Lần đầu tiên mà tôi giơ khẩu súng lên, sắp bóp cò để bắn con chim gáy đậu trên ngọn tre, trong lòng tôi xốn xang vô hạn.
Thì các bạn hãy thử nghĩ xem. Ngón tay này mà tôi co lại ấy là kết liễu một sinh mệnh. Mà cũng viên đạn nhỏ xíu, cũng cò máy xinh xắn ấy, trỏ nó vào bụng người ta, mà làm một phát tức khắc mình trở nên đồ sát nhân, bị toà án xử cho mình mất chỗ đội mũ. Thế mà lại mang nó đi doạ dẫm nước khác để xâm chiếm đất đai, thì mình còn trở nên đồ phát xít bị báo Đông Pháp chửi bới nữa, mới “giết đệ” chứ!
Con chim gáy chẳng biết đang ở giây phút nghiêm trọng. Nó vẫn cúc cu gáy đều. Thế giá nó có chết cũng không thể cãi được rằng không phải số. Tôi bỏ hết những điều nghĩ ngợi vô ích, cố ngắm cho đúng để bóp cò. Phải, nếu tôi có bắn tài đi nữa, cũng không đời nào tôi có thể thành đồ sát nhân hoặc đồ phát xít được. Cớ ấy rất dễ hiểu, là tôi không có súng. Hơn nữa tôi là dân An Nam, lẽ tất nhiên không được phép tự do có khí giới để muốn doạ lấy nước nào làm thuộc địa cũng được.
Súng ấy nguyên là của ông bạn với chú toi. Vì hai ông đương ăn cơm trong buồng, nên tôi táy máy mang ra nghịch. Và nhân thấy có tiếng chim gáy ở đầu nhà, tôi bèn nếm mùi săn bắn xem nó ngon lành đến bực nào.
Con chim vẫn hót những tiếng véo von.
Đứng nấp ở cạnh đống rơm tôi hết sức láy gân, gò lưng ra đằng trước, tỳ mạnh đầu báng súng vào xương vai, áp thật ghịt vào má và nhắm kỹ một mắt lại trống ngực tôi nổi mạnh. Bụng tôi sôi lên ùng ục.
Đoành!
Lá rụng lạt sạt. Con chim tốt số vỗ cánh bay đi.
Nhưng bộp! bộp! Và đồng thời với hai tiếng rơi ấy, tôi thấy tiếng trẻ con reo ầm.
- A, hai con?
Tôi chửa kịp ngạc nhiên, thì nỗi mừng đã đến. Một đứa trẻ chạy vào cổng, đưa trả tôi một đôi chim xám vừa béo vừa to.
Trên nhà, mọi người nghe tiếng nổ, tất cả chạy ra sân Nhưng khi ai nấy thấy sự tinh nghịch của tôi đã đem về một kết quả phi thường, thì không những không ai mắng, còn khen tôi là khác. Một phát, tôi đã trúng hai con gầm ghì.
Ông khách lấy làm bái phục tôi, nói:
- Phát đầu tiên, Quốc nó đã tỏ ra là bắn giỏi. Rồi sau này, nó sẽ ăn đứt chúng ta.
Tôi cười lạt một cách nhũn nhặn, để ngoa ngoắt mà chịu tiếng khen. Tôi cảm ơn hai con chim khốn nạn đã hy sinh cho tôi được danh dự. Tôi lặng ngắm cây đa rậm lá mọc sau bụi tre, và nghĩ mãi không hiểu sao đôi gầm ghì này đỗ ở đâu, để tôi bắn lầm phải, đến nỗi chết một cách oan uổng.
Song than ôi, ở đời này, có biết bao nhiêu kẻ vô tài trở nên danh tiếng lẫy lừng do những sự tinh cờ tức cười hoặc biết bao nhiêu đứa xây danh dự mình lên trên đống thây đồng loại. Thì tôi mới giết oan có hai con chim, cái sĩ diện bắn giỏi của tôi nó có to gì mà phải nghĩ ngợi với ân hận?
***
Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa. Mà cố nhiên tiếng bắn giỏi là tiếng đồn lành. Nó đồn di xa lắm, vào tận Ninh Bình, lọt đến tai ông chủ đồn điền Quýnh.
Ông Quýnh có hơn tám trăm mẫu ruộng, mà chỉ có mỗi một con gái, mặc dầu ông bắn rất giỏi. Trong hai mươi năm trời, ông hạ được ba mươi con cọp bằng bốn mươi phát đạn. Người ta cứ bảo vì ông tàn sát nhiều thiên tướng, nên trời bắt tội ông không được có con trai. Chứ bắn giỏi, khoẻ lại hay bắn như ông, lẽ nào chỉ đẻ có mỗi một cô con gái? Nhưng cái đó thuộc về dị đoan.
