Chap 10
Sương mù tỏa xuống, trắng xóa bồng bềnh. Ánh trăng chỉ còn mờ nhạt không đủ soi rõ cảnh vật dưới mặt đất. Ông Phương lục trong tủ lấy chiếc đèn pin, mở của sổ soi ra sân. Vệt sáng của đèn pin yếu ớt không đủ xuyên qua làn sương dày đặc. Ông quay sang mở cửa tính bước ra ngoài.
- Thôi ông – Bà Minh thì thào nói – Có gì để sáng ra xem thì hay hơn, tôi lo quá. Đêm hôm thế này nhỡ có chuyện gì không biết xoay xở làm sao.
- Không được, tôi phải ra xem sự thể thế nào. Chẳng lẽ mình cứ khiếp sợ nó mãi chăng - Ông Phương quả quyết.
- Chị Minh nói đúng đấy. Ta cứ đợi trời sáng đã, khi ấy ta xử trí cũng dễ hơn – Bà Dưỡng can ngăn.
- Cứ để tôi ra, xem nó dám làm gì tôi – Ông Phương quát to giận dữ. Đã dùng đủ mọi cách, quá mệt mỏi và bất lực, ông trở nên liều lĩnh, bất chấp tất cả.
- Nếu ông nhất định ra ngoài thì cả nhà cùng ra – Bà Minh nói.
Mọi người đều đồng loạt đứng dậy. Ông Phương cầm con dao phát cỏ và chiếc đèn pin dẫn đầu, cả nhà líu ríu bám vào nhau bước ra sân. Hơi sương lạnh buốt xộc tới làm mọi người run lên từng chặp. Không gian im ắng, vắng lặng. Ánh đèn pin lướt qua hết cả sân nhưng không thấy điều gì. Ông Phương bước thêm vài bước để lại gần cánh cổng ở góc sân. Đèn pin vừa soi tới khoảng đất trống ngoài cổng, mọi người chợt rú lên kinh hãi. Dưới bãi đất ấy hiện lên một vũng máu tươi và chiếc áo trắng bị xé tan rơi vung vãi xung quanh. Máu tanh loang loáng dưới ánh đèn đầy ghê rợn. Đứa cháu ông Phương vừa trông thấy đã khụy chân xuống ngã lăn ra đất bất tỉnh. Ông Phương vội bế thốc nó vào nhà, lay gọi một lúc nó tỉnh lại. Ai nấy mặt mày xám xanh sợ hãi. Tất cả ngồi co cụm trên một góc chiếc nệm. Cả nhà lo sợ theo dõi xem còn điều gì kì dị xảy sẽ xảy ra tiếp theo. Thời gian như dài ra thêm, nhích từng chút chậm chạp. Tiếng gà gáy cuối thôn cất lên lần thứ ba, lúc này trời cũng tờ mờ sáng. Sương mù buổi sáng đang tan dần. Vân, Loan và đứa cháu ông Phương mỗi đứa một góc nằm ngủ mê mệt. Ông Phương cắm ấm nước pha bình trà. Nhấp từng ngụm trà nóng cho bớt căng thẳng, ông Phương, bà Minh, bà Dưỡng ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Đến khi ngoài đường có tiếng xe máy chạy qua đi chợ bán hàng buổi sáng, ông Phương khẽ mở cửa ngó ra ngoài. Bà Minh và bà Dưỡng cũng ngó theo. Quái lạ, bãi đất trống trước cổng lại bình thường như không có gì. Vũng máu và chiếc áo rách tối qua đã biến mất. Mọi người nhìn nhau đầy kinh ngạc.
Từ đó cho đến mấy ngày sau thì tuyệt nhiên không có chuyện gì xảy ra. Sau đó bảy ngày có người tìm đến hỏi mua nhà bà Dưỡng. Bà vui mừng ra mặt vội vàng bán, rồi ba mẹ con mua căn nhà nhỏ cuối xóm Bắc. Bà nhiều lần tìm gặp ông lão để cảm tạ nhưng không gặp được.
***​
Trời mưa rả rích cả buổi sáng, tôi lặng lẽ ngồi nghe cô kể chuyện oan hồn nơi dốc đá. Thật đáng sợ, đã vài năm rồi mà oan hồn vẫn luẩn quẩn không chịu bỏ đi. Chưa thấy hình hài tận mắt, nhưng rõ ràng tôi đã nghe thấy tiếng nó cười cợt, trêu trọc mỗi sáng chạy ngang qua.
- Dốc đá thành nỗi ám ảnh cả vùng, những lúc vắng vẻ chả ai dám đi qua – Cô tôi vẫn tiếp tục kể.
- Vậy ông lão bí ẩn, bùa trú cao tay giúp bà Dưỡng sau này có ai rõ tung tích của ông ấy không cô? – Tôi hỏi.
- Một số người cũng xuống lối chùa Huệ Linh tìm, nhưng nghe nói nhà lúc nào cũng đóng cửa. Nghe chuyện bà Dưỡng ai cũng mong gặp ông để cầu xin bùa ngải giải hạn, làm ăn phát đạt nhưng đều thất vọng trở về. Cho đến nay không ai biết điều gì về ông lão cả.
Có quá nhiều điều kì lạ, huyền bí về thế giới vô hình trong chuyện kể của cô tôi. Có lẽ chỉ ông lão mới thỏa được trí tò mò, thắc mắc của tôi, nhưng biết tìm ông ở đâu, ngay những người trong vùng này cũng mong muốn như tôi mà không được.
Trăn trở, băn khoăn mãi, cuối cùng sự tò mò quá lớn đã thôi thúc tôi xuống đầu đèo đi tìm ông lão. Tôi chạy xe một mình không cho bất kì người nào trong nhà của cô biết. Lối cạnh chùa Huệ Linh khá vắng vẻ, thỉnh thoảng có vài người đi làm rẫy chạy xe qua. Cuối con đường nhỏ duy nhất có một ngôi nhà gỗ mái ngói, xung quanh cây cỏ, hoa lá được chăm tỉa công phu đẹp mắt. Bên trong nhà cửa đóng kín không một bóng người. Chắc chắn đây là ngôi nhà của ông lão trong câu chuyện của cô tôi. Ai đến đây cũng đều thấy như thế này, đành thất vọng trở về, tôi cũng không ngoại lệ.
Suốt trong thời gian ở nhà cô, tôi kiên trì xuống tới ba lần nhưng không gặp. Đã cuối kì nghỉ hè, ba hôm nữa sẽ về nhà, tôi xuống lần cuối cùng theo quán tính, thăm thú một nơi đã ít nhiều liên quan tới một câu chuyện li kì mà tôi từng được nghe. Cũng lại vẫn cửa đóng then cài như những lần trước. Tôi rút điện thoại chụp vài cảnh làm kỉ niệm. Đang quay xe tính về, chợt cửa nhà hé mở, một thằng bé lách cánh cửa tiến ra cổng. Nó lại gần tôi nói:
- Chú muốn gặp ông cháu phải không ạ?
Tôi mừng rỡ cuống quýt gật đầu.
- Ông cháu bảo mời chú vào trong nhà chơi.
Nghe vậy tim tôi đập loạn xạ, kinh ngạc không biết làm thế nào ông lại biết tôi đang tìm trong khi cửa nhà đóng kín như bưng. Tôi bước vào gần ngôi nhà, mùi nhang trầm thoang thoảng hòa vào khí trời trong mát, muôn vàn hoa lá xanh tươi trong vườn tạo nên một khung cảnh thanh tịnh, thư thái lạ thường. Thằng bé mở cửa rộng hơn một chút, đưa tay mời tôi vào nhà. Tôi hồi hộp bước vào. Giữa gian nhà có một tủ thờ rất lớn, trên có nhiều bát nhang được bày biện theo thứ tự cao thấp khác nhau. Hai bên cột nhà có hai hàng chữ Tàu chạm nổi trên gỗ rất tinh xảo. Chiếc lư đồng sáng bóng ở giữa đang tỏa ra một làn khói trắng nhỏ, mùi trầm thơm ngào ngạt. Theo tay chỉ của thằng bé, tôi khép nép đi vào ngồi trên bộ ghế gỗ kê ở góc nhà. Đang mải ngắm gian nhà, bỗng cửa phòng bên bật mở, một ông lão dáng người nhỏ nhắn nhẹ nhàng bước ra. Tôi đứng lên cúi chào ông, ông tươi cười vẫy tay bảo tôi ngồi xuống.
- Cháu nhiều lần tìm ta có phải không? – Ông hỏi.
- Vâng ạ - Tôi bối rối trả lời.
- Có rất nhiều người tìm ta, nhưng người nào hợp duyên ta mới đón tiếp. Từ ngày về đây ta hạn chế gặp người lạ, đóng cửa thiền tịnh hàng ngày.
- Cháu nghĩ ông có khả năng đặc biệt như thế mà ở ẩn thì uổng lắm ạ. Chắc ông còn nhớ chuyện ba mẹ con nhà ở dốc đá. Nếu không có ông thì họ đã gặp họa lớn rồi.
Ông lão mỉm cười, rót tách trà mời tôi rồi chậm rãi nói:
- Câu chuyện về oan hồn ở cái dốc đá đó không đơn giản như những gì mọi người thấy. Ta phải đắn đo rất nhiều mới quyết định giúp đấy.
Sao giúp người lại phải đắn đo suy nghĩ nhỉ, ông lão nói làm tôi càng tò mò và quyết phải hỏi cho ra chuyện kì lạ này.
Còn tiếp