Sự độc đáo của võ phái Lâm Sơn Động:

Dị nhân không huyết áp chơi 24 loại nhạc cụ

GiadinhNet - Võ sư Lương Ngọc Huỳnh được biết đến như một bậc "kỳ nhân" với những món kungfu đặc dị không ai sánh bằng.


Trong môn phái Lâm Sơn Động - võ sư Lương Ngọc Huỳnh không chỉ được biết đến như một người đã có công sáng lập nên môn phái mà anh còn biết đến như một bậc "kỳ nhân" với những món kungfu đặc dị không ai sánh bằng.

Anh là một trong hai nhân vật của Việt Nam được nhắc đến trong cuốn bách khoa thư "Những con người của thiên niên kỷ chúng ta" bên cạnh những tên tuổi như V.Putin (Thủ tướng, nguyên Tổng thống Nga), Y.Luzkov (Thị trưởng Matxcơva) do nhà xuất bản Tuyến đường mới của Nga ấn hành năm 2008. Hiện anh đang sống cùng vợ và con trai 6 tuổi ở Nga.

Trở về từ cõi chết

Võ sư Ngọc Huỳnh bên cạnh người mẹ mà anh vô cùng yêu quý.


"Về lý thuyết, tôi có thể làm được như nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng nếu tôi nắm được nguyên lý và luyện tập đúng cách. Thực ra, mọi thứ đó đều liên quan đến việc mở rộng Luân xa tán. Nếu con người luyện để mở được Luân xa sẽ làm được những điều kỳ diệu mà không ai có thể nghĩ tới. Vấn đề là phải có thời gian dài để luyện. Nhiều khi người ta cứ nghĩ bí kíp là một cuốn sách ghi lại những thủ thuật, những bí quyết riêng của môn phái nhưng thực ra đơn giản nó chỉ là những câu nói khiến người học biết cách vươn tới một đỉnh cao nào đó" - võ sư Lương Ngọc Huỳnh chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Tuấn - mẹ của võ sư Lương Ngọc Huỳnh kể, bà sinh võ sư Lương Ngọc Huỳnh vào khoảng 4 giờ sáng ngày 23/9/1966 bên cạnh chuồng phân của gia đình. Khi sinh ra, Lương Ngọc Huỳnh rơi vào đúng đống trấu mà nhà đang chuẩn bị đốt làm tro bón cây. Mãi đến gần sáng mới có người phát hiện ra bà đã đẻ nên nhờ một bà đỡ trong vùng đến dùng dao nứa cắt rốn cho. 7 ngày sau, Lương Ngọc Huỳnh bị nhiễm trùng cuống rốn. Gia đình đã tìm mọi cách cứu chữa cho anh nhưng đến ngày thứ 9 thì anh gần như đã chết.

"Lúc đó, 10 người thì có tới 9 người nhận định là cháu nó (võ sư Lương Ngọc Huỳnh - PV) sẽ chết chứ không thể sống nổi. Tuy vậy, tôi vẫn muốn "còn nước còn tát" nên quyết định đưa cháu lên bệnh viện Quốc Oai nhưng lên đến đây thì bác sĩ bảo cháu chết rồi, nên đưa về nhà chôn cất" - bà Tuấn thảng thốt nhớ lại.

Khi mọi người trong gia đình đang chuẩn bị đưa Lương Ngọc Huỳnh ra đồng thì bà nội của anh ở Hải Phòng về tới nhà. Nhìn thấy đứa cháu nội còn đỏ hỏn, mặt mũi khôi ngô bà không khỏi xót xa. Bà bế cháu nội vào lòng rồi đưa lên gần tai để nghe nhịp tim thì lạ thay tim vẫn còn đập dù nhịp thở không còn. Lập tức cả gia đình lại đưa anh lên bệnh viện Gồ - Sơn Tây.

Ở đây, Lương Ngọc Huỳnh may mắn gặp được một vị giáo sư bác sỹ người Đức rất giỏi về sài uốn ván tên là Johan đang có mặt ở bệnh viện trực tiếp chữa trị cho. Sau 3 tháng, anh đã sống trở lại nhưng toàn thân vẫn còn bại liệt, chân tay co quắp, thi thoảng vẫn lên cơn co giật.

"Thời ấy trẻ con chết nhiều lắm nên 15 ngày ở cùng con trong phòng cấp cứu mà tôi cứ như người mất hồn, vừa lo sợ vừa hoang mang. Cho đến khi đã rời khỏi phòng cấp cứu chuyển rồi nhưng chân tay cháu nó vẫn nắm chặt, hai chân bắt chéo như nằm trong bụng mẹ. Cô y tá cứ dặn tôi là "kệ cháu nhé! bệnh này khỏi đến đâu thì tự nó sẽ mở tay đến đó, đừng có cạy tay cháu ra nếu không sẽ gãy tay đấy!". Sau này, khi cháu nó tự mở dần nắm tay ra thì cả bàn tay bị hoại tử, thịt da thối hết. 8 tháng vẫn còn ngoặt ngẽo, 3 năm mới biết đi" - bà Tuấn kể tiếp.

