Ví dụ khi trong tâm mình có ý nghĩ gì xấu như chửi rủa người nào đó, y như thật khởi tâm lên vậy, thì liền có ý thứ 2 phát ra trong tâm “Mình không thể làm như vậy được, đó là ác nghiệp”. Khi ý thứ 2 khởi lên đó là mình giác ngộ rồi đó, nên ý thứ 1 sẽ không khởi được do ý thứ 2 giác ngộ. Cho nên mới nói trong tâm chúng sanh luôn khởi ý niệm xấu, nhưng khi giác ngộ rồi ý thứ 2 hiện lên xóa bỏ ý thứ nhất, đó là mình đã Giác Ngộ. Cho nên mới có câu không sợ ý khởi niệm chỉ sợ mình không giác ngộ.

Như trong trường hợp người tu vì sao lại có nhiều nghiệp chướng, vì mình không có phước, cứ mãi lo chuyện thiên hạ không buông xuống vạn duyên, người như vậy là người không có phước. Người có phước là người tâm luôn thanh tĩnh, phước báu đó là tâm thanh tĩnh là trí huệ không gì mà sánh bằng, tâm thanh tịnh khởi tác dụng là trí huệ. Nên mới có câu chẳng sợ niệm khởi chỉ sợ giác chậm. Ví như mình khởi lên tâm sân hận lập tức liền nhận biết, “Ôi tui sai rồi”, biết như vậy chính là sám hối. Khi niệm đó tức thì vừa khởi lên, liền nhận biết và nói “Tôi sai rồi, như vậy là không đúng, tôi tu theo Phật mà lại còn đố kỵ hay sao?”, khi ý niệm này khởi lên liền lập tức giác ngộ, đó gọi là khai ngộ. Người như vậy là người giác chứ không phải là người mê, khi chúng ta giác ngộ thì ý niệm này không còn, liền tiêu mất, nghiệp chướng liền được tiêu trừ. Nếu như người nào đó khởi ý niệm sân hận đố kỵ cứ tang dần lên hoài, đó là người không giác đó là người mê.

Nếu thật sự giác Ngộ không Mê thì phải coi lợt lạt tất cả các pháp thế gian cũng như xuất thế gian, phải buông xuống, lý do khiến con người mê hoặc điên đảo không giác ngộ chính là quá coi trọng các pháp thế gian, không chịu buông xuống. Như vậy những niệm mê cứ tăng trưởng mà không chịu giác ngộ, mình phải coi lợt lạt tất cả sự việc sẽ dễ giác ngộ, khi giác ngộ liền khởi lên một câu Phật hiệu. Như ý niệm thứ nhất của tôi là vọng niệm, ý niệm thứ 2 của tôi sẽ là A DI ĐÀ PHẬT. Đó là mình tự chuyển nhanh chóng như cái câu không sợ khởi niệm chỉ sợ giác chậm, mình không sợ ý niệm vọng niệm khởi lên, mình không sợ nó, thì ý niệm thứ 2 liền giác ngộ, liền chuyển thành A DI ĐÀ PHẬT, làm cho tâm niệm A DI ĐÀ PHẬT luôn tăng trưởng. Cao lắm là ý vọng niệm thứ 2 khởi lên, thì liền phát khởi niệm A DI ĐÀ PHẬT, mình đã chuyển từ cái vọng niệm sang cái chánh niệm.

Ý niệm thứ 2 liền khởi lên sự sám hối trong tâm, người như vậy là người có phước, người nào mà như vậy thì kiếp này sẽ có thành tựu. Vì trong cõi đời này từ vô thỉ kiếp mình trôi lăn trong lục đạo luân hồi, chẳng có nghiệp gì mình chưa tạo, nếu không có tâm tu hành mình sẽ chẳng thấy được những cái ác nghiệp khác thường mình đã tạo, nếu có tâm tu hành sẽ thấy được những việc làm xấu của mình. Đó là Chơn và Vọng xen lẫn nhau, chứ không phải không có một khi tạp niệm vừa khởi. Ví như 1 người chống chọi với nhiều người không thể lơ là được, nếu không sẽ bị cái Vọng làm chủ, Mình sẽ bị hại. Nếu cố hết sức chống chọi thì nó sẽ bị ta chuyển, tức là chuyển phiền não thành bồ đề.

