kết quả từ 1 tới 4 trên 4

Ðề tài: Truy tìm nóc nhà trực thăng Mỹ chạy khỏi Sài Gòn

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Truy tìm nóc nhà trực thăng Mỹ chạy khỏi Sài Gòn

    Truy tìm nóc nhà trực thăng Mỹ chạy khỏi Sài Gòn

    - Năm 2000, tạp chí People mất nhiều ngày tìm kiếm ở TP.HCM chính xác địa điểm chiếc máy bay trực thăng chở người di tản từ nóc một tòa nhà mà trước đó nhiều người lầm tưởng là tòa Đại sứ quán Mỹ thời bấy giờ.
    Cách đây 15-20 năm, vào những ngày này, hàng trăm hãng thông tấn, truyền hình, báo chí nước ngoài có mặt tại Việt Nam để phản ánh mọi khía cạnh của cuộc chiến, hậu quả của nó cũng như tương lai phát triển của đất nước này. Tôi may mắn được trực tiếp tham gia một số dịp như vậy, nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất là các năm 1995 và 2000.


    Một góc đường trung tâm TP.HCM tháng 4/2015. Ảnh: Lê Anh Dũng
    Năm 1995, chiến tranh lùi xa đã 20 năm và Việt Nam trên chặng đường đổi mới đã được gần 10 năm. Báo chí nước ngoài, nhất là từ Mỹ và Nhật Bản xin vào ta hoạt động từ rất sớm, trước ngày 30/4 cả 2-3 tháng, để thực hiện các phóng sự giới thiệu một Việt Nam hòa bình, đang đổi mới năng động và nhiều tiềm năng phát triển.
    Tôi còn nhớ đài truyền hình TBS (Nhật Bản) cử rất nhiều đội quay vào Việt Nam, hoạt động rộng khắp gần như cả nước.



    Trước đó, chúng tôi phải đi tiền trạm đến nhiều địa diểm, gặp gỡ rất nhiều nhân chứng và chuẩn bị các nhân vật chính của phim theo yêu cầu của TBS.
    TBS mang vào Việt Nam hàng tấn thiết bị, trong đó có cả thiết bị phát hình qua vệ tinh rất hiện đại. Việc tạm nhập, tái xuất các thiết bị như vậy hết sức khó khăn do không có trong danh mục hàng hóa có thể nhập vào Việt Nam hồi đó.


    Một trong những nhân vật “đinh” của phóng sự tài liệu của TBS là Hà Kiều Anh, người đã giành vương miện hoa hậu báo Tiền Phong năm 1992 và thuộc thế hệ sinh sau năm 1975.
    Sau này tôi mới hiểu tại sao các bạn Nhật Bản lại chọn Hà Kiều Anh, không phải vì cô ấy là hoa hậu mà vì ông nội cô là nhà ngoại giao lão thành Hà Văn Lâu, người đã trực tiếp tham gia cả hai Hội nghị Geneva và Paris về Việt Nam.
    Một Việt Nam trong con mắt người Nhật lúc đó chính là sự kết nối giữa quá khứ lịch sử với hiện tại và tương lai.


    Cuộc tìm kiếm các chiến sĩ xe tăng 390


    Trong những năm 1990, rất nhiều phóng viên chiến trường từng tác nghiệp tại miền Nam Việt Nam thời kỳ chiến tranh là “khách ruột” của Trung tâm báo chí, trong đó có các phóng viên nhiếp ảnh nổi tiếng như Tim Page, Jean-Claude Labbe, Françoise Demulder…


    Bức ảnh của nữ nhà báo Pháp FrançoiseDemulder chụp đúng khoảnh khắc 2 chiếc xe tăng vào dinh Độc Lập, khi đó chiếc 843 bị mắc kẹt tại cổng phụ và chiếc 390 tiến vào sân
    Riêng nữ nhà báo Pháp Françoise Demulder là người duy nhất ghi lại được thời khắc lịch sử khi những chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.


    Những tấm ảnh đó chỉ được đăng một lần trên một tờ báo Pháp, rồi sau đó nằm im trong văn phòng của chị.
    Năm 1994, anh Phạm Công Dũng, cán bộ của Trung tâm báo chí nước ngoài Bộ Ngoại giao (nay đã nghỉ hưu ), trong một chuyến công tác sang Pháp, đã ghé thăm văn phòng của nữ nhà báo.
    Anh Dũng đã sửng sốt khi nhìn thấy một bức ảnh và phát hiện chiếc xe tăng húc đổ cổng chính dinh Độc Lập mang số hiệu 390, không chỉ là chiếc 843 như sách báo Việt Nam từng viết.