Bản thân cụ Nguyễn Thị Tỵ - bà nội võ sư Lương Ngọc Huỳnh là một người am tường y học và võ thuật nên chính bà đã trực tiếp châm cứu, bấm huyệt và vận dụng các phương thuốc gia truyền để điều trị cho anh. Cùng với việc lấy dây phanh xe đạp tước ra, cắt ngắn, mài nhọn, đốt nóng, lau bằng rượu rồi châm vào các huyệt trên cơ thể người cháu nội tật nguyền cụ Tỵ còn đi khắp nơi sưu tầm các bài thuốc quý về chữa bệnh cho cháu nội. Nhờ thế từ một "xác chết", Lương Ngọc Huỳnh nhanh chóng trở thành một cậu bé thông minh, hiếu động và tài năng nhất nhà.

Lên 4 tuổi, Lương Ngọc Huỳnh đã đánh được đàn bầu một cách thuần thục. Cho đến bây giờ ông Nguyễn Ngọc Bỉnh (bố của võ sư Lương Ngọc Huỳnh - PV) vẫn không thể lý giải nổi vì sao một cậu bé 4 tuổi, người bé cỏn con, không được ai chỉ dạy nhiều... lại có thể điều khiển được chiếc đàn bầu to lớn và biểu diễn các bản dân ca Bắc Bộ một cách mềm mại.

"Lúc tôi đánh đàn bầu, cháu nó cứ chạy quanh xem rồi thắc mắc "Tại sao bố đánh vào dây mà mỗi chỗ lại ra mỗi tiếng?". Tôi chỉ cho cháu mấy đường cơ bản chứ không có nhiều thời gian dạy cháu đánh đàn vì hồi đó nhà đông con, phải đi làm để kiếm tiền nuôi cả nhà. Sau này nghe bà nhà tôi kể lại, mỗi lần nghe tiếng đàn bầu trên đài phát thanh của xã cất lên là cháu lại chạy ra đầu ngõ lắng nghe rồi vào tập đánh lại. Cứ thế, cứ thế không ai dạy nhưng Huỳnh đã làm cả nhà phải ngạc nhiên bởi tài năng của mình" - ông Bỉnh kể. Tính đến nay, võ sư Lương Ngọc Huỳnh đã có thể chơi được 24 nhạc cụ khác nhau, trong đó thế mạnh và sở trường của anh là đàn bầu, nhị, sáo trúc và ghita. Hiện anh có 20 ca khúc chưa được công bố.

Trở thành "kỳ nhân" Lâm Sơn Động

Năm 12 tuổi, cậu bé Lương Ngọc Huỳnh bắt đầu say mê võ học. Bà nội lại tiếp tục là người giúp anh đến với niềm đam mê này và cũng là người đã truyền dạy cho anh những bí quyết võ nghiệp không ai có.

22 tuổi, Lương Ngọc Huỳnh đã có thể sống được bằng nghề dạy võ. Sau một thời gian đi nghĩa vụ quân sự, khi trở về, anh quyết định mở một võ đường để dạy võ cho các thanh niên trong vùng. Chỉ trong một thời gian ngắn, thanh niên từ các tỉnh lân cận như Hà Nội, Nam Định, Hòa Bình... kéo về học rất đông khiến cho tiếng tăm Lâm Sơn Động đi mỗi ngày một xa.

Tuy nhiên, do thời đó việc xin được thủ tục để thành lập môn phái là cả một vấn đề. Bên cạnh đó, trong giới võ lâm cũng đã có rất nhiều môn phái hoạt động. Nghe tiếng anh giỏi võ, nhiều "anh hùng" trong lẫn ngoài giới võ lâm không tin, đã tìm đến thử thách để "so bước giang hồ". Những cuộc tỉ thí diễn ra ngay tại võ đường và trong hầu hết các cuộc tỉ thí anh đều là người chiến thắng.

"Tôi không nhớ nổi đã tỉ thí với bao nhiêu người hoặc có bao nhiêu trận, chỉ nhớ thời đó có ngày tôi đấu tới ba hiệp và đều giành phần thắng cả ba" - võ sư Lương Ngọc Huỳnh nhớ lại.