Khi tỉnh táo thường nghĩ lỗi của mình, khi nói chuyện đừng nói thị phi của người, thường khởi tâm xấu hổ, thường khởi tâm sám hối. Dù có tu thành tựu gì cũng thấy công phu của mình còn kém lắm, không có khoe trương, chỉ lo chuyện của mình đừng lo chuyện người khác, chỉ nhìn vào mặt tốt đừng xét về mặt xấu, coi hết thảy mọi người đều là Bồ Tát, chỉ có mình là phàm phu.

Phần đông người tu cả đời chẳng được lợi ích, vẫn phải trôi lăn lục đạo luân hồi y như cũ vì họ luôn nghĩ rằng Phật pháp là nhằm dạy cho người khác. Học Phật pháp rồi mà cứ luôn xét nét người khác họ quên nhìn lại chính bản thân mình, đó là hoàn toàn trái ngược với tinh thần Phật pháp. Tinh thần Phật pháp là nhìn xét đoán chính mình chứ không xét đoán người khác. Người khác đều là người tốt, đều là Phật, là Bồ tát, những gì người khác đều làm đúng đắn là chính xác. Người khác tạo ác nghiệp là tạo điều kiện cho mình coi họ đọa địa ngục cũng là bài học để đe dọa, răn đe, nhắc nhở chúng ta cảnh giác. Bất luận duyên bên ngoài là ác duyên hoặc thuận duyên, là thuận cảnh hay nghịch cảnh hết thảy đều là chư Phật chư Bồ tát từ bi thị hiện cho ta thấy để độ cho mình. Nếu hiểu như vậy thì sự tu của mình sẽ thành tựu viên mãn.

Nếu thật là người tu đạo sẽ chẳng nhìn thấy lỗi lầm của người khác, thế gian chẳng có lỗi lầm chỉ thấy có lỗi của mình. Sợ nhất là ý niệm rằng luôn nghĩ mình là chẳng có lỗi, chỉ thấy lỗi người khác. Mình phải biết trong thế gian chẳng có chuyện gì cho mình bận lòng, vì có lo nghĩ cũng chẳng thể giải quyết gì được, con người trong thế gian không thoát ra khỏi vận mạng định nghiệp đã định sẵn, hóa giải cái định nghiệp này bằng cách mình chẳng nghĩ đến nữa luôn giữ cho tâm thanh tịnh cho dù biết trước số mạng như vậy. Nhiều người không dám buông xuống vì sợ nếu buông xuống ngày mai phải làm sao đây, cứ luôn nghĩ trước nghĩ sau, không chịu buông xuống. Đây là chẳng hiểu rõ lý sự, chẳng sanh khởi lòng tin, nhưng thật sự buông xuống càng nhiều thì thu hoạch càng nhiều, giàu sang cũng từ bỏ thì tài vật mau đến, đây là nhân quả. Quả báo của bố thí pháp là thông minh trí tuệ, quả báo của bố thí vô úy pháp là khỏe mạnh sống lâu.

Tất cả các tai họa đều từ phiền não sanh khởi, đều từ vọng tưởng chấp trước phân biệt mà khởi, nếu tâm luôn thanh tịnh thì những tai nạn này sẽ tiêu trừ, xa lìa tất cả vọng tưởng, phân biệt chấp trước thì tâm mới được thanh tịnh. Nguyên nhân khiến ta không buông xuống được là vì ngu si không được phá trừ, trong tâm vẫn còn ràng buộc lo âu khổ sở, công phu tu học cũng không đắc lực, đừng nên có tâm riêng tư dục vọng tâm niệm luôn muốn chiếm hữu. Tâm niệm chiếm hữu chính là căn bản của sanh tử luân hồi, là nguồn gốc của tội nghiệp. Khi nào buông xuống thì mới không còn thọ nhận nữa, còn khi chưa buông thì vẫn phải còn thọ nhận. Tham sân si thị phi nhân ngã ta có chịu buông hay không? Nếu chưa buông xuống thì những nghiệp chúng ta đã tạo đời này hay đời trước thì thiện nghiệp nhất định có thiện quả mà ác nghiệp nhất định có ác quả mình phải đều thọ nhận hết.
Khi chúng ta giác ngộ, vừa giác ngộ vừa quay đầu thì sẽ khác.

Khi nào chúng ta từ trong mộng tỉnh dậy thì chúng ta sẽ không còn thọ nhận nữa.