    Và năm 1995, Françoise trở lại VN, bắt đầu cuộc hành trình tìm lại những người lính tăng xe 390. Việc tìm kiếm không hề đơn giản, do chiến tranh đã lùi xa 20 năm.
    Chị Demulder đến VN năm 1995 cùng các chiến sĩ tăng 390 và anh Dũng (mặc áo trắng)
    Sau nhiều ngày, anh em ở Trung tâm báo chí nước ngoài cũng tìm được các anh, mỗi người mỗi quê, làm các công việc khác nhau.
    Hồi đó báo chí Việt Nam đã viết nhiều về câu chuyện này và đạo diễn Phạm Việt Tùng đã làm phim tư liệu “Những người lính xe tăng 390 ngày ấy…” gây tiếng vang lớn.
    Những tấm ảnh của Françoise Demulder, sau khi được công bố ở VN, đã góp phần làm sáng tỏ chi tiết lịch sử trên. Những người lính tăng 390 đã được biết đến và được quan tâm nhiều hơn.


    Cuộc tìm kiếm tòa nhà trực thăng Mỹ di tản


    Năm 2000, tuy không trực tiếp đi cùng các phóng viên nhưng tôi vẫn nhớ mãi dự án của tạp chí People (Mỹ). Họ dành nguyên số ra ngày 1/5/2000 cho Việt Nam với sự tham gia của gần 30 lượt phóng viên ra vào trong khoảng 2 tháng.
    Tạp chí đã phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thượng nghị sĩ Mỹ Jonh McCain và gặp gỡ rất nhiều người ở mọi tầng lớp khác nhau.


    Kim Phúc, "Napalm Girl" trong bức ảnh xưa của nhiếp ảnh gia Nick Ut. Tác giả ảnh và Kim Phúc trong một sự kiện khai trương của bảo tàng khoa học ở London, Anh có sự tham dự của Nữ hoàng Anh. Ảnh: spokeo

    Để có tư liệu giúp phóng viên viết bài cho chuyên mục “Không thể lãng quên”, chúng tôi phải cử nhiều người đi tìm lại những người thân của chị Kim Phúc trong bức ảnh nổi tiếng “Napalm Girl” của nhiếp ảnh gia Nick Ut.
    Việc tìm kiếm cũng mất rất nhiều thời gian, mặc dù trước đó đã có nhiều phóng viên gặp gỡ, chụp ảnh nhưng ít người biết lúc đó họ đang sống ở đâu, làm gì.


    Thú vị nhất là việc tìm lại chính xác địa điểm nơi chiếc máy bay trực thăng chở người di tản từ nóc một tòa nhà mà trước đó nhiều người lầm tưởng là tòa Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn thời bấy giờ.
    Trước đó, People đã mất khoảng 5 tháng để tìm lại viên phi công lái chiếc trực thăng này. Sau nhiều ngày tìm kiếm, đối chiếu các dữ liệu, phóng viên cũng tìm ra địa diểm chính xác, đó là nóc tòa chung cư số 22 Lý Tự Trọng.
    Tòa nhà hồi đó có tên là Pittman Apartment, nơi ở của nhiều nhân viên tình báo CIA nằm trên đường Gia Long (sau giải phóng được đổi tên thành Lý Tự Trọng ).


    Tầng trệt của toà nhà 22 Lý Tự Trọng nay được sửa sang thành một cửa hàng. Ảnh: Lê Anh Dũng
    Trong buổi chiều hỗn loạn của đường phố Sài Gòn ngày 29/4/1975, phóng viên nhiếp ảnh người Hà Lan Hubert Van Es làm việc cho hãng thông tấn UPI đã may mắn chụp được bức ảnh để dời này từ chính văn phòng của ông nằm đối diện với tòa nhà.
    Nghe nói trong những năm sau đó, rất nhiều khách du lịch nước ngoài muốn được đến để chiêm ngưỡng nóc tòa nhà “lịch sử” này.


    Sau nhiều năm làm việc tại Trung tâm báo chí nước ngoài, được cùng phóng viên khám phá những câu chuyện của chiến tranh, chúng tôi càng thấm thía giá trị của hòa bình. Đằng sau mỗi sự kiện, dù nhỏ hay lớn, đều ẩn chứa những số phận của mỗi con người.


    Chính họ là những mảnh ghép làm nên lịch sử của dân tộc Việt Nam, cho dù đó là những trang lịch sử oai hùng hay đau thương, nhưng không bao giờ bị lãng quên. Tôi nhớ mãi câu nói của ai đó rằng, chúng ta không thể thay đổi lịch sử nhưng có thể thay đổi tương lai.


    Quang Lương
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    Người chụp bức hình để đời về chiến tranh VN

    Phóng viên ảnh người Hà Lan Hubert Van Es có bức ảnh để đời về Chiến tranh Việt Nam, chụp một nhóm người cố chen lấn trên chiếc thang để leo lên trực thăng đậu trên nóc nhà chạy thoát khỏi Sài Gòn năm 1975.

