Nên giấu tên cô ấy. Và cũng chẳng cần biết để làm gì.
Miễn là ta biết chuyện của cô ấy.

Cô ấy xinh, thích ăn diện. Đã đỗ tú tài. Không học tiếp đại học, vì lấy chồng. Vợ chồng rất yêu nhau.

Chồng cô ấy là công chức, tháng tháng lãnh một số lương đủ ăn xài. Nhưng ăn xài mới đủ thôi thì chưa ổn. Nếu chỉ đủ thì bao nhiêu thứ hàng tràn ngập trong các chợ, trên vỉa hè Sài Gòn, Gia Định, vừa đẹp vừa rẻ, vừa tiện lợi cho đời sống vật chất, ai tiêu thụ cho? Cho nên cô ấy cũng xin đi làm để có dư tiền.

Và cô được vào làm ở một sở của Mỹ.

Sở nào của Mỹ cũng có khối người Việt. Việc ít nhưng lương nhiều. Cảm ơn người bạn đồng minh tốt.
Cô ấy ở đó được chừng ba tháng, thì một buổi sáng, vào sở thấy trên bàn làm việc có một phong thư ngoài bì đề tên mình.
Mở bì ra, cô thấy một tập giấy đủ một trăm đô-la, và một bức thư:

“Thưa cô, tôi rất lấy làm vinh dự nếu được cô nhận lời đi chơi mát trong thành phố bằng xe hơi với tôi độ nửa giờ, sau buổi làm việc chiều mai 19-4. Nếu cô đồng ý tôi xin cô nhận chút quà của tôi đính theo đây.
Ký tên (một người Mỹ cùng làm trong sở, mà cô có biết mặt)”

Đọc xong, cô không suy nghĩ lâu, gấp thư và giấy bạc bỏ vào phong bì để nguyên chỗ cũ.
Buổi chiều đến sở, cô không thấy phong thư ấy. Hẳn là người Mỹ này biết cô không đồng ý, nên đã lấy đi.
Nhưng sáng hôm sau, là ngày 19 tháng 4, cô lại thấy chiếc phong bì trên bàn làm việc. Trong cũng có một trăm đô-la, và bức thư vài dòng như hôm trước. Chỉ có ngày hẹn khác, ngày 20 tháng 4. Vẫn tên ký của người Mỹ ấy.

Cũng như hôm trước, cô lại gấp tiền với thư vào phong bì, để lại ở bàn giấy. Nghĩa là cô không đồng ý cho cái anh chàng đó được vinh dự đi chơi phố với cô trong nửa giờ đồng hồ.
Lại cũng như hôm trước, buổi chiều cô không trông thấy chiếc phong bì ở trên bàn.

Nhưng rồi đến sáng ngày 21, cô lại thấy chiếc phong bì đặt ở trước mặt. Cũng đô-la và bức thư, nhưng đổi ngày hẹn là ngày 22.
Cô lại không nhận lời. Và cứ như vậy suốt một tuần, buổi sáng, bức thư để lại, buổi chiều, bức thư lấy đi và buổi sáng hôm sau, thư lại tới, chỉ đổi ngày hẹn thôi.
Việc này, cô chẳng cho các bạn đồng sự biết. Và cũng chẳng nói chuyện với chồng.

Ở Sài Gòn thường cô nghe thấy nhiều người khen Mỹ là lịch sự, là hào phóng. Dễ người Mỹ này lịch sự và hào phóng đây. Cô lại nghe nói Mỹ là bạn của Việt Nam, họ thường đi chơi với mình. Đối vẫn người Việt, họ lễ độ, nhã nhặn và đứng đắn. Nhất là đối với phụ nữ. Cho nên, buổi sáng thứ bảy, nhận được thư, cô có suy nghĩ. Suy nghĩ về cái con người quá xá là kiên tâm này đối với cô.

Hàng ngày, đi làm, cô đạp xe đạp mất chừng mười lăm phút. Cô mong dành tiền sắm chiếc Hon-đa, đi cho khỏi mất sức và mất thì giờ.
Nay một người Mỹ chỉ mời mình đi chơi có nửa giờ mà biếu mình một trăm đô-la. Hay là nhận lời quách.
Có làm sao? Nếu sáng thứ hai, cô vẫn thấy người ấy mời đi chơi, thì cô đừng nên từ chối nữa. Cô nghĩ thế.
Thì quả nhiên, trên bàn làm việc, cô lại thấy chiếc phong bì.
Cô đọc thư, nhận tiền, bỏ vào túi.
Chiều ngày thứ ba, biết là được hẹn, người Mỹ đợi cô ở cửa sở. Thấy cô ra, hắn lễ phép cúi chào. Cô giơ tay ra bắt. Hắn mở cửa xe, mời cô vào. Rồi nhanh nhẹn, hắn mở máy.

