Chuyện lạ người ứng dụng Kinh Dịch để hóa giải vận hạn

Là một chuyên gia về hóa học rồi chuyển sang nghiên cứu Kinh Dịch và thuyết âm dương ngũ hành trong nhiều năm. Từ đó, ông tìm cách ứng dụng Kinh Dịch cùng thuyết âm dương ngũ hành để hóa giải vận hạn, điều chỉnh số mệnh của con người. Ông là Nguyễn Đỗ Ngạc.

Cơ duyên với kinh dịch

Trong căn nhà ông ở đường Bạch Đằng (quận Tân Bình, TP.HCM), chứa nhiều sách về Kinh Dịch và văn hóa phương Đông. Sau nhiều năm nghiên cứu Dịch học và thuyết âm dương ngũ hành, ông nhận ra rằng triết học phương Đông thâm thúy và uyên huyền vô cùng. Xuất thân của ông là cán bộ trong viện Luyện kim màu của bộ Công nghiệp cũ ở Hà Nội. Được đào tạo về ngành khoa học thực nghiệm và ảnh hưởng của nền giáo dục, ông vẫn nghĩ rằng thuyết âm dương ngũ hành, đoán mệnh, phong thủy là mê tín, dị đoan. Cho đến khi về hưu, là người thích nghiên cứu ham học hỏi, không muốn đầu óc sớm bị lão hóa, ông tìm đọc sách về Kinh Dịch và thuyết âm dương ngũ hành. Đọc nhiều rồi ông thấy mình say mê nó lúc nào không hay. Và ông để tâm trí vào nghiên cứu chuyên sâu về Kinh Dịch và thuyết âm dương ngũ hành.


Nhà Dịch học Nguyễn Đỗ Ngạc.

"Trước kia, tôi nghĩ rằng thuyết âm dương ngũ hành, đoán mệnh, phong thủy là trò mê tín, nhưng khi đọc sách, nghiên cứu về Kinh Dịch tôi mới thấy mình lầm. Bởi lẽ chúng rất duy vật, cũng có quy luật của nó, có bản chất khoa học của nó. Tức là nó có nguyên nhân và hệ quả, vận hành theo quy luật, tuy rằng hiện nay chưa thể chứng minh điều đó bằng thực nghiệm. Nhưng sau hơn 14 năm nghiên cứu, cùng với phương pháp cảm xạ học, tôi có thể kiểm chứng được bằng thực nghiệm một số lĩnh vực trong Kinh Dịch, phong thủy và ứng dụng nó vào việc hóa giải vận hạn cho con người”, ông Ngạc nói.

Phương pháp cảm xạ học của ông Ngạc là ông dùng hai chiếc đũa bằng inox, ông gọi là đũa cảm xạ để đo năng lượng, địa khí, thiên khí. Nếu khu vực nào, hoặc người nào có sinh khí tốt thì hai chiếc đũa sẽ chập vào nhau, đũa chập càng sâu thì báo hiệu sinh khí càng tốt. Ngược lại, nơi nào, người nào sinh khí yếu, có nhiều hài cốt thì hai chiếc đũa sẽ chĩa ra ngoài. Tuy nhiên, theo ông Ngạc, để sử dụng được đũa cảm xạ, phải là người có cơ duyên, rèn luyện lâu năm để có năng lượng sinh học cao thì mới đắc dụng được. Bản thân ông đã dành hơn 14 năm rèn luyện khí công và nghiên cứu nên mới có khả năng cảm nhận (còn gọi là đo) được địa khí, thiên khí từ đũa cảm xạ.

Hóa giải vận hạn của con người

Theo nhà phong thủy, nhà Dịch học Nguyễn Đỗ Ngạc, cuộc đời con người phụ thuộc vào ba yếu tố: Thiên- Địa- Nhân. Thiên tức là trời, là khí tiên thiên, là cái có sẵn, đó là số mệnh. Địa là đất, là môi trường sống của con người, là địa khí, là phong thủy. Nhân là con người, là xã hội, là sự nỗ lực của con người. Nếu các yếu tố Thiên- Địa- Nhân mà hòa hợp, ổn định, trong đó đặc biệt là yếu tố môi trường và con người mà bổ sung, hỗ trợ cho nhau thì sẽ giúp cho con người có cuộc sống tốt.

