PV huyền thoại Tim Page: “Chiến tranh nuôi kẻ giàu và vùi xác những kẻ nghèo khó...“

Đăng Bởi Một Thế Giới - 14:00 27-04-2015




"Có lần tôi gặp những tay buôn vũ khí, họ cười và bảo tôi rằng phải có cách nào để bán những khẩu súng dư thừa. Tổng thống Roosevelt có lần nói nước Mỹ sẽ mắc nợ quân đội và những tay buôn súng mãi mãi... Chiến tranh nuôi những kẻ giàu và chôn vùi xác những kẻ nghèo khó". phóng viên chiến trường huyền thoại Tim Page - đồng tác giả cuốn "Sinh ngày 4.7" đã chia sẻ với PV báo Một Thế Giới


PV: Thưa ông, trở lại Việt Nam sau 40 năm kết thúc chiến tranh, ông có chia sẻ gì về cuộc chiến đã qua không?

Tim Page: Cuộc chiến tranh Việt Nam thật vô nghĩa và phí phạm, đáng lý chính phủ Hoa Kỳ có thể tránh một cuộc chiến nếu như nghe theo lời của cố vấn cấp cao từ những năm 1945. Đã rất nhiều lần tôi suy nghĩ về cuộc chiến này. Đây như là một sự ám ảnh trong cuộc đời tôi. Đến hiện nay tôi đã cho xuất bản hơn mười cuốn sách về Việt Nam trong đó có tập ảnh "Nam" nổi tiếng và từng là trong 10 cuốn bán chạy nhất tại Hoa Kỳ. Cuộc chiến này có nhiều cái đặc biệt. Thứ nhất đây là lần đầu tiên báo chí được phép tự do thông tin. Thứ hai là các nhà báo tự do lần đầu được tác nghiệp tại chiến trường. Thứ ba là đây là lần đầu tiên nước Mỹ thất bại. Có lẽ sẽ khó có thể tìm được một cuộc chiến nào so sánh được với cuộc chiến này.

- Được biết ông đã từng giảng dạy đại học, ông có chia sẻ những kinh nghiệm về Việt Nam với các học trò của mình không?

- Tôi đi dạy một thời gian nhưng tôi không làm nữa vì tôi không có một bằng cấp nào về báo chí. Họ trả tôi 20 đô Úc một giờ kém hơn những đồng nghiệp hàng trăm đô la. Có những người không có chút kinh nghiệm báo chí nào vẫn giảng dạy và nhận lương cao hơn tôi rất nhiều. Việt Nam là trường học báo chí của tôi, dạy cho tôi những bài học vô giá qua những đợt tác nghiệp.

- Trong chiến tranh, đợt tác nghiệp nào khiến ông ấn tượng nhất?

- Có lẽ đó là lần mà tôi bị thương và trôi dạt trên biển, khu vực đầy cá mập và chúng tôi ở giữa hai làn đạn của cả hai bên. Tôi không thể hiểu nổi vì sao tôi còn sống sót sau sự kiện ấy. Sau khi trải qua 3 lần phẫu thuật, tôi đã cảm thấy sợ hãi và chán nản. Sau đó tôi đi Sri Lanka và bắt đầu theo nghiên cứu Phật học. Tuy nhiên, có điều rất lạ lôi kéo tôi trở lại Việt Nam và thực hiện những chuyến đi trong thời bình.
- Ông có thể kể thêm về những chuyến đi đó không?
- Đó là năm 1984, tôi là người nước ngoài đầu tiên được tác nghiệp tại Việt Nam ở những nơi hẻo lánh như Kon Tum. Đường sá lúc đó không được tốt như bây giờ, tôi còn nhớ đi xe từ Đà Nẵng lên Hà Nội phải mất đến hai ngày... Trong chuyến đi đó tôi đã được dịp gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lúc đó tôi rất mệt vì cái nóng và những vết thương từ cuộc chiến, tôi cố lắp máy ảnh và tiến đến chỗ ông Giáp. Bất ngờ tôi trượt ngã và mọi thứ trên máy ảnh văng khắp nơi. Tướng Giáp đã cười và tôi cũng cảm thấy bớt căng thẳng hơn được đôi chút khi nhìn thấy điều đó.

