Tuyệt chiêu bí truyền đốt huyệt... chữa bệnh

Trang chủ
Đời sống
Sức khỏe

20.03.2015 | 14:30 PM

Không qua đào tạo trường lớp, không bằng cấp, không danh hiệu nhưng người dân ở đây tin bà lão chăn bò này còn hơn cả tin bác sỹ. Rất nhiều người đã được bà chữa khỏi bệnh miễn phí bằng cách dùng bấc đèn đốt huyệt. Cứ hen suyễn, đau đầu, mắc các bệnh thần kinh là người ta tìm đến bà đầu tiên...

  • Rất nhiều người đã được bà chữa khỏi bệnh miễn phí bằng cách dùng bấc đèn đốt huyệt. Cứ hen suyễn, đau đầu, mắc các bệnh thần kinh là người ta tìm đến bà đầu tiên nhưng chẳng ai gọi bà là thầy thuốc. Họ chỉ quen gọi bà là cụ Nính chăn bò.




Tuổi 74 vẫn miệt mài tìm lá thuốc

Cụ Hoàng Thị Nính, lão bà chăn bò xã Thanh Tương (Na Hang, Tuyên Quang) là một người am hiểu truyền thuyết xưa, được người dân kính trọng. Tôi nhờ anh Hoàng Văn Hoan, phó chủ tịch đưa đến nhà cụ mới hay cao nhân chính là ân nhân của bố con anh.

Bà Nính kể chuyện chữa bệnh cứu người.

Ngày bé, anh Hoan bị mắc chứng đau đầu kỳ lạ. Những cơn đau thường xuyên hành hạ anh như có ai cầm búa đập vào đầu. Gia đình nhiều lần đưa anh đến gặp bà Nính để chữa bệnh. Nhưng như hầu hết những đứa trẻ khác trong làng, chỉ cần nghe nhắc tên cụ là sợ xanh mặt, cậu bé Hoan khóc lóc, chỉ mong trốn được khỏi nhà cụ bà dị nhân này. Người lớn, trẻ con yêu quý cụ coi là ân nhân cứu mạng nhưng lại rất sợ cách chữa bệnh bằng đốt huyệt của cụ. Nó đau đớn vô cùng.

Nhưng không thể chịu được các cơn đau đầu triền miên, cuối cùng anh Hoan phải ngồi im cho cụ Nính chữa. Nhớ lại cảm giác lúc đó anh Hoan lắc đầu lè lưỡi: “Ôi, đau lắm! Sợ lắm! Bây giờ vẫn sợ”. Tôi tò mò hỏi: “Thế sau anh có khỏi bệnh không?”. Anh cười vui vẻ: “Khỏi chứ! Khỏi từ bấy đến giờ không bị đau nữa”. Theo lời kể của anh Hoan thì đứa con trai nhỏ của anh bị bệnh hen cũng được cụ Nính chữa khỏi bằng phương pháp này, hiện đang rất khỏe mạnh.

Ông Hoàng Văn Hoan, người đã từng được bà Nính chữa khỏi bệnh đau đầu bằng cách đốt huyệt.

Năm nay đã 74 tuổi nhưng cụ Nính vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát chẳng kém thanh niên là mấy. Trước đây, khi còn làm bí thư phụ nữ xã Thanh Tương, cụ nổi tiếng năng nổ, làm được việc cho bà con. Đến tuổi nghỉ ngơi, nhưng cụ lại tính chuyện đào ao thả cá làm kinh tế. Sau mấy vụ thu hoạch, có tiền, cụ xây hẳn một căn nhà nhỏ ở bên cạnh ao để tiện việc trông nom. Cảm thấy, việc nuôi cá chưa đủ bận rộn, cụ mua thêm ba con bò để chăn. Đầu óc tính toán làm kinh tế của cụ, nhiều người trẻ theo không kịp.

Cụ bảo: “Thì mình là Đảng viên, cũng phải gương mẫu cho người ta theo, không thì họ cười chết. Làm cán bộ hay nông dân đều tốt, quan trọng là làm hết sức mình, làm hết trách nhiệm của mình thì làm gì cũng thành công”. Năm nay, cụ đã được hơn 50 năm tuổi Đảng. Nhưng dường như người dân ở đây người ta vẫn gọi cụ thân thuộc là lão bà chăn bò. Cuộc sống của cụ Nính chỉ đơn giản là được tự lập và có thể gọi mỗi khi cần giúp đỡ.

Ngày ngày, cụ đưa bò lên tận núi cao ăn cỏ để trên đường đi có thể tìm lá rừng đem về làm thuốc chữa bệnh cho những ai cần đến. Đám mục đồng rất thích gần gũi với cụ, ngưỡng mộ sức khoẻ của cụ bà 74 tuổi có thể vượt qua những ngọn núi, cánh rừng. Cụ thường đưa bò đi rất xa, nhiều người bị đau đến tìm bà không được cho nên bà phải trang bị cho mình hẳn một chiếc điện thoại di động để ai có việc cần kíp thì gọi. Bà Nính vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa kể: “Nhiều hôm, nửa đêm rồi vẫn có người gọi chữa bệnh, già lại phải lụi cụi soi đèn đi giúp. Có hôm, già phải đi bộ lên tận Năng Khả cách chỗ ở hơn chục cây số để chữa cho một người bị sài giật. Hơi vất vả nhưng người ta cần chả nhẽ mình lại khoanh tay đứng nhìn?”.


Sai một ly đi một... mạng

Theo lời kể của cụ Nính về kỹ thuật đốt huyệt, muốn thành công người chữa bệnh phải nắm được tất cả các huyệt đạo. Tùy theo bệnh mà cụ đốt vào các huyệt liên quan để điều trị. Phương tiện dùng để đốt huyệt là một chiếc bấc đèn và mỡ kỳ đà là một thứ tối quan trọng, không thể thiếu. Vừa nói cụ Nính vừa dùng một chiếc bấc đèn mới, chấm vào lọ mỡ kỳ đà cho đến khi chiếc bấc hút đủ lượng mỡ cần thiết, cụ châm chiếc bấc thấm mỡ vào ngọn lửa trong chiếc đèn hoa kỳ.

Nhờ có mỡ kỳ đà, chiếc bấc bùng cháy một cách dễ dàng. Khi chữa bệnh, cụ Nính sẽ dùng chiếc bấc đang cháy châm thẳng vào các huyệt đạo. Động tác đó đòi hỏi phải nhanh, mạnh và tuyệt đối chính xác. "Chỉ cần sai một ly, lệch một huyệt cũng có thể đi một mạng người như bỡn đấy, không phải chuyện đùa đâu!", cụ Nính nói.

Bà Nính minh họa "kungfu" đốt huyệt.

Sau mấy chục năm dùng “kungfu” đốt huyệt chữa bệnh, khi về già cụ vẫn băn khoăn vì chưa tìm được truyền nhân. "Tôi cũng có dạy cho đứa con gái nhưng chỉ dạy mấy huyệt cơ bản, dễ làm và không gây nguy hiểm đến tính mạng. Còn những huyệt khó như các huyệt sau gáy, các huyệt ở gần vị trí xương cụt, nếu thực hiện không chính xác có thể gây tử vong thì già không dám dạy. Bao nhiêu năm rồi, già cũng không dám dạy cho ai, sợ người ta làm không tốt, gây ra hậu họa thì mình hối hận cả đời”, cụ Nính tâm sự. Cũng theo cụ Nính, một điều cấm kỵ trong đốt huyệt là không được đốt vào gân vì như vậy các đường gân sẽ ngay lập tức bị co rút lại. “Những ai có ý định theo học môn này, khi chưa thành thục thì đừng mạo hiểm thực hành trên cơ thể người khác vì chỉ cần một chút bất cẩn cũng có thể cướp đi sinh mạng con người”, cụ Nính cảnh báo.


Là một người dành cả đời nghiên cứu về y học, đặc biệt là y học cổ truyền, lương y Kiều Minh Côi (nguyên Chủ tịch hội Đông y Hà Nội) cho biết ông chưa từng được nghe, biết về phương pháp đốt huyệt chữa bệnh như trên. Việc chữa bệnh bằng phương pháp xoa bóp, bấm huyệt đã có lịch sử tồn tại, phát triển rất lâu đời ở nước ta nói riêng và nhiều nước trên thế giới nói chung và có hiệu quả cao trong việc chữa trị đối với một số bệnh. Nhưng dùng bấc đèn, thấm mỡ kỳ đà để đốt trực tiếp vào các huyệt đạo chưa từng được nhắc đến trong các tài liệu y học. Có thể đó là một cách chữa bệnh được lưu truyền trong dân gian.

Trong dân gian vẫn lưu truyền rất nhiều phương pháp chữa bệnh khác nhau. Đó là những kinh nghiệm phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe có tính tập thể và truyền miệng của nhân dân lao động. Mặc dù xã hội phát triển, y học có nhiều bước tiến đột phá để chăm sóc sức khỏe con người nhưng những phương pháp chữa bệnh y học dân gian như trên vẫn tồn tại ở nhiều nơi và là một bộ phận không thể thiếu trong nền y học nước nhà.

Cần được khoa học kiểm chứng

Vị nguyên Chủ tịch hội Đông y Hà Nội cho rằng: "Sự tồn tại của các phương pháp chữa bệnh theo y học dân gian như cách đốt huyệt của cụ Nính là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, chúng ta cũng chưa thể nói gì về cách chữa lạ lùng này nếu chưa có sự công nhận của các cơ quan y tế, chưa có sự kiểm chứng của khoa học. Người chữa bệnh cho người khác phải được học hành, phải có kiến thức y học hiện đại chứ không thể chỉ căn cứ vào một vài kiến thức y học dân gian được truyền miệng từ người này sang người khác qua bao nhiêu thế kỷ".
Dương Dung