kết quả từ 1 tới 3 trên 3

Ðề tài: Đi tìm gốc tích bùa Lèo

  1. #1

    Mặc định Đi tìm gốc tích bùa Lèo

    Đi tìm gốc tích bùa lèo


    Có một điều trùng hợp khá lạ là, 4 quốc gia khu vực Đông Nam Á liền kề có núi mang tên "Voi" đều được xem là nơi linh khí hội tụ, gồm: Núi Tượng tức ngọn Liên Hoa Sơn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, Việt Nam; Núi Bokor (núi Voi), tức ngọn Tà Lơn ở Kampot, Vương quốc Campuchia; núi Suthep ở Cheangmai, Thái Lan và núi Phou Kao thuộc tỉnh Campassak, Lào.





    Ngôi nhà của Mó Kheng.


    Bốn địa danh đó đều được giới pháp sư chọn làm nơi tu luyện pháp thuật. Trong đó, ngọn Phou Kao được xem là nơi tu luyện của giới pháp sư Lào mà người Việt thường gọi là "thầy bùa Lèo".

    Một số bậc trưởng lão ở khu vực phía Nam thường kể cho con cháu nghe nhiều giai thoại bí hiểm về những pháp sư Lèo đeo ba chiếc bị (gọi là ông Ba Bị) chứa bùa, ngải đi tìm ma khắp thế gian. Đến nơi nào có người bị ma ám, pháp sư dừng lại trừ tà, bắt ma nhốt vào bị rồi tiếp tục hành trình. Khi tìm đủ số ma, thầy bùa Lèo trở về núi huấn luyện chúng thành công cụ phục vụ cho mình. Mỗi năm, thầy bùa Lèo đi bắt ma một lần.




    Một cặp quả val ka ly phủl cái (bên trái) và đực.

    Dù một số người cho rằng đó là mê tín dị đoan nhưng bùa Lèo vẫn tồn tại như một tôn giáo giữa lòng xã hội Việt suốt nhiều thế kỷ.


    Thầy mó dưới chân núi Phou Kao


    Theo sự hướng dẫn chi tiết của thầy Ba Quốc ở Tịnh Biên, An Giang, chúng tôi đi Pakse bằng chuyến xe bus thương hồ khởi hành tại quận 12, TP HCM.
    Cách nay 50 năm, thầy Ba Quốc được sư phụ giới thiệu sang Champassak (Lào) thọ giáo một pháp sư Lèo tên Thỏm, tu luyện tại một hang động trên dãy núi Phou Kao. Học được 3 năm chưa ngộ hết các bí pháp, nghe tin mẹ mất, thầy Ba Quốc từ giã sư phụ Thỏm trở về quê nhà thọ tang. Thọ tang xong, khi trở lại Phou Kao thì sư phụ Thỏm đã viên tịch.
    Bạn đồng khóa của thầy Ba Quốc - một người Lào gốc Việt - tên là Kheng trở thành người kế tự. Do chưa học hết các bí pháp như thầy Ba Quốc, thầy Kheng rời núi lấy vợ, sinh con. Suốt nửa thế kỷ qua, thầy Ba Quốc và thầy Kheng vẫn thường xuyên qua lại, thăm nhau. Dù không học hết các bí pháp nhưng thầy Kheng vẫn hành nghề pháp sư để trị tà ma cho cư dân bản địa.




    Val Đồ Thuol

    Từ Pakse, chúng tôi thuê xe gắn máy đi hơn 45km đến khu vực Wat Phou cạnh chân núi Phou Kao. Nhờ tấm giấy ghi địa chỉ bằng tiếng Lào, chúng tôi được người địa phương chỉ dẫn đến tận ngôi nhà sàn của thầy Kheng. Một người phụ nữ trạc 60 tuổi vận trang phục Lào từ trong nhà đi ra, chắp tay thốt "sabadie" (chào) rồi sau đó xua tay lia lịa vì không hiểu tiếng Việt.


    Thất vọng, chúng tôi phải trở về Pakse tìm người phiên dịch. Anh Phú - một người Lào gốc Việt ở Ban Luang, Pakse tình nguyện làm phiên dịch miễn phí cho chúng tôi.
    Ngày hôm sau, chúng tôi trở lại ngôi nhà của thầy Kheng. Người phụ nữ hôm qua là vợ của thầy Kheng cho biết, thầy đã xách bị đi tìm ma suốt một tháng nay chưa về. Tuy vậy, Ượi Kheng vẫn cho chúng tôi biết rất nhiều thông tin bổ ích về bùa Lèo.


    Bà cho biết, với người Lào, bùa phép chú ngải (tạm gọi là pháp thuật) là một phần không thể thiếu trong đời sống thường nhật. Dân Lào không xem pháp thuật là mê tín dị đoan mà là một thứ tín ngưỡng song hành với Phật giáo vốn được xem là quốc giáo. Họ xem Phật giáo là cứu cánh phần hồn cho kiếp sau tốt hơn kiếp này, còn pháp thuật là cứu cánh cho phần xác của kiếp này. Vì vậy ở Lào, đi đâu cũng gặp bùa. Mỗi người Lào có ít nhất 1 dây "cà tha" (bùa hộ mạng, cứu nạn) trong người.