Song, không hề gì. Miễn là ông Quýnh biết có tôi đây là nhà thiện xạ, để ông bằng lòng gả cô Mai cho tôi.
Ông Quýnh giàu hơn tám trăm mẫu ruộng. Cái mỏ ấy thực tốt cho những kẻ muốn khai. Trời sinh ra tôi tên là Quốc, lại sinh con gái ông tên là Mai. Hai chữ tên này thực hợp và cần cho sự đào mỏ bằng cuốc, bằng mai không nói. Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông còn cạn nữa là.
Ông Quýnh yêu cô Mai lắm. Lẽ đó cố nhiên. Ông muốn có con rể cũng như ông, nghĩa là bắn giỏi, để giúp ông giữ vững lấy đồn điền, sợ khi điền tốt “nổi loạn”.
Điều đó không phải ông đã quá lo xa, vì ngoài sự ông đáng thờ vì có con gái đẹp và giàu, ông phải cái xấu là có tâm hồn Hít le, nghĩa là cứ thích chiếm ruộng đất của bọn dân nghèo khố ở sát cạnh khu vực của ông.
Khi chú tôi nghe tin ông Quýnh hâm mộ tiếng tôi rồi, thì ông nghiêm nghị bảo tôi rằng:
- Mày không xem chỗ nào có súng mà mượn để tập bắn, rồi về nhà người ta thì làm thế nào?
Chú tôi coi tôi như đi làm dâu vậy. Vì ông Quýnh vẫn tuyên bố, ai lấy con ông, tất phải ở gởi rể. Rồi một khi tôi đã được vác áo thụng xanh đến nhà ông, tôi lại không biết loay hoay khẩu súng thế nào, thì người ta bảo ở nhà có người lớn mà không biết dạy.
Trong việc hỏi Mai, bạn chú tôi làm mối. Sau lời quảng cáo phóng đại, lấy sự bắn đầu tiên mà chết cập rập những đôi gầm ghì làm chứng cớ, ông Quýnh đã hơi xiêu lòng.
Rồi sau hết, ông nói:
- Cháu nó cũng đã có nhiều người hỏi, song tôi xét ra toàn hạng văn dốt vu dát, tôi sợ không coi nổi cơ nghiệp này. Hiện nay cũng còn hai đám nữa, nhưng tôi chưa nhận lời. Vì tôi còn phải dò la lâu.
Thế rồi muốn cho cuộc nhân duyên mau mau có kết quả mối tìm dịp cho tôi làm quen với Mai. Chúng tôi vụng trộm thư từ cùng nhau. Và sau hai tháng trời tấn công ái tình bằng lối du kích, tôi bàn với Mai nên để cuộc yêu nhau này thành công khai, nghĩa là Mai cứ thú thực cùng cha để đòi lấy tôi cho kỳ được.
Ông Quýnh chiều ý con, nhưng nói:
- Tao cũng vẫn bằng lòng gả mày cho nó, nhưng tao muốn chờ khi nào người ta nói lại thì nhắn nó về đây, bảo nó đi bắn thử, xem tài nó thực hư thế nào.
Điều kiện ấy, tôi rất lấy làm lo ngại. Mà tôi ác cảm cái lối tuyển người trong thời buổi cạnh tranh này làm sao! Thì ra ai muốn chiếm được cái gì, cũng phải qua một kỳ thi. Chỉ trừ làm vua là không phải sát hạch gì hết, nên bất cứ thế nào cũng có thể chễm chệ trên ngai vàng, còn thì tuốt tuột là phải thi cả.
Ác hại quá, bây giờ tôi lại phải thi làm rể? Kỳ viết - viết thư tình cho Mai - đã trót lọt, nay đến kỳ khấu vấn. Mà kỳ khẩu vấn này, lại chẳng như những kỳ khẩu vấn thường dùng đến miệng người ứng thí, mà phải mượn đến miệng súng? Thật là lối nói chuyện của các bố phát-xít bên Âu châu. Song, ở phía trời Tây, mấy xừ ấy họ phát-xít vì họ muốn độc tài. Chứ nhút nhát như tôi, thì độc gì. Chửa nghe thấy tiếng súng đã són ra ấy. Có hoạ là độc dạ, vì mình quen theo chủ nghĩa phát xia?
Song, đã liều ba bảy cũng liều.