Mãi đến năm 1990, khi tài năng của anh được giới võ lâm thực sự ngưỡng mộ và cơ chế nhà nước mở cửa hơn, Sở Thể dục thể thao Hà Tây (cũ) đã cấp phép cho gia đình anh được thành lập môn phái. Từ đó mở ra những bước ngoặt mới trong cuộc đời võ thuật của anh.

Võ sư Lương Ngọc Huỳnh cho biết, trong võ thuật có rất nhiều bậc khác nhau cho nên không phải học qua đã hiểu và luyện thành công ngay được. Có những cái ngày xưa bà nội từng truyền dạy cho anh nhưng đến bây giờ anh vẫn chưa thể hiểu hết vì nó quá thâm sâu. Theo võ sư Lương Ngọc Huỳnh, nếu am tường khí công và võ học, con người có thể luyện để đạt tới độ nhắm mắt lại mà vẫn điều khiển được người khác làm theo ý mình hoặc có thể có được khả năng ngoại cảm.

Riêng việc có thể hạ huyết áp xuống mức không và thực hiện được các màn kungfu tuyệt đỉnh mà trong môn phái không ai làm được, võ sư Ngọc Huỳnh luyện tập trong một thời gian khá dài. Theo anh, thực chất việc huyết áp hạ xuống thấp hay lên cao, con người có thể kiểm soát được, chỉ có điều muốn làm được điều đó thì phải luyện được tinh thần hay còn gọi là ý thức.

"Huyết áp trong cơ thể được người ta phân định rõ ràng là do sự chênh lệch giữa tâm thu và tâm trương. Khi sự chênh lệch đó tăng lên một quá ngưỡng giới hạn (120/80) thì người ta gọi là tăng huyết áp và xuống dưới ngưỡng đó thì gọi là hạ huyết áp. Người luyện khí công phải hiểu được cái gì tạo nên sự chênh lệch giữa tâm thu và tâm trương thì mới biết được cách để cân bằng nó. Trên thực tế, trong cơ thể con người ngoài tim ra thì còn áo tim (màng tim) là một nhân tố góp phần tạo nên huyết áp. Khi tim đập, áo tim đập theo nhịp nhàng thì huyết áp bình thường nhưng muốn huyết áp tụt xuống thì phải làm áo tim đứng yên. Để áo tim đứng yên mà tim vẫn đập, máu vẫn chạy đi khắp cơ thể thì phải dùng ý thức chi phối thần kinh ngoại biên, chi phối hệ thống động mạch... Cứ thế tôi tập hàng giờ, hàng ngày và bây giờ thì tôi đã có thể ngồi từ sáng hôm nay đến sáng hôm sau trong tư thế huyết áp bằng không mà không hề hấn gì" - võ sư Ngọc Huỳnh giảng giải.

Cũng nhờ nắm vững được hệ thống nguyên lý căn bản của khí công và y học cổ truyền mà võ sư Lương Ngọc Huỳnh đã luyện được những kungfu độc đáo. Trong số 52 màn đặc dị kungfu mà Lâm Sơn Động lập kỷ lục Guiness, hầu hết anh đều biểu diễn được. Lương Ngọc Huỳnh là người có công rất lớn trong việc đưa môn võ truyền thống của dòng họ ra phổ biến ở khắp thế giới. Hiện ở Nga, Pháp, Mỹ, Nhật Bản... đều có võ đường dạy võ Lâm Sơn Động và bản thân anh cũng được giới võ lâm các nước rất nể phục và kính trọng.

Và của nước Nga

Bác sĩ Lã Đình Quang và võ sư Lương Ngọc Huỳnh (phải) trong ngày ra mắt cuốn sách.


Năm 2008, trong cuốn bách khoa thư "Những con người của thiên niên kỷ chúng ta" do nhà xuất bản Tuyến đường mới của Nga ấn hành có 2 bài viết gắn liền với 2 nhân vật của Việt Nam là Lã Đình Quang và Lương Ngọc Huỳnh. Trong tổng số 72 bài viết về 72 cá nhân xuất sắc có nhiều đóng góp cho cộng đồng không phân biệt tôn giáo, quốc tịch, đẳng cấp... này, 2 nhân vật là võ sư - bác sĩ - viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh và bác sĩ Lã Đình Quang đã được đặt cạnh những nhân vật nổi tiếng V.Putin (Thủ tướng, nguyên Tổng thống Nga), Y.Luzkov (Thị trưởng Mátxcơva)... Bài viết về Lương Ngọc Huỳnh có tựa đề "Người kế thừa những kiến thức vĩ đại". "Những kiến thức vĩ đại" ở đây chính là võ thuật và y học đã được kết hợp nhuần nhuyễn với nhau để chữa bệnh cho hơn 20.000 bệnh nhân trong 7 năm liền.

