Chiếc vạc linh thiêng đất Mường

TP - Chiếc vạc cổ này từ trước đến nay vẫn được để trong phòng của trường mầm non xã Châu Thuận (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) để làm đồ dùng. Đây chính là vị trí ngôi nhà của ông Đăm - người được giao giữ chiếc vạc theo luật tục đất Mường.


Cô giáo Hồng cùng ông chủ tịch xã đang lau rửa chiếc vạc
Thoạt nhìn, chiếc vạc đồng bốn quai này không có gì đặc biệt ngoại trừ kích cỡ của nó so với những chiếc vạc vẫn thường gặp.

Chiếc vạc có 5 đường gân lớn cỡ ngón tay người lớn vòng quanh bên ngoài (ba đường phía trên và hai đường gần đáy) chu vi 2,4 mét, cao 40cm. Trọng lượng khoảng trên dưới 30kg, được đúc bằng đồng đỏ, có bốn quai bố trí cân xứng ở bốn góc và nó cũng đủ để nấu nguyên một con trâu trong lễ tế hàng năm.

Ông Chủ tịch xã Châu Thuận (Mường Chai) Vi Ngọc Duyên kể với chúng tôi về chiếc vạc khi dẫn đến nơi bảo quản chiếc vạc có tuổi trên vài trăm năm của đất Mường Chai- Châu Thuận (Quỳ Châu- Nghệ An).

Truyền thuyết về chiếc vạc bốn quai

Khoảng những năm cuối thế kỷ 18, khi đất Mường Chai dưới sự cai quản của bà Chai, con gái đầu của vợ chồng Căm Coóng, người lập bản dựng mường Chai ngày xưa, giặc giã nổi lên. Đã nhiều lần đất Mường Chai bị chúng đánh cướp...Bà Chai đã già yếu, sau đó đã cho người đi đón Tạo Noong (không rõ tên thật) là người giỏi ở vùng Cô Ba – Châu Bình (Quỳ Châu) về giúp cai quản đất Mường .

Tạo Noong về, tuyển chọn tráng đinh tổ chức đánh đuổi giặc cướp. Đất Mường trở lại thanh bình. Nhưng khi đất Mường không còn nạn giặc cướp, Tạo Noong ỷ mình có công lại trở nên hung bạo gây nên bao điều tàn ác với dân Mường… Rồi Tạo Noong đã bày vẽ thêm một số “điều luật” và bắt buộc cả Mường tuân thủ. Ví như hàng ngày các gia đình trong Mường phải luân phiên thay nhau đưa cơm rượu dâng cho nhà Tạo...

Mặc dầu đã có ba bà vợ nhưng Tạo Noong lại bắt con gái trong Mường trước khi về nhà chồng phải đến với Tạo ba đêm, ngay cả con gái Mường khác về làm dâu đất Mường Chai cũng vậy... Một lần nữa, bà Chai lại phái người thân tín đi ra Thanh Hoá tìm người giỏi có thể chế ngự được Tạo Noong.

Thế là Tạo Nọi - tên thật là Cầm Bá Hiệu quê gốc ở huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá đã được vời về. Tạo Nọi về, bà Chai sai làm một lễ tế trời rất lớn để đón Tạo Nọi cùng với việc bố trí một lễ kết huynh đệ giữa Tạo Noong và Tạo Nọi để nhân cơ hội này diệt trừ Tạo Noong tàn ác. Một lúc nấu nguyên cả con trâu mộng dùng làm vật tế lễ theo luật tục, cần phải có một chiếc vạc lớn.

Do vậy trước khi về Mường Chai, từ Thanh Hoá Tạo Nọi đã chuẩn bị và mang theo chiếc vạc bốn quai - vật gia bảo của dòng họ. Như tiền định, ngay trong lần đầu tiên dùng để nấu thịt trâu làm lễ tế, chiếc vạc đã chứng kiến cảnh Tạo Noong bị Tạo Nọi và trai tráng trong Mường vây đánh chết.Từ đó, chiếc vạc bốn quai trở thành vật thiêng gắn liền với sự hưng thịnh đất Mường Chai.

Chuyện kể rằng, chiếc vạc này ngay sau sự kiện đánh đuổi Tạo Noong được Tạo Nọi giao cho ông Đăm ( thày mo cả) bảo quản. Nó chỉ được đưa ra dùng mỗi khi Mường có việc tế lễ hàng năm, nhất thiết không dùng vào việc đun nấu thức ăn, nước uống bình thường…

Mỗi lần đưa ra dùng vạc đều phải có lễ vật xin thần linh. Luật tục đất Mường nghiêm lắm ai cũng tuân thủ nghiêm ngặt. Bởi đây là vật quý, linh khí đất mường nên cũng không ít kẻ xấu rình rập với dã tâm chiếm làm của riêng. Từng có chuyện, vào một năm xa xưa, khi ông Đăm giữ vạc một lần trời mưa đã lấy chiếc vạc ra hứng nước mưa.

