kết quả từ 1 tới 4 trên 4

Ðề tài: Sức mạnh kỳ quái của những bài 'thuốc giấu' dân gian

  1. #1

    Mặc định Sức mạnh kỳ quái của những bài 'thuốc giấu' dân gian

    Sức mạnh kỳ quái của những bài 'thuốc giấu' dân gian

    04.04.2015 | 09:46 AM

    Không cần thầy thuốc, những khi trong nhà có người ốm đau, người ta lại truyền tai những bài thuốc giấu khá “độc”: Khi rắn cắn thì phải lấy lá gì, khấn vái ra sao, khi bị ngộ độc phải xử lý thế nào, “

    Không cần thầy thuốc, những khi trong nhà có người ốm đau, người ta lại truyền tai những bài thuốc giấu khá “độc”: Khi rắn cắn thì phải lấy lá gì, khấn vái ra sao, khi bị ngộ độc phải xử lý thế nào, “đánh” tà ma bằng loại thuốc gì để trẻ khỏi khóc,... Trong đó, yếu tố tâm linh và yếu tố “thuốc giấu” hoà quyện với nhau. Nhiều người cho rằng, thuốc chỉ là một phần, “giấu” mới là cái quyết định cho việc chữa trị. Vậy đằng sau những câu chuyện này là gì?


    Phải “giấu” mới linh nghiệm?

    Tại vùng thượng nguồn sông Hương, tỉnh Thừa Thiên - Huế (huyện Hương Trà, xã Hương Thọ) từ nhiều đời nay đã truyền miệng một bài “thuốc giấu” có khả năng chữa dứt bệnh, vết thương hoại tử nhiễm giòi ở gia súc, thậm chí cho người. Đây là bài thuốc của các thầy lang vùng thượng nguồn sông Hương, có xuất xứ từ cây và lá rừng, được công phu chế luyện bằng “năng lượng siêu hình” và lưu truyền kỳ bí từ đời này sang đời khác.


    Ở thượng nguồn sông Hương, tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn còn lưu truyền bài “thuốc giấu” để chữa trị bệnh cho trâu bò được xem như “thần dược”.

    Cứ mùa rét đến, những người có trâu, bò bệnh thường đến vùng này để tìm thầy tìm thuốc. Thường thì trâu bò được thả rông, đánh nhau hoặc mắc bẫy thú, “dính” phải vết thương, không được chăm sóc kịp thời, trong mùa rét thì chỉ một thời gian ngắn là vết thương lở ra, gây loét, thậm chí có giòi, bệnh rồi chết. Một nguyên tắc được giữ vững trong quá trình điều trị khiến chúng tôi khá tò mò là: Con cái thì dùng 9 ngọn lá, con đực chỉ cần 7 ngọn để đuổi giòi, trị thương. Ngoài trâu, bò, loại thuốc này cũng có tác dụng cả với những vật nuôi khác như chó, lợn, mèo, gà, thậm chí cả với người.

    Tuy nhiên, khi hỏi kỹ về bài “thuốc giấu” nổi tiếng, thầy lang Nguyễn Văn Hướng cũng chỉ trả lời chung chung, không rõ ràng và chi tiết được về cách thức chế biến bởi vì “là thuốc giấu, nếu nói ra hết thì sẽ mất công dụng”.

    Theo thầy lang Hướng, thứ cây được dùng làm “thuốc giấu” khá phổ biến trong vườn nhà vùng núi nhưng chỉ những người biết về nó mới có thể làm thành thuốc được. Theo đó, người “luyện thuốc” hàng ngày phải truyền năng lượng cho cây từ lúc còn non cho tới khi có những dấu hiệu báo cây đã đủ trưởng thành. Một bí quyết không thể không nhớ trong quá trình chữa trị là chủ của vật nuôi phải có niềm tin vào “thuốc giấu” thì bài thuốc mới có công dụng. Đã có hàng ngàn vật nuôi được điều trị hiệu quả nhờ bài “thuốc giấu” bí ẩn này. Như một sự ngẫu nhiên, câu hỏi về “thuốc giấu” một lần nữa được đặt ra trong chúng tôi ở một chuyến công tác vùng núi một huyện, thuộc tỉnh Hà Giang. Người cán bộ dẫn đường tên Tài vô tình giẫm phải mảnh sành, máu chảy bê bết dưới chân. Trong khi những người xung quanh đang cuống quýt lo lắng, anh Tài thản nhiên vặt một ít cỏ ở xung quanh, đưa lên miệng nhằn nhằn rồi lẩm nhẩm khấn, sau đó lấy đắp lên vết thương, buộc lại rồi tiếp tục lên đường.

