“Ý nghĩa thiêng liêng của tín ngưỡng tâm linh đang bị sự thực dụng và xô bồ bóp méo”



GiadinhNet – Những hoạt động tín ngưỡng, tâm linh đầu xuân là nét văn hóa đẹp từ ngàn đời mà cha ông ta để lại. Tuy nhiên, những biến thiên thời gian, sự phát triển xô bồ của xã hội hiện đại đã khiến nhiều nghi thức, hoạt động tín ngưỡng, tâm linh trở nên lệch chuẩn. Để có cái nhìn tổng quan về vấn đề này, PV báo GĐ&XH Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Lê Quý Đức – nguyên Viện phó Viện Văn hóa phát triển.



Dịp Tết Nguyên đán, người Việt có rất nhiều hoạt động tín ngưỡng, tâm linh như thờ cúng tổ tiên, dâng hương chùa đền, tham gia lễ hội... Đó từ lâu đã trở thành những nét đẹp truyền thống trong nền văn hóa của dân tộc ta. Tuy nhiên theo biến thiên thời gian, nhiều hoạt động đang bị hiểu sai và biến tướng. Với mong muốn giúp độc giả có cái nhìn chính xác, báo GĐ&XH Cuối tuần đã phối hợp với các nhà nghiên cứu văn hóa uy tín, các địa điểm danh thắng lớn trên toàn quốc thực hiện chuyên đề “Hướng về nguồn cội”. Thông qua chỉ dẫn, giới thiệu cụ thể của các chuyên gia, giúp độc giả có cách nhìn nhận chính xác, qua đó thực hành tín ngưỡng, tâm linh một cách ý nghĩa và tiết kiệm.



Nhiều tục lệ đã mất đi ý nghĩa tốt đẹp vốn có

Vào ngày Tết, người Việt có khá nhiều hoạt động tín ngưỡng, tâm linh. Những hoạt động này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Nói về những hoạt động tín ngưỡng, tâm linh trong ngày Tết của dân tộc ta thì nhiều vô kể. Tuy nhiên phổ biến nhất phải kể đến là thờ cúng tổ tiên, trồng cây nêu, tổ chức các lễ hội, đi lễ chùa, đền... Có thể thấy, đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người Việt rất phong phú. Ngoài những loại hình phổ biển như trên thì mỗi vùng miền, dân tộc lại có các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh riêng. Tuy nhiên, tất cả đều bắt nguồn từ nguồn gốc tốt đẹp và có ý nghĩa tích cực trong đời sống xã hội.

Ví dụ như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Chúng ta không cần phải phân tích nhiều, viết pho sách này, chủ nghĩa kia để lưu truyền, bởi nó hết sức dân dã, dể hiểu. Tục thờ cúng tổ tiên của dân ta bắt nguồn từ truyền thống uống nước nhớ nguồn, biết ơn người đi trước. Bởi vậy có thể thấy, các dân tộc Việt đều có tục thờ cúng tổ tiên, dù có thể hình thức biểu hiện có chút ít khác nhau nhưng đều chung ở ý nghĩa cao đẹp là tưởng nhớ công ơn, thể hiện sự tôn thờ huyết thống, dòng dõi và cũng là một điểm tựa tinh thần cho con người. Hay như tục đi vãn cảnh kết hợp lễ chùa, đền đầu năm, cầu mong may mắn, bình an, không chỉ cho bản thân, gia đình, mà cho cả cộng đồng, dân tộc. Chùa, đền cũng là những nơi thanh tịnh, yên tĩnh, giúp con người tĩnh tâm, hòa mình vào thiên nhiên. Đây chính là những mặt rất ý nghĩa.



Một cảnh chen lấn, xô đẩy ở chốn linh thiêng làm mất đi ý nghĩa trong sáng của tục đi lễ đầu năm.


Mang ý nghĩa là vậy nhưng hiện nay, một số hoạt động tín ngưỡng, tâm linh đang bị biến tướng, làm mất đi giá trị vốn có của nó. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính?

- Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Trong đó có thể chia ra hai nhóm nguyên nhân chính là nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Về mặt chủ quan là do người dân thực hiện nhưng chưa có đủ trình độ văn hóa tâm linh để hiểu hết về nguồn gốc, ý nghĩa của hoạt động tín ngưỡng tâm linh đó. Điều này dẫn đến thực trạng hiểu sai. Khi người ta đã hiểu sai thì thực hiện không đúng là điều đương nhiên. Về mặt khách quan thì là do sự biến đổi của xã hội, sự phát triển của kinh tế dẫn đến tình trạng những hoạt động tín ngưỡng, tâm linh dần bị thực dụng hóa. Những lớp ý nghĩa trong sáng, mang đậm tính tư tưởng, văn hóa, cộng đồng dần bị che lấp bởi những lớp nghĩa với ý thức lợi lộc, cá nhân.

Ông có thể phân tích một hiện tượng cụ thể? Ví dụ như việc người dân quan niệm “trần sao âm vậy” nên rất chú trọng việc đốt vàng mã cho người chết.

- Dân gian ta từ xưa vẫn quan niệm chết không phải là hết. Vì thế chuyện người sống chia đồ cho người chết rất phổ biến, biểu hiện ở việc thời xa xưa, người chết thường được chôn cùng với những vật dụng lao động, tiền, vàng bạc, áo quần để sang cõi khác “sử dụng” hay còn gọi là tục thủy táng. Tuy nhiên sau này, cuộc sống phát triển hơn, con người nghĩ ra vàng mã để thay thế những thứ dụng cụ thật ấy để hóa theo người chết nhằm giảm chi phí tang ma, lễ bái. Đốt vàng mã là một trong các nghi lễ, mà nghi lễ nào cũng có cơ sở nhận thức và được thực hiện trên một nền tảng quan niệm vững chắc, trở thành một tập quán xã hội. Vốn ý nghĩa của tập tục này là mong người chết cũng có được cuộc sống đủ đầy, điều đó cũng thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Nhưng hiện nay, nhiều người lại mua vàng mã về cúng, đốt với mục đích để nhận lại sự phù hộ của tổ tiên cho mình. Vì vậy họ nghĩ, đốt càng nhiều, càng được tổ tiên phù hộ nhiều. Như vậy là hiểu sai về ý nghĩa của tập tục này, vừa không thể hiện lòng thành với cha ông, vừa lãng phí.




Nên thực hiện dựa trên nguồn gốc và ý nghĩa

Một hiện tượng rất dễ thấy nữa là tình trạng dịp đầu năm, người dân thường chen lấn, xô đẩy nhau để cố xin được một tờ ấn hoặc đơn thuần là để thắp một nén hương lên ban thờ Phật. Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn tới điều này?

- Như đã nói ở trên, nguyên nhân là do người dân chưa có đủ phông kiến thức văn hóa tâm linh để hiểu hết về việc tham gia lễ hội, thực hiện hoạt động tín ngưỡng như thế nào. Người ta đến những nơi tâm linh, thờ tự như chùa, đền nhưng chưa có tâm thế cho hợp với những nơi đó. Đến những nơi linh thiêng như chùa chiền thì cần tâm trong sáng, lòng thanh tịnh. Ngày xưa vào dịp đầu xuân, người ta đi vãn cảnh chùa, thắp nén hương là để tinh thần hanh thông, cảm được cái thanh tịnh nơi cửa Phật để trút bỏ bớt đi những gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền. Tuy nhiên hiện nay, chẳng mấy ai đến chùa chiền với tâm thế này, đa phần họ chỉ đến để cầu lợi lộc. Hầu như ai cũng nghĩ rằng, phải có lễ to, phải cúng nhiều tiền thì Thần, Phật mới độ trì cho. Phải thắp được nén hương lên ban thờ thì Phật mới chứng cho sự có mặt cũng như cái tâm của mình. Người ta cố gắng phải chen chúc để có thể được đến gần hơn với Phật nhưng lại mang cái tâm thực dụng, cầu lợi lộc đến. Đây thực sự là quan niệm sai lầm bởi vốn dĩ cõi Phật, ý Phật là những gì thanh tao, tịnh độ.


Nhiều người còn quan niệm chùa này “thiêng”, chùa kia “không thiêng” dẫn đến tình trạng có những ngôi chùa bốn mùa du khách tấp nập, có chùa lại vắng vẻ quanh năm. Ông nghĩ sao về hiện tượng này ?

- Theo tôi, chuyện chùa này đông, chùa kia vắng là chuyện ở vùng miền nào cũng có. Trước tiên phải xét đến lý do khách quan. Thường thì những người dân khi đi chùa đều có hai mục đích chính là dâng hương và vãn cảnh, vậy mới gọi là du lịch tâm linh. Khi đi du lịch thì nơi nào cảnh đẹp, nổi tiếng là người ta đến, rồi thì người này kháo người kia, trở thành tâm lý đám đông. Còn chuyện phân biệt rằng chùa này thiêng, chùa kia không thiêng là hoàn toàn không hợp lý. Tuy nhiên ở đây cần xét về mặt niềm tin tâm linh. Với nhiều ngôi chùa, niềm tin tâm linh trong lòng người dân đã trở thành truyền thống nên du khách nườm nượp kéo đến vào dịp lễ tết cũng là điều đương nhiên.

Vậy như thế nào là thực hành tín ngưỡng, tâm linh khoa học và ý nghĩa, thưa ông?

- Ranh giới giữa tín ngưỡng, tâm linh và mê tín dị đoan rất mong manh. Bởi vậy nếu không có cái nhìn khoa học và ý thức phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, chúng ta rất dễ hiểu sai và làm sai. Như vậy, để thực hiện tín ngưỡng, tâm linh có khoa học và ý nghĩa, trước hết người dân nên tìm hiểu sâu về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của các hoạt động này. Khi đã hiểu thì sẽ có tâm thế đến với nó phù hợp nhất, tức là thực hiện dựa trên nền tảng nguồn gốc, ý nghĩa đó. Ngoài ra, mọi người cũng cần cảnh giác trước những trò mê tín dị đoan “đội lốt” tín ngưỡng, tâm linh để tránh mất thời gian, tiền bạc.

Cảm ơn ông! Chúc ông và gia đình năm mới an khang thịnh vượng.
Lâm Thạch (th)