    Mỗi làng, xóm ở Lào có ít nhất 1 “thầy mó" (pháp sư). Riêng khu vực Phou Kao này có ít nhất 20 thầy mó. Bà nói ngày xưa ở đây có hàng trăm thầy mó nhưng do cần tiền, nhiều thầy bỏ nghề, bỏ làng ra chợ để làm giàu. Ai chấp nhận làm thầy mó phải chấp nhận cảnh nghèo khổ, cơ cực. Khi đã giàu thì pháp thuật hết linh nghiệm. Sư tổ đã dạy như vậy.
    Vùng này có nhiều thầy mó vì có ngọn núi Phou Kao linh thiêng. Giới pháp sư Lào xem ngọn núi Phou Kao là nơi người trần gian có thể hấp thu linh khí từ cõi trời. Vì vậy, có dạo thầy mó ở các nơi khác khăn gói về đây, leo lên đỉnh Phou Kao tìm hang đá làm am tu luyện.


    Sau năm 1980, chính quyền không cho người dân tự tiện vào núi để bảo tồn quần thể di tích Wat Phou. Các thầy mó rời núi chọn đất hoang quanh vùng cất chòi lá định cư. Bây giờ, thầy mó không còn nhiều nhưng cũng đủ giúp dân làng không bị các "phí" (linh hồn xấu) phá rối, yên tâm sinh sống. Bà Kheng khoe, nhiều người là bác sĩ cũng tìm đến thầy Kheng xin trục "phí" ra khỏi người để tránh chuyện xui xẻo.


    Kết thúc cuộc trò chuyện, Ượi Kheng đã cho chúng tôi địa chỉ của nhiều thầy mó nổi tiếng ở Champaksak. Khi chúng tôi xin chỉ đường tìm vào hang động tu luyện năm xưa của sư phụ mó Thỏm. Ượi Kheng lộ vẻ kinh sợ, xua tay lia lịa bảo không nên. Khi chúng tôi đưa ra một lá bùa do thầy Ba Quốc tặng, Ượi Kheng mới yên tâm, chỉ đường tận tình. Ượi Kheng không quên cho chúng tôi mượn 1 con dao đi rừng.

    Cũng may, anh Phú đã từng là một thợ rừng, giờ đang sống bằng nghề chạy xe 3 bánh ở Pakse

    Bùa yêu val ka ly phủl

    Con đường chính lên núi Phou Kao đã bị vòng rào quần thể di tích Wat Phou chắn ngang. Để đến được những kham (hang động) của các pháp sư, chúng tôi phải đi vòng sang Hong Nangsida - một ngôi đền cổ nằm ngoài quần thể Wat Phou.


    Chúng tôi dễ dàng tìm thấy lối đường mòn của các thợ rừng địa phương tạo nên. Cũng có thể đó là lối đi thường xuyên của các mó tìm về nơi thanh tịnh để luyện bùa. Hơn 3 giờ leo qua các vỉa đá chồng chất và đu người qua các nhánh cây, dây leo chúng tôi đã đến được một mỏm núi thấp. Từ mỏm núi, chúng tôi mới biết núi Phou Kao là một dãy nhiều ngọn ẩn chứa nhiều vệt đứt gãy tạo thành những thung lũng sâu hút chứa đầy sương mù.


    Thung lũng giống như một chiếc máng khổng lồ chứa đầy mây trắng. Nhiệt độ nơi đây thấp hơn dưới chân núi khoảng 20C. Điều đó có nghĩa là đỉnh núi này chỉ cao khoảng 600 mét so với chân núi. Anh Phú bảo, Ượi Kheng gọi thung lũng này là "nơi chứa điều bí ẩn của trời" bằng tiếng Lào. Bị rơi mất bút trong quá trình leo núi nên chúng tôi không nhớ dãy tiếng Lào dài sọc đó.


    Mặc dù đã từng là thợ rừng nhưng anh Phú chưa từng chinh phục ngọn Phou Kao bao giờ vì nhiều thợ rừng Lào tin rằng nơi đây là chốn linh thiêng không nên "bứt dây động rừng". Cách đây hơn 10 năm, anh Phú sống bằng nghề cưa gỗ ở Phou Phiengbulaveng, Phou Chaputao. Khi ấy, anh thường nghe những bậc đàn anh kể rằng, hàng đêm thần linh thường về ngọn Phou Kao chơi đùa tạo ra những âm thanh quái dị. Hầu hết các thợ rừng đều kiêng kị nơi đây. Nhờ vậy, hiện giờ vẫn còn một số quần thể cọp sinh sống.


    Không có điều kiện để kiểm chứng nhưng chúng tôi tin dân lâm tặc Lào phá nát rất nhiều cánh rừng, trừ Phou Kao. Bằng chứng là chúng tôi tận mắt ngắm nghía nhiều loại thực vật lạ kỳ mà anh Phú gọi là "val". Val dịch nghĩa ra tiếng Việt là ngải cũng đúng, là dược liệu cũng được. Ngoài ra, val còn có nghĩa là một linh hồn ẩn trú trong cây.


    Phú chỉ cho chúng tôi xem một cành hoa trông giống như một quầy chuối cao nhưng trái chỉ nhỏ bằng đầu đũa ăn. Cành hoa không mọc từ thân cây mà mọc từ dưới đất.


    Cô con gái của Mó Kheng chụp ảnh lưu niệm với tác giả.
    Tại một nhánh suối, bất ngờ anh Phú rú lên khi phát hiện một điều gì đó bất thường cạnh một gốc cổ thụ. Thì ra, dưới nách nhánh cổ thụ sát đất có một loại quả trông rất giống hình người. Phần cuống quả giống hình đầu người có cả mặt, mũi. Phần chân chìm dưới đất. Lộ vẻ vui mừng, anh Phú rút con dao cắt tiện ngay cuống quả rồi tặng cho chúng tôi.


    Chúng tôi lần mò xuống thung lũng. Dù ban ngày nhưng ánh sáng mặt trời không đủ sức xuyên thấu những vạt sương mù dày đặc khiến mọi thứ lờ mờ. Ẩm ướt khiến mọi phiến đá đều phủ một lớp rêu trơn trợt. Sau 30 phút loay hoay trên đỉnh một tảng đá to như sân thượng một cao ốc, chúng tôi quyết định… không mạo hiểm nữa.


    Khi trở về, Ượi Kheng cho biết, loại hoa giống quầy chuối nhỏ là val đồ thuol. Củ val đồ thuol được dùng làm phép trị kong koi (chứng ma nhập khiến đau đầu). Pháp sư ếm bùa vào củ val đồ thuol rồi đâm nát vắt lấy nước cho bệnh nhân uống, con ma kong koi sẽ hoảng sợ xuất ra khỏi người, chứng đau đầu sẽ hết ngay tức khắc.


    Còn quả cây hình người mà Phú hái được là quả val ka ly phủl giống cái - Một loại quả được cho là linh thiêng. Người may mắn lắm mới gặp được loại quả val ka ly phủl này. 100 năm, cây mới ra quả 1 lần. Mỗi lần cây cho ra 1 quả khác giống. Lần này ra quả giống đực, lần sau sẽ ra quả giống cái. Pháp sư Lào dùng 1 cặp val ka ly phủl đực và cái làm bùa yêu. Cặp vợ chồng nào sở hữu 1 cặp val ka ly phủl được yểm bùa sẽ thương nhau trọn đời. Một người qua đời, người kia sẽ chết theo. Chàng trai nào yêu đơn phương, chỉ cần có đủ cặp val ka ly phủl sẽ khiến cô gái kia yêu mình đến quì lụy. Muốn làm bùa yêu phải có đủ cặp quả val ka ly phủl đủ đực đủ cái.


    Nếu không đủ cặp làm bùa yêu thì pháp sư dùng 1 quả làm bùa thư. Quả cái dùng thư phụ nữ và quả đực dùng thư đàn ông. Để thư một người đàn ông, pháp sư cần có ảnh chân dung của nạn nhân. Pháp sư sẽ dùng lá bùa có ghi tên nạn nhân và tấm ảnh chân dung gói quả val ka ly phủl đực lại rồi đặt lên bàn thờ đọc chú nhiều giờ liền. Sau đó, pháp sư vừa đọc chú vừa dùng kim châm vào thân thể quả val ka ly phủl. Pháp sư châm vào vị trí nào trên "thân thể" quả thì nạn nhân sẽ bị đau nơi đó. Nếu châm vào vùng "bụng" của quả, cho dù nạn nhân ở cách đó hàng vạn cây số cũng sẽ đau bụng lăn lộn. Nếu bị châm vào "đầu", nạn nhân sẽ trở nên điên loạn.


    Nạn nhân muốn hết đau phải nhờ một thầy mó cao tay ấn hơn thầy mó hung thủ mới trục được bùa ra. Khi nạn nhân trục được bùa ra khỏi người thì thầy mó hung thủ sẽ bị đau đớn, có khi bị hộc máu tươi đến chết.


    Ượi Kheng bảo, ngày nay ít ai dám dùng val ka ly phủl thư bùa hãm hại người khác vì bùa chú không thể chiến thắng… súng. Bà đùa: "Căm thù ai dùng súng bắn cho nhanh, thư bùa vừa lâu vừa cực. Gặp người cao tay ấn, chết như chơi".

    Ượi Kheng bảo chúng tôi trú lại. Bà sẽ chiêu đãi cơm nước đầy đủ cho đến khi mó Kheng bắt đủ số ma trở về. Chúng tôi cám ơn lòng nhiệt tình của bà rồi kiếu từ.


    Trước khi chia tay, Ượi Kheng vào nhà lục tìm một hồi lâu rồi đem ra 1 quả val ka ly phủl giống đực tặng chúng tôi để cho có đủ cặp. Đáp lại, chúng tôi cúng tổ 100.000 kip Lào khiến Ượi Kheng rất vui.
    Ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục khám phá một linh địa khác có nhiều điều kỳ bí, thú vị


    (Còn tiếp)

    Nông Huyền Sơn


    Theo An ninh thế giới
    Last edited by Bin571; 05-05-2015 at 11:08 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    Đi tìm gốc tích bùa lèo: Thánh địa Wat Phou

    16:05 05/02/2014Ượi Kheng cho biết, Phou Kao là ngọn núi linh thiêng, bởi vậy hàng ngàn năm trước, người Chân Lạp đã chọn nơi đây là kinh đô đầu tiên trước khi đi dần xuống phía nam lục địa. Kinh đô cổ ấy nằm dưới chân núi Phou Kao, bây giờ là quần thể di tích Wat Phou. Một số vị cao tăng Phật giáo Lào cũng thừa nhận, bùa lèo xuất phát từ di tích này.