    Thấy chúng tôi tỏ ra lo ngại, anh Tài chỉ cười: “Đấy là bài “thuốc giấu” mà người dân ở đây vẫn hay dùng khi không may gặp phải vết thương chảy máu. Bản thân mình cũng áp dụng nhiều lần rồi mà cũng chẳng bị làm sao. Cũng chưa thấy ai bảo, đắp lá xong về vẫn bị uốn ván cả. Mình người nhà nông, chữa bệnh theo cách của nhà nông, không phải cứ hễ có vết thương vặt là đến bệnh viện được”.

    Thấy chúng tôi tò mò, anh Tài dẫn đường không ngại “khuyến mại” thêm một vài bài “thuốc giấu” được truyền lại từ những người thân trong họ. Nếu trong nhà nửa đêm có người sốt cao, chỉ cần ra ngoài vườn, vớ được lá cây gì đầu tiên, đem nhai (hoặc còn gọi là nhằn) trong miệng rồi khấn thần linh, sau đó đem giã hoặc nhằn lấy nước uống là tự khắc khỏi. Hoặc người nào bị lang ben, chỉ cần buổi tối, sang nhà hàng xóm hoặc xung quanh ăn trộm một quả chuối tiêu xanh đem về xát lên da.

    Tương tự, với những người bị tiêu chảy, cũng phải đi ăn trộm ngọn ổi để về sao vàng, hạ thổ rồi sắc nước uống, trai 7 ngọn, gái 9 ngọn... Khi truyền những bài thuốc này, anh Tài không quên dặn kỹ chúng tôi về việc phải bí mật đi tìm thuốc, “cứ lẳng lặng mà đi, ai hỏi gì cũng không được trả lời, đồng thời khi làm thuốc thì trong đầu phải gọi đến thần linh, ông bà ông vải nhà mình phù hộ cho. Có như thế mới đảm bảo nguyên tắc của thuốc giấu”.

    Ẩn số những bài thuốc dân gian hữu hiệu

    Tìm hiểu sâu hơn về câu chuyện của “thuốc giấu”, chúng tôi lại càng bất ngờ hơn vì hoá ra, “thuốc giấu” không phải là điều mới lạ gì trong dân gian. Ở mỗi vùng miền khác nhau lại có những bài thuốc riêng khi chữa trị các bệnh thường gặp theo mùa, theo độ tuổi, theo giới tính được xem là khá hữu hiệu.

    Tại Hà Nội, chúng tôi có dịp quen biết với một họa sỹ nổi tiếng, dù đã có tuổi nhưng lại có đứa con út mới chỉ lên hai, ba tuổi. Đứa trẻ chậm nói khiến cả nhà rất lo lắng. Đấy là câu chuyện cách đây ít lâu, hiện giờ, cháu đã có thể nói chuyện vanh vách với khách đến chơi nhà. Hỏi bí quyết chữa bệnh cho con, anh họa sỹ chia sẻ: “Với trẻ chậm nói, chỉ cần ra chợ, thấy ai ăn gì thì cướp lấy một miếng, đem về cho trẻ ăn. Gọi là cướp cơm. Mình cứ lẳng lặng làm thôi, ai hỏi cũng chẳng nói. Miếng cơm, miếng thức ăn cũng nhỏ, người biết thì hiểu, người không biết thì cho là sự lạ.

