Chị sắp xuất giá tôi chắc chị chả thiếu chi đồ mừng quý hoá về vật chất; vậy muốn tặng chị một thứ lạ mắt, lạ tai về tinh thần, nên theo tính riêng của chị xưa nay, tôi xin chép câu chuyện chó chết này cho hợp thời, gọi là cây nhà lá vườn, chắc chị cũng chẳng từ chối tấm lòng thành thực của tôi vậy.

Tuy việc xảy ra đã mười năm nay, nhưng bây giờ tôi nghĩ lại, vẫn còn thấy bật buồn cười và rợn tóc gáy!
Chỉ e lời chẳng thấu ý, tôi viết ra không được rõ ràng khéo léo, vậy xin chỉ đọc xong, hãy thử gập cái thư này mà để địa vị vào tôi lúc bấy giờ, sẽ biết tôi vẫn còn là mạnh bạo, và thử ngẫm nghĩ kỹ, rồi ra chị có nên để cho anh khiếp oai không?

Ngày ấy vì nhà có súng, nên tôi cũng đã hiểu luật săn bắn, là mình không có giấy phép mang khí giới, thì dù có vác súng hầu người khác, cũng chỉ được đi cách người ấy năm thước thôi. Nhưng nếu người nào cũng biết trọng pháp luật cả, thì toà án còn lập ra để bắt tội ai? Chỉ vì nỗi dù có biết tội mười mươi, nhưng tặc lưỡi một cái, là cứ làm văng mạng? Mà nhất là tôi đây nếu chẳng cậy mình một chút, thì chi đã phải một phen lo mất mật vì câu chuyện chó chết của anh chàng sợ vợ này?

Khẩu súng ấy của cha tôi mua để bắn chim, nhưng vì cha tôi bận việc luôn, ít có khi rảnh để đi săn, mà tôi thì thèm quá.
Khẩu súng ấy vẫn treo ở tường, nhưng đạn thì cha tôi cất cấn thận trong tủ kính đứng có khoá ngay cạnh bàn giấy
Xung quanh nhà, mà nhất là trong các đồi bên cạnh huyện, lúc nào thấy gầm ghì chim gáy lạch đạch bay hàng đàn ở các bụi cây, mà anh lính cơ Ca-rán-tiêng còn mách tôi rằng ở các đồi ấy thường đêm đêm anh vẫn nghe thấy tiếng nai kêu hươu gọi. Anh lại giục tôi nên vác súng mà đi săn.
Cần gì, súng của Quan mà cậu mang đi bắn ở huyện nhà, thì bố đứa nào dám hỏi!

Anh Cá-rán-tiêng quê ở một làng gần rừng có nhiều cọp cho nên thỉnh thoảngg kể cho tôi nghe về cách săn cọp ở vùng ấy. Tôi thích nghe lắm, mà phục nhất là cái lối chòng lọng cổ cọp rất giản tiện mà thần tình; chí cần một cái dây chẳng to lắm nhưng biết cách giật thì con cọp dù khoẻ đến đâu cũng mất cựa! Anh chòng lọng thử cho tôi xem vào cổ con mèo rồi dạy tôi cái lối xếp dây và buộc nút.
Từ khi học được cách làm chòng lọng cọp, tuy tôi cũng chẳng hy vọng một ngày kia bắt được ông Ba mươi, nhân những lúc buồn, tôi hay lấy dây ra giật chơi mấy củ khoai lang lăn lóc dưới gầm phản, rồi khi đã thạo, tôi nghĩ ngay đến sự ăn cắp đạn.
Hôm ấy cha tôi có việc phải đi vắng hai ngày. Tôi mừng lắm. Cơm sáng xong, tôi lấy dây, tết cái chòng lọng cọp trèo lên mặt tủ, nhấc một tấm ván long đanh ra dòng xuống, giật cổ được sáu viên đạn. Khi sắp sẵn các đồ đi bắn xong, tôi xuống trại cơ, gọi anh Cá-rán-tiêng, rủ cùng đi cho vui, vì anh ấy bắn thạo lắm. Anh ấy thích đi, nhưng ngần ngừ đáp:
- Để đến bận khác. Quan đi vắng, tôi phải ở nhà coi huyện.