Sau khi thôi làm việc ở Đông Nam Dược Bảo Long, võ sư Lương Ngọc Huỳnh đã quyết định mang võ thuật và y học sang Nga để phổ biến và chữa bệnh cứu người. Bằng một mẩu quảng cáo nhỏ, lớp võ của anh đã thu hút được hàng nghìn người đến học. "Thời gian mới sang Nga, tôi gặp rất nhiều người Việt Nam do hoàn cảnh khó khăn nên có bệnh mà không dám đi khám, chỉ đến khi bệnh nặng mới đưa về Việt Nam chữa trị. Tôi mạnh dạn đăng một lời rao trên báo "Võ sư Lương Ngọc Huỳnh nhận chữa bệnh miễn phí". Ngay lập tức, hàng chục người tìm đến nhờ tôi chữa bệnh rồi cứ thế người này truyền sang cho người kia. Thời gian đầu, trung bình tôi chữa trị cho hơn 30 người sau dần đông đúc hơn" - võ sư Ngọc Huỳnh kể.

Hiện tại, anh cùng với một số người bạn Nga đã mở ra một số trung tâm khám chữa bệnh theo y học cổ truyền để chữa trị cho bệnh nhân của nhiều nước sống trên đất Nga. Khi kể về những tháng ngày lăn lộn trên xứ sở bạch dương với tấm lòng đem võ thuật và y học cổ truyền phổ biến, cứu người, võ sư Lương Ngọc Huỳnh như chùng xuống trong nhiều ký ức vụn vỡ.

Anh kể, ngày mới sang Nga, bằng Lương y mang từ Việt Nam sang không có giá trị nên anh phải theo học chương trình chuyển đổi của trường ĐH Y khoa Mátxcơva. Sau 6 năm anh được cấp bằng bác sĩ Dân tộc học. Anh tiếp tục học thêm về chuyên khoa Thần kinh học, tiếp đến là Dược học. Dựa trên những kiến thức đã học được Lương Ngọc Huỳnh đi sâu vào nghiên cứu các phương pháp bắt mạch, gọi là Lương gia mạch học.

Năm 2007, sau nhiều năm mày mò, nghiên cứu và đút rút Lương Ngọc Huỳnh đã gửi đến Viện Hàn lâm Khoa học Mông Cổ đề án sử dụng các phương pháp khí công để chữa bệnh (Viện Hàn lâm Khoa học Mông Cổ được 18 nước trên thế giới công nhận và có trụ sở chính ở Mỹ - PV). Đích thân bà viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Mông Cổ đã qua Nga gặp trực tiếp anh để thử thách.

"Bà đề nghị tôi khám bệnh cho bà và tôi đã tự tay bắt mạch rồi chẩn đoán bệnh. Sau khi tôi đưa ra kết quả bà đã thừa nhận những kết quả tôi chẩn đoán khớp với kết quả xét nghiệm mà họ đã làm trước đó. Tôi điều trị cho bà và chỉ sau một thời gian ngắn những bệnh cơ bản như thoái hoá đốt sống cổ, mỡ trong máu... đã giảm rõ rệt". Ngay sau bài test này, Lương Ngọc Huỳnh được phong Viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm khoa học Mông Cổ.

Sự nghiệp y học của anh nhanh chóng phát thịnh và rất nhiều người Nga đã trao gửi hết niềm tin của mình cho anh. Trong số các ca bệnh nan y mà anh từng ra tay cứu chữa, nhớ nhất đối với anh là trường hợp của cô bé Elena. Năm 17 tuổi, Elena được phát hiện có tới 4 quả thận. Chức năng của thận giảm, cô bé không tự chủ được trong việc tiểu tiện. Các giáo sư của Nga đã không dám mổ tách thận vì sợ biến chứng. Họ đề nghị can thiệp bằng đông y. Elena đã tìm đến Lương Ngọc Huỳnh và mặc dù anh không thể làm teo 2 quả thận nhỏ cho cô nhưng anh lại giúp cô kiểm soát được việc tiểu tiện. Bây giờ Elena đã 20 tuổi và mọi sinh hoạt của cô diễn ra bình thường.

Thị trưởng Mátxcơva Y.Luzkov và Tổng thống nhiều nước thuộc Liên Xô cũ là "khách hàng ruột" của Lương Ngọc Huỳnh. Nhiều doanh nhân nổi tiếng cũng tìm đến anh. Bây giờ thỉnh thoảng lại thấy anh đi vắng từ 7- 10 ngày. Các thương gia, chính trị gia,... giới thiệu nhau và thường dùng chuyên cơ đưa đón Lương Ngọc Huỳnh đến chữa bệnh. Những nơi anh đến bây giờ là Israel, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đảo Síp...

Hà Tùng Long