Huyền thuật ở Thái Lan: Người Thái xài bùa


27/01/2015 03:00



Thái Lan là quốc gia Phật giáo nhưng cũng là một trong những nước mua, bán và xuất khẩu bùa lớn nhất thế giới. Bùa chú tồn tại trong đời sống hằng ngày của người Thái tự nhiên như hơi thở...



Khách lựa mua bùa chú tại chợ Tha Prachan - ảnh: N.T


1.001 kiểu bùa


Mất mạng vì bùa hộ mạng
Cuối năm 2013, cựu xạ thủ nổi tiếng Thái Lan là Jakkrit Panichapatikum (từng vô địch Đông Nam Á, đại diện Thái Lan thi đấu ở Thế vận hội 2012 môn bắn súng) bị hai người đàn ông cưỡi xe máy bắn chết. Gia đình cho biết Jakkrit rất thích sưu tầm bùa hộ mạng và theo cảnh sát, lý do dẫn đến án mạng có thể là Jakkrit đã tranh chấp một lá bùa hộ mạng với ai đó và bị bắn.
Ở Thái, nếu chịu khó để ý bạn sẽ thấy bùa chú xuất hiện khắp nơi. Trên xe taxi, xe buýt, ngoài những vòng hoa cúng Phật còn để đủ loại bùa (đựng trong những hộp nhựa nhỏ) cầu may mắn, an toàn. Ngay cả những công ty lớn vốn rất kỹ về hình ảnh thương hiệu, logo thường được chùi rửa sạch bóng, thế nhưng trên nhiều logo công ty ở Thái, tôi vẫn thấy dán bùa chằng chịt. “Vào ngày khai trương, công ty sẽ mời một nhà sư đến làm lễ dán bùa. Nhà sư dùng một loại bột đã được làm phép để vẽ bùa, sau đó dùng những miếng vàng cán mỏng dán lên xung quanh”, ông Alongkorn Preeyatum, Trưởng phòng Sản xuất Công ty SIG Combibloc, cho biết.


Có 4 dạng bùa ở Thái. Dạng thứ nhất là bùa hộ mệnh làm từ những viên đá lạ được tìm thấy trong tự nhiên (khruang-rang). Dạng thứ hai là những bức tượng thần, Phật nhỏ để bảo vệ người, gia đình hoặc chứng giám lời thề (phra-khruang). Dạng thứ ba, khruang-pluk-sek, là những hình xăm, câu chú bằng tiếng Pali (tiếng Phạn). Hình thức này mạnh mẽ hơn bùa hộ mệnh. Cuối cùng là những loại rễ cây được dùng để ếm tà thuật (wan-ya).

Đa số sử dụng bùa chú để mong làm ăn thuận lợi, thăng tiến trong công việc, bảo vệ bản thân trước những âm hồn, tăng cường khả năng tình dục... Tuy nhiên, cũng có một số người dùng bùa chú để hại người. Mới đây, ngày 19.1, cảnh sát Thái Lan bắt giữ Suwat Nin-opa, một thầy bùa 52 tuổi, tại quận Muang (tỉnh Songkhla) vì giết chết người tình. Suwat cho biết ông bị ám ảnh bởi tà thuật nên chuyên luyện bùa chú. Tại hiện trường, cảnh sát tìm thấy một tấm ảnh Phật được giấu dưới giường của nạn nhân mà theo Suwat cho biết tấm ảnh đó sẽ giúp ông điều khiển được linh hồn của nạn nhân (?!).


Đi chợ bùa


Không có con số thống kê chính thức nhưng theo Reuters, hằng năm đất nước có gần 70 triệu dân này chi cho việc thỉnh phép, mua bán bùa chú hơn 20 tỉ baht (khoảng 640 triệu USD). Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi tại Bangkok có hẳn một khu chợ chuyên bán bùa chú tên là Tha Prachan. Đó là một cái chợ vỉa hè nằm trên đường Prachan ngay sát hoàng cung. Chợ mở suốt tuần từ sáng đến chiều, lúc nào cũng đông nghẹt người. Ngoài dân địa phương, đây cũng là một điểm thu hút rất đông du khách từ Á tới Âu, Mỹ. (Người VN có lẽ ít biết vì tôi lên Google thử tìm “chợ bùa Tha Prachan” nhưng không thấy).


Bùa thượng vàng hạ cám đều bán ở đây. Từ những cái bùa cầu an nhỏ xíu 10 - 20 baht cho đến vuốt gấu, răng cọp, ngà voi, những loại bùa “độc” để “bách chiến bách thắng” trong tình trường, thương trường giá lên đến cả vài triệu baht.
Một trong những loại bán chạy nhất ở đây là bùa thiên linh cái - Kuman Thong. Theo truyện dân gian Thái, Khun Phaen tức giận vì phát hiện vợ đầu độc mình nên đã lôi đứa con trong bụng vợ bọc vào một tấm vải thiêng rồi đưa lên bếp sấy khô và đọc thần chú để luyện bùa thiên linh cái. Đứa bé chết đi, hồn nhập vào bùa và trở thành thần hộ vệ cho cha mình.


Đôi ca sĩ song sinh ở Thái là Jakkaphan Kansompot và Jakkapong Kansompot không chỉ nổi tiếng bởi giọng ca của mình mà còn bởi cặp ca sĩ này có bộ sưu tập gần 2.000 Kuman Thong khá hoành tráng với đủ màu sắc, kích cỡ, hình dạng.


Tôi hỏi mua một cái, bà bán hàng ở chợ Tha Prachan bày ra một đống tượng trẻ em đủ loại, có cái bằng đất, cái bằng đồng, cái bằng ngà voi (?!)... “Tượng cầm binh khí sẽ bảo vệ chủ nhân khỏi ma quỷ, tai nạn; tượng cầm vàng, bạc sẽ đem lại tiền tài... Mấy cái này được làm phép ở chùa rồi, linh lắm”, bà chủ quảng cáo.
Sử dụng bùa này sẽ mua may, bán đắt và có thể “phá” được đối thủ cạnh tranh của mình nên giới thương gia Đài Loan, Hồng Kông rất ưa chuộng. Tuy nhiên, dân chơi bùa kháo nhau Kuman Thong chỉ thật sự linh nghiệm nếu nó được luyện từ bộ phận thân thể trẻ em. Có lẽ vì thế mà ở những bệnh viện Thái, thai nhi sinh non liên tục bị trộm.


Hai năm trước, cảnh sát Thái bắt một người Đài Loan vì mang theo trong va li... 6 thai nhi chết non. Đại tá Wiwat Kamchamnan, người phụ trách vụ này cho biết người này bị tình nghi buôn lậu các phần thân thể của trẻ em (ăn cắp từ bệnh viện) để luyện tà thuật, đặc biệt là bùa Kuman Thong.



Nguyễn Tập (VP Bangkok)
>> Huyền thuật ở Thái Lan: Muôn mặt tâm linh