Mình nên tập buông xuống, buông đi những vọng tưởng chấp trước hay sự phân biệt, hơn thua, đố kỵ từ trong nội tâm của chính mình chứ không phải của người khác. Còn những vọng tưởng, ngã chấp của người khác thì sao đây? Của người khác thì mình phải tùy thuận nghĩa là phải thuận theo những vọng tưởng, chấp trước hay phân biệt của họ. Và buông xuống những vọng tưởng chấp trước của mình. Trong sự tùy thuận đó thì công đức nó đã thành tựu. Trong cái mình tùy hỷ đó, nó đã có công đức thành tựu định huệ cho mình.

Vì nếu mình không tùy thuận trong cái hoàn cảnh đó, thì cái sự tu của mình nó sẽ không thể nâng cao hoặc tiến lên được. Mình tùy thuận cảnh giới hoàn cảnh nhưng không khởi tham ái. Mình không khởi tham ái thì chính mình không còn vọng tưởng phân biệt, chấp trước nữa. Vì không khởi tham ái thì cảnh giới của mình hoàn cảnh của mình sẽ ngày càng nâng cao và tiến lên được. Tùy thuận nghịch duyên đối với nghịch cảnh không khởi tâm sân hận. Mình không khởi tâm sân hận vì chính mình đã không còn phân biệt hay chấp nữa, mình còn chấp còn phân biệt thì nghĩa là tâm mình không an.

Như chẳng hạn chúng sanh trên đời này ai cũng có Phật tánh hay trí tuệ, nhưng tại sao họ có nhưng họ luôn cảm thấy hoàn toàn không có trí tuệ là do đâu? Là do tâm lượng họ nhỏ nhoi, tâm lượng họ không rộng mở cho nên trí huệ họ không hiện bày. Vì trí huệ của họ sẽ thuận theo sự mở rộng tâm lượng của họ, tâm lượng họ càng lớn càng mở rộng ra thì trí huệ họ càng to lớn. Tâm lượng họ hạn hẹp thì trí tuệ của họ cũng sẽ nhỏ hẹp, tâm lượng nhỏ hẹp nên cái trí họ không có được. Vì tâm lượng còn nhỏ hẹp là mình còn mê đó. Nên cái việc mở rộng tâm lượng rất quan trọng.

Do đó, việc xả và buông nội tâm của mình rất quan trọng nó giúp mình mở rộng tâm lượng. Xả là xả cái tâm lượng nhỏ nhoi, xả phân biệt, xả chấp trước. Hễ còn phân biệt hay chấp thì tâm lượng không lớn được. Khi mình xả hết rồi, mới viên mãn bồ đề tức là mình đạt đến vô thường.

Khi mình tranh cãi, tranh chấp nhất định là do chấp trước thành kiến của mình, tự cho mình là đúng. Vì cả 2 người tự cho mình là đúng, nên mới có sự tranh chấp, nếu như người đó cho mình là đúng, thì mình đừng nghĩ mình là đúng, sẽ không có chuyện gì xảy ra nếu họ tranh cãi còn mình thì nhường nhịn, thì sự tranh cãi sẽ không khởi phát được, vì tranh cãi hay đánh nhau phải do 2 người 2 bên. Nếu 1 người cãi, 1 người đánh nhưng người kia lại nhường thì chẳng thể nào mà có chuyện đánh đấm hay cãi vả được. Vì nếu một người chửi một người nhịn thì người kia không thể tiếp tục chửi nữa. Có thể cho thấy 2 người cãi nhau chứng tỏ 2 người ngang hàng, nếu một người cao hay một người thấp thì không thể cãi nhau được. Người ở trình độ cao hơn sẽ nhường sẽ không tranh cãi nữa.

Chổ này mình cần phải rèn luyện thì trong đời này mình sẽ có nhiều hạnh phúc, vì sao vậy? Vì khi mình cùng người khác cãi vả thì tự mình phải sanh lòng xấu hổ, vì sao vậy? Vì mình cũng giống như họ, nếu không giống nhau thì sao lại cãi vả cho được, cho nên đừng cho mình đúng, đừng nghĩ mình tài giỏi, chớ nghĩ mình thông minh, nếu nghĩ như vậy sẽ dẫn đến thị phi phiền não. Mình phải giữ lấy mình, như vậy mới tốt, cho nên chẳng tranh với người, chẳng cầu ở thế gian. Vô tranh vô cầu, là buông xuống hết thảy, thì sự tu của mình không có chướng ngại. Mình tu không đến nơi đến chốn là do mình còn có tranh giành, còn đòi hỏi, còn tranh đấu, còn cáu thì không thể về với Phật được. Cứ mãi trôi lăn trong lục đạo luân hồi.