Chiếc vạc đặt dưới mái tranh trên sàn nhà rất vững chãi. Nhưng không hiểu do đâu, khi nước mưa chưa kịp đầy vạc thì chiếc cột nhà sàn nơi đặt chiếc vạc tự nhiên gãy làm sập nhà, chiếc vạc bị rơi xuống đất gãy một quai. Sau đó ông Đăm lăn ra ốm, tốn bao gà lợn cúng vái mới khỏi. Dân Mường mời một tốp thợ đúc từ Thanh Hoá vào để tìm cách gắn lại chiếc quai bị gãy. Nghe kể thì bốn quai vạc cũ to cỡ cổ tay người lớn được đúc liền vào vạc.

Không hiểu có ý đồ gì mà tốp thợ này lại yêu cầu phải cắt cả ba quai còn lại để “làm nguyên liệu đúc, bởi như thế mới có thể gắn vào vạc được...”(?). Ba chiếc quai còn lại đều bị cắt và sau đó mất tăm mất dạng cùng với tốp thợ này, để lại chiếc vạc không quai. Mãi sau này người đất Mường đành phải tìm thợ về đúc và gắn lại bốn chiếc quai mới nhỏ hơn bốn chiếc quai cũ.

Đến tận bây giờ người đất Mường còn nhớ rõ những lần chiếc vạc bị lấy cắp bán đi và lâu lắm cũng chỉ một hai tháng là cùng, chiếc vạc lại được trả về đất mường. Lần mới đây nhất là vào năm 1990, chiếc vạc bị một người lấy trộm và bán cho một người buôn sắt vụn tại xã Diễn Hồng (huyện Diễn Châu- Nghệ An). Đúng 1 tháng sau, anh này đã phải đưa chiếc vạc trả lại người bán với tinh thần “tự nguyện không điều kiện”.

Những câu chuyện về chiếc vạc thực hư đến đâu không biết, nhưng có điều chắc chắn đến tận hôm nay dân đất Mường Chai không ai không tin vào sự linh thiêng chiếc vạc. Ngay cả những người vốn không mấy tin vào quỷ thần, kể cả một số tay chuyên săn lùng đồ cổ trong vùng cũng không dám có ý định chiếm đoạt chiếc vạc làm của riêng.

Cho dù đến tận bây giờ chiếc vạc đồng bốn quai có tuổi cả vài trăm năm, vẫn được cất trong gian nhà phên vách nứa sơ sài tại trường Mầm non Châu Thuận- Vị trí ngày xưa là nhà ông Đăm được giao cất giữ chiếc vạc theo luật tục.

Giải pháp bảo quản cổ vật đất Mường


Chiếc vạc đồng bốn quai, cổ vật quý còn sót lại ở đất Mường Chai
Câu chuyện về chiếc vạc mang màu sắc thần bí được lưu truyền trong dân gian. Tuy không thực là một tài sản lớn, nhưng xét về tâm linh thì đây quả là một giá trị tinh thần, ít nhất là đối với người dân Mường Chai. Chiếc vạc này đã bị kẻ xấu ăn cắp 4-5 lần bán đi rồi trở về chỗ cũ, nhưng chẳng ai trong đất Mường Chai lý giải được điều này.

Chiếc vạc bốn quai hiện nay được xem là một cổ vật đất Mường lại được chính người mua tự mình trả về nơi cũ, không một lời đòi hỏi chi phí tốn kém. Chuyện khó tin nhưng hoàn toàn có thực mà chúng tôi đã ghi lại.

Cô Hồng-Hiệu trưởng trường Mầm non xã Châu Thuận, nơi có gian nhà hiện đang cất giữ chiếc vạc, thì gian nhà này thỉnh thoảng lại có hiện tượng kẻ trộm đang đêm cạy cửa vào, nhưng đồ đạc không mất thứ gì. “Có lẽ họ định lấy chiếc vạc thì phải. Chắc đã đến lúc nên đưa chiếc vạc này về bảo quản tại trụ sở UBND xã, có vậy mới an tâm đối với cổ vật đất Mường” - Cô Hồng nói.

Còn ông Vi Ngọc Duyên, Chủ tịch xã rất đồng thuận với việc này là sẽ đưa chiếc vạc về trụ sở UBND xã để bảo quản. Nhưng ông vẫn còn e dè: “Không biết sau khi đưa về trụ sở xã lỡ lại không ổn thì sao. Bởi theo ông thì chiếc vạc này rất “thuỷ chung” linh thiêng đối với ngôi trường này, nơi nó đã nằm cách đây hàng trăm năm” - Ông Duyên nói.

Trong tâm tư chúng tôi khi nghe kể về câu chuyện chiếc vạc này, đặc biệt trực tiếp xem xét chiếc vạc khi cô giáo Hồng đang lau rửa lấy làm áy náy trước lối bảo quản quá sơ sài nói trên.

Chuyện gì sẽ đến, ai dám nói chắc thêm một lần nữa chiếc vạc không biến mất khỏi đất mường Chai? Để bảo quản cổ vật này cần phải đưa nó về Bảo tàng Dân tộc Quỳ Châu nơi đang bảo quản gần 500 hiện vật liên quan đến truyền thống, lịch sử của vùng đất Phủ Quỳ. Chiếc vạc bốn quai này cũng xứng là một hiện vật có giá trị văn hoá tinh thần của người dân đất Mường Chai.

Hoài Hằng