Truyền thừa Kagyu
Posted on January 31, 2014 by Hong Diep
Sáng nay nhân nghe đĩa CD Sacred Tibetan Chant của tu viện Sherab Ling thuộc truyền thừa Kagyu, đĩa CD được giải Grammy năm 2003, tôi chợt có vài suy nghĩ.

Trong số 4 dòng truyền thừa chính của Mật Tông Tây Tạng là Gelug, Kagyu, Sakya và Nyingma, tôi thấy mình gắn bó hơn cả với truyền thừa Kagyu (truyền thừa khẩu truyền), đặc biệt là dòng Karma Kagyu. Không phải tự nhiên mà tôi đã được đảnh lễ hầu hết những bậc thượng sư cao cấp nhất của truyền thừa này, từ Đại bảo Pháp vương Gyalwang Karmapa đời thứ 17 cho tới 4 vị học trò và cũng là thầy của Đại bảo Pháp vương là Thrangu Rinpoche, Gyaltsap Rinpoche, Situ Rinpoche và Jamgon Kongtrul Rinpoche. Và đặc biệt là tất cả những vị lạt ma này đều ủng hộ Đại bảo Pháp vương Orgyen Trinley Dorje, chứ không phải là vị Trinley Thaye Dorje.

Để các bạn hiểu rõ hơn, tôi xin kể ngắn gọn như sau. Đại bảo Pháp vương là một lạt ma quan trọng và lâu đời nhất trong hệ thống các tái sinh của Mật Giáo Tây Tạng, trước cả Đức Đạt Lai Lạt Ma, và là người đứng đầu nhánh Karma Kagyu, nhánh lớn nhất trong tám nhánh chính của truyền thừa Kagyu. Để tìm kiếm và công nhận tái sinh các đời của Đại bảo Pháp vương, thường có 5 vị lạt ma cao cấp nhất của dòng Karma Kagyu là: Sharmapa, Situ Rinpoche, Thrangu Rinpoche, Gyaltsap Rinpoche và gần đây là Jamgon Kongtrul Rinpoche. Đối với Đai bảo Pháp vương thứ 17, Sharmapa Rinpoche công nhận Trinley Thaye Dorje (sinh ở Ấn Độ) trong khi tất cả các vị lạt ma còn lại công nhận Orgyen Trinley Dorje (sinh ở Tây Tạng). Sự bất đồng này đã dẫn đến hai bên từ mặt nhau, và gây chia rẽ sâu sắc và đau đớn cho các tông đồ trên khắp thế giới.

Một số người cho rằng Đại bảo Pháp vương có thể có nhiều hóa thân, và cả 2 vị này đều là hợp lệ. Tuy nhiên 5 vị lạt ma cao cấp trên lại không đồng ý như vậy, mỗi người đều nhất quyết theo hiểu biết và công nhận của riêng mình. Tôi từng bị rơi vào hoàn cảnh khó xử khi vô tình tới một tu viện của Ngài Trinley Thaye Dorje ở Singapore. Khi biết không phải là tu viện của Orgyen Trinley Dorje, tôi đã rất hoảng sợ. Tôi không dám nói chuyện hay lưu lại lâu trong tu viện ấy. Tôi ủng hộ Orgyen Trinley Dorje, mặc dầu cảm nhận được một nỗi buồn sâu sắc trong ánh mắt của Ngài Trinley Thaye Dorje kia. Đơn giản là vì duyên của tôi với Ngài Orgyen Trinley Dorje lớn hơn. Nếu hỏi tôi giải pháp, tôi nghĩ tốt nhất là để Ngài Trinley Thaye Dorje trở về làm một lạt ma cao cấp, từ bỏ việc tranh giành ngôi Đại bảo Pháp vương. Nếu không thì sẽ còn gây chia rẽ và đau đớn hơn nhiều cho các tông đồ trên toàn thế giới.

Những ngày tới khi sang Nepal, tôi sẽ ở tu viện của Ngài Jamgon Kongtrul Rinpoche, mà do bất đồng về Đại bảo Pháp vương Karmapa thứ 17 mà hiện cũng có tới 2 ứng cử viên cho hóa thân của Ngài này. Chính trị thật giống nhau, ở đâu cũng vậy, quả không đơn giản. Chỉ khổ cho các tông đồ và bản thân những ứng cử viên cho các hóa thân này. Như sự khó xử của tôi và nỗi buồn sâu sắc trong mắt Ngài Trinley Thaye Dorje.

https://diepngth.wordpress.com/2014/...en-thua-kagyu/