Vén màn kỳ bí chuyện ngậm ngải tìm trầm



07:00 | 09/03/2015

Từ hàng trăm năm qua, cuộc sống bí ẩn, hành trình bán mạng nơi rừng thiêng nước độc của dân ngậm ngải tìm trầm luôn là điều bí ẩn với người đời. Người ta biết rằng một khi giã từ vợ con quăng mình vào chốn thâm sơn là lúc phu trầm đối mặt với muôn vàn bất trắc, hiểm nguy chết người đến từ các mối họa "hổ vồ, trăn siết, phỉ giết, đá đè".



Ít ai biết được để tránh được các mối tai ương thường trực đó và để gặp được các khối trầm hương-kỳ nam trong mơ, các phu trầm phải thực hiện nhiều kiêng cữ lạ đời. Đầu Xuân mới xông đất Xứ trầm hương tìm gặp các phu trầm, chúng tôi ghi nhận đến 1001 điều cấm kỵ vô cùng lạ.1. Phu trầm lão niên mà tôi tìm gặp là ông Trần Văn, 62 tuổi, nhà ở xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh.


Cận cảnh một khối trầm hương - khát vọng của dân ngậm ngải tìm trầm.


Ông Văn cho biết trong hành trình bán mạng nơi rừng sâu săn trầm kéo dài hơn 20 năm của mình, ông đã nhiều lần gặp những cây dó bầu khổng lồ, cao đến gần 40m, thân u nần nhìn cứ tưởng "trúng đậm" nhưng lại chẳng có chút trầm nào: "Năm 1980, nhóm đi địu (cách gọi của dân địa phương chỉ những người ngậm ngải tìm trầm) chúng tôi gồm 5 người tìm đến núi Hòn Dữ (huyện Diên Khánh) - nơi theo truyền thuyết có 1 trong 4 cây trầm hương khổng lồ được Bà Thánh Mẫu Thiên Y A Na cho trấn ở 4 phương của tỉnh Khánh Hòa, được canh giữ bởi các loài chim muông, thú dữ. Khi ở lưng chừng núi, ai nấy mừng rơn khi phát hiện được hương trầm thoảng quyện, lan tỏa trong không gian. Theo hướng gió, rồi 1 trong 5 chúng tôi phát hiện cây dó bầu khổng lồ nên phát tín hiệu cho 4 người còn lại đến ăn trầm. Ngặt nỗi cây dó to bự, u nần là vậy nhưng nó chẳng có tí trầm nào. Biết mình chẳng được "Bà Cô" ban lộc nên mấy anh em tiu nghỉu. Sau này hỏi ra tôi mới biết 1 trong 5 chúng tôi là thằng Hùng trước lúc đi có lẻn về thăm vợ. Nó đã phạm phải điều cấm nên cả nhóm bị Bà phạt lây, không cho ăn lộc".

Chuyện kể tưởng như đùa nhưng với dân tìm trầm, đó là chuyện có thật. Nhiều phu trầm cao niên cho rằng bị Bà "che mắt", dẫu đến được vùng rừng có trầm nhưng không tìm thấy trầm như nhóm ông Văn là còn may, chứ nhiều kẻ vì không thực hiện đúng lễ nghi, cố tình vi phạm cấm lệnh, có tay ẩu tả bỏ qua nghi thức cúng Bà Cô trước khi vào rừng đã phải bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc.

"Nó vi phạm điều cấm, nó chết đã đành, đằng này nó còn hại các anh em khác, làm cho chết chùm" - phu trầm tên Vương, ngoài 50 tuổi, ở xã Diên An (huyện Diên Khánh) trò chuyện.Ông Vương có một người anh trai chết mất xác ở vùng rừng giáp ranh lãnh thổ Việt Nam - Campuchia đến nay đã gần 30 năm.

Ông kể nhóm đi địu của anh ông đi 5 người, đều là người Khánh Hòa, sống ở các huyện thị khác nhau. Ngày nọ anh ông cùng các bạn rừng vào rừng và đã nhiều năm trôi qua, ông chẳng nhận được tin tức gì của họ. Ông chỉ biết anh mình như những người còn lại, có thể chết do bị phỉ (sơn tặc - PV) giết rồi vùi xác giữa mênh mông rừng già. Ông Vương cũng tin nhóm phu trầm của anh mình chết thảm như thế do trong nhóm có người vi phạm cấm lệnh nào đó làm phật lòng Bà.

