Tu là một quá trình,
Thấy là một cảm nhận,
Tùy nhân duyên, số phận,
Mà ta thấy được gì.

Thấy bằng Thân, bằng Trí,
Hoặc được thấy bằng Tâm,
Cũng là để diệt Tham,
Diệt Sân, Si, ô trọc.

Cuộc đời là lớp học,
Nhằm trả hết Nghiệp xưa,
Dù được, mất, thắng, thua,
Cũng là bài tập cả.

Nghiệp cũ buộc phải trả,
Không trốn được chút nào,
Tu khéo phải làm sao,
Trả Nghiệp không thêm Nghiệp.

Trừ Nhân để Quả diệt,
Cho tới lúc vững bền,
Các bạn nhớ đừng quên,
Tu đâu phải để Thấy.



Đọc chia sẻ trên diễn đàn mình cũng muốn chia sẻ một chút kinh nghiệm bản thân.
Quá trình Tu tôi có thể mô tả đơn giản như sau:

1. Tu thân: Nhằm trả Nghiệp và giúp cho Tâm ngày càng thanh nhẹ. Thân ở đây được đại diện bằng Trí tức bộ não của ta với các công cụ là thân xác với các giác quan. Thân này không do tự nhiên mà có mà do Nghiệp của Tâm dẫn dắt Tâm khoác bộ áo này. Nó sẽ quyết định ta sinh ra ở đâu, lúc nào và gia đình ta là ai. Đây có thể được gọi là số phận. Thân này không bắt ta đi theo con đường định sẵn mà giúp Tâm ta có điều kiện trả hết các Nghiệp có sẵn trong Tâm.

2. Tu Tâm: Khi Tu thân tới một thời điểm Tâm đã đủ thanh nhẹ thì cảm nhận của chúng ta sẽ tiến lên một mức mới: Thấy bằng Tâm, sự Thấy này giúp ta sâu sắc hơn về sự vô thường, sự giả tạo của thấy bằng Trí. Đây là thời điểm của tu Tâm. Sự Thấy này sẽ dần tăng tiến nếu ta tiếp tục trả các Nghiệp cũ và không gây Nghiệp mới. Giới hạn của sự Thấy này chính là Nghiệp của Tâm. Việc này giống như sự giữ bí mật đề của mỗi kỳ thi. Nếu lộ "đề" thì Tâm sẽ tránh Nghiệp thì đâu có trả được nữa. Đây cũng chính là lý do khiến "Thần thông không tránh được Nghiệp lực". Sự Thấy kết hợp việc trải nghiệm cuộc sống khiến bài học về Nhân Quả trong Tâm ngày càng sâu sắc.

3. Giải thoát: Toàn bộ quá trình tu Tâm được lặp đi lặp lại qua nhiều kiếp tới khi Tâm không còn Nghiệp và không còn cấu nhiễm các yếu tố gây Nghiệp (Tận lậu).

Việc của người Tu là xác định Tâm ta đang ở đâu trong quá trình trên và làm gì tiếp theo để tiến tới Giải thoát.