kết quả từ 1 tới 3 trên 3

Ðề tài: Đi tìm gốc tích bùa Lèo

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Đi tìm gốc tích bùa Lèo

    Đi tìm gốc tích bùa lèo


    Có một điều trùng hợp khá lạ là, 4 quốc gia khu vực Đông Nam Á liền kề có núi mang tên "Voi" đều được xem là nơi linh khí hội tụ, gồm: Núi Tượng tức ngọn Liên Hoa Sơn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, Việt Nam; Núi Bokor (núi Voi), tức ngọn Tà Lơn ở Kampot, Vương quốc Campuchia; núi Suthep ở Cheangmai, Thái Lan và núi Phou Kao thuộc tỉnh Campassak, Lào.





    Ngôi nhà của Mó Kheng.


    Bốn địa danh đó đều được giới pháp sư chọn làm nơi tu luyện pháp thuật. Trong đó, ngọn Phou Kao được xem là nơi tu luyện của giới pháp sư Lào mà người Việt thường gọi là "thầy bùa Lèo".

    Một số bậc trưởng lão ở khu vực phía Nam thường kể cho con cháu nghe nhiều giai thoại bí hiểm về những pháp sư Lèo đeo ba chiếc bị (gọi là ông Ba Bị) chứa bùa, ngải đi tìm ma khắp thế gian. Đến nơi nào có người bị ma ám, pháp sư dừng lại trừ tà, bắt ma nhốt vào bị rồi tiếp tục hành trình. Khi tìm đủ số ma, thầy bùa Lèo trở về núi huấn luyện chúng thành công cụ phục vụ cho mình. Mỗi năm, thầy bùa Lèo đi bắt ma một lần.




    Một cặp quả val ka ly phủl cái (bên trái) và đực.

    Dù một số người cho rằng đó là mê tín dị đoan nhưng bùa Lèo vẫn tồn tại như một tôn giáo giữa lòng xã hội Việt suốt nhiều thế kỷ.


    Thầy mó dưới chân núi Phou Kao


    Theo sự hướng dẫn chi tiết của thầy Ba Quốc ở Tịnh Biên, An Giang, chúng tôi đi Pakse bằng chuyến xe bus thương hồ khởi hành tại quận 12, TP HCM.
    Cách nay 50 năm, thầy Ba Quốc được sư phụ giới thiệu sang Champassak (Lào) thọ giáo một pháp sư Lèo tên Thỏm, tu luyện tại một hang động trên dãy núi Phou Kao. Học được 3 năm chưa ngộ hết các bí pháp, nghe tin mẹ mất, thầy Ba Quốc từ giã sư phụ Thỏm trở về quê nhà thọ tang. Thọ tang xong, khi trở lại Phou Kao thì sư phụ Thỏm đã viên tịch.
    Bạn đồng khóa của thầy Ba Quốc - một người Lào gốc Việt - tên là Kheng trở thành người kế tự. Do chưa học hết các bí pháp như thầy Ba Quốc, thầy Kheng rời núi lấy vợ, sinh con. Suốt nửa thế kỷ qua, thầy Ba Quốc và thầy Kheng vẫn thường xuyên qua lại, thăm nhau. Dù không học hết các bí pháp nhưng thầy Kheng vẫn hành nghề pháp sư để trị tà ma cho cư dân bản địa.




    Val Đồ Thuol

    Từ Pakse, chúng tôi thuê xe gắn máy đi hơn 45km đến khu vực Wat Phou cạnh chân núi Phou Kao. Nhờ tấm giấy ghi địa chỉ bằng tiếng Lào, chúng tôi được người địa phương chỉ dẫn đến tận ngôi nhà sàn của thầy Kheng. Một người phụ nữ trạc 60 tuổi vận trang phục Lào từ trong nhà đi ra, chắp tay thốt "sabadie" (chào) rồi sau đó xua tay lia lịa vì không hiểu tiếng Việt.


