Một Bác Sỹ ISRAEL Đi Đầu Trong Cuộc Chiến Chống Lại VIRUS EBOLA

Trong lúc cả thế giới đang đặt sự quan tâm hàng đầu vào những diễn biến gần đây của dịch bệnh do virus Ebola đang hoành hành ở các nước Tây Phi và có nguy cơ trở thành một đại dịch thế kỷ đe dọa đến loài người, tại Israel, một bác sỹ cũng đang dành hàng chục năm nghiên cứu để tìm kiếm một phương thuốc đặc trị căn bệnh chết người này.

Với tiến sỹ Leslie Lobel, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học Ben Gurion của Negev, virus Ebola đã không còn trở nên lạ lẫm với ông trong nhiều năm nay.

Tuy nhiên, sự lây lan nhanh chóng của virus này trong thời gian gần đây tại các nước Sierra Leone, Liberia, Guinea và Nigeria đã chứng minh sự cần thiết của các loại vắcxin mà Lobel và nhóm của ông đang nghiên cứu trong 12 năm qua dựa trên việc phân tích các hệ thống miễn dịch tự nhiên của những cá nhân nhiễm Ebola sống sót ở Uganda.

Nhận định trên tờ The times of Israel về bệnh dịch đã giết chết hơn 900 người kể từ tháng Ba năm nay, tiến sỹ Lobel cho rằng sự bùng phát nhanh chóng của dịch bệnh Ebola bắt nguồn từ thực tế là thế giới đã ngủ quên trước cuộc chiến chống lại các căn bệnh truyền nhiễm, “chúng ta đã không có sự giám sát và nghiên cứu đầy đủ về các bệnh này kể từ những năm 1970 đến nay,” ông nói.

Lobel bắt đầu có ý định nghiên cứu về Ebola từ khi ông còn ở Đại học Columbia (Mỹ), trước khi chuyển đến Israel vào năm 2002.Ông cũng thường đến các nước Đông phi khoảng năm lần một năm để tiến hành các nghiên cứu của mình.

Cũng theo tiến sỹ Lobel, quá trình toàn cầu hóa và sự nóng lên của trái đất là yếu tố dẫn đến sự bùng nổ hiện nay của bệnh sốt xuất huyết. Chính hai yếu tố này đã làm thay đổi trạng thái sinh học của dơi, động vật được các nhà khoa học tin rằng là vật chủ tự nhiên của Ebola.

Các nhà khoa học cũng cho rằng khỉ và con người đã bị nhiễm phải virus Ebola sau khi ăn các loại thức ăn chứa nước dãi hoặc phân dơi, cũng như tiếp xúc với các chất này sau đó chạm vào mắt hoặc miệng. Tuy nhiên, Lobel nói rằng điều này mới chỉ được chứng minh đối với virus Marburg (một loại virus sốt xuất huyết khác) chứ không phải Ebola. Tuy vậy, dơi cũng có thể là một vật chủ có khả năng của Ebola, bởi loài dơi không di chuyển xa và ít tiếp xúc với con người. Điều này giải thích vì sao bệnh dịch Ebola hiện mới chỉ giới hạn trong một phạm vi nhất định.

Hiện nay, Lobel cùng đồng sự của mình là tiến sỹ Victoria Yavelsky đang hợp tác với quân đội Mỹ và Viện nghiên cứu virus của Uganda để tìm ra các phương pháp miễn dịch lâu dài đối với Ebola này trên cơ sở sử dụng các kháng thể đơn dòng của con người. Sự hợp tác chặt chẽ với quân đội Mỹ là chiếc chìa khóa quan trọng để thúc đẩy quá trình nghiên cứu khi các nhà khoa học tại Đại học Ben Gurion không thể tiếp cận với Ebola ở Israel. Có rất ít các phòng thí nghiệm có mức độ cách ly cao trên thế giới nói chung và ở các trường đại học Israel nói riêng.

Theo Lobel, có hai nguyên nhân chủ yếu là chi phí vận hàng cho các phòng thí nghiệm như vậy rất cao, hơn nữa Trung Đông là một khu vực bất ổn, việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu Ebola tại đây có độ rủi ro khá cao. Mục tiêu của nhóm nghiên cứu hiện nay là phát triển một loại vắcxin thụ động bao gồm các thành phần của hệ miễn dịch, có thể đem đến khả năng kháng thể ngay lập tức đối với virusEbola. “Điều này sẽ nhanh hơn nhiều so với loại vắc xin chủ động mà quân đội Mỹ vừa giới thiệu và thử nghiệm trên khỉ,” ông Lobel cho biết.

Trong một thời gian dài, Lobel đã theo dõi khoảng 120 bệnh nhân người Uganda đã được chữa khỏi. Ông cũng mất một quãng thời gian tương đối để có được lòng tin của những người may mắn sống sót đến từ một nền văn hóa mà ở đó người ta luôn nghi ngờ các chuyên gia y tế, thậm chí đổ lỗi cho các bác sỹ là nguyên nhân gây ra bệnh dịch.

Trong khi tại các nước phát triển, những người sống sót qua căn bệnh chết người này được coi là một điều kỳ diệu và hết sức may mắn thì tại Uganda họ bị chính những người trong xã hội nguyền rủa. Hiện Lobel cũng đang tập trung sự chú ý vào những diễn biến nguy hiểm của Ebola và có nguy cơ lây lan nhanh hơn so với các đợt dịch trước đây.

Ông tin rằng điều này là do vị trí của khu vực Tây Phi, nơi mà việc áp dụng các biện pháp cách ly để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh gần như vô hiệu. Theo Lobel, đây là điều hết sức nguy hiểm, bởi trong quá khứ tại Trung Phi, cảnh sát và quân đội tại các nước này có thể kiểm soát được sự di chuyển của con người do đó hạn chế được sự lay lan của dịch bệnh.

Thật không may, các nghiên cứu của Lobel và nhóm của ông chưa thể đưa ra được một phương cách hữu hiệu đã điều trị căn bệnh chết người vào thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, vị bác tâm huyết này tin rằng chỉ trong vòng 3 đến 5 năm tới, nhóm của ông sẽ đưa ra được một hỗn hợp bao gồm một vắc-xin ngừa và thuốc điều trị hữu hiệu có thể được cung cấp ngay khi một ổ dịch được phát hiện.

Theo số liệu của Tổ chức y tế thế giới (WHO), chỉ trong 3 ngày từ 2-4/8 vừa qua, đã có thêm 108 trường hợp bị nhiễm mới virus Ebola và 45 người được báo cáo đã chết tại Guinea, Liberia, Nigeria, Sierra Leone.

Hôm 5/8 vừa qua, hai nhân viên cứu trợ nhân đạo người Mỹ bị nhiễm bệnh tại Liberia đã được điều trị bằng một loại thuốc, trước đó đã thử nghiệm thành công trên khỉ, và có dấu hiệu phục hồi. Nếu có hiệu quả tốt, loại thuốc do công ty công nghệ sinh học dược phẩm Mapp Biopharmaceutical của Mỹ phát triển, có thể sẽ đem đến nhiều hy vọng cho con người trước hiểm họa Ebola.