Trong khi đi các đường, hắn nói chuyện. Hắn hỏi thăm gia đình cô, hỏi tất cả những cảnh, những việc nhìn thấy trước mắt mà hắn chưa hiểu. Hắn nói về gia đình hắn, và hắn rất kính phục người Việt Nam, vì người Việt Nam có nhiều đức tính và rất thân thiện với người Mỹ. Giọng nói của hắn cho thấy hắn quả là lịch sự lễ độ và nhã nhặn. Hắn đưa cô đến đầu hẻm (vì nhà cô ở trong hẻm) thì vừa đúng nửa giờ. Từ giã hắn, cô giơ tay ra bắt. Hắn đứng thẳng, cúi đầu chào, như chào một người trên.
Việc này bẵng đi, đến mười hôm sau, cô ấy lại được tên Mỹ ấy mời đi chơi trong nửa giờ. Hắn hẹn ngày giờ đón cô, và cũng biếu cô một trăm đô-la.
Nửa giờ đồng hồ nói chuyện với một người dân nước văn minh mà còn được tiếng tội gì mà không nhận?
Thế là cô lại đi chơi với hắn. Và cũng vẫn nhưng thái độ cử chỉ đúng đắn như lần trước.
Vậy là cô có dư tiền để sắm chiếc Hon-đa. Chồng cô hỏi tiền nào, cô chỉ mỉm cười, nói là đi vay.

Năm hôm sau, cô lại nhận thư và tiền của người bạn Mỹ mời cô đi chơi. Giờ thì phải dùng tiếng “bạn” mới đúng.

Rồi đến nửa tháng, cô không thấy hắn mời. Cô đã có ý mong.
Thì một hôm, cô nhận được phong thư. Đập ngay vào mắt cô, là tập dày những hai trăm đô-la. Hắn mời cô dùng bữa cơm thân mật với hắn ở khách sạn X. Cô có nghĩ đến cái ý “tầm gửi lấn ngành”. Cô từ chối bằng cách để lại phong bì ở bàn giấy. Nhưng rồi buổi chiều, chiếc phong bì thư mời ăn biến đi để rồi sáng hôm sau lại xuất hiện ở trước mặt cô.
Ba lần như vậy. Đến lần thứ tư, cô cho phong bì vào túi. Nghĩa là cô nhận lời.

Bữa tiệc chiêu đãi thật trang trọng. Và vẫn những cử chỉ lời nói lễ độ và thân mật như mấy lần trước.
Bốn hôm sau, cô lại được mời, và cô không chối từ.
Và lại một lần nữa: Chả sao có bạn là người nước văn minh, mình học thêm được sự văn minh. Lại có lợi nữa. Đời cô thật may mắn hơn các chị em khác. Cô sắm ti-vi tủ lạnh, máy điều hoà nhiệt độ, may mặc cho mình, cho chồng. Cô còn muốn có chiếc xe hơi, để chủ nhật; vợ chồng đi chơi với nhau. Giá mà đủ tiền tậu được biệt thự thì hoàn toàn sung sướng.

Mười hôm sau nữa, cô ấy nhận được thư của người bạn mời ăn, nhưng lần này ăn ở nhà hắn. Có lẽ hắn cho là yêu cầu khó khăn đối với một người phụ nữ, nên hắn biếu cô những ba trăm đô-la.
Vì muốn có tiền để thoả mãn đời sống vật chất với chồng, nên cô không từ chối người Mỹ.
Bữa cơm hôm ấy cũng sang trọng không kém bữa cơm ở khách sạn. Chuyện trò còn có vẻ thân mật hơn.
Ăn xong, hắn tiễn xe cho cô về nhà.
Rồi một lần nữa, hắn lại biếu cô ba trăm đôla để mời cô về nhà ăn cơm với hắn.
Trong độ hơn một giờ đồng hồ, xe đón, xe đưa, chẳng mất công khó nhọc, còn được ăn ngon, được tiền nhiều, buôn gì lời bằng?

Hắn thuộc tính cô thích ăn gì, và không quen uống rượu mạnh, nên biết chiều ý cô và cũng chỉ dùng rượu bia. Hắn tỏ vẻ hân hoan và cảm ơn cô là tấm gương cho hắn bắt chước, nay hắn bớt được mấy thứ rượu có hại cho sức khoẻ.

Lần thứ ba, hắn mời cô đến nhà để ăn cơm. Lần này, hắn khoe rằng mẹ hắn vừa gửi cho hắn một thứ nước ở bên Mỹ mới chế ra. Chỉ cần một giọt tí xíu nhỏ vào rượu bia, thì thấy có mùi thơm lạ lùng, thơm đến mấy giờ đồng hồ ở cổ họng, và chất men lại dịu hẳn đi.
Cô uống bia với thứ nước ấy, thì quả nhiên thấy thế thật.
Nhưng cơm ăn xong, lạ quá, cô không muốn về nhà vội. Rõ ràng là một dục vọng của thú vật nó làm cô cồn cào không yên. Hẳn là tại giọt nước nhỏ vào rượu: Bởi vậy người bạn quý của cô đòi hỏi, cô chẳng từ chối tý nào: Cô vào buồng ngủ của nó. Và cửa đóng kín lại.

Đêm hôm ấy, khi về nằm cạnh chồng, cô ân hận, cô xấu hổ, cô nhục nhã. Cô muốn khóc, nhưng phải cố nhịn. Sợ chồng biết, cô càng không dám thú tội với người bạn trăm năm.
Lần sau tên Mỹ lại mời cô đến nhà chơi, nhưng không phải để ăn. Nó vẫn kèm theo ba trăm đô-la như trước. Cô hiểu là từ nay, cô biến thành đồ chơi của nó.

Nó thuê bằng tiền. Nghĩ vậy, nhưng cô cứ đi. Không phải đi cho nó thoả dục vọng, mà là để mắng nó là đồ xỏ lá, đồ khốn nạn, miệng nói kính phục người Việt Nam, nhưng chính là khinh miệt ngươi Việt Nam, dùng tiền, dùng thủ đoạn để cám dỗ cô, lừa đảo cô, làm hại đời cô. Cô sẽ ném trả tiền vào mặt nó.
Cô mắng nó thế thật, mà còn dùng nhiều lời đáo để hơn nữa để chửi rủa nó, đặng trút hết nỗi căm thù của cô đối với con quỷ dâm dục ấy.
Thằng Mỹ chỉ cười. Nó không cãi. Nó còn mời cô xem chiếu cuốn phim nó mới quay được.

Ối trời đất ôi! Thì ra cuốn phim nó đã quay lúc cô vào buồng với nó, từ lúc cô lên giường nằm đến lúc cô mặc xong quần áo.
Cô la hét như điên như cuồng. Cô đòi nó phải đưa cô cuốn phim để cô huỷ đi. Nó không thể từ chối. Cô châm lửa đốt ngay trước mặt nó. Rồi cô về. Yên tâm.
Một tháng sau, cô nhận được thư của nó. Không kèm theo tiền. Cô hiểu là nó không dám bắt cô làm thú vật.
Thư nhiều chữ hơn những thư trước.

“Thưa cô,
Tôi sắp được về nước, nên cần bán những đồ đạc để lấy tiền. Tôi biết rằng cô cần mua lại một thứ, nên tôi viết thư này. Ấy là cuốn phim hôm nọ cô đã đốt. Cuốn cô đốt chỉ là bản in lại. Còn bản chính, tôi vẫn giữ để đợi đến ngày tôi rời Việt Nam sẽ bán lại cho cô. Vì là cuốn duy nhất và quý giá vô cùng, nhưng lại vì đối với cô là người mà tôi mang ơn, nên tôi chỉ bán tính bằng giá rẻ, là hai ngàn đô-la thôi.
Tôi đợi cô một tuần lễ để được nghe sự đồng ý của cô. Xin giao hẹn trước, là tôi không thể biếu không cho cô thứ quý giá này. Quá một tuần, nếu tôi không nhận được trả lời của người mà tôi dành quyền ưu tiên, tức là cô thì xin cô cho phép tôi để lại cho người khác.
Cùng lắm, nếu không ai có đủ tiền để lấy lại cuốn phim mà tôi bắt buộc phải cho không, thì người được tôi biếu phải là chồng cô.
Kính xin cô trả lời, và xin cô nhận những lời cảm ơn trước của tôi.
Ký tên”

Đọc xong thư, ấy bàng hoàng, tái mét mặt, suýt ngã. Các bạn đồng sự tưởng cô bị cảm, vội vàng cứu chữa cho cô. Cô nghiến răng, đập chân tay nguyền rủa hết lời thằng khốn nạn. Cô đã nhận của nó bao nhiêu tiền, thì lần này nó đòi lại tất cả. Và thằng ở cái nước có óc con buôn, còn buôn sự đểu cáng để lấy thêm hai trăm đô-la làm lãi nữa. Mà biết đâu lại không phải là thằng khốn nạn đã buôn sự hào phóng đối với cô bằng tiền của cục tình báo Mỹ CIA thuê nó khai thác một loại tài liệu cần thiết.

Cô nghĩ nhiều. Cô lo nhiều. Cô phát ốm.

Cô thú tội với chồng, mong chồng trả thù cho cô.
Không thể đội trời chung với chúng nó. Chồng cô tha thứ cho cô. Cô chỉ đáng thương, vì mắc mưu của nó.
Nhưng cô không thể chịu nổi nhục.

Cô đã tự sát.
Sài Gòn, 20 tháng 10 năm 1975