    Nhưng đấy là cách chữa trị bằng “thuốc giấu”, hay còn gọi là thuốc mẹo của dân gian để trị cho trẻ chậm nói”. Với trẻ con, còn một vài bài “thuốc giấu” khá hữu hiệu khác cũng được lưu truyền như: Để trị bệnh khóc đêm cho trẻ, hoặc khi gặp người nào vía dữ, trẻ khóc nhiều, người nhà có thể đi lấy lá dứa về, treo cùng với một con dao phía đầu giường của trẻ để trấn, đồng thời lấy rơm rạ, đánh vía đốt quanh nhà sẽ khỏi. Nhiều nơi còn lấy muối gạo trộn với nhau, rắc từ cổng nhà ra ngoài đường để “tiễn” bệnh tật đi xa, không quên niệm thần chú linh ứng...

    Ở trên mới chỉ là những bài “thuốc giấu” phổ biến ở đồng bằng, khi lên khu vực miền núi, cao nguyên thì những bài “thuốc giấu” lại càng phổ biến. Theo thạc sỹ Phạm Văn Tuấn - chuyên viên viện Nghiên cứu Hán Nôm, các bài “thuốc giấu” khá phổ biến trong dân gian, đặc biệt trong đời sống của người dân các dân tộc thiểu số.

    Trước đây, do điều kiện đi lại khó khăn, việc tiếp cận với y học hiện đại mới chỉ diễn ra trong thời gian gần đây nên các bài “thuốc giấu” vẫn được dùng khá phổ biến. Khi trong nhà có bệnh, người dân có thể lên rừng, hái những lá thuốc khác nhau để đắp lên hoặc uống. Nguyên tắc “giấu” được duy trì và thường không truyền cho những người ngoài gia đình, dòng tộc và những người thực sự thân thiết.

    Người dân cho rằng, chính yếu tố tâm linh mới tạo nên sức mạnh cho loại thuốc này chứ không phải hoàn toàn do thuốc. “Giàng, con ma rừng, thần núi, thần cây”,... mới là những yếu tố quyết định cho việc chữa trị. Tuy nhiên, hiện nay, cùng với y học hiện đại, dân trí phát triển, sự giao lưu của người dân cũng nhiều hơn mà bí quyết về những bài “thuốc giấu” dần được sáng tỏ hơn.

    “Thuốc giấu” dần ít bị “giấu” đi mà được chia sẻ, thành những bài thuốc dân gian hữu hiệu. Các yếu tố về thần linh cũng được giảm đi nhiều. Bên cạnh đó, việc chữa trị bằng y học hiện đại cũng ngày càng phổ biến hơn. Khi có bệnh tật, ốm đau, người dân thường đến trạm xá, bệnh viện nhiều hơn là ngồi chờ đợi “thuốc giấu”, ông Tuấn cho hay.

    Nhiệm vụ nghiên cứu thuộc về những nhà khoa học

    Theo TS.BS Trần Tuấn- Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD, thuộc liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) thì những bài thuốc giấu được xét vào nhóm những bài thuốc dân gian. Đặc điểm của những bài thuốc này là dựa trên cơ sở niềm tin; niềm tin qua lời nói và tin tưởng vào người giới thiệu, người lưu truyền bài thuốc chứ không hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học, bằng chứng thực tế. Hiện nay, vẫn còn rất nhiều bài thuốc giấu phổ biến như thuốc chữa lang ben, sài giật, chậm nói, hóc, nghẹn,...

    Điều dễ nhận thấy là người dân khi được giới thiệu bài thuốc giấu thường lập tức làm theo bởi chúng đều có xu hướng đơn giản, dễ làm và thường khá hiệu nghiệm. Đứng dưới góc độ khoa học, cho đến nay đáng lẽ ra những bài thuốc này phải được nghiên cứu, đánh giá cẩn thận, có tài liệu ghi chép rõ ràng đâu là bài thuốc có tác dụng, đâu là thuốc phản khoa học và có hại.

    “Tuy nhiên, cũng trên cơ sở niềm tin mà nhiều bài thuốc bị biến tướng đi, mang màu sắc mê tín, tâm linh. Nếu không làm rõ được tác dụng của những bài thuốc này, ngăn ngừa mê tín thì là lỗi của các nhà khoa học”. TS. Tuấn chia sẻ.

    Cũng theo ông Tuấn, thói quen sử dụng các bài thuốc dân gian không kiểm chứng của người Việt không phải là khó thay đổi. Vấn đề là truyền thông của chúng ta chưa đáp ứng được, chưa tạo thành một kênh tương tác giữa các thầy thuốc, đặc biệt là thầy thuốc đông y với người dân. Có thể qua báo đài, qua các đường dây nóng, qua những người có kiến thức về y học,... người dân không nên vội tin vào những cái không có bằng chứng xác thực mà vội vã áp dụng khiến vừa mất thời gian, vừa thêm bệnh.

    Đỗ Huệ
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    hay quá bác
    call: +
    email: thichminhminhcali@gmail.com

  3. #3

    Mặc định

    [Xã Hội] Lương y Vũ Quốc Trung: Việc tồn tại thuốc ‘giấu’ là có thực

    Để tìm hiểu về “thuốc giấu”, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với thạc sỹ, lương y Vũ Quốc Trung, người khá am tường về những bài thuốc lưu truyền trong dân gian. Lương y Trung chia sẻ, việc tồn tại những bài “thuốc giấu” là có thực, nhưng phải nhìn nhận từ trên cơ sở của khoa học chữa bệnh.

    Không phải tất cả đều là mê tín

    Thưa ông, trong dân gian vẫn lưu truyền một số bài thuốc được cho là “thuốc giấu” để chữa trị các bệnh thường gặp như ốm sốt, tiêu chảy, lang ben, cầm máu,… Theo đó, người làm thuốc phải tuân thủ các nguyên tắc như “giấu” người khác, thậm chí phải đi ăn trộm, cướp và phải cầu khấn thần linh. Ông nghĩ sao về điều này?

    Thực ra, trong suốt nhiều năm làm nghề, nghiên cứu về các bài thuốc đông y trong dân gian, tôi cũng nằm lòng được nhiều bài thuốc mà dân gian vẫn thường cho là “thuốc giấu” như khi bị đỉa cắn thì lấy nước bọt hoặc lấy bùn đắp vào để cầm máu, khi bị ngộ độc thì dùng mùn thớt hoặc lông gà để trị hoặc trẻ con bị nấc thì dùng cuống chiếu, nhằn nhằn lấy nước rồi dán vào trán trẻ con, khi bị bỏng thì dùng nước mắm bôi vào…

    Nhiều người cho rằng, phải đi “ăn trộm” hoặc khấn thần phật thì thuốc mới có công hiệu. Thực ra, tìm hiểu kỹ thì thấy, tất cả những thứ được dùng làm thuốc ở đây ít nhiều đều có công dụng chữa bệnh. Ví dụ như trong bùn có khoáng chất, một số loại có tác dụng cầm máu, trong nước bọt thì có enzim tương tác với chất tiết ra từ đỉa cũng có tác dụng cầm máu, ngọn ổi, búp sen,… cũng là bài thuốc phổ biến trong đông y, đã được khẳng định.

    Yếu tố “giấu”, thần linh như trai 7 ngọn, gái 9 ngọn nhiều khi là dựa trên quan niệm về hồn vía của dân gian thôi. Yếu tố thần linh nhiều khi chỉ có tác dụng như một cách hù dọa trẻ, chẳng hạn khi trẻ không chịu uống thứ nước thuốc đó chẳng hạn. Đưa cho trẻ một sự sợ hãi mơ hồ, sẽ tạo ra một thứ niềm tin để chấp nhận thuốc. Cái quan trọng nhất ở đây vẫn là tác dụng chữa bệnh của thuốc.

    Tôi không phủ định tác dụng của yếu tố tâm linh trong các bài “thuốc giấu”, nó cũng giống như việc tạo nên cho người bệnh một niềm tin. Chính niềm tin này đã vô tình tạo ra sự tiết kháng thể trong cơ thể người bệnh, có tác dụng hấp thu tốt hơn công dụng của các loại thuốc này.

    Cũng tương tự như việc cùng ăn một bữa cơm, nếu phải ăn cùng với người mình không thích và ngồi cùng với những người bạn hiểu nhau, việc hấp thụ món ăn sẽ tạo nên cảm giác khác biệt. Ngon hoặc không ngon nhiều khi không phải do người nấu mà là do tâm trạng của người ăn. Tôi cho rằng, “thuốc giấu” là một cách chữa trị khá độc đáo của dân gian khi kết hợp được cả yếu tố thuốc và yếu tố tinh thần của người bệnh. Yếu tố tâm linh, bí mật ở đây không nên hiểu như một sự mê tín dị đoan vì bản chất nó không có hại.

    Có những loại “thuốc giấu” phản khoa học

    Như vậy, công dụng của “thuốc giấu” là thực sự hữu hiệu?

    Không phải bài “thuốc giấu” nào cũng hữu hiệu bởi vì nó còn phụ thuộc một phần vào cơ địa của mỗi người nữa. Có những bài thuốc như chữa lang ben, chữa ghẻ, chữa nấc, chữa ốm sốt,… người này có hiệu quả nhưng với người khác lại không tác dụng nên cũng không thể cứ ngồi chờ. Có bệnh thì vái tứ phương, thuốc này không khỏi thì phải chuyển sang thuốc khác. Thực chất của “thuốc giấu” chỉ là cách chữa mẹo, có tác dụng tức thời. Với những bệnh nặng thì phải điều trị đàng hoàng, có phác đồ từ thầy thuốc chứ không thể trông chờ vào “thuốc giấu”.

    Nhiều loại “thuốc giấu” ngày xưa được dùng phổ biến như nước giải của đồng nam, đồng nữ hoặc phân su trẻ em, bây giờ khoa học đã chứng minh ngược lại là phản khoa học rồi. Khoa học đã chứng minh là “thuốc” ấy có hại rồi, còn ai dám dùng nữa. Vì vậy, khi quyết định dùng “thuốc giấu”, thuốc mẹo, người dùng phải rất “tỉnh” và có kiến thức về thuốc dân gian, nếu không phải tìm đến thầy thuốc.

    Theo ông, khi dùng “thuốc giấu” phải lưu ý điều gì?

    Có bệnh thì phải dùng thuốc nhưng phải hiểu về loại thuốc mình đang dùng. Trước kia, thường ở nông thôn, người dân trồng rất nhiều loại cây thuốc xung quanh nhà. Đương nhiên, chẳng ai dại mà trồng các cây có độc. Vì thế, khi trong nhà có bệnh lặt vặt, bệnh thời tiết thì người ta dễ dàng tìm thấy thuốc xung quanh. Như tôi đã nói ở trên, có niềm tin thì tạo nên kháng thể hấp thụ thuốc tốt hơn. Đó chẳng phải là công dụng ngoài mong muốn sao. Nhưng, có một nguyên tắc tôi luôn phải nhắc nhở người bệnh là: Muốn dùng thuốc phải hiểu về thuốc. Đừng ngoan cố trông chờ vào “thuốc giấu” mà mang tật vào người.

    Không phủ nhận người xưa có nhiều mẹo hay chữa bệnh nhưng đến thời điểm hiện tại, khi khoa học đã phát triển, có điều kiện kiểm chứng, không nên bỏ lỡ. Bởi lẽ, có thể bài “thuốc giấu” chỉ đúng với một vài trường hợp rồi sau đó được đồn thổi lên quá tác dụng.

    Xin cảm ơn ông!

    Đỗ Huệ

    Nguồn: nguoiduatin.vn

  4. #4

    Mặc định

    thực ra thuốc giấu bản chất là cây lá bình thường được người chữa niệm chú vào. người chữa co phần âm trợ giúp. ai được dạy lại mà làm y chang cây lá đó chưa chắc đã tác dụng.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Các bài thuốc dân gian
    By 470525 in forum Y, Dược Thuật
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 26-09-2013, 10:15 AM
  2. Các Phương Thuật dân gian sưu tầm
    By Bin571 in forum Phương thuật của các dân tộc thiểu số
    Trả lời: 65
    Bài mới gởi: 21-10-2012, 12:42 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •