- Thưa cụ theo kinh nghiệm của cụ, thì người tu Mật phải có điều kiện gì mới có kết quả?
- Thông công với vị Thầy tâm linh, có minh sư tại thế để được giám thiền và tham vấn, có đời sống phù hợp với việc tu tập của mình.
- Thưa cụ có thế giới tâm linh thật sao? Sao trong kinh điển Như Lai không nhìn nhận có một linh hồn tồn tại độc lập?
- Này, ông bây giờ là “Có” hay “Không”?
- Thưa cụ không có tự tánh nhưng lại hiện hữu do nhân duyên giả hợp. Mà không phải là “Có” hoặc là “Không”.
- Thế thì linh hồn hay thế giới tâm linh cũng vậy. Vượt khỏi hai phạm trù “có” hoặc “không”. Không tồn tại như một tự tánh độc lập. Là một thực thể hiện hữu như một luồng chảy miên viễn nên không xác lập được tự tánh hay “cái Tôi”.

- Thưa cụ, thông công với vị Thầy tâm linh là có người thiêng liêng nhập vào xác mình sao?
- Không có cái gì như là một cái “người tâm linh” có tự tánh tồn tại độc lập. Nên không có “ai” nhập vào ai cả. Mà như là cùng trôi theo dòng chảy năng lượng.
- Nhưng dòng chảy năng lượng ấy là cái gì?
- Là nguồn gốc cơ bản của vật chất.
- Phương tiện để thông công với thế giới tâm linh là gì?
- Tôn giáo
- Theo kinh nghiệm của mình thì cụ dùng phương pháp gì để thông công với tâm linh?
- Thiền Đại Thủ Ấn (Mahamudra).
- Thưa cụ, khi đã thông công thì học trực tiếp với vị Thầy tâm linh của mình chứ sao lại phải có minh sư tại thế?
- Minh sư tại thế không phải là Thầy, mà Như Lai, chư Bồ tát , chư Tổ, chư vị Thánh Mẫu... v.v... mới là Thầy. Minh sư tại thế chỉ là người “giám thiền” để bằng kinh nghiệm của mình giúp đỡ điều chỉnh kịp thời khi người tu có biểu hiện tập không đúng. Ngài cũng quan sát lời nói, hành động và mọi biểu hiện tâm lý của người tu trong cuộc sống để kịp thời hướng dẫn giúp đỡ người tu sống đúng giới luật của nhà Phật.
Bằng chánh kiến của mình Ngài cũng sẽ điều chỉnh, giúp đỡ để người tu không ngộ nhận hoặc có những hiểu biết hay giải thích không đúng với giáo lý của Như Lai, khi người tu đứng trước những biểu hiện huyền diệu của tâm linh. Và quan trọng nhất, từng giai đoạn minh sư tại thế chính là người tạo ra các thử thách để người tu vượt qua nhằm xác định công phu tu tập, đạo hạnh và huệ lực của học trò mình trước khi ấn chứng cho họ.

- Thưa cụ thế nào là một đời sống phù hợp với người tu tập?
- Tùy theo pháp mình đang hành trì, thể lực và trạng thái tâm lý của người tu, mà minh sư tại thế của họ sẽ hướng dẫn cách ăn uống, ngủ, nghỉ, qui định chế độ sinh hoạt cho từng người cụ thể. Cái đó gọi là “pháp đối trị”.
- Chứ không phải căn cứ vào kinh điển của Như Lai để lại?
