháp luyện khí và các bài tập bí hiểm trong những điều kiện tự nhiên, thời gian, không gian nhất định. Song song với việc luyện tập sức chống chịu của cơ thể, luyện khí, môn sinh còn được thầy truyền cho các bài chú để niệm trong khi luyện tập. Không nằm ngoài đặc trưng của môn võ, tất nhiên, người luyện võ gồng của Thất Sơn thần quyền cũng sẽ khấn một loại bùa chú đặc thù cho thế võ. Việc “ăn bùa” thực chất là học thuộc trong lúc ngồi thiền, kiên trì luyện tập, đọc chú kết hợp với vận nội công sẽ tăng lực lên. Và có thể vì thế họ xem là “đao thương bất nhập”, hàm ý đao kiếm khó xâm phạm vào thân thể, khó gây thương tích.

Thần phù giải trừ kẻ gian và ác thuật

Một lá bùa hộ thân giúp người hạnh phúc.

Càng đi sâu vào tìm hiểu phái võ Thất Sơn, chúng tôi càng cảm giác như lạc vào thế giới kỳ bí của võ học thần quyền. Tuy nhiên, khác với những điều ma mị, bùa ngải mà chúng tôi đã có dịp trải nghiệm trước đó mà phần đa là sự huyễn hoặc, lừa bịp, các đệ tử của Thất Sơn thần quyền có cách lý giải rất riêng về bùa chú trong võ học của môn phái này. Cuộc sống xa xưa, con người phải lao động và lo toan cho mạng sống của mình. Theo họ, bùa chú là bộ môn khoa học cổ xưa nhất, linh nghiệm nhất... có những năng lực trường tồn vượt không gian và thời gian. Nó chữa được thân và tâm bệnh khi chưa có thuốc men ra đời. Chúng ta có thể coi đó là một trong những liệu pháp điều trị hỗ trợ không dùng thuốc nhưng hiệu quả nhanh nhất và ít tốn kém...

Di ảnh của ông Ba Đạo, một trong hai truyền nhân chân truyền của võ gồng tại Việt Nam.

Ngoài võ học về Thất Sơn thần quyền thì những ý nghĩa làm phép để giải trừ kẻ gian và ác thuật có ý nghĩa quan trọng đối với một môn sinh. Theo cao thủ Lại Văn An, sau khi người học trò đọc xong bài nguyền trước Linh đàn, tiếp theo quỳ xuống, hai tay cung kính đặt trước ngực và khai ra tất cả những thói hư, tật xấu, ý nghĩ và hành động đã, đang và sẽ làm cho người khác phải đau buồn, mất mát... và xin thề ăn năn, sám hối từ nay về sau tu tâm dưỡng tính thành người có nhân đức, biết hòa đồng với mọi người và thương yêu muôn loài, không còn những ý nghĩ tà tâm, gian ác, lừa gạt, hại người, v.v... Còn đối với “Phép nhập thần” là điều cơ bản mà các môn sinh trong phái Thần quyền nói chung, đều phải trải qua. Trong giờ phút thiêng liêng nhất, vị sư phụ truyền phép nhập thần cho đệ tử... Đó chính là nghi thức mang tính tâm linh sâu sắc, người ngoại đạo rất khó cắt nghĩa đầy đủ.
Người sai phạm quỳ trước bàn tổ, khai nhận những tội lỗi đã làm – nếu khai gian dối thì không giải được, và thề nguyền từ nay đến suốt đời không tái phạm, không làm điều tà tâm, gian ác, xin chư thần tha mạng. Sau mỗi câu khấn liền lạy một lạy, đến 49 lần như vậy...

Bí thuật chạy trên nước , đi trên chông gai


Theo nhiều cao thủ của võ Thất Sơn thần quyền, việc luyện công khi vượt đến cực hạn của bản thân, người học sẽ có thể điều khiển được trọng lượng của cơ thể. Đối với việc thỉnh bùa và vận khí cùng với nhập tâm bùa và đạt được những kỹ năng đặc dị với những bí thuật riêng. Đặc biệt, họ có khả năng giữ thăng bằng rất tốt, nhanh nhẹn trong từng cử động. Để đạt được trình độ khinh công, các thầy tu phải trải qua tất cả mức khinh hành (đi bộ với tốc độ rất lớn). Các môn đồ của khinh hành có thể đi lại rất nhanh và an toàn ở những nơi núi non hiểm trở, bằng kỹ thuật phi thân (nhảy), thần hành (chạy hàng trăm dặm mà chân không chạm đất), bích hổ du tường (thằn lằn leo tường), thủy thượng phiêu (chạy trên nước)...

Các bài pháp thuật giải trừ kẻ gian và ác thuật


* Pháp thứ 1: Võ công - giúp người sức yếu thế cô gặp nạn...
Bài võ này có 5 bài chính bao gồm: Thần lực quyền; Ngũ hổ quyền; Xà tinh quyền; Ưng tinh quyền; Hầu tinh quyền. Cùng một số bài phụ.


* Pháp thứ 2 : Khí công - chữa trị bệnh đau.
Pháp này bao gồm các bài: Thần khí công; thọ tinh công; thuỷ tinh công; hoả tinh công; thiên ma công; kim thân công. Cùng một số bài phụ.


* Pháp thứ 3: Hộ thân - giúp người hạnh phúc.
Pháp này bao gồm: Phép chữa thân và tâm bệnh; phép giúp gia đình hạnh phúc; phép bảo vệ cơ sở bình an;….


* Pháp thứ 4: Trấn kẻ trộm cắp - răn đe trộm cắp.
Có 5 bài chính: Phép yểm bảo vệ tài vật; phép khiến kẻ trộm nghe có tiếng động liền bỏ chạy; phép khiến chân của kẻ trộm bị sưng đau nhức gần chết; phép khiến kẻ trộm đem trả lại đồ vật; phép khiến kẻ trộm không ra khỏi nơi lấy đồ...


* Pháp thứ 5: Trừ kẻ gian ác - giáo hoá kẻ gian ác.
Pháp này bao gồm: Phép làm cho kẻ gian ác đau đầu như búa bổ suốt ngày đêm; làm cho kẻ gian ác vật vã, nôn mửa gần chết; làm cho kẻ gian ác chóng mặt, tối mắt; làm cho kẻ gian ác toàn thân sưng to, tay chân co quắp không đi được; làm cho kẻ gian ác bụng trướng như cái trống; làm cho kẻ gian ác không ăn uống được; làm cho kẻ gian ác không ngủ được; làm cho kẻ gian ác khóc la, điên khùng…

Lại Cường