Buông xuống 1 sẽ hiểu 1, buông xuống 2 sẽ hiểu 2, buông xuống càng nhiều sẽ thấu hiểu càng nhiều hơn nữa, mới thấy được những hiệu quả của việc buông xuống. Đó là Phật pháp chân chính.
Ví dụ mình có thể đọc làu làu giáo lý kinh điển, nhưng không buông xuống thì cũng vô dụng, sự hiểu biết Phật pháp của mình vẫn là từ ngoài da. Mình phải thật sự chứng đến cảnh giới, sau đó xem văn tự trong kinh Phật dạy mới hiểu được. Đó chính là cái khó của Phật pháp. Nhưng dễ mà không khó, khó và dễ không hai. Vì sao lại khó? Vì mình đọc chẳng lãnh hội được, không hiểu không hành thì đó là khó. Mà vì sao lại dễ? Buông xuống. Nếu thật sự người nào đó dầu chưa đọc bộ kinh nào, như trường hợp ngài Lục tổ Huệ Năng đó, chưa từng đọc bộ kinh nào nhưng ngài hiểu nên mới gọi là dễ. Khó hay dễ là chỉ mình có chịu buông xuống hay không thôi.

Vì sao phải buông xuống? Vì thật sự cái mình muốn không thể nào có được. Nên người mê rất tội nghiệp, tâm nhọc nhằn than thở khổ sở, những thứ ta không thể có lại muốn có cho được cho nên mới khổ, thân tâm đều khổ. Buông rất khó, khó lắm. Nguyên nhân là mình không nhìn thấu, vì mình không thật sự hiểu được chân tướng sự thật của nhân sinh. Mình phải nghĩ các pháp đều là không, đều là giả, mình nghĩ về ngày hôm qua thì hôm qua đã trôi qua rồi vĩnh viễn chẳng thể trở lại được nữa, mình nghĩ về hôm nay thì hôm nay cũng đã qua rồi. Thật sự là một giấc mộng, nên trên thế gian này không có vật gì là của mình, thế gian không phải là của mình vậy thì còn thứ gì là của mình nữa? Có vật gì mình cất giữ mãi được đâu, tất cả chỉ là giả tạm.

Nếu mình thường nghĩ như vậy thì đối với vạn vật vạn sự trong thế gian này tự nhiên mình sẽ thấy lợt lạt, sẽ chẳng chấp vào nó nữa, sẽ không còn hơn thua tranh chấp. Từ đó mình sẽ tùy thuận theo duyên sống qua ngày. Vì buông xuống rất khó lắm. Nhưng mỗi ngày mình tập luyện thì sẽ sớm tiến về bờ Giác.

Người đời thường thắc mắc khi tất cả vạn vật trên thế gian này đều là giả tạm thì có cần cố gắng làm việc lao tâm lao lực nữa không, vì là giả tạm mà, như vậy cuộc sống này liệu rằng buông như vậy thì sao có tiền lo cho chồng con, cha mẹ, bản thân và sẽ có muôn vàn câu hỏi thắc mắc tương tự như vậy. Câu trả lời là mình buông là buông cái chấp của mình, mình tùy thuận mà sống cõi đời này nhưng mình chỉ buông cái chấp trong nội tâm của mình. Mình buông không có nghĩa là bỏ hết tất cả, mình chỉ buông những cái tâm chấp của mình, mình tùy thuận mà sống trong cõi đời này, biết nó đủ sẽ là đủ vì tài sản chẳng mang theo được, quyền thế địa vị chẳng mang theo được, danh vọng lợi dưỡng chẳng mang theo được, tinh thần tư tưởng chẳng mang theo được.

Chứ đâu phải mình buông là buông bỏ hết tất cả để rồi làm khổ chồng con hay gia đình, đó là mình gây nghiệp thêm. Mình tùy thuận theo duyên mà hành thôi, và mình buông xả cái tâm lượng của mình thôi. Quả thật rất khó đối với cư sỹ tại gia. Vì cư sỹ tại gia thật sự mà nói còn vướng nợ trần gian nhiều, phước chưa đủ lớn, nên có những chướng ngại, do nghiệp lực còn nhiều cần phải hóa giải vượt qua. Cư sỹ tại gia là mình còn nợ nhiều lắm nên mới nói tùy thuận mà hành, tùy thuận duyên mà sống trên cõi đời này. Tuy còn vất vả còn khổ đau do nghiệp mình còn nhiều, nên mới bị những chướng nạn đau khổ, vì có những nghiệp lực mình không thể tránh khỏi, mình chỉ làm giảm đi sự lo lắng và sợ hãi. Vì định nghiệp không thể tránh được thì hãy tìm phương cách nào để tự an ủi mình, đó là giảm đi sự sợ hãi, lo lắng.

Như trong cuộc sống mình phải làm mới có ăn, không làm thì đói, nhưng mình tùy thuận nhân duyên để sống qua ngày, buông xả tâm lượng của mình và đối với những nghiệp lực mình không thể tránh khỏi chi bằng cách đối phó với nó là làm giảm đi sự lo lắng sợ hãi. Vì làm con người là khổ đau, mình phải đối diện sự thật này để sống tốt, còn nhân duyên thế nào nữa thì phải xét về nghiệp người đó chứ không thể nói tôi sống trên thế gian này không cần ăn, không cần làm, thì người đó lại là người mê, chứ không thể là người trí. Người trí sẽ biết sống thế nào, nắm giữ cái gì và buông xả cái gì, đó thật sự mới là hạnh phúc.

BUÔNG CÁI KHỔ ĐAU, BUÔNG TRONG TÂM MÌNH, SỐNG VUI VÀ TÙY THUẬN NHÂN DUYÊN.