    Phóng viên ảnh người Hà Lan Hubert Van Es chụp tại Hong Kong tháng 8/2008. Ảnh: Reuters
    Ngày 29/4/1975, trực thăng của Air America bay tới một chung cư gần đại sứ quán Mỹ. Bãi đỗ trên mái hẹp tới mức người di tản phải dùng thang leo lên nóc.
    Hubert Van Es lúc bấy giờ là phóng viên hãng tin UPI đã chụp được khoảnh khắc một sĩ quan CIA nghiêng người kéo những người di tản từ thang lên máy bay trực thăng.
    Bức ảnh đã nhanh chóng được truyền đi khắp thế giới và trở thành một khoảnh khắc lịch sử đánh dấu chiến dịch di tản tuyệt vọng khỏi Sài Gòn của người Mỹ và đồng minh.
    Nói năng dí dỏm, các cộng sự đánh giá Hubert Van Es là người rất dũng cảm và tháo vát.

    Một lính Mỹ bị thương đang chờ nhân viên y tế đến trợ giúp. Ảnh chụp tháng 5/1969
    Ông tới Hong Kong làm phóng viên tự do năm 1967, sau đó làm việc tại báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng. Năm tiếp theo ông tới Việt Nam làm việc cho NBC News rồi làm cho AP tại Sài Gòn từ 1969-1972. Từ 1972-1975, ông đảm nhận cương vị phụ trách ảnh chiến tranh Việt Nam cho hãng tin UPI.

    Ảnh ông chụp một người lính bị thương với cây thánh giá nhỏ lấp lánh, nổi bật trên nền chân dung tối, cách đây hơn 40 năm, đã trở thành bức ảnh nổi tiếng về trận "Đồi thịt băm" vào tháng 5/1969.
    Và bức ảnh chụp chiếc trực thăng di tản từ trên nóc một tòa nhà ở Sài Gòn ngày 29/4/1975 đã trở thành biểu tượng rõ nét nhất cho cuộc tháo chạy trong tuyệt vọng của quân Mỹ và đồng minh cũng như chính sách sai lầm của Mỹ tại Việt Nam.

    Và bức ảnh lịch sử
    Từ vị trí thuận lợi trên ban công của UPI cách đó vài tòa nhà, Hubert Van Es đã ghi lại được cảnh tượng bằng chiếc máy với ống kính 300-mm, ống kính dài nhất mà ông có.
    Sau này, ông nói, không phải toàn bộ khoảng 30 người trên nóc nhà được di tản và chiếc UH-1 Huey đã quá tải lúc cất cánh.
    Tấm ảnh khiến Hubert Van Es trở nên nổi tiếng nhưng ít năm sau, ông nói với bạn bè rằng phải mất rất nhiều thời gian để giải thích đó không phải là bức hình chụp trên nóc tòa nhà đại sứ quán Mỹ.


    Sinh ra ở Hilversum, Hà Lan, Hubert Van Es học tiếng Anh lúc chơi đùa với các binh lính trong Thế chiến 2. Ông quyết định trở thành phóng viên ảnh sau khi tới một triển lãm ở bảo tàng địa phương năm 13 tuổi, nhìn thấy tác phẩm của phóng viên ảnh chiến trường huyền thoại Robert Capa.
    Sau khi tốt nghiệp đại học, ông bắt đầu làm phóng viên ảnh năm 1959 cho Nederlands Foto Persbureau ở Amsterdam, nhưng rồi châu Á đã trở thành nhà của ông.


    Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, ông trở lại Hong Kong và làm phóng viên tự do cho một số tờ báo, tạp chí Mỹ, châu Âu.
    Ngày 15/5/2009, ông qua đời tại bệnh viện Queen Mary, Hong Kong ở tuổi 67.
    Nhà báo kỳ cựu Mỹ Peter Arnett nhận xét: “Hubert Van Es là một trong số phóng viên ảnh phương Tây đã bất chấp nguy hiểm để trở thành nhân chứng vào thời điểm kết thúc chiến tranh”.

    Thái An (theo AP)
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  3. #3

    Mặc định

    Chiếc trực thăng cuối cùng

    30/04/2015 09:00



    Một chiếc trực thăng UH màu trắng bạc, đậu chênh vênh trên một nóc nhà nhỏ. Một người đứng bên trực thăng cúi xuống kéo từng người một đang rồng rắn leo lên từ một chiếc thang mỏng manh trên sân thượng một tòa nhà.


    3
    Bức ảnh nguyên gốc trực thăng đón và bốc người đi di tản


    Hình ảnh này xuất hiện trên nhiều tờ báo Mỹ và phương Tây đúng ngày 30.4.1975 khi loan tin “The fall of Saigon” - Sài Gòn thất thủ.
    Hình ảnh bi hài ấy nhanh chóng trở thành một biểu tượng cay đắng của một đế quốc khổng lồ tháo chạy khỏi một cuộc chiến dai dẳng với một đất nước nhỏ bé. Một ngày đầu tháng 4 năm nay, cùng một nhà báo Thụy Sĩ, tôi tìm đến địa điểm bức ảnh Chiếc trực thăng cuối cùng và câu chuyện phía sau. Năm 1975, cả anh và tôi đều còn nhỏ tuổi, giờ đây càng tò mò muốn biết cuộc chiến đã kết thúc ra sao.