"Một khi đã vào rừng ngậm ngải là không được ăn bậy, không được nói bậy. Còn trước đó, trước khi vào rừng phải nhất nhất tuân thủ nghiêm ngặt nhiều điều cấm khác. Quan trọng nhất là cả nhóm đi địu phải cùng nhau đến trước miếu Bà thề cùng sống cùng chết, cúng cầu Bà. Tất cả phải thành tâm, ai khinh nhờn hay ngầm ý báng bổ Bà là phải trả giá đắt" - ông Vương khẳng định.

2. Không dừng lại ở các thư tịch cổ cùng các truyền thuyết được lưu truyền qua bia miệng thế gian, trong "tín ngưỡng" ngậm ngải tìm trầm của dân đi địu như các ông Văn, Vương và dân địu nói chung, trầm - kỳ nơi núi cao rừng thẳm là vật báu của Thánh Mẫu Thiên Y A Na.


Một nhóm dân địu vào rừng tìm trầm. Ảnh chụp tại thung lũng Ô Kha - Khánh Hòa.


Người ta tin và lưu truyền rằng ngoài cây trầm khổng lồ ở núi Hòn Dữ (trấn phía tây - PV), Bà Chúa Xứ Trầm hương còn trấn 3 cây trầm khác ở phía nam (Đồng Bò, nay thuộc xã Phước Đồng, Nha Trang), một ở phía bắc (núi Hòn Bà, thị xã Ninh Hòa) và một ở suối Ngổ (phía đông): "Trầm kỳ là báu vật của Bà, ai có lòng thành được Bà chứng, Bà thương, Bà sẽ ban lộc. Bằng không cho dù có đứng sát cây trầm muôn đời cũng chẳng tìm thấy. Đó là lý do mà trước khi vào rừng dân đi địu như tôi phải dâng lễ khấn cầu Bà" - cựu phu trầm Lê Đằng, nay chuyên mua cây dó về soi trầm ở xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, cho biết.

- Lễ vật gồm những gì vậy chú?

- Có khi là con gà, cái đầu heo luộc. Có khi chỉ là bánh trái, trầu cau… Tùy điều kiện, tùy lòng thành mà lễ vật khác nhau. Khấn Bà chủ yếu là lòng thành. Ai tin Bà, tuân thủ các điều cấm kị được cha ông đúc kết và truyền đời thì được Bà dòm ngó, lúc động lòng thì Bà ban lộc. Các cựu phu trầm ở Xứ Trầm hương mà người viết tiếp xúc vào đầu năm Ất Mùi 2015 này ai nấy đều có cả kho chuyện ly kỳ liên quan đến cây dó bầu cho trầm, và nhất là những điều cấm kị trước và trong quá trình ngậm ngải tìm trầm.

Cựu phu trầm Lê Đằng nói rằng bây giờ nhờ khoa học phát triển nên người ta mới biết cây dó tạo trầm do bị chấn thương cơ học, cây tiết ra chất nhựa để làm lành vết thương theo kiểu con trai cho ngọc. Chứ nhiều năm trước, ở cái thời ông còn trai trẻ, dân đi địu tin trầm hương - kỳ nam nên hình hài nhờ hương trời bay theo gió đáp vào thân cây dó bầu, hương ấy ăn lần vào thịt cây, lâu ngày thịt cây thấm hương trời rồi chuyển hóa thành trầm hương…



Các cựu phu trầm cao niên cả đời bán mạng giữa rừng sâu nhưng chưa được Bà Cô cho "ăn" lộc.


Hỏi ông Đằng rằng giải thích ra sao ý nghĩa của cụm từ "ngậm ngải tìm trầm", rằng chuyện "ngậm ngải" là có thật, nếu đúng là như thế thì ngải ấy là ngải gì, ở đâu, ngậm như thế nào, có đúng là đi rừng nếu ngậm ngải thì tránh được mọi tai ương…? Không cần suy nghĩ dù chỉ một giây.

- Làm gì có ngải. Ngậm ngải mà tìm được trầm thì đời tôi vượng rồi chứ đâu long đong lận đận như bây giờ. Ngải ở đây là loại thuốc có tác dụng chống sơn lam chướng khí, xua đuổi và trị được vết cắn của rắn độc. Khi ngậm trong miệng lúc đi rừng, hương ngải, vị ngải khiến rắn rít tránh xa mình, giúp mình được mạnh khỏe có sức bám rừng càng lâu càng tốt. Ngải đó do các ông thầy mo người Chăm, người Thượng (Tây Nguyên) bán…Theo lý giải của ông Đằng, khi vào rừng tìm trầm, cùng với lương thực, các phu trầm như ông không thể thiếu "ngải", nên mới có câu "ngậm ngải tìm trầm". Tôi ngỏ ý muốn tìm được các vị thầy mo để học hỏi bí quyết tạo "ngải", như những người khác, ông Đằng cho biết ông giã từ nghề đến nay đã hơn 20 năm, nên chẳng biết, chẳng nhớ gì…

Ông cũng bảo về sau, lớp trẻ đi tìm trầm không còn có chuyện ngậm ngải như thế hệ cha anh ngày trước: "Bây giờ thuốc men rất nhiều. Thuốc trị rắn cũng rất nhiều. Lại có thêm vũ khí tối tân, có định vị, la bàn dò đường này nọ nên đi tìm trầm không quá nguy hiểm, nhọc nhằn như ngày trước. Do đó thứ ngải bán cho dân tìm trầm chẳng còn thông dụng nữa rồi".

