Khách nước ngoài: Người Việt thông minh, nhưng...

Một đồng nghiệp người nước ngoài của tôi có lần chia sẻ: “Người Việt Nam các bạn thông minh, nhưng dễ hài lòng, đơn giản trong cách nghĩ và không dám dấn thân trừ khi hoàn cảnh bắt buộc”.
Người Việt đơn giản


Một đồng nghiệp người nước ngoài của tôi có lần chia sẻ: “Người Việt Nam các bạn thông minh, nhưng dễ hài lòng, đơn giản trong cách nghĩ và không dám dấn thân trừ khi hoàn cảnh bắt buộc”.

Miệng nói cảm ơn, nhưng lòng thấy trĩu nặng vì tôi vẫn biết cái nhận xét kia không có gì là mới, chẳng qua chúng ta không đối diện với nó một cách nghiêm túc và cầu thị mà thôi(!)
Tìm về nguồn cội thông qua văn hóa dân gian, có thể dễ thấy các truyền thuyết dân gian của người Việt tuy ít nhiều ẩn chứa triết lý sống của tổ tiên, nhưng tình tiết có phần đơn giản và ít góc cạnh. Công cuộc chinh phục và khai phá vùng đồng bằng Châu thổ sông Hồng trong hàng ngàn năm của các Vua Hùng đã được khái quát thông qua ba Nam Thần trong số “Tứ bất tử” của người Việt: Sơn Tinh đại diện cho kỹ năng phòng chống thiên tai và chinh phục thiên nhiên; Thánh Gióng biểu trưng của sự nghiệp giữ nước, chống lại ngoại bang xâm lấn; và Chử Đồng Tử là hình ảnh mong đợi của người Việt cổ cho một cuộc sống bình đẳng, hiếu đễ và sung túc.
Triết lý là thế, nhưng đi vào cụ thể, chúng ta thấy được những gì?


Trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh, khi Vua Hùng đưa ra các điều kiện về sính lễ thì chắc hẳn những thứ đó phải rất quý hiếm, tuy nhiên không thấy nói đến việc Sơn Tinh phải vất vả thế nào để có được sính lễ – cứ như là chúng đã có sẵn trong vườn nhà vậy. Chính điều này đã làm cho một số người thời sau cho rằng, cách nghĩ đơn giản và thiếu chiều sâu đã làm cho các truyền thuyết kém hẳn độ ly kỳ và hấp dẫn (cứ như là Tiền Nhân sợ con cháu không nhớ nổi để truyền khẩu lại vậy.


Thánh Gióng, trong truyền thuyết khi ra trận, ngài mới hơn 3 tuổi. Cho dù Tiền Nhân đã cho Ngài khả năng thần thánh nhưng câu hỏi ở đây là làm thế nào mà Nhà Vua và triều thần có thể giao phó và đầu tư (làm ngựa, nón, roi sắt) cho một cậu bé lên ba khi chỉ mới nghe cậu nói. Phải chăng nó phản ánh cách nghĩ đơn giản và có phần quá dễ dãi của người Việt cổ.


Chử Đạo Tổ có thể nói đi trước các nền văn hóa khác về chữ “hiếu” khi chôn cha mình với chiếc khố duy nhất đề phải ở trần. Tuy nhiên việc Ngài lấy được Tiên Dung công chúa, sống với nhau hạnh phúc và quá trình tu đạo thành tiên quá đơn giản khiến người đời sau ngờ rằng nội dung của nó phần nhiều là ước mong về một cuộc sống phồn thịnh và bình đẳng.


Như vậy sự đơn giản trong suy nghĩ và đơn giản hóa những thành công – nên không cần phải cố gắng nỗ lực nhiều, nó đã được phần nào mã hóa trong gien mỗi người Việt?



“Người Việt Nam các bạn thông minh, nhưng dễ hài lòng, đơn giản trong cách nghĩ và không dám dấn thân trừ khi hoàn cảnh bắt buộc”

Nặng nề tư duy định cư


Trong lịch sử nhiều ngàn năm sinh sống nơi vùng châu thổ, do sông ngòi nhiều, đường bộ kém phát triển, người Việt bị hạn chế về không gian sống và đi lại, dần dần tạo nên văn hóa quần cư theo làng xã – ở đó phần lớn mọi gắn liền cuộc đời của họ và không đi đâu xa nếu không phái bắt buộc (đi lính, đi phu) hoặc công danh thấy rõ (nhậm chức, làm quan).


Lối sống quần cư với sinh kế chính là lúa nước cùng nhiều rủi ro từ thiên tai và thời tiết bất ổn, đã dần dần định hình nên một dạng tính cách, đó là không mạo hiểm để thử hay đầu tư cho những cái mới vì không kiểm soát được rủi ro và từ đó dễ hài lòng với những thứ có được – dù nhỏ nhoi.


Cũng bởi dễ hài lòng với cuộc sống đơn giản và ít biến động nên người Việt ngày xưa ít mạo hiểm nếu không phải bắt buộc. Đặc biệt nếu ai đó thành công nơi đất khách thì họ ít chịu bám trụ để phát triển mà nếu có cơ hội là họ “hồi hương” để an hưởng cuộc sống chốn “cố hương”. Tâm lý này gây ảnh hưởng bất lợi cho những ai bị xem là “ngụ cư” bởi vì họ được coi như chỉ trú tạm và trước sau gì họ cũng trở về quê hương bản quán, khiến họ không được đối xử công bằng như với người bản địa.


Tính cách này không chỉ có ở dân thường mà còn ảnh hưởng đến cả giai cấp thống trị thời phong kiến. Điển hình là Chúa Tiên Nguyễn Hoàng khi Ngài vào trấn ải vùng Thuận Hóa vào năm 1558.
Tuy đã gây dựng được ít nhiều thành tựu nhưng tính hướng cố hương lớn đến nỗi khi Trịnh Tùng kiểm soát Thăng Long từ tay Nhà Mạc, Nguyễn Hoàng đã trở về Bắc để giúp cháu mình khôi phục nhà Lê vào năm 1593 và chỉ quyết tâm lập nghiệp ở phương Nam khi nhìn thấy mối nguy và dong buồm trở lại Thuận Hóa 7 năm sau đó.

Nói như vậy không có nghĩa đổ lỗi cho Tiền Nhân, cho quá khứ, bởi hoàn cảnh sống và sinh kế - các yếu tố then chốt tạo nên các đặc tính văn hóa của một tộc người ngày nay đã khác xa. Các điều kiện về giao thông và cơ sở hạ tầng tiến bộ đã giúp chúng ta không còn biệt lập như trong quá khứ. Giao lưu thương mại và giáo dục đào tạo đã tạo cơ hội cho người Việt giao lưu với nhiều nền văn hóa khác nhau để học hỏi và tiếp thu cái hay, cái đẹp nhằm bổ sung những thứ còn thiếu.

Nhìn thẳng vào vấn đề và chấp nhận sự thật có thể giúp gạn đục khơi trong, phát huy những đức tính tốt đẹp và dần loại bỏ nhân tố bất lợi hay đã bị lỗi thời, đồng thời học hỏi những cái hay, cái đẹp từ các nền văn hóa khác để cùng dựng xây một xã hội văn minh và tiến bộ. Một khi đã xác định rõ ràng rằng đây thực sự là các hạn chế đang kìm hãm xã hội thì cần phải có sự vận động để thay đổi, từ cá nhân đến xã hội.

Nhiều người trong chúng ta rất dễ dãi với bản thân, nhưng lại khắt khe với người khác. Việc nên làm là loại bỏ các “Quy chuẩn kép” ra khỏi đời sống xã hội. Chúng ta cần khắt khe hơn trong mỗi công đoạn của bánh xe quản lý để đảm bảo mọi thứ được vận hành theo đúng quy chuẩn và mục tiêu đề ra.

Một khi dễ dàng hài lòng với những thành tựu nhỏ sẽ khiến nhiều thứ lớn lao bị che khuất mà không thể tìm lại được. Tựu chung lại hãy tuân theo nguyên tắc mà tiền Nhân đã dạy “Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”.


Trên hết quy luật của Tạo hóa chính là đổi mới để thích nghi và tồn tại. Sẽ không ai ngồi lại để chờ chúng ta để cùng nhau song hành trong thế giới ngày hôm nay. Thay đổi nhanh quá có thể làm xáo trộn xã hội, nhưng nếu chậm quá sẽ khiến chúng ta mất đi nhiều cơ hội để bứt phá. Cơ bản là cần trang bị cho mình một tinh thần khai phóng, không ngại đổi mới nếu chúng đem lại các giá trị tốt đẹp.


Trần Văn Tuấn