    “Chuồng cu” cheo leo ở số 22 Gia Long


    Nhiều năm sau chiến tranh, bức ảnh có mặt ở nhiều nơi với dòng chú thích: trực thăng bốc người trên nóc Sứ quán Mỹ tại Sài Gòn. Nhưng sau đó, quyển hồi ký của Frank Snepp - điệp viên CIA mang tên Decent interval (ở VN sách được dịch với tên Cuộc tháo chạy tán loạn) cho biết đây không phải là Sứ quán Mỹ mà là tòa nhà số 22 Gia Long (bây giờ là đường Lý Tự Trọng). Lần theo con số đó, chúng tôi đến một tòa nhà bề thế, hiện là trụ sở của khá nhiều công ty thuộc một tổng công ty hóa chất. Tòa nhà có chiều ngang khoảng 30 m, cao 9 tầng, trông giống một chiếc hộp lớn, hay đúng hơn là một chiếc chuồng bồ câu có những ô cửa vuông vức. Nó nằm bên cạnh Trường Lasan Taberd (nay là Trường Trần Đại Nghĩa), cách ngã tư Đồng Khởi - Lý Tự Trọng mươi bước.


    Nếu chỉ nhìn từ dưới vỉa hè lên sẽ không thấy được sân thượng tòa nhà vì nó thụt vào sâu. Nhìn bức ảnh, chúng tôi nghĩ rằng giữa sân thượng có một “ngôi nhà nhỏ” bên trên có một “căn phòng” hay một kiến trúc gì đấy nơi chiếc trực thăng đáp xuống trên nóc. Thế nhưng, thật bất ngờ, khi cửa thang máy tầng 9 mở ra, chúng tôi mới nhận ra đây không phải là “ngôi nhà nhỏ” mà là một sảnh nhỏ có tường bao bọc cùng cửa ra của thang máy và cửa ra của thang bộ. Cái gọi là “căn phòng” phía trên thật ra là cái “chuồng cu” chứa các thiết bị kéo thang máy lên xuống, được xây bít lại và có nóc bằng phẳng. Cái “chuồng cu” chỉ cao khoảng 2,5 m, trong khi đó chiếc nóc bằng vuông vức của nó, mỗi bề cũng chỉ khoảng 2 m. Người ta xây viền quanh dưới chân “chuồng cu” một khoảng ô văng nhỉnh hơn 1 m. Chiếc chuồng cu bé nhỏ ấy đã phải đón một con chim sắt to lớn ngoài sức tiên liệu!


    3
    Hubert van Es - tác giả bức ảnh


    Cảnh vật trên sân thượng hầu như còn nguyên vẹn như trong bức ảnh 40 năm trước. Chiếc sân có hai cột thoát khí được xây như hai cột trang trí ốp gạch nâu. Còn lại, phần lớn để trống, lát gạch xi măng, ngổn ngang một vài chậu cây. Phía mặt sau có một phòng nhỏ bây giờ làm bếp nấu ăn cho căn tin ở tầng bên dưới. Khi xưa, có lẽ sân thượng của tòa nhà là nơi ngắm cảnh rất hữu tình. Từ đây có thể trông thấy xa xa nhà thờ Đức Bà, bưu điện, khách sạn Caravelle... Chung quanh nó hiện giờ vẫn một loạt nhà mái ngói thấp tầng, trừ cao ốc Vincom mới xây gần đây. Quả thật, vào thời điểm năm 1975, tòa nhà 22 Gia Long là một vị trí lý tưởng để trực thăng đáp xuống ngay giữa trung tâm Q.1.


    Tuy nhiên khoảng sân thượng nhỏ bé và chiếc “chuồng cu” cheo leo ấy đúng là một thử thách lớn cho các phi công trực thăng. Nhìn lên chiếc ô văng phía trước “chuồng cu”, anh bạn Thụy Sĩ chỉ tôi xem có một vết lõm sâu. Phải chăng đó là dấu vết chân đáp nặng nề của chiếc trực thăng năm xưa? Và kia, một chiếc thang nhỏ đặt phía trước “chuồng cu” nhưng không dẫn lên được nóc. Xem lại bức ảnh, tôi nhận ra đó không phải là chiếc thang có hàng người rồng rắn leo lên “chuồng cu” ngày ấy.


    Một chiếc thang khác dài hơn được đặt thẳng từ nền sân thượng lên đến nóc “chuồng cu” từ phía bên tay phải ở mặt đường nhìn vào tòa nhà. Thử hình dung xem trên chiếc sân thượng khoảng 100 m2, có đến hàng chục và có thể hàng trăm người chen chúc, cuống cuồng thoát ra từ chiếc thang máy và thang bộ và rồi lao nhanh về chiếc thang dẫn lên trực thăng. Mỗi chiếc trực thăng UH chỉ chở được tối đa 8 người nhưng nghe nói họ đã nhồi vào 14 - 15 người vào cái giờ phút khẩn cấp đó.