3. Về các điều cấm kị, các cựu phu trầm cho biết có hàng ti tỉ điều cấm. Ví như trước khi quyết định ngậm ngải tìm trầm, phu trầm phải xem ngày giờ tốt xấu để khởi hành, phải tắm rửa sạch, ăn chay, tịnh thân trong ba ngày, nghĩa là không được ngủ chung với vợ: "Trầm hương là vật thiêng linh, ngoài việc chữa bệnh, làm nước hoa trầm hương còn được dùng để xua đuổi tà khí, làm cầu nối giữa người trần với thần linh nên rất kị các thứ ô uế. Nên ai đó hôm nay đi rừng mà hôm trước ăn nằm với người khác phái xem như vi phạm điều đại kị, vào rừng không gặp họa này cũng bị tai ương khác" - một cựu phu trầm khẳng định.

Giữ gìn lời ăn tiếng nói tránh kị húy và xúc phạm linh thần, cũng là những cấm kị mà các phu trầm phải nằm lòng: "Gạo gọi là mễ, ly uống nước gọi là lơi, ăn gọi xóc, bệnh đau nói trại là se, đau bao tử phải gọi là đau bao tải, cái võng thì gọi cái đưa, chết gọi bằng trẫu hoặc trỗi..." - cựu phu trầm Trần Văn lưu ý.

- Vì sao phải gọi như thế, thưa chú?

- Đó là cách nói trại, còn gọi nói lệch. Nói như vậy nhằm tránh những điềm gở thôi. Ví như gọi ly là lơi vì dân đi trầm tin ly là chia ly, là ly tán. Gọi võng là cái đưa vì sợ cái cảnh phải nằm cáng đưa về nhà. Hay như nói đau bao tử thành đau bao tải bởi tử là chết. Đi rừng mà nhắc đến chết chóc ai mà không sợ...

Ông Đằng thì có kho từ vựng nói trại về các loài thú dữ ở rừng. Ông cho biết dân đi địu trăm người như một gọi chó là cẩu, khỉ bảo là khởi, gọi voi bằng ông lớn, trăn rắn gọi bảo là râu dài, heo rừng gọi dũi và hổ thì gọi hảo...: "Đó là những con thú dữ dễ lấy mạng người. Gọi như thế để tỏ lòng thành cũng như sự kiêng dè sẽ không bị chúng làm hại. Ví như gọi chó là cẩu vì sợ sẽ gặp chó sói. Gọi khỉ là khởi bởi đó là loài tinh ranh, không kiêng nể nó sẽ bị nó lấy giấu đồ đạc, đập phá lều trại...".

Hỏi các cựu phu trầm có khi nào các ông hay dân đi địu nào đó vô tình quên các từ cấm kị và nếu chuyện đó xảy ra sẽ xử lý ra sao, các bậc cao niên của nghề đi địu cười rằng, chuyện vô ý lỡ lời suy cho cùng không đáng ngại vì thần linh không bao giờ quở trách.Ông Đằng cho biết, các linh thần chốn rừng già thâm u chỉ mạnh tay với những kẻ cố tình phạm húy mà thôi: "Nói thì nói vậy chứ một khi có người lỡ lời nói từ cấm kị thì "ông bầu" lại là người phải chịu phạt. Ông bầu có thể hiểu là trưởng đoàn, là anh cả của nhóm tìm trầm. Tuy hình phạt mang tính chất tượng trưng nhưng nghi thức phải trang trọng, tôn nghiêm, bằng không tội nhẹ thành nặng, dễ bị Bà quở phạt".

- Hình phạt như thế nào vậy chú?

- Ông bầu nằm xuống để cho người nói lỡ lời quất mình ba roi rõ đau. Làm như thế trước nhắc nhở người không biết giữ lời ăn tiếng nói phải cẩn trọng hơn nếu không sẽ làm liên lụy đến trưởng đoàn. Sau cũng là hình thức tự chịu kỷ luật của ông bầu vì đã không tạo được khuôn phép trong nhóm đi địu.
Theo ANTG