- Vậy điều gì đã gây ảnh hưởng lên ông nhiều nhất trong suốt thời gian ở Việt Nam?

- Tôi nghĩ đó là một con người. Ông Phạm Xuân Ẩn khi ấy là cấp trên của tôi. Ông Ẩn như là một người cha đỡ đầu cho tôi, khi ấy tôi chỉ mới 19, 20. Ông Ẩn là người giới thiệu văn hóa Việt Nam cho tôi, chỉ ra cho tôi hiểu được tình hình cuộc chiến và vì sao cuộc chiến này diễn ra... Ở bên cạnh ông Ẩn tôi luôn cảm giác được bảo vệ, có lẽ ông Ẩn đã có những động thái giúp đỡ chúng tôi tác nghiệp mà chúng tôi không biết được.

- Vậy có bao giờ ông nghi ngờ ông Ẩn?
- Không, tôi chưa bao giờ nghi ngờ ông Ẩn. Với tôi ông Ẩn là một người đồng nghiệp tuyệt vời và như là một người cha đỡ đầu. Ngay từ đầu tôi đã có những hoài nghi về cuộc chiến này. Năm 1941, tổng thống Mỹ Roosevelt đã nói sau trận Chân Trâu Cảng: "Nước Mỹ sẽ nợ nần quân đội và các tay buôn vũ khí mãi mãi". Chiến tranh không tốt cho dân chúng nhưng nó là miếng mồi ngon cho các thương vụ làm ăn. Chiến tranh nuôi những kẻ giàu và chôn vùi xác những kẻ nghèo khó. Tôi luôn băn khoăn vì sao cuộc chiến này diễn ra, nhiều người có cách giải thích của riêng họ. Trong một lần gặp các nhà buôn vũ khí, một trong số họ đã cười và nói rằng phải có cách nào đó để bán đi những khẩu súng dư thừa.

- Sau bao nhiêu năm trôi qua ông có nguyện ước nào để chia sẻ không?
- Tôi có những đồng nghiệp mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Hiện tôi đã bỏ nhiều năm để tìm kiếm thông tin về họ nhưng vẫn chưa có kết quả khả quan nào. Tôi hy vọng sẽ tìm được phần còn lại của họ trước khi nhắm mắt xuôi tay. Tôi không bao giờ muốn nhìn thấy chiến tranh ở bất kỳ nơi đâu trên trái đất này với bất kỳ lý do nào nữa.
- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Tim Page là phóng viên ảnh, đến Sài Gòn vào năm 1965 khi mới 20 tuổi. Trong những năm tháng ở Việt Nam ông đã chứng kiến nhiều điều khốc liệt và đau thương. Sự tàn phá ghê gớm của chiến tranh không ngăn cản ông đi sâu vào các chiến trường và ghi lại sự thật về cuộc chiến.
Sau này ông thành lập nhiều tổ chức từ thiện như Tổ chức tưởng niệm các nhà báo Đông Dương, nhằm tưởng nhớ những nhà báo đã hy sinh để ghi lại sự thật của cuộc chiến, hướng dẫn những nhà nhiếp ảnh trẻ khắp Đông Nam Á. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách về chiến tranh Việt Nam, trong đó đồng tác giả cuốn "Sinh ngày 4.7" rất nổi tiếng. Về tác phẩm ảnh có cuốn "Nam" từng đứng thứ 9 những cuốn sách bán chạy nhất tại Mỹ. Ông đã giúp chính phủ Việt Nam tập hợp rất nhiều hình ảnh về cuộc chiến và được trưng bày ở Bảo tàng Di tích Chiến tranh TP.HCM. Báo chí quốc tế ca ngợi ông là nhà báo nhiếp ảnh chiến tranh huyền thoại.


Nguyễn Long (thực hiện)