    Tôi bỗng nhớ đến một chi tiết trong sách Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman (1). Theo ông, có hai “hành khách” đặc biệt ngẫu nhiên cùng lúc được trực thăng Mỹ bốc đi tại nóc nhà số 22 Gia Long vào tối 29.4.1975. Cả hai đều là nguồn tin và chỗ quen biết của nhà báo và là nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn. Đó là tướng Trần Văn Đôn, Phó thủ tướng đặc trách quốc phòng trong nội các cuối cùng của Nguyễn Văn Thiệu. Ông cũng là một trong những tướng theo Mỹ lật đổ Ngô Đình Diệm năm 1963. Thế mà giờ chót, tướng Đôn bỏ chạy và suýt “lỡ tàu” vì không chen vào được Sứ quán Mỹ. CIA báo ông biết chỉ còn một địa điểm duy nhất có thể lên được những chiếc trực thăng cuối cùng chính là tòa nhà 22 Gia Long. Khi vào được đây, ông “chạm trán” bác sĩ Trần Kim Tuyến, nguyên trùm tình báo của Ngô Đình Diệm, người giờ chót đến cầu cứu ông Ẩn và được ông Ẩn đích thân đưa đến. Thật may mắn cả hai đã leo đến được tầng 9 và vào được trực thăng. Sau đó tướng Đôn và bác sĩ Tuyến ngồi đối diện nhau nhưng cả hai lặng thinh, không nói câu nào trong suốt thời gian bay ra hạm đội Mỹ. Vâng, họ mãi mãi trở thành “yesterday people” - những nhân vật lùi vào quá khứ.


    3
    Sân thượng và nóc chuồng cu tòa nhà 22 Lý Tự Trọng ngày nay - Ảnh: P.T


    Người phóng viên cuối cùng


    Bây giờ bạn có thể tra Google tìm thấy tên tác giả của bức ảnh The last helicopter một cách dễ dàng. Đó chính là Hubert van Es, người Hà Lan, cũng là người phóng viên cuối cùng của Hãng thông tấn Mỹ UPI có mặt tại Sài Gòn. Lúc ấy, có khoảng 20 phóng viên nước ngoài “ở lì ” tại đây, không chịu “di tản” để chứng kiến cuộc chiến kết thúc. Trong đó, Hubert là người đã chụp được bức ảnh có một không hai này. Đúng 30 năm sau, trên tờ New York Times, ngày 29.4.2005, tác giả kể lại bức ảnh đã ra đời như thế nào (2).



    Hôm đó là thứ ba 29.4.1975, vào lúc 11 giờ trưa, các phóng viên nước ngoài có mặt ở Sài Gòn được Sứ quán Mỹ thông báo khẩn phải đến ngay địa điểm tập trung đối diện Bệnh viện Grall (Nhi đồng 2 ngày nay) trên đường Gia Long (Lý Tự Trọng) để ra sân bay. Khi tiễn các phóng viên ra xe, Hubert đã thấy cảnh thủy quân lục chiến Mỹ gạt bỏ phũ phàng những người VN muốn bám theo. Và rồi, một loạt cảnh náo loạn diễn ra ngay trên đường Tự Do (Đồng Khởi) - con đường số 1 của Sài Gòn. Suốt từ sáng đến tối hôm đó, trên bầu trời Sài Gòn lúc nào cũng thấy có một loạt trực thăng ngược xuôi rầm rộ.


    Hubert trở về Văn phòng UPI ở tầng chót một khách sạn trên đường Tự Do cách không xa khách sạn Caravelle để làm ảnh. Khoảng 2 giờ 30 trưa, ông nghe nói có một chiếc trực thăng đang đáp trên nóc một tòa nhà chỉ cách 4 - 5 block. Lập tức, Hubert vội lấy máy ảnh, không quên mang theo ống kính tele 300 duy nhất ở văn phòng để chạy ra ban công săn hình. Qua ống kính, Hubert thấy trên tầng thượng tòa nhà có một chiếc trực thăng nhỏ bé đậu chênh vênh vì diện tích hạ cánh quá hẹp. Một nhân viên mặc thường phục đứng ngay cửa máy bay, cúi người kéo từng người lên và nhồi họ vào trực thăng. Thế rồi, chiếc trực thăng cất cánh, hàng người bên dưới nhốn nháo, tiếp tục trụ lại trên nóc tòa nhà. Cùng lúc Hubert chụp liên tục 10 kiểu ảnh từ lúc chiếc trực thăng bốc người cho đến lúc nó cất cánh bay đi.


    Hubert trở lại ngay buồng tối để làm ảnh cho kịp việc truyền ảnh đi Nhật theo quy ước sẽ thực hiện vào 5 giờ chiều mỗi ngày. Ảnh sẽ truyền qua đường vô tuyến tại Nhà bưu điện trung tâm Sài Gòn. Mỗi ảnh có kèm chú thích, thời gian truyền một ảnh hồi ấy là 12 phút. Văn phòng UPI Tokyo đã nhận được 10 bức ảnh của Hubert nhưng không hiểu vì sao đã hiểu sai chú thích ảnh của ông. Thay vì ghi lại theo chú thích của Hubert là cảnh trực thăng bốc người di tản trên nóc một tòa nhà trung tâm Sài Gòn thì họ lại ghi là trực thăng bốc người ở nóc Sứ quán Mỹ! Có lẽ vào thời điểm đầy kịch tính đó, người ta đã liên tưởng ngay một hình ảnh rất tiêu biểu là người Mỹ sẽ tháo chạy từ chính sứ quán - lãnh thổ của họ. Đúng ra, chiếc trực thăng cuối cùng là chiếc trực thăng chở tiểu đội thủy quân lục chiến Mỹ lặng lẽ cất cánh khỏi nóc Sứ quán Mỹ vào rạng sáng 30.4 nhưng lúc ấy không ai chụp ảnh hay quay phim được.



    Sáng 30.4, Hubert còn in thêm nhiều ảnh mới chụp của mình và các cộng tác viên. Trong đó theo ông ý nghĩa nhất là bức ảnh một cao ốc gần Sứ quán Mỹ bốc cháy. Những bức ảnh cuối cùng ấy đã được một nhân viên VN của UPI mang ra Nhà bưu điện để truyền đi song đến 12 giờ 20, anh điện thoại cho Hubert nói rằng bộ đội đã ở ngoài cửa phòng truyền ảnh. Hubert bảo anh ráng truyền thêm 5 phút nữa. Tuy nhiên, sau đấy, các máy truyền ảnh cũng như điện thoại ra nước ngoài đã bị cắt. Bức ảnh cao ốc bốc cháy chỉ truyền được phân nửa. Dẫu sao, những bức ảnh cuối cùng của Hubert đã không thay thế được bức ảnh Chiếc trực thăng cuối cùng bất hủ!



    Anh bạn Thụy Sĩ và tôi đi một vòng sân thượng tòa nhà, hình dung hình ảnh những chiếc trực thăng cuống cuồng chở người di tản ngày ấy. Bỗng dưng, anh nói với tôi: “Sao không làm ở đây một quán cà phê, một nhà hàng nhỉ. Độc đáo lắm!”. Tôi cười, đúng là máu du lịch Thụy Sĩ! Chao ơi, lịch sử đã đi qua, 40 năm rồi, nhìn lại càng thấy nhiều điều đáng kinh ngạc nhưng không thể cứ nghĩ mãi về thương đau. Phải nghĩ và làm những điều vui hơn để nỗi thương đau vơi dần. Có cách nào hơn?



    Phúc Tiến
    Last edited by Bin571; 03-05-2015 at 12:49 AM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  4. #4

    Mặc định

    Chiến dịch cuối cùng của lính Mỹ tại Sài Gòn 40 năm trước

    01/05/2015 13:51



    (TNO) Trong khi những chiếc trực thăng đậu sẵn trên nóc Sứ quán Mỹ để chuẩn bị bay khỏi Sài Gòn, toán lính thủy quân lục chiến Mỹ bên trong tòa nhà hối hả chạy đi khóa các cánh cửa ngăn mỗi tầng lầu với nhau nhằm cản trở dòng người người Việt Nam hoảng loạn tìm đường lên trực thăng, những ngày cuối cùng của tháng 4.1975.

    5
    Cảnh chen chúc lên một trong những chuyến trực thăng cuối cùng rời Sài Gòn trên nóc chung cư trên đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng) gần Sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, ngày 29.4.1975 - Ảnh: Hugh Van Es


    Toán lính Mỹ biết rằng nếu đám đông tràn lên đến tầng thượng, họ chắc chắn sẽ bị lấn át bởi hàng trăm người tuyệt vọng đang tìm cách giành chỗ ngồi trên một trong những chuyến trực thăng cuối cùng rời khỏi Sài Gòn, theo bài viết trên AP ngày 30.4.2015.



    Vào thời điểm đó, với súng phun lửa, những người lính thuỷ quân lục chiến Mỹ chốt chặn cánh cổng tầng thượng Sứ quán Mỹ trong tư thế chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất khi đám đông người Việt Nam tụ tập bên ngoài đã xô ngã một xe cứu hỏa để băng qua cổng vào tòa nhà.
    Họ có thể nghe thấy tiếng động hôi của bên trong tòa nhà đại sứ quán và nhìn thấy mọi thứ, từ những cái gối cho đến chiếc tủ lạnh bị khiêng ra khỏi các văn phòng.


    Trên đường phố, nhiều người lính VNCH cởi bỏ quân phục, vất chúng trên đường để khỏi bị quân Giải phóng nhắm bắn.
    Trời vẫn còn tối khi ông đại sứ Mỹ Graham Martin lên trực thăng rời khỏi Sài Gòn vào khoảng 5 giờ sáng ngày 30.4.1975. Một thông báo từ liên lạc vô tuyến cho biết: “Cọp đã ra đi”. Cọp là mật danh của đại sứ Mỹ và thông báo này mang ý nghĩa là nhà ngoại giao Mỹ đã thoát an toàn.