    Thất vọng, chúng tôi phải trở về Pakse tìm người phiên dịch. Anh Phú - một người Lào gốc Việt ở Ban Luang, Pakse tình nguyện làm phiên dịch miễn phí cho chúng tôi.
    Ngày hôm sau, chúng tôi trở lại ngôi nhà của thầy Kheng. Người phụ nữ hôm qua là vợ của thầy Kheng cho biết, thầy đã xách bị đi tìm ma suốt một tháng nay chưa về. Tuy vậy, Ượi Kheng vẫn cho chúng tôi biết rất nhiều thông tin bổ ích về bùa Lèo.


    Bà cho biết, với người Lào, bùa phép chú ngải (tạm gọi là pháp thuật) là một phần không thể thiếu trong đời sống thường nhật. Dân Lào không xem pháp thuật là mê tín dị đoan mà là một thứ tín ngưỡng song hành với Phật giáo vốn được xem là quốc giáo. Họ xem Phật giáo là cứu cánh phần hồn cho kiếp sau tốt hơn kiếp này, còn pháp thuật là cứu cánh cho phần xác của kiếp này. Vì vậy ở Lào, đi đâu cũng gặp bùa. Mỗi người Lào có ít nhất 1 dây "cà tha" (bùa hộ mạng, cứu nạn) trong người.


    Mỗi làng, xóm ở Lào có ít nhất 1 “thầy mó" (pháp sư). Riêng khu vực Phou Kao này có ít nhất 20 thầy mó. Bà nói ngày xưa ở đây có hàng trăm thầy mó nhưng do cần tiền, nhiều thầy bỏ nghề, bỏ làng ra chợ để làm giàu. Ai chấp nhận làm thầy mó phải chấp nhận cảnh nghèo khổ, cơ cực. Khi đã giàu thì pháp thuật hết linh nghiệm. Sư tổ đã dạy như vậy.
    Vùng này có nhiều thầy mó vì có ngọn núi Phou Kao linh thiêng. Giới pháp sư Lào xem ngọn núi Phou Kao là nơi người trần gian có thể hấp thu linh khí từ cõi trời. Vì vậy, có dạo thầy mó ở các nơi khác khăn gói về đây, leo lên đỉnh Phou Kao tìm hang đá làm am tu luyện.


    Sau năm 1980, chính quyền không cho người dân tự tiện vào núi để bảo tồn quần thể di tích Wat Phou. Các thầy mó rời núi chọn đất hoang quanh vùng cất chòi lá định cư. Bây giờ, thầy mó không còn nhiều nhưng cũng đủ giúp dân làng không bị các "phí" (linh hồn xấu) phá rối, yên tâm sinh sống. Bà Kheng khoe, nhiều người là bác sĩ cũng tìm đến thầy Kheng xin trục "phí" ra khỏi người để tránh chuyện xui xẻo.


    Kết thúc cuộc trò chuyện, Ượi Kheng đã cho chúng tôi địa chỉ của nhiều thầy mó nổi tiếng ở Champaksak. Khi chúng tôi xin chỉ đường tìm vào hang động tu luyện năm xưa của sư phụ mó Thỏm. Ượi Kheng lộ vẻ kinh sợ, xua tay lia lịa bảo không nên. Khi chúng tôi đưa ra một lá bùa do thầy Ba Quốc tặng, Ượi Kheng mới yên tâm, chỉ đường tận tình. Ượi Kheng không quên cho chúng tôi mượn 1 con dao đi rừng.

    Cũng may, anh Phú đã từng là một thợ rừng, giờ đang sống bằng nghề chạy xe 3 bánh ở Pakse

    Bùa yêu val ka ly phủl

    Con đường chính lên núi Phou Kao đã bị vòng rào quần thể di tích Wat Phou chắn ngang. Để đến được những kham (hang động) của các pháp sư, chúng tôi phải đi vòng sang Hong Nangsida - một ngôi đền cổ nằm ngoài quần thể Wat Phou.


    Chúng tôi dễ dàng tìm thấy lối đường mòn của các thợ rừng địa phương tạo nên. Cũng có thể đó là lối đi thường xuyên của các mó tìm về nơi thanh tịnh để luyện bùa. Hơn 3 giờ leo qua các vỉa đá chồng chất và đu người qua các nhánh cây, dây leo chúng tôi đã đến được một mỏm núi thấp. Từ mỏm núi, chúng tôi mới biết núi Phou Kao là một dãy nhiều ngọn ẩn chứa nhiều vệt đứt gãy tạo thành những thung lũng sâu hút chứa đầy sương mù.


    Thung lũng giống như một chiếc máng khổng lồ chứa đầy mây trắng. Nhiệt độ nơi đây thấp hơn dưới chân núi khoảng 20C. Điều đó có nghĩa là đỉnh núi này chỉ cao khoảng 600 mét so với chân núi. Anh Phú bảo, Ượi Kheng gọi thung lũng này là "nơi chứa điều bí ẩn của trời" bằng tiếng Lào. Bị rơi mất bút trong quá trình leo núi nên chúng tôi không nhớ dãy tiếng Lào dài sọc đó.


    Mặc dù đã từng là thợ rừng nhưng anh Phú chưa từng chinh phục ngọn Phou Kao bao giờ vì nhiều thợ rừng Lào tin rằng nơi đây là chốn linh thiêng không nên "bứt dây động rừng". Cách đây hơn 10 năm, anh Phú sống bằng nghề cưa gỗ ở Phou Phiengbulaveng, Phou Chaputao. Khi ấy, anh thường nghe những bậc đàn anh kể rằng, hàng đêm thần linh thường về ngọn Phou Kao chơi đùa tạo ra những âm thanh quái dị. Hầu hết các thợ rừng đều kiêng kị nơi đây. Nhờ vậy, hiện giờ vẫn còn một số quần thể cọp sinh sống.


    Không có điều kiện để kiểm chứng nhưng chúng tôi tin dân lâm tặc Lào phá nát rất nhiều cánh rừng, trừ Phou Kao. Bằng chứng là chúng tôi tận mắt ngắm nghía nhiều loại thực vật lạ kỳ mà anh Phú gọi là "val". Val dịch nghĩa ra tiếng Việt là ngải cũng đúng, là dược liệu cũng được. Ngoài ra, val còn có nghĩa là một linh hồn ẩn trú trong cây.


    Phú chỉ cho chúng tôi xem một cành hoa trông giống như một quầy chuối cao nhưng trái chỉ nhỏ bằng đầu đũa ăn. Cành hoa không mọc từ thân cây mà mọc từ dưới đất.


    Cô con gái của Mó Kheng chụp ảnh lưu niệm với tác giả.
    Tại một nhánh suối, bất ngờ anh Phú rú lên khi phát hiện một điều gì đó bất thường cạnh một gốc cổ thụ. Thì ra, dưới nách nhánh cổ thụ sát đất có một loại quả trông rất giống hình người. Phần cuống quả giống hình đầu người có cả mặt, mũi. Phần chân chìm dưới đất. Lộ vẻ vui mừng, anh Phú rút con dao cắt tiện ngay cuống quả rồi tặng cho chúng tôi.


    Chúng tôi lần mò xuống thung lũng. Dù ban ngày nhưng ánh sáng mặt trời không đủ sức xuyên thấu những vạt sương mù dày đặc khiến mọi thứ lờ mờ. Ẩm ướt khiến mọi phiến đá đều phủ một lớp rêu trơn trợt. Sau 30 phút loay hoay trên đỉnh một tảng đá to như sân thượng một cao ốc, chúng tôi quyết định… không mạo hiểm nữa.


    Khi trở về, Ượi Kheng cho biết, loại hoa giống quầy chuối nhỏ là val đồ thuol. Củ val đồ thuol được dùng làm phép trị kong koi (chứng ma nhập khiến đau đầu). Pháp sư ếm bùa vào củ val đồ thuol rồi đâm nát vắt lấy nước cho bệnh nhân uống, con ma kong koi sẽ hoảng sợ xuất ra khỏi người, chứng đau đầu sẽ hết ngay tức khắc.


    Còn quả cây hình người mà Phú hái được là quả val ka ly phủl giống cái - Một loại quả được cho là linh thiêng. Người may mắn lắm mới gặp được loại quả val ka ly phủl này. 100 năm, cây mới ra quả 1 lần. Mỗi lần cây cho ra 1 quả khác giống. Lần này ra quả giống đực, lần sau sẽ ra quả giống cái. Pháp sư Lào dùng 1 cặp val ka ly phủl đực và cái làm bùa yêu. Cặp vợ chồng nào sở hữu 1 cặp val ka ly phủl được yểm bùa sẽ thương nhau trọn đời. Một người qua đời, người kia sẽ chết theo. Chàng trai nào yêu đơn phương, chỉ cần có đủ cặp val ka ly phủl sẽ khiến cô gái kia yêu mình đến quì lụy. Muốn làm bùa yêu phải có đủ cặp quả val ka ly phủl đủ đực đủ cái.


    Nếu không đủ cặp làm bùa yêu thì pháp sư dùng 1 quả làm bùa thư. Quả cái dùng thư phụ nữ và quả đực dùng thư đàn ông. Để thư một người đàn ông, pháp sư cần có ảnh chân dung của nạn nhân. Pháp sư sẽ dùng lá bùa có ghi tên nạn nhân và tấm ảnh chân dung gói quả val ka ly phủl đực lại rồi đặt lên bàn thờ đọc chú nhiều giờ liền. Sau đó, pháp sư vừa đọc chú vừa dùng kim châm vào thân thể quả val ka ly phủl. Pháp sư châm vào vị trí nào trên "thân thể" quả thì nạn nhân sẽ bị đau nơi đó. Nếu châm vào vùng "bụng" của quả, cho dù nạn nhân ở cách đó hàng vạn cây số cũng sẽ đau bụng lăn lộn. Nếu bị châm vào "đầu", nạn nhân sẽ trở nên điên loạn.


    Nạn nhân muốn hết đau phải nhờ một thầy mó cao tay ấn hơn thầy mó hung thủ mới trục được bùa ra. Khi nạn nhân trục được bùa ra khỏi người thì thầy mó hung thủ sẽ bị đau đớn, có khi bị hộc máu tươi đến chết.


    Ượi Kheng bảo, ngày nay ít ai dám dùng val ka ly phủl thư bùa hãm hại người khác vì bùa chú không thể chiến thắng… súng. Bà đùa: "Căm thù ai dùng súng bắn cho nhanh, thư bùa vừa lâu vừa cực. Gặp người cao tay ấn, chết như chơi".

    Ượi Kheng bảo chúng tôi trú lại. Bà sẽ chiêu đãi cơm nước đầy đủ cho đến khi mó Kheng bắt đủ số ma trở về. Chúng tôi cám ơn lòng nhiệt tình của bà rồi kiếu từ.


    Trước khi chia tay, Ượi Kheng vào nhà lục tìm một hồi lâu rồi đem ra 1 quả val ka ly phủl giống đực tặng chúng tôi để cho có đủ cặp. Đáp lại, chúng tôi cúng tổ 100.000 kip Lào khiến Ượi Kheng rất vui.
    Ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục khám phá một linh địa khác có nhiều điều kỳ bí, thú vị


    (Còn tiếp)

    Nông Huyền Sơn


    Theo An ninh thế giới
    Last edited by Bin571; 05-05-2015 at 11:08 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •