Có bao giờ bạn lấy lý Đời để suy ra lẽ Đạo?


Từ thấp lên cao

Ngoài đời muốn tậu được bằng Đại học thường phải mất 12 năm làm học sinh từ Tiểu học lên Trung học và 4 năm làm sinh viên. Đó là nói về người khá giỏi, ham học mới có bằng cấp cao: đại học, thạc sĩ, tiến sĩ chứ người trung bình yếu, lười nhác thì cũng khó lòng.

Trong tu hành còn khó hơn ở đời gấp trăm lần. Đừng tưởng tu hành chỉ là ngồi niệm Phật trì chú tụng kinh, làm một vài chuyện phóng sinh, đi chùa lễ lạy là tu, đó chỉ là bỏ ra một chút công sức cho Trời Phật thương thôi.

Tu học là con đường dài, nhiều đời nhiều kiếp mà phải đi từng bước từng bước một, từ thấp lên cao, qua quá trình lâu dài gian khó (có khi cả một kiếp người vẫn chưa xong) thì mới có chút thành tựu. Cũng như cần kiệm làm ăn lâu dài thì mới có chút dư giả.

Những ai nói tôi tu cái pháp môn này thiệt là dễ mà trong sát na hay một kiếp người được thành Phật liền là sai hoàn toàn. Đó là 'dụ' cho vào lớp mẫu giáo để học lên nữa, chứ dễ vậy thì mọi người bình dân ai cũng nhận được bằng thạc sĩ hết à! ai cũng làm biếng ít học, rồi từ lớp mẫu giáo nhảy lên đại học luôn sao?!

Pháp thường và pháp quý

Đừng nói pháp môn nào cũng như nhau, không phân biệt, cũng là thuyền bè chở về bờ giác. Thực tế, thì có thuyền to thuyền nhỏ, tàu gỗ tàu sắt, thuyền mục thì vượt biển sao được. Bằng cấp từ trường đại học không có tên tuổi thì làm sao sánh với đại học danh giá nổi tiếng cả thế giới.

Cũng vậy, pháp môn nào mà ai cũng tu được, ai cũng thực hành được dễ dàng thì chỉ là pháp thường (- lớp bổ túc văn hóa, nên không có yêu cầu nhiều ở học viên) chứ không phải pháp quý, bởi lẽ pháp quý khó cầu

Bạn có phải là người cổ hủ ?

Người ta thường thích khen sợ chê, nghe ai nói nghịch ý thì mích lòng, ra vẻ giận. Nóng lên là khích bác hay đánh nhau.
Tôi nghĩ người tu cũng nên cởi mở, biết quan sát mọi mặt để suy luận ra vấn đề chứ không nên chấp chước 1 góc mà không chịu nhìn 3 góc kia. Phải đi đó đi đây học hỏi thì mới là người lịch duyệt.

Vai trò của Bậc Thầy

12 năm làm học trò thì ai cũng được nhiều giáo viên kèm cặp, giảng giải. Có nội quy răn đe phù hợp. Lên cao hơn thì biết tự học là chính nhưng cũng phải có giảng viên hướng dẫn, dạy và ra đề thi, chấm đậu rớt.

Tự dụng công tu hành, tu một mình mà không có chư vị Bồ tát các Thần thánh gia hộ, không được Thầy giàu kinh nghiệm, không được Đạo sư chân chánh chỉ điểm thực hư thì sẽ không biết gì và dễ đi sai đường.

Khánh Băng 7.4.2015