Thế giới ma - hiểu để không mê tín (Kỳ 1)

07:00 | 02/04/2015


(PetroTimes) - Trong giấc mơ thường gặp ác mộng, ma quỷ…, và đây cũng là đề tài gây nhiều tranh cãi, rất nhiều mâu thuẫn hiện hữu trong các quan niệm về ma. Đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho đề tài “huyền bí“ này, như: có ma hay không? Tại sao trong giấc mơ, con người hay liên tưởng tới ma? Tất cả mọi người khi mất đi thì có thành ma hết không?... PV chúng tôi đã có cuộc trao đổi khá dài hơi với người mở lối trong lĩnh vực tâm linh – TS Vũ Thế Khanh, người được gọi là “chuyên gia ma” trong “ngôi nhà ma” mà rất nhiều báo chí đã đề cập đến – tại Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng có trụ sở tại Số 1 Đông Tác – Kim Liên- Đống Đa – Hà Nội.


PV: Thưa TS, trong giấc mơ thường gặp ác mộng, ma quỷ, vậy có ma hay không? Nếu có ma, có thể chia thành mấy loại? Tại sao trong giấc mơ, con người hay liên tưởng tới ma? Tất cả mọi người khi mất đi thì có thành ma hết không?. Ma ở nghĩa địa là loại ma gì, có đáng sợ không?


TS Vũ Thế Khanh: Khi ta ngủ, trong trí não hiện lên rất nhiều giấc mơ, liên tiếp, đan xen, không rõ ràng và khi tỉnh dậy, đa phần chúng ta quên, nếu có nhớ thì chỉ mang máng mơ hồ. Tuy nhiên có những giấc mơ gây xúc động mạnh và làm chúng ta hoảng loạn hoặc bức xúc thì có thể làm ta choàng dậy.Vậy hiệu ứng nào tạo nên những giấc mơ đó? Nguyên nhân thì có rất nhiều, chúng ta sẽ đề cập và giải mã sự kỳ dị của những giấc mơ ở chuyên đề tiếp theo, còn trong phạm vi cuộc phỏng vấn này chúng ta quan tâm đặc biệt đến những cơn ác mộng gặp ma quỷ.



TS Vũ Thế Khanh

Ngoại ma và nội ma

Ma không chỉ có một loại, mà có đến 10 loại Ma, và được chia thành 2 nhóm là Ngoại Ma (hay còn họi là Thiên Ma) và Nội Ma (Tâm Ma). Đa số dân chúng hiểu khái niệm “Ma” nghiêng nhiều về loại Ngoại Ma, còn Nội Ma thì không mấy ai chú ý đến.Vậy NGOẠI MA là gì ?Ngoại Ma là phần vật chất vi tế thoát ra và cắt đứt được sự ràng buộc với cơ thể hữu hình khi cơ thể ấy không còn chức năng sinh học (tức bị Chết).Phần vật chất hữu hình của cơ thể, gọi là xác thân, hoặc còn gọi là Thân tứ đại, bao gồm 4 đại lượng chính (Đất, Nước, Gió, Lửa).

Phần vật chất vô hình vi tế, tuy mắt thường không nhìn thấy, nhưng nó vẫn tồn tại, ngay cả trường hợp phần thể xác không còn nữa. Khi con người chết đi thì lực lượng vật chất này thoát ra khỏi thân tứ đại, tiếp tục tồn tại dưới dạng thân Trung ấm, và chờ đủ duyên thì đi tái sinh vào lục đạo luân hồi tương ứng với nghiệp lực đã gieo theo lý Nhân Duyên Quả.Khi lực lượng tâm thức này thoát ra, sẽ được thể hiện dưới nhiều dạng phong phú, và được gọi bởi nhiều cái tên khác nhau (tùy theo mức độ tiến hóa Tâm linh của người đó), như có thể gọi: Người âm , Cô hồn, linh hồn, Vong, Vong linh, Hương linh, Anh linh, Chân linh, Giác linh,...


Đạo Phật gọi phần vật chất vô hình này với cái tên chung là THẦN THỨC.Đương nhiên, khi chưa đi tái sinh thì các phần vật chất (dạng Thần Thức) này sẽ có tương tác rất mạnh với thể giới hữu hình theo lý nhân duyên Tương sinh và Tương khắc. Tương sinh là do có ân nghĩa, thân thuộc với nhau, Tương khắc là do có thù oán, nợ nần với nhau khi còn tại thế.Dạng thần thức này thường được gọi chung là MA (hay Ngoại Ma, Thiên Ma), do vậy khi đi dự tang lễ, người ta thường gọi là đi viếng đám Ma, hay là đi đưa Ma, …


Ngoại Ma là yếu tố mang tính khách thể, tồn tại độc lập với xác chết, nhưng vẫn còn có ảnh hưởng tương tác với yếu tố chủ thể của cơ thể sống.Ngoại Ma mang tính khách quan bởi vì nó là sự kiện ngoại cảnh nằm ngoài cơ thể (nên gọi là Ngoại), nó tác động đến chủ thể chứ không phải do chủ thể phát sinh ra nó.Ngoại Ma có tương duyên với yếu tố chủ quan của mỗi cơ thể sống là bởi tuân theo nguyên lý cộng tác dụng: “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Điển hình cho trạng thái này là câu ví von trong dân gian: “đi với Bụt mặc áo Cà Sa, đi với Ma mặc áo giấy”.Ngoại Ma cũng có loại Thiện, loại Ác tùy theo căn cơ của chúng sinh, và chúng cũng có đầy đủ các phép thần thông (như nhân vật Bạch Cốt Tinh trong chuyện Tây Du Ký vậy).


Ngoại Ma có khả năng biến hóa thần thông nên Ngoại Ma thường dùng sở trường này làm phương tiện cứu cánh để chuyển thông điệp đến thế giới hữu hình. Để ám chỉ khả năng biến hóa của Ngoại Ma, người ta thường nói: “Bụt cao 1 trượng, Ma cao 10 trượng”.Ngoại Ma cũng giống như đạo giang hồ - chỉ ưa dùng võ công để phân định cao thấp chứ không ưa dùng luật pháp. Tuy nhiên, với những người tu hành chánh đạo thì họ không đề cao Thần thông mà chỉ coi trọng luật Nhân Quả: “Thần thông không bằng Đạo thông”, cũng ví như nhà chức trách thi hành công vụ thì dùng pháp luật là chính, không lạm dụng vũ lực hoặc võ thuật.


Nội ma là gì?


Trước hết, về ý nghĩa tượng trưng thì “Ma” là một phạm trù chỉ những điều xấu ác, tiêu cực, mờ ám trong ý thức và hành vi của đương sự. Phạm trù này được thể hiện trong cách nói như: âm mưu Ma quỷ, mưu Ma chước quỷ, liên minh Ma quỷ, thói ranh Ma, Ma mọi, Ma túy... Do vậy khái niệm “Ma” không nhất thiết dùng để chỉ thần thức của người đã khuất, mà còn dùng để ám chỉ cho hành vi của cái tâm bất lương, ngay cả khi người đó còn sống vẫn có thể gọi là Tâm Ma.

Trong kinh sách nhà Phật đã chỉ ra 9 loại Nội Ma, tức là 9 loại tiêu cực phát sinh trong tâm thức của hành giả như:

1-Ma oan nghiệt nhiều đời,
2- Ma phiền não,
3- Ma sở tri,
4- Ma tà kiến,
5- Ma vọng tưởng,
6 - Ma khẩu nghiệp,
7- Ma bệnh khổ,
8- Ma thùy miên,
9- Ma mỵ (ma men, ma túy...).

Phạm trù Nội Ma thường được đề cập trong các giáo điển của Phật Giáo.
(Còn tiếp)V.T.A (ghi)