- Lẽ dĩ nhiên là như vậy. Kinh điển giới luật của Như lai và luận của chư Tổ là cốt lõi. Nhưng giáo lý khẩu truyền và pháp đối trị do mình sư truyền thụ trực tiếp là quyết định cho thành công hay thất bại. Bởi vậy khác với các pháp tu khác. Đối với mật tông, việc ở bên cạnh Thầy hay thường xuyên sống gần minh sư tại thế trong mandala của ngài là cực kỳ quan trọng. Ảnh hưởng rất lớn tới người tu tập. Vì như vậy tự hội đủ các điều kiện đã nói ở trên: Dễ thông công với thế giới tâm linh, có minh sư bên cạnh giám thiền và kiểm tra giới hạnh, mandala có sinh hoạt trang nghiêm và tịnh nên người tu tập rất dễ giữ giới và thực hành đúng giáo lý khẩu truyền cùng pháp đối trị của riêng mình do minh sư đã truyền thụ.
- Theo kinh nghiệm của cụ thì những khuyết điểm gì người tu mật hay phạm phải và do vậy việc tu tập không kết quả, thậm chí còn xảy ra tai nạn?
- Theo kinh nghiệm của riêng ta, thì có mấy cái lỗi mà người tu mật hay vấp phải:
1. Khi đã thọ phép quán đảnh hay thông công hoặc đắc khí. Người tu, nếu tâm chưa định, thường thấy các ảo giác hay ảo thanh và có các suy luận chủ quan hoang tưởng. Do tin thật vào các biểu hiện tâm lý này mà thường xưng Thần, xưng Thánh, tuyên bố này nọ và tưởng mình là người trên trước xuống trần cứu nhân độ thế nên thường tạo ra các đám đông vây quanh và do ngã mạn thường chống đối người khác và vi phạm luật pháp nên cuối cùng gãy đường tu và không tồn tại.
2. Không đủ phẩm chất là người “Trò” đã lo làm “Vị thầy nổi tiếng”. Sau khi đã học được một ít pháp. Do ham danh tiếng và muốn kiếm tiền qua phương pháp. Thường phối hợp phương pháp của Thầy mình với một ít pháp khác để tạo ra môt môn phái mới và hư trương thanh thế bằng cách công kích chê bai Thầy cũ của mình, để chứng tỏ mình giỏi hơn. Và do vậy họ đã bỏ mất cơ hội tiến tu lên các bậc cao hơn.
3. Vì quá ham pháp thuật thần thông, nghe ở đâu có thầy giỏi đều đến xin thọ pháp và do vậy không đủ thời gian để học đạo với vị thầy nào cả. Nên chỉ biết nhiều pháp qua lời nói hoặc các nghi thức khoa trương mà không ứng dụng được vào thực tiễn.
4. Ưa cái hữu tướng, thích được Thầy khen và đồng môn kính trọng, nên khi bị Thầy và thiêng liêng thử thách thường bị rớt.
5. Chưa đủ huệ đã đem tâm phán xét các giả tướng của thầy mình, do vậy không thể thông công với Guru là hóa thân của thầy và cũng bởi thế không thể giao tiếp với Deva, Dakini và Hum được.
6. Bởi họ không biết: “Mật pháp ứng truyền cơ mật nhiệm” nên chỉ chăm học pháp mà không chịu làm Phật sự. Do vậy mà điển quang không thể hợp nhất với thể xác để thành thể Bodhisattva được, nên chỉ huyên thuyên. Còn lời nói, hành động không có Phật lực và cuộc sống cũng không có thiền vị.


- Thưa cụ làm thế nào để biết đang tu tập có kết quả?
- Về thể xác thì khỏe mạnh. Có thể tự mình vận công tự điều trị một số bệnh về chức năng hoặc cơ năng mãn tính đã mắc phải trước khi tu tập. Sau khi đã làm lễ quán đảnh, hoặc đã đắc khí nếu hành công đúng phương pháp sẽ không phát sinh bệnh mới.
- Nếu là các bệnh do nghiệp lực thì thế nào?
- Nếu giúp đỡ người khác tu tập để lành bệnh khổ, thì vẫn có thể tự điều trị các bệnh ấy.
- Có một số vị tu chứng rất cao nhưng tại sao vẫn bị bệnh khổ?
- Do các vị ấy chỉ thuyết pháp độ sanh nên chỉ thực chứng về trí huệ mà không trị bệnh cứu người nên vẫn bị bệnh.
- Có thân thì có bệnh, nói như vậy không sợ là quá đáng sao?
- Có thân thì có bệnh, nhưng nếu thân biết tu tập rèn luyện ăn uống, sống đúng chánh giáo và khoa học thì sẽ không bị bệnh hoặc nếu có bệnh thì cũng dễ vượt qua, không bị bệnh làm khổ. Trừ các trường hợp nhiễm trùng hoặc tai nạn.
Mô Phật, chứ nếu không phải thế, tu tập mà ốm yếu, bạc nhược, không thể lao động, học tập tốt như người bình thường thì tu làm gì?
- Tại sao một số người tu thường ốm yếu hơn người bình thường?
- Tại ngồi thiền sai phương pháp, khiếm vận động. Tại ăn chay sai phương pháp thiếu chất bổ và sinh tố cần thiết cho sự tồn tại của cơ thể. Tại ép trí theo các giới luật quá khắt khe, khiến sống trái tự nhiên nên tâm lý bị ức chế. Tại đè nén về tình dục mà không có phương pháp tự quân bình âm dương cho cơ thể.
- Thưa cụ, thế về tâm lý, người tu có các biểu hiện gì thì biết mình đang tu tập đúng và có kết quả?
- Không cần cố gắng mà vẫn luôn tự tại an lạc. Tuy chánh định và tỉnh giác, nhưng không phải là gỗ đá vô tri, mà phải tràn đầy rung động để có thể viết văn, làm thơ, vẽ tranh, tạc tượng, cắm hoa, điêu khắc, âm nhạc, thực hành nghệ thuật sắp đặt...v.v... Người tu thực chứng về tâm lý, luôn biến công việc mình đang làm thành một nghệ thuật do vậy đầy sáng tạo và hiệu quả. Người không thực chứng về tâm lý là người chỉ biết nói như vẹt theo kinh điển và theo Thầy mình mà không có cái tự biết qua kinh nghiệm riêng.
Nói tóm lại người thực chứng về tâm lý trong tu tập là người đã biến thành một ”Nghệ sĩ tâm linh”!


- Thưa cụ, thế về mặt năng lượng, người tu có các biểu hiện gì thì biết mình đang tu tập đúng và có kết quả?
- Tuy đã có điển quang qua phép thông công, quán đảnh hay đắc khí. Nhưng người ấy luôn biết rằng năng lượng thông qua một môi trường tâm lý trong sạch và hướng thượng thì sẽ thăng hoa chuyển hóa về giác ngộ. Còn ngược lại thì sẽ đọa địa ngục. Điển quang chỉ là năng lượng khách quan chứ tự nó không có phép mầu làm cho người xấu tự nhiên thành Phật được. Người ấy cũng biết rằng chỉ thông qua lao động và làm Phật sự thì điển quang mới kết hợp toàn diện với thể xác được và do vậy mồ hôi, trí tuệ cộng với điển quang sẽ tạo ra một tài năng hữu dụng. Còn nếu tin vào các ảo giác, ảo thanh chỉ ngồi đấy đắm chìm vào hoang tưởng thì sẽ tự làm hại mình và hại cho xã hội.
Vậy nếu ông thấy người tu Mật nào không có hiệu quả thực tiễn qua công việc và trí tuệ, mà tự mình huyễn hoặc xưng Thần, xưng Thánh, phán dạy linh tinh nói những điều mơ hồ, tập trung nhiều người mê tín xung quanh để suy tôn mình, thì người đó đang tập sai và không hiệu quả. Thậm chí tệ hơn nữa là đang bị phản ứng phụ mà không biết!
- Xin cảm ơn cụ về những kinh nghiệm quí báu này.
- Mô Phật, ta tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy. Ông nên tác bạch điều này với chư tăng và chư vị thiện tri thức để các ngài ấy phát tâm chỉ dạy thì mới thật đúng được.