Sự thực bùa yêu xứ Mường Kỳ 1: Bí ẩn lời thiêng giới bùa ngải

19.04.2015 | 20:00 PM

Lời thiêng không bao giờ được nói ra theo cách thông thường. Nó không phải là tiếng Mường, tiếng Kinh, tiếng Thái…



Những gì vượt ra ngoài tầm hiểu biết của con người tạo ra một sức hút kỳ lạ khiến người ta không ngừng khao khát, mải miết kiếm tìm. Có lẽ chính vì thế mà bùa yêu, tuy khiến người ta nghi hoặc nhưng chưa bao giờ thôi hấp dẫn, tuy luôn bị săn lùng nhưng mãi vẫn là một bí ẩn mà ngay cả những người tạo ra chúng cũng không thể lý giải tại sao.

Lời thiêng không bao giờ được nói ra theo cách thông thường. Nó không phải là tiếng Mường, tiếng Kinh, tiếng Thái… mà là một thứ ngôn ngữ kỳ lạ, không giống với bất cứ một ngôn ngữ nào trên thế giới. Các thầy Trượng gọi đó là “ngôn ngữ của thần linh”…

So tài, đọ sức mạnh giữa hai thế lực của thần linh?

Trong ngày hội làng tổ chức tại thị trấn Bo (Kim Bôi, Hòa Bình) cách đây vài năm, khi hàng nghìn người dân đang tụ tập tại sân vận động để nghe hát trích đoạn Mo Mường của một thầy Mo trên sân khấu thì sự cố bất ngờ xảy ra. Một cành đa lớn của một trong số chín cây đa cổ thụ bỗng dưng rơi xuống đám đông. Điều lạ lùng là mặc dù có rất nhiều người đang tập trung bên dưới nhưng không ai bị cành cây rơi trúng.

Đáng ngạc nhiên hơn, cành cây lớn không hề có dấu hiệu của sâu mọt hay đứt gãy từ trước và thời điểm đó, ở thung lũng Kim Bôi không hề có gió mạnh. Không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra với cành đa đó, chỉ biết người dân bị một phen hú vía còn thầy Mo đang hát trên sân khấu thì chạy mất tăm không thấy quay trở lại. Sau người ta nói rằng, cành cây kia đã bị một thầy Trượng cao tay dùng lời thiêng ếm cho gãy để trêu chọc ông thầy Mo đang biểu diễn trên sân khấu. Chính vì vậy, vị thầy Mo kia mới sợ hãi bỏ chạy. Đó là câu chuyện nửa hư nửa thực về những cuộc so bì sức mạnh giữa các thầy Mo, thầy Trượng chưa bao giờ thôi chấm dứt mà tôi được người dân Kim Bôi kể cho nghe trong lần đầu đặt chân đến xứ Mường.


Một trong những cây đa còn sót lại trong câu chuyện kể về cuộc đọ sức của các thầy Trượng.

Với mong muốn khám phá bí mật của những lá bùa, tôi tìm đến nhà thầy Trượng, đồng thời cũng là nghệ nhân Mo Mường Quách Công Thương (ở thôn Bãi Xe, xã Nam Thượng). Tìm gặp ông Thương vào thời gian này quả nhiên khó khăn. Bởi vì, người Mường ở đây có phong tục cúng cầu phúc, giải hạn, mát nhà… trong tháng Hai, tháng Ba để cầu một năm nhiều may mắn, tài lộc cho cả gia đình và mỗi ngày, vị thầy Mo này phải làm lễ cho trên dưới năm đám như vậy. Hẹn hò mãi, cuối cùng tôi cũng gặp được thầy.

Trái với hình dung ban đầu của tôi về một nghệ nhân Mo Mường có tên tuổi, ông Thương còn khá trẻ, là giáo viên trường THCS Cuối Hạ (xã Cuối Hạ). Trước sự ngạc nhiên của tôi, ông Thương cười: “Thầy Mo, thầy Trượng là cái nghiệp của tổ tiên truyền lại không thể không làm còn công việc chính của tôi vẫn là dạy học”. Nhiều gia đình chỉ muốn thầy Thương làm lễ cúng đầu năm cho mình mới yên tâm cho nên dù phải đợi rất lâu mới đến lượt, họ vẫn không chịu mời thầy khác.

Cũng chính vì điều này, thầy Thương luôn phải đối mặt với sự ghen ghét, đố kỵ của những thầy Mo, thầy Trượng khác. Theo lời kể của vị nghệ nhân Mo Mường này, không ít lần, họ tìm cách phô trương quyền năng hoặc sử dụng bùa ngải để so bì cao thấp với mình nhưng không thành công. Khi được hỏi nguyên nhân, ông vừa giơ chiếc túi vải màu đỏ vừa tiết lộ “Chính là nhờ những món bảo bối trong chiếc túi này!”.

Video xem thêm:


Mê tín dị đoan, chữa bệnh bằng bùa ngải

“Soi” bảo bối của thầy Mo

Đó là chiếc túi Khót, một vật không thể thiếu đối với bất cứ thầy Mo, thầy Trượng nào. “Người nào không có túi Khót, người đó không bao giờ có thể trở thành thầy Mo, thầy Trượng được!” – ông Thương cho biết.

Phải thuyết phục mãi, ông thầy này mới đồng ý cho tôi xem chiếc túi bí mật của mình. Trong đó là hàng trăm món “bảo bối” kỳ dị mà nếu ông Thương không nói, tôi sẽ không thể biết được đó là gì. Chiếc túi Khót này do tổ tiên truyền lại cho ông Thương với những đồ vật linh thiêng mà theo những thầy Mo, thầy Trượng xứ Mường thì sức mạnh của chúng có thể khắc chế tất cả các loại tà ma, quỷ quái(?). Trong số đó, phải kể đến các loại xương như xương người xưa (người nguyên thủy), xương người rừng (đười ươi, tinh tinh), xương tay người bị sét đánh chết (tầm sét), xương gà rừng cổ, xương rồng đất…; các loại nanh như nanh chó sói, nanh hổ, nanh gấu, răng người xưa, răng người bị sét đánh chết…; các loại binh khí cổ xưa; các loại đá quý, đồ trang sức của người Mường cổ như thiên thạch, khót khú (biểu tượng của rồng nước)…; các loại sừng như sừng tê giác, sừng sơn dương…

Ngoài ra, trong túi Khót còn có rất nhiều vật nhỏ có hình thù quái dị khác. Tất cả đều có tuổi đời vài trăm năm, được dùng nhiều đến độ nhẵn bóng như hóa thạch. Điều đáng nói là, có nhiều món trong số đó, thời nay không thể kiếm đâu ra như khót khú, xương tay người bị sét đánh chết…


Xương ngón tay của người bị sét đánh chết trong túi Khót.

Thầy Thương khẳng định: “Trong thế giới của các thầy Mo, thầy Trượng, túi Khót của người nào có càng nhiều bảo bối bao nhiêu thì sức mạnh của người đó càng lớn bấy nhiêu”. Theo đó, chúng không chỉ giúp họ xua đuổi tà ma mà còn có thể hóa giải bùa chú của kẻ khác. Bởi vậy, những người này luôn tìm mọi cách săn lùng bảo vật cho túi Khót. Xương người bị sét đánh chết là một vật được giới Mo Mường hết sức coi trọng, vì theo quan niệm của họ, nó có quyền năng vô cùng mạnh mẽ trong việc trị tất cả các loại tà ma.

Đó là lý do mộ phần của những người chết do sét đánh luôn được người nhà canh giữ cẩn thận ngày đêm trong vòng 100 ngày, nếu không sẽ ngay lập tức bị trộm mộ tấn công. Xương lấy càng sớm sau khi chết, công năng càng mạnh còn sau 100 ngày sẽ không có tác dụng nữa. Chỉ cần có được vài đốt xương tay của người bị sét đánh chết, người ta có thể dễ dàng bán được cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, khi tôi hỏi vì sao tầm sét lại có được công năng đó thì không ai giải thích được…

Có không lời thiêng, mệnh lệnh của thánh thần?

Trên đây đều là những bảo bối trị yêu ma nhưng muốn làm được bùa phép thì phải có lời thiêng. Điều này, không phải ai cũng biết. Thông thường, người ta vẫn nghĩ, bùa ngải vốn được tạo nên bởi một vật nào đó kết hợp với phần bùa chú được viết ra giấy một cách rõ ràng trong khi ở đây, yếu tố quyết định nhất lại chính là phần lời.

Với nhiều năm nghiên cứu văn hóa Mường, TS.Bùi Văn Thành (vụ Giáo dục dân tộc, bộ Giáo dục và Đào tạo), một người con ưu tú của dân tộc Mường nhận định: “Bùa yêu, bùa ghét thuộc thuật “khăm”, một trong sáu loại thuật phù thủy của người Mường. Bùa yêu có nhiều loại như bùa vết chân, bùa cà dại, bùa gương, bùa lược, bùa lá… Nhưng tất cả đều dùng lời thiêng để ếm cho một đối tượng nào đó phải yêu, ghét một đối tượng khác theo chủ đích của người làm bùa”.

Đặc biệt, nhà nghiên cứu này còn tiết lộ thông tin rằng, một người bình thường không biết gì về thuật phù thủy hoàn toàn có thể làm bùa yêu hoặc các loại bùa ngải khác như các thầy Trượng, nếu biết được lời thiêng. Tuy nhiên, lời thiêng là bí mật tuyệt đối mà các thầy Trượng thề phải giữ kín, chỉ được phép truyền lại cho đệ tử.

Sức mạnh của lời thiêng còn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của người phát đi mệnh lệnh đó. Tuy nhiên, theo nhiều người khẳng định, có những lời thiêng đã được người xưa truyền dạy lại cho kẻ hậu bối trong những giấc mơ, theo một cách vô cùng huyền bí. Vậy, quyền phép của nó có thật sự tồn tại? Sức mạnh của nó ghê gớm ra sao? Để trả lời cho những câu hỏi này, tôi đã cố công tìm kiếm những người từng phải cậy đến sự màu nhiệm của bùa yêu.
Dương Dung