Từ chánh phó tổng đến thư ký, thủ quỹ trong hạt X.X. ai ai cũng lấy làm nghi kỵ tờ thông sức số 57, ngày 2 tháng giêng, của quan huyện Lê Thăng. Người ta bàn tán mãi, song, không ai rõ ý quan ra làm sao.
Người ta hỏi dò ông thừa, cậu nho, nhưng bọn này cũng trả lời một cách rất mập mờ:
- Thế là chính sách thân dân của ngài chứ gì! Mặt trận Bình dân mà lị.
Giấy sức ấy như thế này:
X.X. ngày 29 tháng giêng 193...
Quan Tri huyện huyện X.X., thông sức
các chánh phó tổng cùng hương lý các xã tuân cứ.
Từ ngày bản chức về trị nhậm hạt X.X., thấy các thầy hết lòng cùng bản chức trông nom sự trị an, đê điều thuế má, v. v. bản chức lấy làm cảm động lắm. Vậy bản chức thành thực có lời khen ngợi và mong rằng từ nay các thầy cứ tận tâm về nghĩa vụ thế mãi.
Nhưng muốn cho tình quan dân được khăng khít thêm nhiều, và muốn thi hành chính sách thân dân mà bản chức vẫn theo đuổi từ ngày xuất chính, bản chức không những phải quý nể người sống, mà nên thương tiếc đến cả người chẳng may quá cố, trong khi đang làm việc cho dân.
Vậy từ nay trong hạt các thầy, mỗi khi có ai bất hạnh qua đời, trên từ hàng chánh phó tổng, dưới đến thư ký, thủ quỹ không cứ là tạ thế vì bổn phận hay vì bệnh già, các thầy đều phải cáo phó cho bản chức biết để bản chức được dự đưa người thuộc hạ đến chỗ ở cuối cùng.
Bản chức thiên nghĩ khi sinh thời, mỗi người gánh vác một việc dân, việc nước, thì mỗi người có một nhiệm vụ khác nhau. Người nhiệm vụ to, người nhiệm vụ nhỏ. Cho nên bản chức là người trên mà các thầy là phần dưới.
Nhưng một khi đã không ở cõi đời nữa, thì bổn phận người sống là phải kính trọng linh hồn người chết, cho nên bản chức cần phải chào biệt một người giúp việc đã qua đời, đó là bổn phận riêng của bản chức.
Vậy các thầy nên đọc kỹ tờ sức này để hiểu ý bản chức và từ nay cứ thế mà thi hành.
Nay sức
LÊ THĂNG
Vậy có gì là khó hiểu? Bao nhiêu ý kiến thân dân sống, trọng dân chết, nó rõ nét cả ra trên từng ấy dòng, việc chi phải ngờ mà bàn với tán?
Nhưng khốn thay, dân chẳng tin như thế cho. Đối với lời ngọt ngào của quan phụ mẫu này, người ta sợ như gà phải cáo. Trước kia, người ta bị nhiều vố cay đắng vì những lời ngọt ngào như thế rồi. Cho nên bây giờ người ta phải chờ cơ hội xảy ra, một cơ hội chẳng ai mong có, vì nó là sự chết, để xem việc làm, mới có thể chứng thực cho lời nói được.
***
Dịp tốt để thí nghiệm chẳng phải chờ lâu.
Và dân chẳng phải nghĩ ngợi nữa.
Ông thủ quỹ làng An Đạo đã thở hơi cuối cùng.
Lập tức, không những chức dịch ấy đi trình quan, mà đến chánh phó tổng cũng lên tận huyện đề cáo phó.
Và quan hẹn sẽ về An Đạo từ chiều hôm trước để sáng hôm sau, kịp đưa người thiệt phận ra đồng. Ngài ngại dậy sớm. Đường đất từ huyện về An Đạo thì xa. Vả tang gia đã ấn định đúng bẩy giờ thì chuyển cữu.
Lúc ấy, trong nhà ông thủ quỹ, tiếng khóc cạnh linh sàng đương xen lẫn với tiếng cãi lý nhau quanh mâm rượu, thì bỗng có người báo quan đến.
Chà chà! Một tin quan trọng làm sao.
Hiếu chủ vội vàng mũ gậy ra đón tận đầu ngõ, cúi rạp xuống để chào. Và trong nhà, khách ăn chạy tản mát, đứng ngấp ngó ở sau tấm giại. Những mâm cỗ ăn dở bị khênh đi, tẩu thoát xuống dưới bếp. Người nhà quét tước và thu xếp vội vàng các chỗ cho sạch mắt.
Quan xuống xe, thong thả tiến vào. Ngài đứng ở sân, ôn tồn nói vài câu chia buồn. Hiếu chủ cảm tạ, mời ngài đến nghỉ ở nhà ông lý cho tĩnh mịch. Tang gia đã điều đình trước với ông lý dọn dẹp sẵn căn buồng và bầy biện cho lịch sự. Ông lý vừa được cảm tình với hiếu chủ, vừa được hân hạnh đón quan mà không phi tốn gì, nên bằng lòng ngay.
Đến chỗ nghỉ chân, quan rửa mặt, uống nước xong, thì vừa vào lúc lên đèn.
