Rồi sau, nó tìm đến phố Nối là chỗ cỏ thể dễ kiếm ăn. Thực vậy, suốt ngày, ô-tô Hà Nội Hải Phòng hay Hưng yên, mấy chục chuyến đi chuyến về, cái nào cũng om ở đấy ít ra là mười phút. Như thế, nó có đủ thì giờ để làm công việc sinh nhai.
- Lạy cụ, lạy ông, lạy bà, thí bỏ cho con lưng cơn bát cháo.
Tay chống cái gậy, tay bưng cái rá, nó đi xung quanh thành xe mấy vòng, ngửa mặt lên, miệng nhai mãi câu ấy. Nhưng chẳng kiếm được cái chi để nhai vào miệng!
- Mày lành lặn thế này, sao không đi làm đi ăn, chỉ lười biếng quen xác thôi!
- Thừa tiền cũng cho đến thứ mày!

Người ta mắng nó. Người ta không cho nó. Vì bộ mã của nó làm hại nó. Người ta chỉ trông thấy nó là ăn mày, mà bề ngoài không đui, què, mẻ, sứt, chứ người ta biết đâu là nó không thể làm gì được. Nó cũng là người nó biết đi xin thế này là nhục. Nhưng làm thế nào được? Khốn nạn! Nào nó có lười biếng gì cho cam? Nó có máu động kinh, lắm lúc đương yên lành tử tế, thì lăn đùng ra đất, mắt trợn lên, bọt mép sùi ngầu. Như thế một lúc, rồi, dù không có ai gọi, nô cũng tỉnh, lóp ngóp dậy. Lại khoẻ khoắn như thường. Trước nó đã đi ở, Nhưng thấy thế, người ta khiếp nó, đuổi đi, chẳng nuôi nó nữa. Cho nên cả vùng ấy biết nó hay động kinh, chẳng ai dám chứa. Vì lỡ ra nó chết quay ra đấy thì tội vạ ai mang cho?

Bởi vậy, nó phải đi ăn mày. Nhưng ai biết bề trong nó bệnh tật như thế Người ta nhiếc nó. Trước mắt nó người ta cho bà lão loà một trinh. Người ta cho thằng bé cụt một xu. Mà nó thì kêu rã bọt mép, chẳng được tý gì cái. Nào có phải người ta bụng chẳng tốt. Chỉ vì số nó chẳng tốt như thằng bé cụt, như bà lão loà.

Mỗi chuyến xe quay máy, nó nhìn cái rá nhẹ như lúc xe chưa đến, thi nó thở dài. Nó thấy các bạn nó, đứa nào cũng khoe nhau được cái nọ cái kia thì nó thèm.

Thèm bao nhiêu, nó buồn cho nó bấy nhiêu. Nó thua kém đủ bề. Chẳng may trời đày nó làm kiếp ăn mày mà lại bắt nó phải lành lặn. Gia dĩ đến cái gầy gò xấu xí cũng không được bằng ai! Rõ khố!
Toe! Toe. Lại một cái ô-tô nữa sình sịch đến.
Cũng như mọi bận nó ra đứng đón trước tiên.
- Lạy quan lớn, xin quan lớn một xu!
Ông béo phị thấy nó giúi cái rá vào lưng, mở choàng dậy, nhăn nhó mặt. Muốn nó đừng làm mất giấc ngủ, ông ấy móc túi.
- Lạy quan lớn, xin quan lớn một xu!
Nó lại nhắc cái lòng từ thiện của ông “quan lớn” chứa chan hy vọng. Nhưng ông ấy nhìn nó, ngắm nó từ đầu đến chân, rồi lắc đầu, bĩu môi, rồi lại kề cái đầu vào thành xe, lim dim hai mắt. Kệ nó.
- Lạy quan lớn, xin quan lớn một xu!
Ông “quan lớn” nói giọng ngái ngủ:
- Đi mà làm ăn! Đừng lười thế.
Chỉ được có một một câu luân lý làm phúc mà nó đã nghe nhẵn cả tai. Biết ông ấy đá lắm, nó gí cái rá vào lưng người bên cạnh:
- Con lạy thầy khoá, con xin thầy khoá kiếm bữa ăn?
Lúc ấy, xung quanh chiếc xe, một lũ ăn mày cũng đương làm việc. Tiếng xin nheo nhéo, ai cũng cố quảng cáo cái bệnh, cái tật của mình:
- Thân con mắt mù chân chậm, làm ăn chả được, con xin ông xin bà thí bỏ cho con đồng trinh?
- Mùa hè bà đóng bè làm phúc, bà ơi!
- Giầu hai con mắt, đói khó hai bàn tay, con kêu van cửa ông cửa bà, thí bỏ cho con bát cháo lưng hồ.
- Ới đói ơi ]à đói ơi! Giời bắt tội tôi thế này! Lạy quan lớn!
Ai cũng nỉ non. Ai cũng khóc lóc. Cho nên ai cũng được ít ra là một trinh Bảo Đại. Nhưng đến nó thi ngươi ta bảo;
- Cho ông cụ còng kia còn được phúc hơn? Mày què đi thì lần sau tao cho!
- Mặc kệ mày, cho mày chết đói!
Rồi chiếc xe ô-tô chạy đi. Cái rá của nó cũng như nó vẫn ngoác miệng ra; không nặng gì hơn trước.
Nó ngồi ở bờ đường, nhìn bọn ăn xin tản mát mỗi người một nơi. Thằng Cún tập tênh với cái gậy, mồm ngồm ngoàm mẩu bánh tây bố thí. Ông lão Cóc nhẩy bằng tay đến gốc cây, móc túi đếm tiền. Bà cụ loà lần dải yếm, để cất mấy đồng xu mới xin được.
Nó vơ vẩn. Nó nghĩ. Thì dễ nó chịu chết đói chắc?
- Mặc kệ mày, cho mày chết đói!
Nếu nó chết đói, là chỉ vì tội nó lành lặn.
- Mày què đi thì bận sau tao cho!
- Sao nó không được què? Vả què thi có khó quái gì?