- Anh đi độ hai giờ đồng hồ thôi mà, thầy Quán đồn cũng chẳng biết đâu, vả anh đi bắn với tôi chứ với ai mà sợ?
Nghĩ phân vân một lúc, anh đáp:
- Vâng, cậu cứ đi một mình trước, chờ tôi ở đầu phố tôi sẽ đến sau.
Tôi qua trại cơ. Thầy Quản đồn thấy tôi ăn mặc gọn gàng và dáng đi hùng dũng, bèn ngắm và khen mãi, rồi thầy chúc:
- Cậu đi săn cho may mắn nhé!
Câu này rất kiêng kỵ. Trong làng săn, ai gặp người chúc thế, y như hôm ấy vác súng về không có khi lại bị rủi ro nữa.
Tôi cũng bị cái mê tín ấy nó bám vào óc, từ ngày được ngửi mùi thuốc đạn, cho nên tôi thất vọng ngay từ đầu.
Chúng tôi chui, rúc, trèo, leo, vào rừng, hết sức đi kiếm chim muông, nhưng chẳng gặp con nào. Rồi loanh quanh chúng tôi qua cái làng cách huyện ly ước ba cây số.
Hôm ấy là ngày phiên chợ, nên người lớn, trẻ con kẻo xem chúng tôi đông lắm, mà mình thì ngượng về một nỗi không được con nào. Chợ ấy hẹp, nhưng có một điều làm cho tôi chú ý nhất, là ở dọc đường đi tôi nhận thấy bốn năm hàng bán thịt chó, mà hàng nào cũng đông người đến mua, có người ngả ngay nón ra đấy đánh chén.
Tôi đi đến đầu làng, thì gặp một người chòng chọc con mắt nhìn tôi, lại tủm tỉm cười ra ý chế nháo. Hai tay thọc vào túi áo cánh, anh ta ưỡn ngực, vểnh râu ngắm mãi vào cái chùm dây xách chim rỗng tuếch, và nói bâng quơ rằng:
- Nhục chửa?

Đang vào cái tuổi hung hăng, tôi nào chịu nối những câu nói xỏ xiên cua những quân ngứa miệng, tôi liền quắc mắt lên nhìn, rồi đứng dừng lại, định chất vấn anh chàng láo xược, thì anh Cá-rán-tiêng, biết ý, lôi áo tôi đi và nói nhỏ:
- Thôi xin cậu, nó không biết.
- Nó là đứa nào thế?
- Lý trưởng cựu làng này đấy.
Thấy nói Lý trưởng cựu, tôi càng tức, vì lẽ gì nó chẳng biết tôi là con quan mà dám nói láo? Ấy phần nhiều các cậu con quan thường có cái thỏi hách hơn bố xin chị tha lỗi cho tôi.
Tôi cáu tiết, quay cổ lại nhìn, thì thấy nó vẫn nhìn theo tôi, mà lại bĩu môi ra cách khinh bỉ. Tôi giận quay gót trở lại, định cho nó một bài học hay về cách xử thế thì anh Cá-rán-tiêng lại kéo áo tôi mà rằng:
- Thôi, khẽ chứ cậu, con gì kia kìa...
Anh trỏ cho tôi ở cái đồi bên cạnh, một con vật gì lông vàng và có vằn đốm đen, đương lẩn trong bụi cây.
Tôi ngắm kỹ một lúc, rồi giật mình nói:
- Hổ! Hổ? Anh ạ.
Anh Cá-rán-tiêng tái mét mặt lại, cũng trố mắt lên rồi nói:
- Không phải, con gì đấy.
- Đích là hổ, con hổ con, trông lông nó thì biết.
Lúc ấy con vật nhích đi một tí, thì tôi quả quyết rằng:
- Không còn sai nữa. Anh để tôi bắn.
Anh chàng láo xược ban nãy cũng rảo bước sau tôi thấy tôi nói hổ, thì anh cũng chõ mõm vào rằng:
- Phải đấy, ở đây vần có mấy con hổ con. Bắn đi. Con gì cũng bắn phăng đi!
Tôi se sẽ lui lúi nấp sau gốc cây, quay lại thấy anh Cá-rán-tiêng có ý sợ mà lánh xa, còn anh Lý cựu kia lại dáng vui vẻ mà nhìn chòng chọc vào con hổ.
Tôi lắp đạn, giương súng, ngắm. Tôi hồi hộp, vì không biết phát này có rửa nhục cho tôi trước mặt cái anh vô lễ kia không, hay là nó lại làm thêm cho tôi mọt phen rát mặt nữa? Tôi ngắm rất kỹ, trúng lắm. Tôi bóp cò: Đoành!
Tiếng vang inh trời, một vùng khói toả tròn lan ra trước mắt, che lấp cả con vật. Bỗng anh Cá-rán-tiêng kêu ầm lên rằng:
- A! Chết rồi!
Anh Lý cựu cũng vừa vỗ tay, vừa nhảy như thằng cuồng:
- A ha! híp! híp lơ! Con ma quay lơ! Hồ chết rồi!
Chúng tôi mừng rú, thi nhau chạy lại bắt, thì trời ơi chị có cho tôi mượn mau cái rổ đề che mặt không, cái con vật nằm sóng soài ra giữa vũng máu còn đang trợn ngược đôi mắt và hầm hè nhe bộ răng nhọn hoắt ra ấy lại chẳng phải là hổ, mà chỉ là con chó vện! Khổ quá thì ra trông gà hoá cuốc, tôi bắn phải con chó vện nhà người ta? Lúc chúng tôi đến nơi mới được vài giây đồng hồ, đương nhìn cái thảm trạng ấy, thì con vật khốn nạn kia đã lìm lịm dần mà hồn về chín suối.
Tôi hối hận vô cùng. Cái cuộc đi săn hôm nay thực là dại dột quá! Tôi mang súng đã không có giấy, đạn lại đi ăn cắp thế mà lại bắn chết con chó vô tội? Rồi đối với chủ con chó ấy hẳn tôi còn lôi thôi to. Chẳng biết tôi giơ cái con quan của tôi ra thì sự lôi thôi ấy có giảm đi phần nào chăng, vậy mà chẳng may cho tôi nữa, người có con chó chết. lại chính là cái nhà anh Lý cựu đáng ghét ấy.
Chúng tôi đang tỏ ý lo riêng với nhau thì người ấy cũng chạy tới rồi nói:
- A, ông bắn chết chó nhà tôi.
Biết mình có lỗi, tói vứt ngay bộ mặt thù địch ban nãy mà dịu ngay cái nét hoà bình lại, mà tự giữ chủ nghĩa “bất đề kháng”.
- Phải, tôi bắn lầm.
- Ông bắn lầm? Phải! Rồi một ngày kia ông tương cả đạn vào bụng người ta nữa!
- Nhưng hình như tôi còn nhớ chính ông cũng bảo rằng hổ, và xui tôi bắn?
- Tôi nói đùa, mặc kệ ông chứ, ai bảo ông nghe? Chó hay hổ ông không biết à?
- Thôi thì nếu có phải chó của ông thật, thì ông bằng lòng, tôi đền tiền ông vậy.
. Ông là ai?
- Tôi là con Quan Huyện, ông này là ông Quyền Cá-rán-tiêng trong huyện.
Tôi tưởng tôi loè nó bằng chức tước to như thế, mà tôi gọi anh lính cơ là ông, lại lên giọng tây có uốn lưỡi thì nó đủ sợ, ai ngờ mặt nó cứ điềm nhiên. Tôi nói:
- Tôi đền tiền ông.
- Tôi không lấy đền.
Tôi hung hăng, trợn mắt, cầm ngang khẩu súng, hất hàm hỏi:
- Vậy anh muốn gì hơn nữa?
Lối bắt nạt ấy rất công hiệu. Trên cái mặt điền nhiên kia, quả lờ mờ có vẽ ra hai nét nhăn cười:
- Tôi chẳng muốn gì hơn, mời hai ông về nhà xơi nước.
Xơi nước? Tôi cần gì đến nước của nó? Tôi nói:
- Tôi không vào, tôi không khát.
- Thì mời hai ông vào chơi nói chuyện vậy!
Nói chuyện? Chỉ có báng súng của tôi muốn nói chuyện với ngực nó thôi? Nó tưởng tôi ngu ngốc như nó đấy ai chẳng biết nó dử tôi vào nhà để sửa một mẻ cho tôi đỡ tính ngông ngược? Tôi nói:
- Câu chuyện chỉ có thế, ông có muốn nói thêm gì thì nói ở đây.
- Thì hãy mời hai ông vào chơi thư thả đã.
Đến câu này thì thằng cha có ý nằn nì. Tôi hiểu cái thâm ý của nó, nhưng hai chúng tôi lực lưỡng dường này, lẽ nào lại bó tay cho nó thịt? Lòng tự ái làm tôi hăng tiết, tôi liền đi trước và bảo:
- Nào ta đi!
Ấy hùng dũng thế, mà vừa đi, tôi vừa phân vân trong bụng đấy.
Tay lễ mễ xách con chó mềm như sợi bún, anh ta sấn lên đi trước. Đến nhà, anh ta mời chúng tôi lên buồng khách, rồi treo ngược con chó lủng lẳng ở đầu bếp và không biết đi đâu mất.
Ở vào cái địa vị tù giam lỏng, mấy lần chúng tôi bàn nhau đánh tháo, nhưng đã trót xưng danh thật ra rồi thì có trốn đằng trời cho thoát? Tôi nóng cả ruột, buồn cá người. Cái kim ngắn đồng hồ trên tường đã trỏ chếch sang chữ một.
Một lúc tôi thấy con bé con ở dưới bếp mang nước sôi lên rồi bưng bộ ấm chén chè tầu ra nói:
- Thầy cháu mời các ông xơi nước.
Tôi chẳng dại gì mà uống nước của kẻ thù, biết rằng chè thực hay bùa mê, thuốc độc? Tôi đang xem xét ấm chén, ngửi chè, thì thấy một người lạ mặt đến, khăn áo chỉnh tề. Anh Cá-rán-tiêng nhận biết ngay là lý trưởng đương thứ. Người lý trưởng này lễ phép hơn người lý trưởng cựu, mà có ý thạo khoa giao thiệp lắm.
Anh ta cứ gợi chuyện ra hỏi, nhưng trong bụng tôi lo lắm, không biết ý tứ họ định làm những gì, nên tôi chỉ đóng vai trả lời bằng những tiếng đắn đo, đủ diễn ý tưởng, chứ không rậm lời như lúc thường. Rồi độ nửa giờ sau, người Chánh hội, Phó hội, Thư ký, Thủ quỹ lục tục đến dần.
Ơ hay, cả hội đồng hương hội họ kéo nhau đến làm gì đông làm vậy? Làm biên bản án mạng con chó chăng? Tôi càng sợ, mà không thể đoán được ra sao, vì xem ra bọn họ, anh nào bề ngoài cũng ôn tồn nhã nhặn như anh lý trưởng đương thứ cả. Lạ một nỗi anh chủ nhà không ra mặt, để mặc một lũ trên này ngồi nói chuyện với nhau. Họ hỏi thì tôi đáp, mà lúc thấy nguy tôi lại khôn khéo hơn, thỉnh thoáng tôi trả lời: Không biết. Tôi không thể dò được ý họ. Giá họ cùng hàng tuổi cùng tư tưởng, cùng kiến thức, cùng nghề nghiệp thì tôi xét tính tình dễ hơn. Cho nên trong bụng tôi bực dọc lo sợ, nhất là chưa thấy họ đả động đến chuyện chó chết. Mặt anh Cá-rán-tiêng cũng chẳng kém vẻ rầu rầu; nên hai ba lần, tôi nháy anh đứng dậy và ngỏ ý đòi về thì họ cố mời cho được. Lắm lúc tôi nằng nặc đòi đi ra, thì họ phải gọi lão lý cựu lên giữ lại, rồi mấy người ra đóng cổng.
Đến hai giờ chiều, tôi thấy tiếng đàn bà nói léo nhéo ở ngoài sân, về việc con chó. Tôi biết rằng vợ anh chàng láo xược đã về, mà mình sắp bí beng to đến nơi. Tôi đang sửa soạn một cuộc xung đột kịch liệt để đối phó trong lúc khó khăn, thì tôi thấy người chồng ở bếp chạy ra, lúc trợn mắt, lúc chỉ trỏ lên buồng khách, rồi người đàn bà có ý láo xược hơn chồng ấy hầm hầm chẳng khác gì con sư tử cái, chạy lên chào mọi người rồi hỏi tôi:
- Thưa cậu, tôi xin hỏi thực cậu, ai bắn chết con chó nhà tôi?
Tôi đứng dậy, trả lời một cách cứng cỏi:
- Tôi, chính tôi bắn vì tôi ngỡ là con hổ tôi đã xin đền, nhưng ông ấy không nghe.
- Được rồi!
Hai tiếng cụt thun lủn ấy chẳng phải để trả lời tôi mà chính là để phê vào câu chuyện chó chết, lại ngụ ý đe doạ. Tôi tức quá, toan bảo cho con mẹ hung hãn ấy mấy câu, nhưng nó đã nhanh chân ra sân, rồi mở cổng cắp rổ đi đâu, tôi không biết. Lúc đó hai người trai trẻ lực lưỡng ở ngoài đi vào, mà bọn hội đồng hương hội lại nói với nhau rằng:
- À, hai anh tuần này được việc đấy!
Rồi con bé con lên nói:
- Thầy cháu mời các ông xuống dưới nhà nói chuyện.
- Bọn họ đứng cả dậy, tôi và anh Cá-rán-tiêng cũng theo ra, nhưng người Chánh hội xua tay nói:
- Mời các ông cứ ngồi chơi.
Nó rồi ra cả, đóng chặt cửa lại, làm cho tôi chăng còn trông thấy gì ở ngoài.
Tôi lắng tai nghe, nhưng họ thì thào với nhau khẽ quá nên chỉ rõ có mấy tiếng sau, làm cho tôi rợn tóc gáy mà thương hại cho tôi mới hai mươi cái xuân xanh.
- Cho chết Chẳng phải trói? Mất cựa!... Con dao này chửa được sắc...
Lo quá, thân cô, thế cô, tôi biết tính làm sao? Súng để cạnh mình, tôi nằm, một tay vắt lên trán để nghi kế một tay thọc vào túi chỉ rình móc đạn ra. Tôi bàn mưu với anh Cá-rán-tiêng, xem nên chống cự bằng cách gì thì anh ta lại cuống quít quá tôi, thêm một mối lo nữa là anh đã bỏ trại không xin phép.
Rồi nghĩ luẩn quấn rối beng trong óc, tôi ngủ bẵng lúc nào không biết. Trong khi ngủ, tôi chiêm bao thấy bao nhiêu phen kinh hồn, và giữa lúc đương nằm mê thấy họ đem mình ra bỏ rọ, thì có người lay vai tôi đánh thức.
Tôi choàng mắt dậy: lũ người ban nãy đứng cả trước mặt. Tôi giật mình, nghĩ:
- Có lẽ giờ này là giờ quyết định cái số phận mình chăng?
Tôi bèn ngồi nhổm dậy, tay vớ vội lấy khẩu súng. Họ đồng thanh nói:
- Nào, mời cậu, chả mấy khi, ta hãy đánh chén đã?
Trời ơi, câu nào họ nói cũng y nhị sâu xa. Hay, nghĩa là họ còn để cho tôi vài phút mà ăn uống no nê chăng?
Tôi thấy lù lù trên bàn một mâm rượu đầy tú ụ, la liệt những đĩa, ngùn ngụt khói bốc lên thơm phưng phức nào dựa mận, nào thịt luộc, nào muối gừng, nào chả nướng. Tôi nhìn đồng hồ đã hơn năm giờ chiều rồi nóng ruột toan không ăn, thì họ mời và dắt ngồi vào ghế. Tôi cứ phải để ý dò từng tí, xem họ đưa mình đến cái hố nào. Họ mời tôi nâng cốc, cầm đũa, uống, ăn. Tôi ăn dè, uống ít, và chẳng nói câu nào, vì luôn luôn nghĩ đến tính mệnh, nên phải nghe ngóng, nhai mãi mới dám nuốt. Hễ họ gắp tiếp là không bao giờ tôi dám bỏ mồm, lại gắp trả vào đĩa. Một việc họ trả thù tôi, mà cần gom nhiều trí khôn lịch duyệt hơn tôi để bàn soạn và lại xếp đặt bằng một cái chương trình lâu thì giờ, bí hiểm thế, thì tài nào tôi chẳng phải giữ mình cẩn thận.
Họ ăn uống cũng ung dung, ì ộp như đám đánh chén trong đình, khen lẫn nhau nấu khéo. Mà họ nấu khéo thực, tiếc rằng tôi không dám bạo ăn, khéo đến nỗi từ ngày ấy đến bây giờ, tôi chưa được thấy bữa thịt chó nào ngon như thế nữa. Trong đám đánh chén, tôi để ý nhất vào anh chàng láo xược. Tôi thấy anh ấy ăn tục uống nhiều nhất, mà động anh ta nói câu gì ra, tôi cũng thấy ngang tai muốn bẻ. Không hiểu vì ác cảm mà tự nhiên tôi cảm tưởng thế hay sao, chứ mà tôi thấy anh ta làm gì, nói gì, tôi cũng chỉ muốn tặng anh một phát đạn vào ngực cho đỡ ngứa tay ngứa mắt!
Tôi ăn xong trước nhất, rồi đến anh Cá-rán-tiêng.
Vậy mà họ mới uống cạn có một chai rượu. Bao giờ cho hết hai chai nữa đương đứng chực ở giữa bàn?
Rửa mặt xong, tôi có thể đi đi lại lại để xỉa răng.
Lão lý cựu thấy tôi như vậy, bèn nói:
- Mới chửa sáu rưỡi, đã tối đâu, mời cậu hãy ngồi chơi. Thong thá chán!
Ờ, quái đến sáu rưỡi họ định làm gì tôi? Lo quá, sợ quá.
Hẳn chả còn nghi ngờ gì nữa, gần bẩy giờ, lão Chánh hội nhìn ra ngoài sân, thấy tối, nói:
- Thôi tối rồi, ông Cựu gọi hai chú tuần dưới bếp mang hai thanh giáo lên đây!
Nghe câu nói ghê cả người, tôi vớ lấy cái súng và liếc mắt gọi anh Cá-rán-tiêng, đứng lại gần tôi, trước bức tường để thủ thế cho dễ, vì tôi mới học được miếng võ ấy. Có lẽ sống chết phen này đây?
Đứng trước cái phút tôi đoán hẳn là phút cuối cùng lòng tôi nao nao không sao tả cho xiết nổi được. Bao nhiêu phiến ảnh trong hai mươi năm trời của đời tôi đều phưn phứt diễn nhanh như chớp ở trước mắt. Việc hay làm cho tôi tiếc đời, việc dở làm cho tôi hối hận mà bao nhiêu người thân thích với tôi, cũng lần lượt hiện ra trong trí nhớ, khiến tôi nghĩ tới tình cảnh ấy, nông nỗi này mà thổn thức, xuýt chẩy nước mắt. Chị ơi! Đọc đến đây, chị có thấy động lòng không? Nhưng đố chị đoán được cái thâm ý của anh chàng Lý cựu ấy thế nào mà gọi tuần mang giáo mác đến làm tình làm tội gì tôi và cái kết cục câu chuyện chó chết này thế nào đây?
Thưa, kết cục chỉ có thế thôi ăn xong, chúng tôi đi về tuy trời tối, rừng rậm, nhưng trong bụng vững như thành, vì đã có hai người tuần giáo mác dẫn lối cẩn thận! Vậy anh Lý láo kia làm thế là nghĩa làm sao?
Thế nghĩa là, người tuần đưa đương giảng cho tôi nghe thế, thế nghĩa là anh Lý này có tính sợ vợ mà lại thích ăn thịt chó, lâu nay vẫn khao khát thèm thuồng nhưng không dám xin tiền mua. Nay nhân thấy tôi vác súng qua, lại trông gà hoá cuốc, cho nên anh Lý “áp triện” nhận thực chẳng ngay con chó vện của anh ấy là con hổ, để tôi đưa phát đạn vào giữa đầu? Anh rất thoả lòng, nhưng còn sợ vợ bắt đem ra chợ bán mất, thì hụt bữa chén ngon, anh bèn cố mời cho được những tay tai mắt trong làng đến sẵn cho vợ mất nói, mà anh cố níu rịt lấy tôi, vừa để làm chứng, vừa để đền ơn, vừa để lấy thêm thế lực loè mẹ đĩ!
Vậy mà, than ôi! Sao anh chả cho tôi sớm hiểu thâm ý để tôi nói dăm ba câu cảm tình?

10 Avril 1932