Một mâm cỗ chững chạc đã từ nhà đám khênh đến, đặt ở phản giữa. Hiếu chủ cung kính rước quan chứng giám tấm lòng thành. Quan gật, tụt giày ban ra, lên giường, ngồi xếp bằng tròn chính giữa.
Những ai có diễm phúc ngồi hầu cơm quan, đã được xếp đặt trước cả rồi. Quan rất vừa lòng, trò chuyện rất vui vẻ thân mật.
Ăn xong, theo thường lệ, phải có cuộc mua vui.
Chẳng lẽ quan ngồi chuyện suông với chức dịch cho đến khi ngài buồn ngủ? Cho nên, ông chánh tống đứng dậy, gãi tai nói:
- Bẩm quan lớn, xin phép quan lớn cho chúng con được hầu canh tổ tôm.
Quan cười, đáp dở đùa dở thực:
- Tôi không mang tiền đi.
- Bẩm xin có ạ.
- Ừ thế thì đánh một lát cho đỡ buồn, chứ bây giờ thì ai ngủ được.
Canh bài ấy đánh ba hội. Quan ít ù lắm. Bởi vậy, ông chánh tống phải giữ lời hứa. Vả nếu ông không biết điều mà góp cho quan, thì quan cũng đã hất hàm để giao hẹn rồi:
- Thật nhé, thầy góp cho tôi nhé.
***
Sáng hôm sau, quan dậy sớm, khăn áo chỉnh tề, đi bộ đến nhà tang. Ngài trịnh trọng theo cữu. Cạnh ngài, có người che ô hầu. Và xung quanh ngài, tuần làng nghiêm chỉnh cầm roi dẹp đường. Bất cứ ai, dù trẻ con đi xem, hay người quen kẻ thuộc, hay cả đến họ hàng bà con người chết, mà vô ý sán lại gần, là bị vụt liền.
Nhờ có quan đám ma thêm vẻ long trọng. Các chức địch hàng tổng và những làng gần An Đạo, không thiếu một mặt nào. Mà người ta đến đây để quan trông thấy hơn là để đưa người bạn đến chỗ ngủ ngàn năm.
Cả vùng, ai thấy quan đi đám một người thuộc hạ quèn, cũng lấy làm cảm động. Người ta khen ông thủ quỹ tốt số. Mà thực, giá ông này có khôn thiêng mà nhìn thấy sau linh cữu mình, một vị đeo thẻ bài ngà lững thững đi một cách nghiêm trang, thì có lẽ sung sướng quá đến nỗi sống lại mất.
Đám ma đến huyệt. Tiếng khóc nổi lên như ri, cầm lòng cho đậu, trong những phút đau đớn này. Đàn bà lăn xả vào quan tài, vật mình mấy. Đàn ông mếu máo, còng lưng xuống mà khóc. Nhưng trước khi giòng áo quan xuống hố, quan bảo thầy chánh tống bắt mọi người phải im.
Lệnh trên đưa ra, mấy anh tuần giơ roi vào vợ con người chết, quát:
- Im, không được khóc, quan truyền thế.
Mọi người không dám thút thít.
Quan bước đến trước huyệt, ngài móc túi lấy mảnh giấy giơ lên và đọc.
Nhưng buồn quá, ngài đọc tiếng Pháp. Cho nên, cố nhiên cả người chết lẫn người sống, không ai hiểu ngài nói gì.
Người thông minh, bảo đó là ngài đọc đít-cua. Người mê tín, bảo đó là ngài tụng kinh. Những người dốt đặc, còn phải nghe con cháu khấn bằng chữ nho, thì biết đâu, ông thủ quỹ chẳng nghe hiểu điếu văn tiếng Pháp?
Đọc xong, ngài lăm đăm đứng lặng, rồi cúi đầu một cái đoạn lui ra. Cả nhà tang chủ đổ xô lại, lễ tạ. Rồi ngài lên xe để về huyện. Ngài vẫy thầy chánh tổng lại gần, dặn nhỏ:
- Này, xe này tôi thuê khứ hồi một đồng, thầy liệu bảo họ trang trải mà trả nhé.
Rồi tặc lưỡi, ngài nói thêm:
- Mà tiền góp tồ tôm cho tôi hôm qua, thầy cũng nên bảo họ biết, tội gì mình chịu?
Chuyện này chỉ nhạt có thế. Nhưng hình như nó là chuyện thực. Bởi nó là chuyện thực, nên ông huyện Lê Thăng phải chịu trách nhiệm về phương diện nghệ thuật của văn chương.
Song, ta cũng nên phục ông Lê đã khéo nghĩ được những hành vi cho có vẻ tiểu thuyết. Ông là nhà tiểu thuyết rất tự nhiên và rất có tài.
Bây giờ, ở vùng ông cai trị, người ta còn đợi mua vui bằng nhiều tác phẩm sống của ông. Nhưng có một điều buồn cho thuộc hạ ông, là không những họ sợ sống, mà họ cũng sợ cả chết nữa. Họ sợ để khổ cho con cháu, vì quan lại cứ về đưa ma!
1938