"Môi trường sống là mức độ năng lượng, là sinh khí. Sinh khí tốt thì con người khỏe mạnh, thông minh. Do đó, người xưa nói "địa linh sinh nhân kiệt" là có cơ sở, vì chỉ những vùng đất có sinh khí tốt (địa linh) mới giúp cho con người khỏe mạnh, thông minh, tài năng (nhân kiệt). Tôi đã tới vùng Nam Đàn- Nghệ An, quê Bác Hồ, và dùng đũa cảm xạ để đo thử, thì thấy nơi đây sinh khí rất mạnh, vì thế mà có nhiều nhân tài. Đặc biệt là nhà Bác Hồ ở làng Sen, sinh khí rất cao. Ngược lại môi trường sinh khí kém thì con người ốm yếu, làm ăn thất bát", ông Ngạc phân tích.

Theo ông Ngạc, triết học phương Đông quan niệm rằng, con người là sản phẩm của thiên nhiên nên cũng phải tuân theo quy luật của thiên nhiên. Kinh Dịch là mô hình tổng quát mô tả quy luật của thiên nhiên nên có thể dùng nó để mô tả cuộc đời con người. Đây là cơ sở cho phương pháp dự đoán về số phận của con người dựa trên nền tảng lý luận của Kinh Dịch. Một trong những phương pháp đó là phương pháp Tứ Trụ (còn gọi là Tử bình) tức là căn cứ vào ngày, tháng, năm và giờ sinh để vận dụng thuyết âm dương ngũ hành dự đoán vận mệnh, hóa giải vận hạn. Ngũ hành tức là: Kim (kim loại), mộc (gỗ, cây), thủy (nước), hỏa (lửa), thổ (đất).

"Con người sinh ra vào một thời điểm (năm, tháng, ngày, giờ sinh) sẽ đắc thụ khí âm dương ngũ hành tại thời điểm đó sẽ là một hệ thống tổ hợp âm dương ngũ hành riêng biệt cho mỗi người. Nếu hệ thống đó cân bằng về âm dương ngũ hành thì hệ đó sẽ bền, ổn định và sức khỏe, vận mệnh của người đó sẽ tốt và ngược lại nếu hệ đó mất cân bằng mà thái quá thì sẽ gây nguy hại cho người đó. Do vậy, tôi áp dụng âm dương ngũ hành và Kinh Dịch cùng với phương pháp cảm xạ học để đo xem hệ của người đó có cân bằng hay không để bổ khuyết, làm tái cân bằng, hóa giải vận hạn. Chẳng hạn, nếu người đó khuyết thủy thì sẽ bổ sung thủy làm cân bằng. Tuy nhiên, với những người có hệ thống ít cân bằng thì lại năng động, thông minh. Còn những người cân bằng quá thì sẽ sinh ra ù lì, kém thông minh. Và các thiên tài thường có tính cách lập dị vì sự thiếu cân bằng này", ông Ngạc nói.

Tuy nhiên, để sống tốt và bền vững thì con người phải tuân theo quy luật của tự nhiên. Nhà Dịch học Nguyễn Đỗ Ngạc lý giải: "Con người là một trong những sản phẩm của thiên nhiên, vũ trụ nên phải sống theo quy luật của thiên nhiên và vũ trụ, không thể đảo ngược quy luật thiên nhiên được. Người xưa có câu: "Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong", nghĩa là thuận theo quy luật tự nhiên, theo trời thì tồn tại; trái với quy luật tự nhiên thì không tồn tại".

Ứng dụng Kinh Dịch

Sau nhiều năm nghiên cứu Kinh Dịch, ông Ngạc đã dạy những lớp ứng dụng Kinh Dịch gọi là "Dịch học ứng dụng" cho mọi người nhằm thay đổi vận mệnh của con người và ngôi nhà. Chương trình dạy của ông có bốn phần. Phần thứ nhất là dạy lý thuyết cơ bản về âm dương ngũ hành và Kinh Dịch. Phần thứ hai là dạy về dự đoán học, dựa trên 6 hào của Kinh Dịch để dự đoán mọi việc và vận mệnh của con người; đoán số mệnh bằng tứ trụ. Phần thứ ba là phong thủy học, học viên được dạy về lý thuyết phong thủy Bát trạch Minh Cảnh và đặc biệt Huyền không phi tinh (còn gọi là Huyền không học, Cửu cung phi tinh). Cuối cùng là phần hóa giải vận mệnh, vận hạn từ những hiểu biết về dịch học và phong thủy, mệnh học.

"Hiện nay những người nghiên cứu về phong thủy đã hình thành nên phong trào gọi là phong thủy học cải mệnh, tức dùng phong thủy để thay đổi vận mệnh của con người. Giống như ở trên tôi đã phân tích, muốn hóa giải vận mệnh, phải áp dụng âm dương ngũ hành, bổ khuyết cho con người, vùng đất, ngôi nhà đó", ông Ngạc nói.

Ứng dụng của dịch học và âm dương ngũ hành còn để hóa giải vận hạn cho con người và hóa giải âm khí những vùng đất có nhiều tử khí. Để thay đổi, hóa giải vận hạn, ông dựa vào nguyên tắc bổ sung ngũ hành còn thiếu cho con người bằng kỹ thuật dịch học và bằng cải tạo phong thủy nhà, thông qua kỹ thuật đo cảm xạ mức độ sinh khí. Dùng phương pháp quang học trừ khử bức xạ âm khí (tức đặt gương hoặc kính bát quái) đúng vị trí thích hợp để hóa giải. Với một vùng đất xấu, ông cũng áp dụng tương tự. Việc dùng gương hóa giải cần phải đo đạc rất thận trọng vì nó là con dao hai lưỡi. Gương có thể đẩy âm khí đi nhưng cũng có thể kéo âm khí vào nếu không biết dùng đúng.

"Trải qua hàng ngàn năm và bao biến thiên của lịch sử, nhiều vùng đất ở nước ta chứa bao người chết, từ đó tạo nên âm khí nhiều, không tốt cho sức khỏe con người. Mà thông thường thì những khu chung cư, những tòa cao ốc... đều xây trên những khu đất có âm khí nhiều. Nếu ngay từ đầu những nơi đó được hóa giải âm khí bằng phương pháp kỹ thuật khử âm khí thì sẽ có hiệu ứng tốt cho việc làm ăn cũng như sức khỏe cho những người sinh sống ở khu vực đó. Bởi vì khi hóa giải được âm khí thì sẽ tạo nên môi trường, sinh khí tốt, giúp con người khỏe mạnh, mọi việc hanh thông và đơn vị thi công cũng ít gặp sự cố", nhà Dịch học Nguyễn Đỗ Ngạc phân giải.

"Bất học Dịch bất đắc nhập các"
"Không chỉ với Việt Nam, mà người Trung Quốc, người Nhật, người Hàn Quốc đều sùng bái Kinh Dịch. Người Nhật có câu: Bất học Dịch bất đắc nhập các. Nghĩa là nếu không học Kinh Dịch thì đừng cầm quyền, bởi vì chỉ những ai hiểu về Kinh Dịch mới biết được sự thông biến của con người, đời sống, biết quy luật thiên nhiên và hành động theo đúng quy luật đó để tránh những hậu họa. Điều đó chứng tỏ sự huyền diệu của Kinh Dịch là rất lớn, ảnh hưởng tới đời sống con người", nhà Dịch học Nguyễn Đỗ Ngạc biện giải.

Nguyễn Thịnh (http://www.nguoiduatin.vn/chuyen-la-...n-a120775.html)