Nghĩ đến thế, nó đâm chán, ghét, thù hai chân tay nó. Nếu nó còn hai chân tay, thì nó sẽ chết đói thực chứ chẳng phải cầu đâu!
Rồi nó chống gậy đi. Nó đi, đi mãi. Đến các cây bên cạnh đường, nó đứng lại, nó ngắm. Nó nhìn lên, nhìn xuống. Rồi nó lại đi. Sau, nó đến một cây đa to và cao đáo để. Nó lại đứng lại. Lại ngắm, lại nhìn lên, nhìn xuống. Rồi nó bỏ cái gậy, cái rá với cái nón ở dưới gốc. Nó trèo lên. Khó nhọc quá! Nó ôm, nó đạp, cô mãi mới lên tới một cành cao. Nó bám chặt, nghỉ một chốc; nhìn trên nhìn dưới. Rồi nó cố leo lên được đến một cành cao hơn.
Đến đây, nó ngồi, buông thõng hai chân, vắt vẻo, cúi đầu ngắm xuống đất. Nó thấy ở đằng xa, những chuyến ô-tô dún dẩy trên đường, thẳng về phố Nối. Hành khách thì đông chật như nêm. Nghĩ đến cách kiếm ăn nó phải quả quyết.

Ở đời, làm nghề gì chả phải có vốn? Chả phải cạnh tranh? Đi ăn mày, tương dễ lắm đấy hẳn?
Nó thở dài, nó liều. Nó nhắm nghiền mắt lại, buông phắt hai tay, ngả người ra. Vụt một cái:
- Ối!
Nó rơi đánh bộp xuống đất, nằm còng queo trên cỏ chỉ kêu được một tiếng ấy. Nó nhăn nhó rên. Máu chảy thấm cả ra ngoài áo.
Người ta kéo nhau ra xem, rồi khênh nó đi. Nó mềm nhũn, cánh tay lủng lẳng như chỉ còn bám xoàng vào vai nó một tý lấy lệ. Nó chẳng biết gì nữa.

***
Nửa tháng sau, nó lại đội nón rách cũ, lại khoác cái khố tải cũ xơ xác như tố đỉa, lại ra phố Nối dể xin ăn.
Trông nó hơn trước thực? Vì vết đau chưa khỏi, nên khi nó bám vào ô-tô rũ ruồi nhặng cũng bám theo sau nó. Tay phải nó què hẳn, không giơ rá lên cao được.
Hai chân nó cũng không mang nổi cái mình nó như trước. Nó phải tập tễnh mới đi được. Mặt mũi, mình mẩy nó hom hem xanh rớt. Đố ai không bảo nó là thằng ăn mày.
- Lạy các ông các bà thân con què quặt, con xin các ông các bà đồng cơm đồng cháo.
Người ta quẳng vào rá nó đồng xu. Người ta chép miệng, cho nó cái bánh giò ăn dở. Nó vui đời lắm.
Từ ngày kiếm được cái vốn để sinh nhai, nó được mát mặt hơn trước nhiều, không lo chết đói nữa.
Nhưng mỗi khi trở trời, thì; khốn nạn thân nó, nó thấy đau như dần ở cái khớp xương bả vai và đầu gối. Nhiều hôm, không thể gượng chống gậy mà đi được, nó phải bắt chước ông lão Cóc. Nó ngồi xổm, chống tay trái xuống đất mà lăng vẹo người đi dần dần. Nhưng đau quá nó nhăn nhó, nó kêu rên, không thể chịu được, đến nỗi ai trông thấy cũng phải động lòng thương.
Nhưng cũng may, ngày nào như thế, nó cũng kiếm được bở hơn ngày thường.

24-11-1993