    Đến khi trời sáng hẳn, những người lính thủy quân lục chiến Mỹ còn sót lại tại Sứ quán nhận ra họ đã bị bỏ quên. Phi công trực thăng khi đó đã hiểu nhầm rằng thông báo nói trên có nghĩa là mọi người đều đã được sơ tán.
    Toán lính thủy quân lục chiến Mỹ không có cách nào để liên lạc với các phi công có nhiệm vụ sơ tán những người Việt Nam và người Mỹ ra các tàu sân bay neo đậu ngoài khơi, vì sóng liên lạc vô tuyến của họ không phát xa đến đó.


    Thế là những người lính Mỹ cuối cùng tại Việt Nam này bị kẹt lại trên nóc Sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, với hy vọng ai đó sẽ nhận ra họ vẫn còn ở đây trước khi quân Giải phóng tiến vào.
    Dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam Việt Nam, nhóm cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ bị kẹt lại Sài Gòn nói trên đã quay lại thăm TP.HCM, tham dự một buổi lễ kỷ niệm tại Lãnh sự quán Mỹ, nơi từng là Sứ quán Mỹ.
    Những cựu binh này từng được giao nhiệm vụ bảo vệ Sứ quán và giúp sơ tán những công dân Mỹ cuối cùng rời khỏi Sài Gòn.


    Những ngày trước khi Sài Gòn thất thủ, đã có thông tin quân Giải phóng đang tiến nhanh về phía nam, giải phóng được nhiều cứ điểm quan trọng từ tay quân đội Nam Việt Nam. Ai cũng hiểu rằng việc Sài Gòn thất thủ chỉ còn là vấn đề thời gian. Nhiều người Mỹ và những người Việt Nam thân cận với chính quyền VNCH khi đó đã bắt đầu được sơ tán bằng máy bay vận tải quân sự.


    Hạ sĩ John Stewart, giờ đã 58 tuổi, được giao nhiệm vụ lái một chiếc xe buýt đi khắp Sài Gòn để đón những người cần được sơ tán. Khi đó ông mới 18 tuổi và mới đến Việt Nam được vài tuần.
    Ông nhớ lại rằng mình và những đồng đội đã rất hoảng sợ sau khi có 2 lính thủy quân lục chiến Mỹ thiệt mạng vì một quả đạn pháo vào ngày 29.4.1975 trong lúc đang đứng gác tại sân bay Tân Sơn Nhất. Họ là những người lính Mỹ cuối cùng chết trong một cuộc chiến do Mỹ tiến hành đã cướp đi sinh mạng của khoảng 58.000 người Mỹ, theo AP.
    5
    Được nhìn thấy Việt Nam đang phát triển giúp tôi có chút thanh thản trong tâm trí và cho phép tôi vượt qua về mặt tinh thần… Mọi thứ đang tiến triển. Mọi thứ đang tiến về phía trước, tôi đã có thể để lại quá khứ sau lưng và có những ký ức đẹp đẽ hơn về đất nước này, thay vì chỉ toàn những kỷ niệm xấu 5
    Cựu binh Mỹ Douglas Potratz

    Cũng như hạ sĩ John Stewart, trung sĩ Kevin Maloney, hiện 62 tuổi, cũng được giao nhiệm vụ lái xe đi đón người.
    Khi đang chạy trong Sài Gòn, ông chợt bắt gặp cái nhìn của một cậu bé có mái tóc màu nâu nhạt. Mặc dù được lệnh chỉ đón người Mỹ, nhưng Maloney đã đẩy cậu bé và mẹ cậu lên ngồi ở hàng ghế trước vì biết rằng nhiều khả năng đây là con của một người lính Mỹ. Ông không rõ hai mẹ con có qua được Mỹ như nhiều người Việt Nam đã làm được sau đó không.
    Do không thể sơ tán từ sân bay Tân Sơn Nhất vì bị pháo kích, trực thăng Mỹ được lệnh hạ cánh xuống tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn để chuẩn bị cho những chuyến bay cuối cùng tại đây.


    Maloney sau cùng cũng tới được Sứ quán Mỹ để hỗ trợ. Ông nhớ lại đã phải trải qua nhiều giờ đồng hồ di chuyển trên bức tường bao bọc tòa đại sứ để giúp kéo người Mỹ và nhân viên các nước khác khỏi đám đông đang chen lấn bên ngoài để đưa vào bên trong chờ trực thăng chở đi.


    Ông nắm lấy tay họ, kéo họ lên, trong khi phải đấm đá những người Việt Nam cố tìm cách leo vào trong. Maloney để khẩu súng lục của mình trong tòa đại sứ vì sợ rằng trong lúc hỗn loạn, có người giật khỏi bao và nã vào đám đông hàng ngàn người.


    Cảnh tượng lúc đó hỗn loạn đến nỗi trung sĩ Don Nicholas, hiện 62 tuổi, đã được lệnh phải đến gác tại văn phòng tùy viên bên trong Sứ quán để canh hàng triệu USD tiền mặt trước khi số tiền này bị đốt đi và tòa nhà bị phá hủy để ngăn đối phương lấy được những tài liệu mật.


