Nếu còn nghĩ tới chứng đắc thì không chứng đắc, nếu nghĩ ta đã chứng đắc rồi thì ta chưa chứng đắc.
Sau đây chép trích đoạn 2 bộ Kinh thuộc trường phái Tiểu thừa - Đại Thưa để các bạn thấy mà dừng phân biệt, phỉ báng Phật Pháp khi mà không quán chiếu
1. Kinh pháp môn cơ bản thuộc Kinh Trung Bộ (Hoà Thượng Thích Minh Châu dich)
-- Này các Tỷ-kheo, ở đây, có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chơn nhân, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhân, không tu tập pháp các bậc Chơn nhân, tưởng tri địa đại là địa đại. Vì tưởng tri địa đại là địa đại, người ấy nghĩ đến địa đại, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, người ấy nghĩ: "Địa đại là của ta" - dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri địa đại.

Người ấy tưởng tri thủy đại là thủy đại. Vì tưởng tri thủy đại là thủy đại, người ấy nghĩ đến thủy đại, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với thủy đại, nghĩ đến (tự ngã) như là thủy đại, người ấy nghĩ: "Thủy đại là của ta" - dục hỷ thủy đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri thủy đại.

Người ấy tưởng tri hỏa đại là hỏa đại. Vì tưởng tri hỏa đại là hỏa đại, người ấy nghĩ đến hỏa đại, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với hỏa đại, nghĩ đến (tự ngã) như là hỏa đại, người ấy nghĩ: "Hỏa đại là của ta"- dục hỷ hỏa đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri hỏa đại.

Người ấy tưởng tri phong đại là phong đại. Vì tưởng tri phong đại là phong đại, người ấy nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với phong đại, nghĩ đến (tự ngã) như là phong đại, người ấy nghĩ: "Phong đại là của ta"- dục hỷ phong đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri phong đại.
2, Kinh Kim Cang
"Tu-Bồ-Đề! Vị Tu-Đà-Hoàn có thể tự nghĩ là mình chứng được quả Tu-Đà-Hoàn chăng?"

Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng: "Bạch đức Thế-Tôn, không thể được! Bởi vì sao? Vì vị Tu-Đà-Hoàn, gọi là bực Nhập-Lưu, và chính không nhập vào nơi đâu, chẳng vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, đó gọi là Tu-Đà-Hoàn".

"Tu-Bồ-Đề! Ý của ông nghĩ thế nào? Vị Tư-Đà-Hàm có thể tự nghĩ rằng mình được quả Tư-Đà-Hàm chăng?"

Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng: "Bạch đức Thế-Tôn không thể được! Bởi vì sao? Vì vị Tư-Đà-Hàm gọi là bực Nhất-Vãng-Lai, mà thiệt không có vãng-lai, đó gọi là Tư-Đà-Hàm".

"Tu-Bồ-Đề! Ý của ông nghĩ thế nào? Vị A-Na-Hàm có thể tự nghĩ rằng, mình được quả A-Na-Hàm chăng?"

Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng: "Bạch đức Thế-Tôn không thể được! Bởi vì sao? Vì vị A-Na-Hàm gọi là bực Bất-Lai, mà thiệt không có tướng bất-lai, cho nên gọi là A-Na-Hàm".

"Tu-Bồ-Đề! Ý của ông nghĩ thế nào? Vị A-La-Hán có thể tự nghĩ rằng, mình chứng được quả vị A-La-Hán chăng?"

Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng: "Bạch đức Thế-Tôn không thể được! Bởi vì sao? Vì thiệt không có pháp chi gọi là A-La-Hán. Bạch đức Thế-Tôn! Nếu như vị A-La-Hán nghĩ thế nầy: Ta chứng được quả vị A-La-Hán, thời chính là còn chấp-trước tướng ngã, nhân, chúng-sanh, thọ-giả.

Trích đoạn vậy thôi, để thấy rằng, chứng đắc là việc kết quả tu của ta, là kết quả sự công nhận của vạn vật, sự công nhận của không gian và thời gian và nhiều điều khác chứ chẳng phải tự cho chứng đắc là chứng đắc, tự cho độ sinh là độ sinh v.v