    Sư Thích Thanh Tịnh.
    Vì sao Phou Kao trở thành Thánh địa Pháp sư Lào?

    Phú (một phiên dịch người Lào gốc Việt) đưa chúng tôi vào Wat Phou bằng cổng chính với giá vé 35.000 kip cho 1 người đi bộ và 50.000 kip cho 1 người được đi xe điện quãng đường khoảng 2km vào tận chân đền cổ. Vì có chủ đích, chúng tôi chấp nhận đi bộ.

    Điểm đầu tiên để ghé của tất cả các du khách là bảo tàng - nơi trưng bày những hiện vật cổ thu hoạch từ những lần khai quật di chỉ. Nhân viên bảo vệ vui vẻ, hòa nhã nhưng rất kiên quyết không cho chúng tôi chụp ảnh. Lý do cơ bản anh ta đưa ra là: "Quý khách cần ảnh các di vật thì hãy mua bộ sách ảnh chúng tôi đang bày bán. Quý khách tự chụp, bảo tàng chúng tôi sẽ… thất thu".


    Rất nhiều tượng cổ được trưng bày tại đây, đặc biệt có một đầu tượng Phật được trưng bày trang trọng nhất. Đó là tượng đầu Phật bị dân buôn cổ vật đánh cắp khỏi Wat Phou đi vòng quanh thế giới rồi cuối cùng lọt vào tay một nhà sưu tầm người Nhật. Khi sở hữu được đầu tượng Phật, nhà sưu tầm người Nhật trở nên mất ăn mất ngủ vì chứng kiến nhiều chuyện lạ xảy ra trong nhà mình. Thế là cuối năm 2009, ông quyết định trả lại đầu tượng về với đền Wat Phou thông qua Đại sứ quán 2 nước Nhật - Lào.


    Để đón nhận di tích hoàn nguyên, Chính phủ Lào tổ chức lễ đón rước trọng thể tại Wat Phou vào đầu năm 2010 với 4.000 ngọn đèn dầu thắp sáng liên tục từ chân đền lên đến đỉnh núi Phou Kao suốt 3 ngày đêm.
    Chúng tôi đi xuyên qua con đường có hàng trăm trụ linga bằng đá trồng 2 bên, leo lên hàng trăm bậc thang đá dựng đứng để vào ngôi đền chính có đặt những tượng Phật mang nét đặc trưng của triều đại Chân Lạp cổ.
    Tài liệu lịch sử Lào được bày bán trong Bảo tàng Wat Phou cho biết, UNESCO đã công nhận quần thể di tích cổ này là Di sản Thế giới vào năm 2001 và là nơi lưu giữ các giá trị về lịch sử và văn hóa Lào.


    Các tài liệu này xác định, Wat Phou là một đền thờ cổ của người Chân Lạp được xây dựng từ thế kỷ thứ V sau Công nguyên. Trong đống đổ nát do thời gian, thành Crethapura, kinh đô đầu tiên của vương quốc Chân Lạp vẫn còn hiện hữu khá rõ nét và đang được các nhà khảo cổ học thế giới bắt tay tôn tạo dần. Ở phía sau ngôi đền, một dòng suối chảy ra từ yoni đá vẫn được bảo quản nguyên vẹn. Ở cạnh sườn núi, nhiều di chỉ lạ vẫn còn nguyên vẹn trên các khối đá lớn như: hình Phật hiện, dấu bàn chân Phật, dấu hình voi…


    Các nhà khảo cổ học phát hiện rằng, cánh cổng phía nam của di tích chiếu thẳng đến đền cổ Angkor Wat của Campuchia và đền cổ Prehvihia. 3 di tích cổ này cùng với ngôi đền cổ ở Myanmar tạo thành một đường thẳng trên mặt lục địa. Thuở xưa, có một con đường thẳng tắp, nối liền Wat Phou với Angkor Wat dài khoảng 100km. Con đường đó, bây giờ đã bị gãy khúc do thời gian và sự phát triển của các đô thị dân cư.


    Những tàn tích còn lại cho thấy, tín ngưỡng Hindu và thuyết Vật linh đã xuất hiện tại đây. Theo các nhà sử học, Wat Phou là đền thờ xưa nhất ở Lào, từng là trung tâm thờ thần Shiva. Đến thế kỷ XIII, khi Phật giáo từ Thái Lan và Myanmar tràn sang rồi trở thành quốc giáo trên đất nước Vạn Tượng thì Wat Phou biến dần thành ngôi chùa Phật. Khi Wat Phou được các nhà sư đến gìn giữ, thì những thầy tế rời đền lùi sâu vào rừng tìm những hang đá tu luyện. Những thầy tế này là những vị tổ của giới pháp sư Lào ngày nay.


    Khi Phật giáo chưa ảnh hưởng đến ngôi đền Wat Phou, hằng năm tại đây diễn ra nhiều nghi lễ tế thần rùng rợn.
    Bàn chân Phật và phù điêu voi trên vách núi Phou Kao được cho là thiên nhiên tạo tác.


    Tương truyền rằng mỗi năm một đêm, vua Chân Lạp vượt qua những sườn núi hiểm trở, đột nhập vào trong đền, nơi có lính canh giữ, hạ sát một nhân mạng lấy máu hiến tế thần linh để cầu mong cho đất nước được bình yên, thịnh vượng

    Sau này, Kumantha - người kế thừa Wat Phou tiếp tục duy trì tập tục bằng việc đích thân mình cắt cổ một đôi nam nữ trinh trắng để lấy máu hiến tế thần.


    Khi Phật giáo xuất hiện, tục hiến tế nhân mạng được thay thế bằng lễ hiến tế trâu song song với lễ hội cầu mưa.
    Trong dân gian Lào vẫn còn một truyền thuyết khác về lễ hiến tế ở Wat Phou. Truyền thuyết kể rằng, lãnh chúa Champa Nakhon có một người con gái tên Nàng Phăn đã bị một chàng trai quyến rũ dẫn đến có thai. Một ngày, chàng trai sực tỉnh nhận ra thân phận thấp kém của mình không xứng với Nàng Phăn.

    Lo sợ bị lãnh chúa trừng phạt, chàng trai bỏ đi mất xứ. Nàng Phăn si tình căm giận chàng trai đã tuyên một lời nguyền: Người con gái nào bị con trai quyến rũ mà chửa hoang như nàng thì phải cúng thần một con trâu để giải tội. Nếu không thì lúa trên rẫy sẽ chết khi thành bông, lúa trên đồng sẽ khô héo, tàn lụi.
    Thế nhưng ở đâu cũng có những cô gái lầm lỡ. Vì vậy để cứu mùa màng, hằng năm người dân đều phải dùng trâu làm lễ giải tội. Thế nhưng mỗi dịp hội lễ giải tội là nam thanh nữ tú lại vui vẻ hẹn hò. Sau đó họ lại "ăn cơm trước kẻng" và lời nguyền vẫn cứ tồn tại.


    Ngày nay, lễ Wat Phou là lễ hội Phật giáo lớn nhất ở Lào, được tổ chức liên tục trong 3 ngày vào dịp rằm tháng 3 âm lịch. Mỗi dịp lễ hội, không những người dân khắp đất nước Lào mà người dân ở các tỉnh láng giềng vùng đông bắc Thái và Nam Myanmar cũng nô nức hành hương về đây. Trong lễ hội, ngoài các vị sư Phật giáo làm vai trò chủ lễ, còn có những thầy mó "hiệp sĩ" của 3 nước láng giềng Campuchia, Thái Lan và Myanmar cùng làm vai trò chăm sóc "ma" cho người hành hương.


    Như vậy là đã rõ, giao thoa văn hóa tín ngưỡng giữa Hindu giáo (thờ linh vật) và Nam tông Phật giáo đã sản sinh ra nhiều thế hệ tu sĩ tự do tức các pháp sư Lào ngày nay.
    Giống như những tu sĩ người Việt ẩn cư ở núi Tà Lơn (núi Bokor, Campuchia), những thế hệ tu sĩ này truyền thừa những phương pháp tu tiên tại thế.-

    Xuất phát từ tín ngưỡng thờ linh vật


    Sư Thích Thanh Tịnh trụ trì chùa Luang Van (tức chùa Long Vân) ở xóm Nhà Đèn, Pakse cho biết: "Ở Lào đa số các chùa đều theo hệ phái Nam Tông. Hầu hết các sư chùa Lào đều biết làm bùa chú để phát cho tín đồ. Vì vậy, việc hành nghề của các pháp sư không được xem là mê tín dị đoan mà là tín ngưỡng".


    Các nhà nghiên cứu gọi các pháp sư là tín đồ của thuyết Vật linh. Đó là một tôn giáo bản địa của hầu hết những người Môn Khmer (người Khmer cổ) xuất xứ từ giai đoạn phôi thai của kinh đô cổ Wat Phou. Tín ngưỡng này lan sang một số sắc tộc Mông, Myanmar, Tây Tạng và Thái cho đến tận ngày nay.
    Tín ngưỡng này cho rằng, tất cả mọi vật đều có linh hồn. Tảng đá, gốc cây, hang động, con suối, nanh heo, sừng trâu… Nếu con người biết cách "kêu gọi" bằng "mật khẩu" sẽ đánh thức linh hồn trong vật. "Mật khẩu" chính là câu chú mà các pháp sư hay dùng.


    Những pháp sư theo tín ngưỡng Vật linh có thể biến một vật bình thường như nanh heo, móng cọp thành kà thá (bùa phòng thân) để ban phát cho tín đồ. Họ tin rằng, khi đeo kà thá, ma quỉ không dám đến gần làm hại, tai ương tránh xa. Hầu hết các tướng lĩnh, sỹ quan quân đội Lào đều có một kà thá trong người để tránh đạn.
    Ngoài ra pháp sư còn dùng da trâu, móng ngựa, máu người để tạo thành những vũ khí tấn công đối phương (thư ếm). Họ tin rằng, pháp sư có thể dùng bùa phép biến miếng da trâu thành "sái nắn" nằm trong bụng đối phương gây nên chứng… xơ gan. Nếu không nhờ một pháp sư cao tay ấn trục "sái nắn" ra khỏi người, nạn nhân sẽ chết dần mòn trong đau đớn.


    Một chiếc móng ngựa sẽ được pháp sư mài nhỏ thành một miếng hình tròn, dẹp rồi "tôm" bùa vào để biến thành "lẹp mà". Các võ sĩ đeo "lẹp mà" sẽ có cú đá hậu dũng mãnh như… ngựa.
    Trong những câu chuyện trà dư tửu hậu, người dân Lào thường truyền tụng nhiều câu chuyện đến các nhân vật lịch sử của đất nước họ sử dụng bùa.