    Ông Nicholas sau đó đứng gác tại đại sứ quán và bị sốc khi chứng kiến một người Việt Nam giẫm phải chông sắt trên cánh cửa tòa nhà khi đang cố leo vào bên trong. Những người khác bắt đầu van xin sẵn sàng đánh đổi bất kỳ thứ gì để được vào trong.
    “Nhiều phụ nữ nói: ‘Hãy cho chúng tôi vào, chúng tôi sẽ ngủ với anh. Vàng đây. Tôi có tiền này. Trang sức đây. Xin hãy cho tôi vào!’. Đó là toàn bộ những gì tôi nghe được trong suốt 48 tiếng đồng hồ”, ông Nicholas kể lại.


    5

    Trực thăng Mỹ bốc những binh lính Mỹ cuối cùng trên nóc tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn ngày 30.4.1975
    - Ảnh chụp lại từ Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, TP.HCM

    5

    Xe tăng ta húc đổ cổng, xông vào đánh chiếm Dinh Độc Lập trưa 30.4.1975- Ảnh: tư liệu


    Sáng 30.4.1975, khi được lệnh rời bỏ vị trí để chuẩn bị sơ tán, toán thủy quân lục chiến Mỹ tại Sứ quán Mỹ di chuyển lên trên nóc tòa nhà. Nhiều người trong số này đã không ngủ 2, 3 ngày liền và còn chạy được nhờ dùng thuốc kích thích adrenalin. Có khoảng 80 người tụ tập trên sân thượng Sứ quán Mỹ vào thời điểm đó, chờ đợi và hy vọng có thêm trực thăng quay lại đón họ đi.



    Vài tiếng đồng hồ trôi qua. Chẳng có chiếc trực thăng nào quay lại.
    “Họ hoàn toàn quên chúng tôi. Mọi người ai cũng trầm tư. Tôi thì nghĩ: “Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo đây?”. Điều tôi sợ nhất rằng không biết liệu họ (quân Giải phóng) có thể nã pháo trực tiếp vào bãi đáp trực thăng không, điều gì có thể ngăn họ nã pháo trực tiếp lên nóc tòa nhà đây”, thượng sĩ Juan Valdez, giờ đã 77 tuổi, nhớ lại.


    Toán lính thủy đánh bộ Mỹ chuyền tay nhau một chai rượu whiskey và chờ đợi. Cuối cùng, họ cũng nghe thấy tiếng cánh quạt trực thăng. Họ vất bỏ nón và túi xách để giảm tải cho trực thăng và cố nhét càng nhiều người lên máy bay càng tốt. Sau khi nhìn lại lần cuối để đảm bảo rằng người của mình đã đi hết, ông Valdez là người cuối cùng lên chuyến trực thăng chót.


    Trên chuyến bay trước chuyến chở ông Valdez, trung sĩ Douglas Potratz, hiện đã 60 tuổi, nhìn thấy nhiều nơi tại Sài Gòn đang bốc cháy.
    “Khi ấy tôi cảm thấy buồn vì tôi thấy giống như chúng tôi đã thất trận và có quá nhiều sinh mạng mất đi trong cuộc chiến này”, ông Potratz hồi tưởng.



    Cảnh tượng những người phụ nữ và những đứa trẻ gào khóc ngoài Sứ quán xin được vào bên trong đã ám ảnh ông trong những giấc ngủ suốt nhiều năm liền. Tuy nhiên, Potratz cho biết việc quay lại thành phố Hồ Chí Minh sau 40 năm cùng các đồng đội năm xưa giúp chữa lành nỗi ám ảnh trong ông.



    “Được nhìn thấy Việt Nam đang phát triển giúp tôi có chút thanh thản trong tâm trí và cho phép tôi vượt qua về mặt tinh thần… Mọi thứ đang tiến triển. Mọi thứ đang tiến về phía trước, tôi đã có thể để lại quá khứ sau lưng và có được những ký ức đẹp đẽ hơn về đất nước này, thay vì chỉ toàn những kỷ niệm xấu”, cựu chiến binh Mỹ Potratz chia sẻ.



    Hoàng Uy
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Cuộc truy tìm vật báu
    By duonghoainam61 in forum Bài của Duonghoainam61
    Trả lời: 29
    Bài mới gởi: 07-01-2015, 12:36 AM
  2. Truy tìm vật báu phần 1
    By duonghoainam61 in forum Bài của Duonghoainam61
    Trả lời: 54
    Bài mới gởi: 10-03-2014, 04:13 PM
  3. Truy Tìm Vật Thế Bay Không Xác Định - UFO
    By duonghoanghai in forum Chuyện Ma, Quỉ
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 11-11-2012, 05:59 AM
  4. Giấc mơ về Rắn -và sự truy đuổi
    By nongdandaklak in forum Hỏi Đáp, Tư Vấn
    Trả lời: 5
    Bài mới gởi: 16-04-2011, 11:57 AM
  5. Cuộc truy tìm báu vật
    By hoanhi in forum Tâm linh – Tín ngưỡng – Siêu hình học – Ngoại cảm
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 16-12-2008, 04:01 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •