Lần sau, có việc lên tỉnh, ông huyện Văn Giang vẫn vào trọ nhà Giốc như thường. Thế là bác thông phiên đã đoán sải. Bác tưởng hôm nọ xảy ra, nó động tới chỗ liêm sỉ của ông huyện, bác sẽ mất đứt mồi.
Mà rồi biết đâu, ông ta lại chẳng cổ động các quan khách đến trọ cả nhà khác, thì thật là hoạ vô đơn chí.
Nhưng mà không. Ông huyện vẫn vui vẻ sai bảo bác, như quên khuấy chuyên hôm nọ, đến nỗi bác nghĩ rằng hay là đêm ấy bác đã chiêm bao mê hoảng mà thôi.

Song, quyết là sự thực. Ngay hôm sau, khi ông huyện đã về, bác Giốc nhiếc móc cô Khuê, đến nỗi cô ứa nước mắt nức nở nói:
- Thầy mà cứ đổ cho con phải lòng cái nhà ông dê già ấy rồi con tự tử cho mà xem! Con ngờ đâu ông ấy phải gió thế.
Bác Giốc quắc mắt, hỏi:
- Sao thấy ông ấy vào, mày không hô hoán lên?
- Thì con có trông rõ đâu. Mãi đến lúc thầy đánh diêm soi, con thấy sáng, bừng mắt ra nhìn, con hoảng, mới kêu rú lên.
Nghĩ ngợi một lát, bác Giốc nói:
- Lần sau, tao chắc ông ta không còn mặt mũi nào vào trọ đây nữa. Nhưng hễ mày đi phố có gặp, mày nên tránh xa ra.
- Ngộ ông ấy cứ đến đây thì làm thế nào?
Bác Giốc hút xong điếu sái ba, ngồi nhổm dậy, tu một hụm nước rất nóng, đáp:
- Thì mày về nhà cô Lý mà ở. Ông ấy có hỏi, tao bảo mày đi đòi nợ.
Khuê trầm ngâm, thở dài, nói:
- Thật tự nhiên tốn tiền hành lý đi tránh nạn. Ít ra cũng mất ngót đồng bạc. Sao thầy không đề con ở nhờ nhà ai trên tỉnh này có được không?
- Ai người ta nuôi báo cô mày. Vả lại rồi người ta hỏi, tao sợ tai tiếng. Được, mày cứ nghe tao, về Rồng chơi với cô Lý mày dăm ba hôm.
Khuê nguây nguẩy:
- Về Rồng đi xa ốm lên ấy. Từ ga Gia Lâm kéo bộ theo đường đê thì nắng chết người! Mà làng Rồng cũng về huyện Văn Giang của ông ấy.
Bác thông phiên cau mặt.
- Nhưng trong khi ông ấy lên đây, mày đi Văn Giang mày còn sợ gì. Vả lại ông ấy là phụ mẫu dân Văn Giang đời nào ông thèm trêu ghẹo mày ở hạt ông cai trị.
Bàn bạc với con như thế, bác Giốc yên trí giấu được Khuê vào chỗ kín đáo xa xôi.

Ngờ đâu ông huyện Văn Giang thấy Khuê cắp nón và gói áo, lại biết rằng cô ra ga, thì ông vờ vịt hỏi bác Giốc:
- Con bé nó ra ga vào giờ này à?
Tưởng có nói thực cũng không hại gì, bác thông phiên đáp:
- Bẩm quan lớn, cháu nó về Rồng, chơi với cô Lý cháu.
Ông huyện mừng thầm, hỏi:
- Rồng nào? Rồng Văn Giang ấy à?
- Bẩm phải ạ.
- À thế ra nhà mày cũng có họ với người ở Rồng đấy?
- Bẩm cô cháu lấy chồng ở Rồng. Chú cháu trước kia làm lý trưởng.
Ông huyện nghĩ một lát, rồi hỏi:
- Lý trưởng nào thế nhỉ?
- Bẩm Lý Trung ấy ạ.
Ông huyện vừa gật gù vừa há to mồm ra mà:
- À, Lý Trung là em rể mày đó. Bây giờ tao mới biết. Ừ thằng ấy tao coi bộ cũng thực thà.
Nói đoạn, ông uống vội vàng chén nước rồi đi, sai lính xếp cả bàn đèn vào va-ly. Anh lính ngơ ngác không hiểu ý quan ra làm sao. Vì theo lệ thường, ngài rất lề mề. Trước khi vào hầu cụ thượng, dù súng lục kề mang tai, ngài cũng hãy làm một hai chục điếu cái đã.
Lần này thì chẳng có súng lục kề mang tai, mà ông huyện cũng hết sức lật đật! Ông vào dinh, thu xếp công việc cho chóng xong, định về Văn Giang nội nhật hôm nay, để đến tối, vào làng Rồng. Chỉ có sắc đẹp mới khiến nổi ông nhịn cơm trắng, cơm đen, đầy đoạ cái thân già như thế.
Chiều hôm ấy, về tới nhà, một mặt ông huyện bảo Cai việc cho người đến Rồng thăm xem nhà Lý Trung có phải mới có cháu gái đến thực hay không, một mặt ông sai làm mâm cơm, và tiêm chong chóng hút cho đủ bữa thuốc. Ông gắt gỏng với ông Đề và ông Bộ-ba vào trình việc án mạng lúc trưa ở làng Phụng Công. Ông bực mình những việc quan trọng ấy đến làm rối beng cả óc, không cho ông được thong thả để nghĩ ngợi đến cuộc gặp gỡ dịu dàng sắp sửa này.
Rồi xẩm tối, anh lính phụ khoẻ nhất đã đội khăn, mặc áo the dài chỉnh tề, kéo xe ông về làng Rồng.
Chiếc xe nhà lăn đôi bánh gỗ trên con đường gập ghềnh, ông huyện tuy đau đớn mệt nhọc, nhưng vẫn bắt chạy hết sức. Tay ông cầm chiếc đèn bấm năm pin, thỉnh thoảng lại bật sáng lên, để soi lối cho xe đỡ sa xuống ruộng. Hôm ấy là cuối tháng, trăng sao không có cả một cánh đồng như nhuộm mực.
Về đến Rồng, tuy ông ê ẩm cả lưng lẫn hai vế đùi, song ông thấy nhẹ nhõm ngay. Ông đi rõ nhanh, gọi cổng vào nhà lý trưởng đương thứ.
Ông nói thực với thuộc hạ mục đích của ông, và hỏi:
- Vậy thầy có kế gì giúp tôi không?
Lý trưởng gãi tai đáp:
- Lạy quan lớn, quan lớn thương đến, chắc cô ấy phải bằng lòng ngay. Vả lại cô ấy về đâu, chứ lại về hạt này, thì lọt làm sao được tay quan lớn. Mà con tưởng cô ấy định hầu hạ quan lớn, nên mới lập tâm đến chơi bà Lý Trung.
Ông huyện vui vẻ, vỗ vai lý trưởng, vừa cười, và nói:
- Ừ phải, thầy nghĩ đúng đấy. Thế bây giờ ta nên làm thế nào?
- Bẩm để lát nữa, con bảo nhà con chạy đến nhà Lý Trung, bảo cô ấy sang chơi.
Ông huyện lắc đầu, xua tay:
- Nó không đi đâu.
- Bẩm có, nhà con ghé vào tai cô ta, bảo thực rằng sang quan lớn đòi.
Ông huyện gật đầu, nhấp chén nước chè tầu, rồi giục:
- Thầy bảo cô ấy nhà thầy đi ngay cho tôi.
Cái tin quan về làng, tự nhiên đồn ầm từ nhà nọ sang nhà kia. Người ta biết rằng quan, vì nhận được cái xe nhà gỗ sơn đen để ngay ở ngõ ông Lý.
Cả làng lo lắng chẳng hay có việc gì chẳng lành, mà đang đêm hôm, quan về một cách bất thình lình như thế.
Duy cô Khuê hiểu. Cô kể sự tình với bà Lý Trung, và hỏi xem nên trốn tránh chỗ nào cho thoát.
Bà Lý Trung bàn bạc với chồng, rồi nhất định dắt cô sang nhà người anh rể họ ở làng bên cạnh.
May sao, hai cô cháu vừa bước chân ra khỏi nhà độ mươi phút, thì ở ngoài cổng có tiếng bà lý đương nheo nhéo gọi.
Song bà thấy thất vọng ngay, vì thấy nói hai cô cháu mới ra Hà Nội lúc chập tối.
Ông huyện được tin, như bị sét đánh. Ông há mồm mãi mới dấp dính nói được:
- Thế cô có vào trong nhà xem xét kỹ càng hay không?
- Bẩm không?
Ông huyện giơ cả hai tay lên trời, mắng:
- Đồ ngu? Thầy lý đưa tôi đi vậy. Tôi đã biết rằng vợ thầy không được việc gì đâu mà.
Lý trưởng sợ tái mét mặt, vội vàng thắp chiếc đèn bão và cắp tráp điếu, theo quan đi.
Đến nhà Lý Trung, ông huyện gọi người mở cổng.
Ông không nói rõ là khám xét gì, cứ xồng xộc sấn vào, bấm đèn lên nhà trên, xuống dưới bếp, ra cả chuồng trâu, chuồng lợn. Sau khi sục sạo một hồi vô ích, ông đứng giữa sân ngẩn ngơ thở dài. Lý Trung mời khan mời vã, sao ông cũng không ngồi nghỉ. Rồi chẳng nói chẳng rằng, một mình lại xăm xăm đi sang hai bên hàng xóm. Không biết nghĩ thế nào, ông không cho ai đi theo hầu, ông chắc Khuê đã nhanh chân, chui sang ẩn nấp ở đó.
Nhưng sự tìm tòi cố nhiên không có kết quả, gia dĩ ông lại bị thiệt hại: ông vấp vào cái chốt cổng suýt ngã, cái đèn bấm rơi bắn ra xa, tìm hết hơi cũng không thấy.
Ông phát cáu, gọi váng lý trưởng bảo đi về, và cùng đường, ông hết lẩm bẩm đến gắt gỏng:
- Thầy không được việc gì cả.
Lý trưởng sợ hãi, gãi tai nói:
- Lạy quan lớn, tha tội cho con. Bẩm bây giờ xin quan lớn cứ nghỉ ở nhà, con sai tuần đi tróc, thế nào cũng thấy cô ta.
Một người thất vọng đến đâu cũng không bao giờ dám tuyệt vọng, cho nên ông huyện bấu ngay vào cái chút hy vọng ấy, tuy biết nó chẳng vững vàng gì.
Ông nằm khan trên sập nhà lý trưởng, tay vắt lên trán, thỉnh thoảng lại thở dài. Ông tiếc cả cái đèn pin nữa. Thực là thiệt đơn thiệt kép.
Mỗi tên tuần vác gậy về không lại làm ông chán nản một tý. Rồi đến người cuối cùng thì sự tuyệt vọng của ông đến chỗ hoàn toàn.
Lúc ấy đã đầu trống ba. Ông bỗng vùng ngồi dậy, bới lại tóc, cắp khăn vào nách, xỏ chân vào giầy, gọi lý trưởng.
- Bảo nó kéo xe cho tôi về huyện.
Lý trưởng sợ sệt nói:
- Bẩm đêm đã khuya, mời quan lớn nghỉ lại, nhà chúng con cung sạch sẽ.
- Thôi, thầy cắt hai tên tuần lực lưỡng cho chúng nó đi hầu tôi.
Nói đoạn, ông huyện như người điên, đùng đùng đi một mình ra cổng chẳng chờ ai cả. Lý trưởng hộc tốc chạy gọi tuần, và sai người sắp sửa đèn đuốc. Chăng mấy chốc, giữa hai ngọn lửa sáng, chiếc xe đen đã ì ạch nghiến bánh lên trên con đường đất gồ ghề.

Sáng hôm nay, lý trưởng làng Rồng đang ngủ ngon giấc, thì có người đánh thức dậy, ký nhận tờ sức của quan huyện.

Văn Giang, ngày 25 tháng 2 năm 192...
Le Tri huyện sức Lý trưởng xã... tuân cứ.
Tối hôm qua, bản chức đi tuần lại xã thầy và có mang theo chiếc đèn bấm năm pin, mọi nhẽ.
Vậy không biết tên nào cầm đèn ấy, chưa nộp lại bản chức, nay sức thầy phải tìm cho ra và đệ tại bản nha trước ngày 2 tháng 3. Nhược bằng đứa gian giảo có ý chiếm đoạt, thì sẽ phải tội nặng.
Nay sức
Le Tri huyện
(ký tên và đóng kiềm)

Đánh vần xong, lý trưởng cậy cục dử mắt, bôi vào cột, thừ người ra nghĩ, mặt tái dần.

(Mars -1938)