    Chuyện kể rằng, Hoàng thân Boun Oum Na Champassak (người thừa kế vương triều Champassak, Nam Lào) có bùa tàng hình nên nhiều lần hiến binh Nhật bao vây nhưng ông vẫn trốn thoát được. Chuyện cũng kể rằng, Hoàng thân Phetsarath Rattanavongsa (anh cùng cha khác mẹ với Hoàng thân Souphanouvong) có "nuôi" bùa "hái tùa" nên lặn xuống nước nửa ngày vẫn không bị ngộp thở. Và Hoàng thân Souphanouvong có bùa tránh đạn nên nhiều lần thoát chết trong những ngày kháng chiến.
    Con đường linga được cho là chiếu thẳng trục đến Angkor Wat và đền Prehvihia.


    Hầu hết các pháp sư Lào đều biết y thuật. Trong thuật Đông y của pháp sư Lào đều có ngải. Phương pháp luyện ngải của các pháp sư Lào và pháp sư Việt khá giống nhau từ câu chú cho đến chữ bùa.

    Những khả năng huyền bí của bùa Lèo có thật hay không, khoa học hiện đại đã và đang chứng minh. Sư Thích Thanh Tịnh nêu quan điểm: "Niềm tin cũng có thể giúp con người vượt qua rất nhiều thứ. Nếu niềm tin vô hại thì đừng phủ nhận nó".


    Có một điều khá nguy hiểm đối với các pháp sư Lào là ngày nay họ đã quá lạm dụng loại chì lá thay vàng lá để làm kà thá và sử dụng một số ngải độc để trị bệnh. Những yếu tố độc hại này không sát thương người sử dụng ngay mà ngấm dần vào cơ thể. Hàng chục năm sau, khi tích tụ đủ liều lượng, những chất độc này sẽ bộc phát giết người.


    Người Việt “chơi” bùa lèo


    Có thể nói, bùa Lèo nguyên thủy lan sang khu vực miền Trung nước ta, trở thành bùa Mường, bùa Mán. Khi đi vòng sang Thái Lan, Campuchia pha trộn với tà thuật bản địa và Myanmar rồi truyền sang nước ta trở thành những trường phái Trà Kha, Pà Li, Năm Ông… Bằng chứng là những chữ bùa và ngôn ngữ (câu chú) có mặt tại Việt Nam đều sử dụng ngôn ngữ Phạn, Pà Li, Thái và ngôn ngữ Lang Xang mà các pháp sư Lào vẫn dùng.


    Một số thư tịch cổ của Lào ghi nhận rằng, từ thế kỷ XVIII - XIX những pháp sư Lào đã lang thang sang miền Tây Nam Bộ nước ta bắt ma. Trên bước đường hành hiệp, họ đã để lại một luồng tín ngưỡng Vật linh pha trộn với văn hóa tín ngưỡng bản địa Khmer tạo thành tín ngưỡng bùa chú ở khu vực phía Nam nước ta.


    Có một dạo, rất nhiều pháp sư Việt cũng khăn gói sang Wat Phou "du học" bùa Lèo.
    Trước năm 1975, ông Tám T. ở Thuận Hưng (Thốt Nốt, Cần Thơ) đã từng sang Wat Phou thọ giáo bùa Lèo hơn 3 năm. Khi trở về, ông trở thành một pháp sư nổi tiếng ở khu vực. Sau này, không hiểu vì lý do gì, ông bỏ bàn thờ không luyện bùa chú nữa. Sau khi bỏ bàn thờ, ông trở nên điên loạn. Trong số 5 người con của ông thì có 3 người cũng đột ngột bị bệnh thần kinh. Xóm giềng tin rằng, ông bị tổ bùa Lèo hành vì… tội phản đồ.


    Tuy nhiên, khi nghiên cứu cách thức "luyện bùa" của ông, chúng tôi phát hiện ông sử dụng quá nhiều chì lá và ngải độc. Có lẽ, chất độc trong chì và ngải đã ngấm vào người ông và những đứa con trong một thời gian dài, tạo nên chứng bệnh.
    Hiện nay, tại TP HCM, một số người có bệnh vẫn sang Pakse để tìm pháp sư xin bùa, ngải trị bệnh. Một số doanh nghiệp cũng sang Lào xin kà thá hoặc bùa may mắn.


    Bà Vân - một Việt kiều sinh sống tại Pakse hơn 20 năm với nghề sản xuất kem tại bản Luang (Km số 2) kể: "Ở bản tôi có một mó rất nổi tiếng. Mó k'lăm (kiêng cữ) nêu tên. Rất nhiều người từ TP HCM sang gặp mó xin bùa. Có cả Việt kiều Mỹ nữa. Mó không lấy tiền nhưng trở thành thông lệ, cứ một lần xin bùa, người ta tự cúng tổ cho mó 300.000 kip (khoảng 800.000 tiền Việt Nam)"


    Nông Huyền Sơn
    Last edited by Bin571; 19-06-2016 at 11:14 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  3. #3

    Mặc định

    Đi tìm sự thật quanh…bùa Lèo

    Thứ Hai, 22/6/2015 12:32 GMT+7

    (PLO) - Giới pháp sư Lào xem ngọn núi Phou Kao là nơi người trần gian có thể hấp thu linh khí từ cõi trời. Vì vậy, có dạo thầy mó ở các nơi khác khăn gói về đây, leo lên đỉnh Phou Kao tìm hang đá làm am tu luyện.

    Ngải Lào
    Sau năm 1980, chính quyền không cho người dân tự tiện vào núi vì bảo tồn quần thể di tích Wat Phou. Các thầy mó rời núi chọn đất hoang quanh vùng cất chòi lá định cư. Bây giờ, thầy mo không còn nhiều nhưng cũng đủ giúp dân làng không bị các "phí" (linh hồn xấu) phá rối, yên tâm sinh sống.

    Những tàn tích còn lại ngôi đền Wat Phou cho thấy tín ngưỡng Hindu và thuyết Vật Linh đã xuất hiện tại đây. Theo các nhà sử học, Wat Phou là đền thờ xưa nhất ở Lào, từng là trung tâm thờ thần Shiva. Đến thế kỷ 13, khi Phật giáo từ Thái Lan và Myanmar tràn sang rồi trở thành quốc giáo trên đất nước Vạn Tượng thì Wat Phou biến dần thành ngôi chùa Phật. Khi Wat Phou được các vị sư Phật giáo đến gìn giữ, những thầy tế rời đền lùi sâu vào rừng tìm những hang đá tu luyện. Những thầy tế này là những vị tổ của giới pháp sư Lào ngày nay.


    Khi Phật giáo chưa ảnh hưởng đến ngôi đền Wat Phou, hàng năm tại đây diễn ra nhiều nghi lễ tế thần rùn rợn.
    Thời trẻ, mó Khào Thạu là một tu sỹ Phật giáo Mật Tông ở chùa Vat Sio Kat Pu Pan và chùa Vat Sin Hon (Thái Lan). Một đêm, mó nằm mơ thấy một vị Phật khuyên nên đi bắt ma cứu nhân độ thế. Thế là mó thoát tục đi chu du khắp nơi để học hỏi thêm bùa chú và bắt ma. Bây giờ, mó không theo trường phái nhất định nào cả, cứ thấy pháp sư nào có bí quyết hay là mó trao đổi, học hỏi. Mó không bao giờ dùng bất kỳ phương tiện giao thông nào, chỉ đi bộ.


    Có năm, mó khởi hành từ Pakse đi một đường thẳng sang động Batu (Malaysia) rồi vòng về Myanmar. Mỗi năm, mó về quê nhà Nong Du nghỉ ngơi 1 tháng để chế biến dầu gió từ một loại ngải rồi lên núi Phou Kao hấp thu linh khí, "dạy dỗ" số ma bắt được 1 tháng cho đến tết té nước Lào mới xuất sơn tiếp tục hành trình.


    Mó Khào Thạu cho biết, trong thế giới tâm linh có rất nhiều loại phí (linh hồn) nhưng được chia ra làm 2 dạng. Phí thiện gồm có: Phí phek (hồn người chết không siêu thoát được nhưng không hại ai), 12 vị phí muang (giống như Ngũ vị Nương nương), phí hak sa ban (giống như Thần hoàn Bổn cảnh)… Phí ác gồm có: Phí phoong (giống như ma cà rồng), phí koong (má rú), phí phọp (ma lai), phí phoong (ác quỉ), phí phai (linh hồn của ác thú)…


    Gia chủ bị ma ám không mời, ông cũng đến bắt ma. Tuy nhiên, theo nếp sống phong tục từ ngàn xưa, hầu như gia chủ nào cũng đón tiếp ông nồng hậu. Khi bắt ma xong, dù không yêu cầu, gia chủ luôn cúng cho ông mớ tiền làm lộ phí để tiếp tục hành hiệp.


    Mỗi khi trở về núi Phou Kao, ông dùng phép thuật phân loại ma. Ma hướng thiện, ông sẽ hướng dẫn cách quy y Phật để siêu thoát. Ma hung dữ nhưng chịu thần phục, ông sẽ huấn luyện thành những "tiểu đội hộ vệ quân". Mỗi khi muốn trấn áp một linh hồn nào ông sẽ cử "tiểu đội" này ra tay. Ma hung ác, ông sẽ dùng phép thuật tiêu diệt.
    Một vị sư Lào đang cho bùa


    Đối với người Lào, bùa chú không thuộc phạm trù mê tín, dị đoan mà là một tín ngưỡng trần thế song song với tín ngưỡng thoát tục của tôn giáo. Người Lào có câu "đến chùa thờ Phật, về bản thờ thầy mó". Mỗi bản đều có ít nhất một pháp sư. Mỗi người đều có 1 cà thá (bùa hộ mệnh). Khi chào đời, đứa bé được 1 pháp sư ban cà thá. Trong cuộc sống thường nhật, khi gặp chuyện không may, gia đình không êm ấm, hầu hết người Lào đều tìm đến pháp sư tham khảo ý kiến.


    Nhiều pháp sư còn được người dân bầu giữ chức trưởng bản. Những pháp sư cư ngụ 1 chỗ cố định được gọi là mó bản. Còn những pháp sư đi ngao du hành hiệp như mó Khào Thạu được gọi là mó hặc xá (pháp sư cõi trần được cõi trên giao nhiệm vụ cứu nhân độ thế). Ở Lào những pháp sư hành hiệp như mó Thào Thạu không ít.


    Ở các bệnh viện phụ sản, việc pháp sư vào tận giường ban cà thá là chuyện bình thường, không ai cấm cản. Ở chùa, các vị sư đều giỏi bùa phép và sẵn sàng ban bố bùa, ngải cho Phật tử. Người Lào bày bán bùa chung với văn hóa phẩm và bày bán ngải chung với thuốc đông y.


    Các nhà nghiên cứu gọi các pháp sư là tín đồ của thuyết Vật Linh. Đó là một tôn giáo bản địa của hầu hết những người Môn Kh'mer (người Kh'mer cổ) xuất xứ từ giai đoạn phôi thai của kinh đô cổ Wat phou. Tín ngưỡng này lan sang một số sắc tộc Mông, Myanma, Tây Tạng và Thái cho đến tận ngày nay.


    Tín ngưỡng này cho rằng, tất cả mọi vật đều có linh hồn. Tảng đá, gốc cây, hang động, con suối, nanh heo, sừng trâu…. Nếu con người biết cách "kêu gọi" bằng "mật khẩu" sẽ đánh thức linh hồn trong vật. "Mật khẩu" chính là câu chú mà các pháp sư hay dùng.
    Những pháp sư theo tín ngưỡng Vật Linh có thể biến một vật bình thường như nanh heo, móng cọp thành kà thá (bùa phòng thân) để ban phát cho tín đồ. Họ tin rằng, khi đeo kà thá, ma quỉ không dám đến gần làm hại, tai ương tránh xa. Hầu hết các tướng lĩnh, sỹ quan quân đội Lào đều có 1 kà thá trong người để tránh đạn.


    Ngoài ra pháp sư còn dùng da trâu, móng ngựa, máu người để tạo thành những vũ khí tấn công đối phương (thư ếm). Họ tin rằng, pháp sư có thể dùng bùa phép biến miếng da trâu thành "sái nắn" nằm trong bụng đối phương gây nên chứng… sơ gan. Nếu không nhờ một pháp sư cao tay ấn trục "sái nắn" ra khỏi người, nạn nhân sẽ chết dần mòn trong đau đớn.


    Một chiếc móng ngựa sẽ được pháp sư mài nhỏ thành một miếng hình tròn, dẹp rồi "tôm" bùa vào để biến thành "lẹp mà". Các võ sỹ đeo "lẹp mà" sẽ có cú đá hậu dũng mãnh như… ngựa. Hầu như mọi võ sỹ xứ triệu voi đều có ít nhất một lá bùa "lẹp mà" trong người xem như đó là nơi cất giữ sinh mạng của họ. Nếu để bị mất lá bùa "lẹp mà", võ sỹ sẽ phải giải nghệ.
    Vì vậy, để an toàn, có người xâm hẳn lá bùa "lẹp mà" vào thân thể. Họ tin rằng, bùa "lẹp mà" đã giúp họ không đau đớn khi ăn đòn của đối phương, đồng thời đòn của họ sẽ làm đối phương đau đớn. Bùa người nào mạnh sẽ giúp người đó chiến thắng.
    Ở Lào, bùa chú bán chung với văn hóa phẩm


    Chuyện kể rằng hoàng thân Boun Oum Na Champassak (người thừa kế vương triều Champassak, Nam Lào) có bùa tàng hình nên nhiều lần hiến binh Nhật bao vây nhưng ông vẫn trốn thoát được. Chuyện cũng kể rằng ông hoàng Phetsarath Rattanavongsa (anh cùng cha khác mẹ với hoàng thân Souphanouvong) có "nuôi" bùa "hái tùa" nên lặn xuống nước nửa ngày vẫn không bị ngộp thở. Và hoàng thân Souphanouvong có bùa tránh đạn nên nhiều lần thoát chết trong những ngày kháng chiến.


    Hầu hết các pháp sư Lào đều biết y thuật Đông y. Trong thuật Đông y của pháp sư Lào đều có ngải. Phương pháp luyện ngải của các pháp sư Lào và pháp sư Việt khá giống nhau từ câu chú cho đến chữ bùa.
    Những khả năng huyền bí của bùa Lèo có thật hay không, khoa học hiện đại đã và đang chứng minh.


    Có một điều khá nguy hiểm đối với các pháp sư Lào là ngày nay họ đã quá lạm dụng loại chì lá thay vàng lá để làm kà thá và sử dụng một số ngải độc để trị bệnh. Những yếu tố độc hại này không sát thương người sử dụng ngay mà ngấm dần vào cơ thể. Hàng chục năm sau, khi tích tụ đủ liều lượng, những chất độc này sẽ bộc phát giết người.


    Dù thế nào đi nữa, bùa chú đã tồn tại từ hàng ngàn năm trước và vẫn đang tồn tại song song với đời sống xã hội của một bộ phận không nhỏ. Cần phải nhìn nhận bùa chú là một phần của văn hóa phi vật thể đáng được các nhà khoa học dành nhiều thời gian nghiên cứu một cách nghiêm túc cho dù khoa học đã và đang chứng minh những điều linh nghiệm của nó chỉ là thủ thuật của các pháp sư thuở xưa.


    Nguyễn Thư – P.Lâm


    Last edited by Bin571; 19-06-2016 at 11:31 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •