TÔI BIẾT MA NHƯ THẾ NÀO

Chuyện 1: Ma học trò
Hồi 8 tuổi, tôi đã nhát ma làm cho anh trai tôi 10 tuổi một phen thất kinh hồn vía bỏ chạy, và chính tôi cũng bỏ ma ở lại để chạy theo.

Cuối buổi chiều hôm đó anh trai tôi đang ngồi học, chiếc bàn kê gần cửa, thỉnh thoảng gió lùa đung đưa dây màn cửa bay lòa xòa, soi bóng loằng ngoàng dưới sàn nhà. Sau lưng là buồng ngủ, luôn luôn tối và vắng người, ban ngày người lớn đi làm chỉ còn hai anh em tôi trông nhà.

Thấy anh chăm chú ngồi học, tôi nảy ra sáng kiến, kiếm một bộ đồ đen mặc vào người, chiếc quần lưng thun người lớn quá dài so với tôi, hai ống chân quét lệt xệt dưới đất, chiếc áo đen mặc ngược từ phía sau, trùm kín đầu, hai tay giơ lên cao mà vẫn chưa lọt ra khỏi tay áo. Thế là tôi hóa thành con ma đen thui.

Hóa trang xong, tôi lững thững bước từ phòng ngủ ra chỗ bàn học, khi đến gần thì dẫm chân bịch bịch để tạo chú ý. Đang ngồi học chăm chú, anh tôi quay người lại ngước nhìn vào phòng ngủ. Ôi trời ơi! Anh tôi thất kinh hồn vía phóng ra cửa ngoài, miệng la thất thanh: Ma!...a!...a!

Kế hoạch của tôi đã thành công ngoài dự kiến, sau lưng tôi lúc này là căn phòng tối tăm mờ ảo chẳng còn ai, vậy thì đến lượt tôi quăng luôn bộ đồ đen và chạy lẹ theo anh tôi ra ngoài sân vì cũng sợ ... ma.
----------

Chuyện 2: Ma trong trại lính
Đây là câu chuyện có thật trăm phần trăm, ba tôi kể lại cho cả nhà nghe nhiều lần. Vào thời Pháp, ba tôi đi lính đóng tại đồn Vĩnh Lộc Thượng, tỉnh Hà Đông. Đêm trực gác hôm ấy ba tôi vừa kết thúc lúc 2 giờ sáng, bàn giao cho người kế tiếp ba tôi quay vào dãy phòng bên trong để ngủ, cách vọng gác khoảng hơn trăm thước. Căn phòng trại lính thời ấy tuềnh toàng, đơn sơ, trước đây là dãy lớp học của làng, được trưng dụng làm đồn lính. Giữa phòng kê chiếc giường vừa đủ một người nằm, nhìn ra cửa đi phía trước, kế cửa đi là cửa sổ nhỏ, cánh còn cánh mất, nhìn thấy ánh trăng lờ mờ bên ngoài.

Ngả lưng xuống chợp mắt chưa bao lâu, có tiếng xạch xạch hút thuốc lào vang lên bên vách. Ba tôi không phản ứng gì, nghĩ rằng có người đi làm đồng sớm ngang qua, tiếng thuốc lào của họ vọng lại ấy mà. Tiếng xạch xạch xuất hiện lần thứ hai, rất gần giường nằm, nhưng đổi bên đối diện. Ba tôi lại nghĩ thầm tiếng một con dế hay châu chấu gì đó bay lạc trong đêm chẳng đáng bận tâm. Chuyện không như vậy, tiếng xạch xạch bây giờ nghe rõ ràng ngay dưới chân nằm làm ba tôi tỉnh giấc. Phía cuối giường một bóng người cao to, đầu trùm khăn không rõ mặt, hai tay giơ cao từ từ cúi xuống ôm lấy chỗ giường nằm. Phản ứng tự nhiên của người lính, ba tôi co chân đạp liên tiếp vào bóng người, nhưng không chạm vào vật gì. Nhổm người dậy, tay với lấy khẩu súng ngắn dưới gối, ba tôi lên tiếng:

- Ngài cần gì? Tôi có thể nói được tiếng Tây, tiếng Tàu và tiếng Việt, ngài cần gì cứ nói! Tôi không chọc ghẹo ai, cũng mong đừng chọc ghẹo tôi.

Đáp lại câu hỏi của ba tôi, bóng đen kia lặng lẽ bay ra phía cửa sổ, nhẹ nhàng tan biến vào ánh trăng mờ ảo.

Ba tôi tỉnh ngủ, đẩy cửa ra gặp anh lính đang gác ngoài cổng, anh ta cho biết không có ai đi ngang qua đây cả.
----------

Chuyện 3: Ma trong đền thờ
Dọc theo con đường nhựa từ thành phố Đà Nẵng đi đến núi Sơn Trà hồi ấy dân cư còn thưa thớt, cách ngã ba Tiên Sa chừng hơn cây số có một ngôi đền tọa lạc trên sườn núi, đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo. Muốn vào đền phải lên khoảng 80 bậc thang đá, đến khoảng sân rộng 100 mét vuông, hai bên có hai tượng ngựa chiến, to cao rất oai phong. Bên trong gian điện thờ tuy không rộng nhưng thâm cung và trang nghiêm, hai bên có hai hàng giáo gươm kiếm kích dựng thẳng đứng.

Ba tôi là người có tín ngưỡng và rất điềm tĩnh vốn có của người lính, thường đi cúng đền vào những đêm rằm và mồng một. Quan niệm của ba tôi vào giờ khuya vắng như vậy cúng đền sẽ linh ứng hơn ban ngày.

Một đêm rằm như thường lệ, ba tôi tắm rửa sạch sẽ rồi mang nhang đèn đạp xe đi cúng đền. Khi làm thủ tục đốt nhang trước bàn thờ, ánh sáng của mấy ngọn đèn dầu hắt xuống, ba tôi nhìn thấy một đầu rắn to như trái bưởi, trườn từ sau mâm ngũ quả ra phía trước bát nhang, ngang trước mặt ba tôi, những chiếc vảy bóng loáng to như vảy cá chép, nhưng kỳ lạ khi trườn vào trong thì ba tôi không nhìn thấy thân rắn.

Sau khi làm lễ, ba tôi bước ra ngoài sân đứng đón gió núi mát rười rượi, cảm giác thanh thoát rất dễ chịu, bỗng có tiếng vó ngựa dập dồn của một đoàn quân đang hùng dũng tiến vào sân đền, nhìn quanh sân thì chỉ thấy hai pho tượng ngựa đá đứng yên giữa đêm thanh vắng.
----------

Chuyện 4: Ma chết đuối
Cuối năm học lớp 8, nhóm bạn chúng tôi bốn đứa gồm Hùng, Phước, Bình và tôi chuẩn bị kết thúc năm học, cuốn sổ lưu bút được chuyền tay nhau viết vội cho kịp trước buổi liên hoan nghỉ hè. Bình là đứa sốt sắng nhất nhóm, đã viết kín hai trang sổ và hứa sẽ tặng tôi một tấm hình thật đẹp làm kỷ niệm.

Những ngày lưu luyến ấy ai cũng muốn níu kéo thời gian lâu hơn, và nhóm chúng tôi rủ nhau đi tắm biển. Nơi chúng tôi sống là bán đảo Sơn Trà có biển bao quanh, đẹp nhất là biển Tiên Sa, nổi tiếng với bãi cát trắng sạch và mịn, nước biển xanh trong ngắt, sóng vỗ rì rào ngày đêm, một bãi tắm dành cho các tiên nữ giáng trần đúng như tên gọi.

Trên đường đi ra bãi tắm, lúc trèo qua một bãi đá, Bình đi đầu phát hiện và đuổi theo một con kỳ đà to bằng bắp chân, cố bắt cho được nhưng không kịp, chú kỳ đà phóng xuống biển, làm cho Bình trượt chân ngã theo xuống biển. Chúng tôi loay hoay tìm cách kéo Bình lên thì một đợt sóng ập đến, đầu Bình bị va vào đá rồi bị sóng kéo ra xa, chúng tôi chỉ thấy bóng của Bình xa dần rồi chìm hẳn dưới làn nước biển.

Sau đám tang của Bình một tuần, gia đình mời một bà đồng tên là bà Tám Đồng Cốt. Theo phong tục ngư dân vùng biển thường làm lễ gọi hồn cho những người chết đuối, chưa kịp trăng trối với gia đình. Hôm ấy có mặt rất đông bà con dòng họ, bạn bè cùng trường, cùng xóm kéo đến dự buổi lễ cầu hồn cho Bình. Trong làn khói nhang nghi ngút, bàn thờ sáng rực đèn cầy, bà Tám đầu đội khăn kín mít, một tay cầm lá bùa, một tay cầm nhang múa vài đường, vừa nấc ợ vừa nói, giọng trẻ con đúng như giọng của Bình lúc sống. Kỳ lạ thay đến phần dặn dò của Bình với gia đình, Bình nói rằng có hứa tặng một tấm hình cho người bạn thân, bà Tám là hiện thân của Bình nhanh nhẹn dắt mọi người đi lên thang gác, đến trước chỗ bàn học rút ra một cuốn sách giáo khoa, lật lật vài trang và đúng là có tấm hình rất đẹp Bình mới chụp không lâu, phía sau là dòng chữ ghi tặng: “Kỷ niệm tình bạn thân!”.