***
Về đến đồn điền, tôi được ông Quýnh tiếp rất chu đáo. Nên tôi phải gãi vào chỗ ngứa của ông:
- Thưa ông, quanh đây có rất nhiều chim. Nhất là mạn gần sông, lắm giang quá. Có lẽ ít lâu nay ông thưa săn bắn.
Ông Quýnh cười, gật:
- Phải, vì đến bốn tháng nay, tôi bận hết việc nọ đến việc kia, chứ trưa, ngày nào tôi cũng vác súng đi, thì chim chóc dạt đâu mất cả.
Rồi ông tiếp:
- Mai cậu cứ lấy súng của tôi mà bắn.
Tôi làm bộ ngại, để tỏ ra mình thạo:
- Nhưng lỡ có ai hỏi...
Ông Quýnh cười:
- Làm gì có ai dám hỏi. Trong đồn điền, toàn người nhà cả.
Tôi vui mùng:
- Thế thì thích quá.
Kỳ tình, đêm hôm ấy, tôi lo mê.
Hôm sau, không thể lấy cớ nhức đầu sổ mũi để trốn thi. Tôi định vác súng ra đi. Thấy tôi nai nịt gọn gàng, Mai mỉm cười, nhìn tôi rất tình tứ.
Trời nắng. Cái nắng tháng ba làm cho người ta dễ ốm, nếu người đi nắng không có một hy vọng tốt đẹp là lấy được vợ giàu.
Tôi đi rõ thật xa. Đến tận chỗ mà giá có tiếng to như tiếng súng, ông Quýnh cũng không nghe thấy.
Những đàn giang xoè cánh bay lượn trên không, làm rợp cá thửa ruộng. Nhiều con lò dò trên bùn lầy, ngỏng cổ lên bờ đường để nhìn.
Hay là bắn giang?
Đó là một ý hay. Giang to, dễ trúng. Tội gì tôi không nắm cổ những dịp may mắn tình cờ. Tôi lấy làm lạ cho những thằng đã hỏi Mai trước. Ý hẳn chúng nó cầu kỳ, cố tìm cho được những thứ chim hiếm có và bắn khó để khoe tài. Chúng nó ngu thì chúng nó chết. Ngày xưa, người ta mới kén rể bằng cách bắn sẻ, chứ ông Quýnh có thách như thế đâu? Âu là tôi cứ bắn những con giang to bằng cái mẹt này. Hễ ông chê giang không quý vì thịt không ngon, thì tôi sẽ chống chế là định tâm bắn thứ chim này để nhân tiện thử tài nội trợ của Mai một thể. Phải, với thịt giang mà Mai làm được món ăn ngon, thì thuyền quyên ấy mới sánh được vai anh hùng này. Hẳn là ông Quýnh không thể “truy” tôi vào đâu được nữa.
Tôi đứng nấp sau gốc cây, chờ dịp thuận tiện để đưa ra những phát đạn hùng dũng. Tôi dương súng ngắm kỹ, rồi bóp cò. Nhưng lần nào cũng vậy, những con nhát thì vỗ cánh bay đi. Nhưng con bạo còn quay cổ, lơ láo nhìn, rồi rắc lại ít phân làm kỷ niệm, mới bay theo các bạn.
Tôi xấu hổ.
Và nực nữa. Mồ hôi ra, vừa vì xấu hổ, vừa vì nực.
Tôi lại đi.
Lại một đàn giang nữa đậu ở bờ sông. Tôi phải báo thù cho hai phát ban nãy.
Đoành?
Cũng một lượt, chúng nó bay mất.
Ba viên đạn làm tôi nhục nhã.
Mà viên đạn cuối cùng trong túi, nó cũng chẳng tử tế gì đâu Tôi ngồi nghỉ ở cạnh đường, đặt súng vào lòng, thở dài. Hỏng, không khéo phen này thì mất vợ!
Tôi đã tính đến nước chuồn thẳng. Song không trôi.
Còn cái nó cạnh tôi, tôi không đem nó đi theo được.
Người An Nam không có tự do mang khí giới, thật là hết sức tai hại. Đã chẳng chiếm nổi một tý thuộc địa nào thì chớ, lại còn những lúc này, không thể mang súng của người khác mà đi bài tẩu mã được.
Thôi thì tôi đành vác mặt mo về đồn điền để hàng ông Quýnh và từ biệt Mai. Số phận của nhân duyên tôi phó mặc trời, chứ biết nói thế nào cho xuôi được? Đạn mang đi bốn, nay còn có một. Chẳng lẽ nói mình đau bụng, nên thấy trong có thuốc, đã trót nuốt chửng mất ba viên.
Khốn nỗi, thuốc ấy lại là thuốc súng.
Bỗng một ý kiến nảy ra trong óc tôi. Người thông minh nhanh nhẹn, láu lỉnh trong lúc cùng, thường bật ra được những mưu kế phi thường, các bạn ạ. Tôi chợt nhớ ban nãy, qua chợ, có thấy bán rất nhiều giang sống. Âu là tôi chịu hy sinh mấy đồng bạc để bảo toàn lấy danh dự vậy.
Tôi hăm hở đi.
Đến chợ, tôi mặc cả giang và chọn bốn con to béo nhất. Được lắm. Bốn phát đạn mang đi thì đây, tôi đem về bốn con giang nặng trĩu. Thiện xạ, thế chứ còn thế nào! Tôi xách giang đến một gốc cây, treo ghì cẳng cả bốn con vào cành, thiết rõ chặt, rồi dí miệng súng vào tận nơi, ngắm cho phát đạn xuyên qua cả bốn bụng, rồi mới mắm môi mắm lợi, bóp cò. Bay nữa đi?
Phát súng nổ, bốn con giang trước không thể cựa quậy được, nay thêm nữa là chết ngoẻo.
Tôi cởi trói, xách riêng từng con, đi về, sĩ diện như ông tướng.
Thấy tôi đến cổng, ông Quýnh chạy ra đón như đón một chàng rể hiền. Mai cũng mừng rỡ khen tôi rối rít.
Tôi làm bộ mệt nhọc, vứt giang ra hè, và thở, ông Quýnh nhìn bốn con chim ủ rũ, gật gù nói:
- Thế thì cậu bắn lần này may lắm đấy.
Tôi sung sướng, trỏ một con:
- Thưa con này, con phải đuổi theo nó đến mười thửa ruộng. Nó động thấy con là bay mất.
Ông Quýnh cười:
- Giống giang tinh mắt lắm. Cho nên bắn nó rất khó.
Thật là cậu rất may. Tôi càng đắc chí, trỏ con khác và nói khoác đẫy.
- Con này khoẻ quá, bị đạn rồi mà còn cố bay. Một suýt nữa nó sang bên kia sông thì mất. May quá, mới đến chỗ cây đề thì nó kiệt lực, đụng vào cành, rơi xuống.
- Phải, tôi đã bảo cậu may lắm mà?
Mai nhìn cha, nói:
- Cũng phải biết bắn, chứ cứ may thế nào được.
Thấy người yêu bênh, tôi càng như cởi tấm lòng.
Theo đà nói khoác, tôi trỏ con thứ ba.
- Con này thì mải ăn, con dò đến tận sau mà không biết.
Cả mấy người cùng cười. Ông Quýnh nói:
- Tham ăn cho chết. Tôi không mấy khi được những dịp ấy. Vì giống giang rất tinh mắt cho nên tôi bảo cậu may là đúng lắm.
Thấy tiếng may, tôi liếc Mai. Mai cũng nhìn cha, có ý không bằng lòng. Như thế đủ cho tôi rồi. Được Mai đồng ý, tôi hả hê lắm. Cho nên còn con thứ tư, tôi nói kháy ông Quýnh:
- Con này thì thật không tinh mắt tí nào, vì con đứng ngay đằng trước mà bắn, lúc nó đang nuốt dở con cá.
Ông Quýnh gật gù:
- Tôi bảo cậu may là đúng lắm, vì mọi khi giống giang rất tinh mắt.
Mai thấy cha cố dìm nhân tài, bèn lườm và nũng nịu:
- Thầy lại cứ bảo thế!
Ông Quýnh ngọt ngào cười, nhìn con gái, nhìn tôi rồi ngồi xổm cạnh bốn con giang, ông cầm cả bốn cái cố giơ lên như để phân vua, và giảng:
- Thầy bảo cậu Quốc bắn được lũ giang này là may lắm, thầy nói chẳng ngoa, vì xưa nay giang rất tinh mắt. Đây con xem nếu cậu ấy không may, sao tình cờ lại gặp cả bốn con bị khâu mắt sẵn thế này mà bắn bao giờ.
Thôi chết rồi! Tôi giật mình đánh thót, cố dương to mắt để nhìn kỹ. Bỗng cá trong người tôi như bị cái gì nó bò khắp mạch máu. Thì ra bấy giờ tôi mới trông thấy mắt giang bị khâu bằng chì thâm thật!
Trời ơi! Túi tôi hết đạn, tôi tự tử bằng cái gì bây giờ.